Chi tiết tin tức

Cho em lựa chọn một con đường...

21:54:00 - 29/12/2015
(PGNĐ) -  Tôi đã từng nói với em con đường tu rất đẹp và dĩ nhiên, nó đẹp bởi tâm hồn người xuất sĩ rộng mênh mông như trời cao, nhẹ nhàng như mây trắng và phẳng lặng như hồ trong.

Em cũng nghĩ xuất gia là con đường thênh thang nhất, êm đềm nhất. Em muốn bước chân vào con đường tu, em muốn được sống một đời thanh thoát, em muốn tránh xa những giông tố của cuộc đời. Nhưng thật ra, mọi con đường đều đầy hoa thơm và cỏ dại kèm cả đất đá chông gai, tất nhiên, con đường tu cũng không ngoại lệ. Con đường ấy là một quá trình dài đầy nỗ lực. 

anh 1, PGTT 827.jpg
Con đường an vui - Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu

Em dự định xuất gia. Tôi không khuyên em nên hay không. Bao thế hệ đã đi, tôi đang đi và em sẽ đi trên con đường ấy, mỗi người sẽ cảm nhận bằng sáu giác quan, bằng phước đức và nghiệp duyên của mình. Tôi không thể nhìn vào một ai và bây giờ em cũng không thể nhìn vào tôi. Cuộc đời là một chuỗi dài bất tận hợp tan và đời tu là một hành trình tự trải nghiệm. Tôi chỉ có thể giúp em nhận ra con đường và em sẽ tự quyết định.

Bản thân em, tuổi 20 với biết bao nhiêu dự định, khát vọng, mơ ước… Em bước giữa dòng đời, sẽ có tấm bằng, tìm cho mình một công việc và rồi trước sau, em sẽ - vẫn - phải xây dựng gia đình. Mọi thứ cứ tuần tự và em trải qua như những thế hệ trước đã từng. Có thể em đang có tất cả từ tấm bằng của em và cũng có thể suốt cả cuộc đời phấn đấu, em vẫn thấy mình còn thiếu. Cứ cho em đầy đủ tất cả thì khi muốn đi tu, làm hành sĩ bước đến phương trời cao rộng, em phải từ bỏ tất cả. Bỏ những thứ em đang sở hữu đến những gì sẽ có trong tương lai.

Tôi biết, để làm được điều đó thường rất khó. Chưa kể, khi từ bỏ, em sẽ chịu rất nhiều áp lực. Có thể, đó là lời tiếc nuối, lời chê trách, cười nhạo… từ nhiều phía, trong đó có gia đình, bạn bè - những người yêu thương, quan tâm em. Để rảnh rang trong việc tu Phật, theo đạo giải thoát, em phải học từ bỏ. Em sẽ phải vượt qua tất cả những áp lực và sự luyến tiếc. Đó là điều đầu tiên em phải làm.

Điều thứ hai đó là chấp nhận tất cả. Em nhận thấy một người khoác áo tu đầy hấp dẫn, đầy cao quý. Nhưng rồi một ngày khi em khoác chiếc áo đó vào và nhận ra người tu vẫn còn gì đó “không như là mơ” khiến em thối tâm. Em cần phải hiểu rằng tu là một quá trình “gạn đục khơi trong” và người tu đang thực hiện quá trình ấy. Vì là đang tu, đang bước trên đường tu tập giải thoát nên tham-sân-si, đố kỵ-ích kỷ vẫn còn sót lại. Những lúc không kiểm soát được sẽ biểu hiện và em nhìn thấy, khiến thần tượng trong em đổ vỡ. Đây là chướng ngại lớn trên bước đường tu không chỉ của riêng em.

Là người có trình độ học thức nên em sẽ so sánh rất nhiều. Và điều này rất tệ hại cho việc tu. Em biết, so sánh bao giờ cũng khập khiễng nên đừng bao giờ so sánh. Em hãy dùng lý trí để sống và dùng con tim rộng mở để bao dung mà tu.

Tôi còn muốn nói với em rằng, tu Phật không phải chỉ mặc áo tu và ở chùa. Mà tu Phật là tu trong mọi hoàn cảnh. Cốt yếu giữ tâm ý thanh tịnh, thân khẩu nghiêm trang thì em cũng là vị Bồ-tát. Thực ra, trong thời đại hôm nay, Phật giáo rất cần những cư sĩ Phật tử có trình độ như em để hoằng pháp. Bởi lẽ có những nơi, người mang chiếc áo tu không thể đến được; có những nơi cần hình bóng một cư sĩ mang tâm hạnh Bồ-tát như em. Đấy có thể là một gợi ý để em có thêm một cái nhìn để lựa chọn một con đường.

Tuy nhiên, dù đó là con đường nào, vẫn luôn hy vọng em sẽ là sứ giả của Như Lai, mang hạnh nguyện dấn thân vì chúng sanh. Mong em luôn bình an...

 

Phan Thạnh (TT-Huế)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin