Chi tiết tin tức

Bạn trẻ & lối hành xử “ném đá”

10:46:00 - 25/09/2013
(PGNĐ) -   “Ném đá” sẽ là bạo lực, là không nên nếu “ném đá giấu tay”, vì ngay hành vi giấu mặt ấy đã cho thấy mình không có bản lĩnh trong những phát ngôn của mình. .. 
Kể từ khi các trang mạng xã hội ra đời thì từ “ném đá” trở thành “chuyên dụng” dành cho những cuộc “tấn công” rầm rộ, theo kiểu đám đông trước cái không hay, không đẹp của một hiện tượng, cá nhân nào đó. Nhưng, đôi khi “đá” cũng được ném một cách loạn xạ, không có chính kiến, thấy người khác ném thì mình cũng tham gia, gây nên những “sóng gió” trên mạng.
 

Anh 2 PGTT GN 711.jpg

"Ném đá" trên mạng - Ảnh minh họa

Nếu “ném đá” là một việc làm lên tiếng phản đối những cái chưa được, không đẹp hoặc xấu xí của một hiện tượng, cá nhân, tổ chức nào đó ngõ hầu mang lại sự thay đổi tích cực thì việc làm đó cũng cần thiết trong cuộc sống - vì cuộc sống luôn cần sự phản biện đa chiều. Và, người làm công việc ấy ít nhiều cũng góp phần cải thiện xã hội, hoặc giúp mình lưu ý về những gì đang diễn ra không đẹp để có ý thức tránh và sống tốt lên.

Tuy nhiên, đâu phải bạn trẻ nào cũng có ý thức khi tham gia vào mạng xã hội, nếu không muốn nói là có rất nhiều bạn trẻ nghĩ mạng là “ảo” nên cứ sống lây lất, không chính kiến và không ngại lăn tăn truy cập vào những trang web có nội dung không lành mạnh, kích động tình dục hoặc bạo động.

“Ném đá” sẽ là bạo lực, là không nên nếu “ném đá giấu tay”, vì ngay hành vi giấu mặt ấy đã cho thấy mình không có bản lĩnh trong những phát ngôn của mình. Do vậy, có thể thấy, rất nhiều người trẻ thích lang thang trên mạng, thích “ném đá” chính là vì họ thiếu một chính kiến, thiếu một sự tự tin cần thiết cũng như sự cân nhắc trong việc làm đó. Nên, việc hùa theo đấm đánh một người dù xấu hay chưa biết rõ về họ cũng là việc làm nguy hiểm trong tâm thức vì nó có thể sẽ hình thành những tì vết bên trong tâm hồn.

Một thế hệ trẻ nếu không có chính kiến trong nhận định và sống hùa theo, nhìn cái đúng là cái của đám đông thì sẽ rất nguy hiểm, nhất là khi đám đông ấy cũng không hề có chính kiến. Do đó, hãy cẩn thận khi cầm “đá” trên tay, bởi rất có thể bạn chỉ ném nó theo hướng mà nhiều người ném chứ không phải là điều mà bạn thấy rằng mình cần phải lên tiếng, phản biện.

Không ai cổ xúy cho một người thụ động, sống “sao cũng được” theo kiểu lặng lẽ, qua ngày đoạn tháng, không tư duy và không làm gì tích cực, không dấn thân giúp đời, giúp người. Nhưng, cũng sẽ không ai cổ xúy cho người “sao cũng được”, thuộc dạng “ba phải”, ai nghĩ sao, mình nghĩ vậy cho nó khỏe, có lên tiếng nhưng lại là tiếng nói hòa chung vào đám đông để khỏi phải chịu trách nhiệm gì hết.

Nói như thế, để bạn là người trẻ, bạn cần phải nói tiếng nói của mình, dẫu có thể chưa đúng, nhưng nói ra là cơ hội để học tập, để sửa vì mình không “giấu dốt”. Vì thế, bạn không nên lẩn khuất trong đám đông, “ném đá” tập thể trên mạng ảo, nhưng kỳ thực nó tạo ra một con người thật, thiếu một can đảm cũng như thiếu một chính kiến lâu dài.

Là đệ tử Phật, phải hiểu chính kiến được xây dựng trước tiên và trên hết từ lời Phật dạy, để mỗi khi nói hoặc viết một điều gì đó trên mạng, nơi trang nhà của mình bạn cũng phải biết mình có đang nói, viết theo như những gì Đức Thế Tôn đã tuyên thuyết? Đó là viết hay nói gì cũng nghĩ tới hậu quả của nó, đừng có thiếu từ bi trong các đánh giá, nhận định để rồi hùa theo đám đông, ức hiếp một người hoặc một nhóm nhỏ. Hơn nữa, có những hiện tượng ta cần phải biết im lặng để lòng mình không lao xao, không chạy theo nó theo cái cách mà thế gian đang chạy, rồi đánh mất mình trong ý nghĩa: đánh mất bình an, lòng từ tẩu tán.

Không nên vội vàng kết luận một điều gì, kể cả tâng bốc hay hạ bệ một ai đó, một hiện tượng nào đó, vì vốn dĩ, cái gì cũng có hai mặt và có lý do riêng của nó. Một hiện tượng xấu, một người chưa tốt cần lên tiếng, góp ý, cần phản biện để chỉnh đốn nhưng không có nghĩa là loại trừ, là “ném đá” cho bõ ghét. Nếu nghĩ như thế, làm như thế thì mình sẽ không còn bình an nữa, và mình sẽ không còn giống một người con Phật, vì bình an, trung dung vốn là dấu hiệu để người ta nhận diện mình là đệ tử Phật, có học và hành theo lời Đức Thế Tôn dạy chứ không phải chỉ là nhân danh cho có “tiếng” mà thực chất thì… không có “miếng” nào!

 

 

Đỗ Thị Hiền (GNO)

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin