Chi tiết tin tức

Để "giang hồ mạng" không thành thần tượng của giới trẻ

20:53:00 - 05/05/2019
(PGNĐ) -  Có lẽ ai cũng có một đối tượng để thần tượng, tuy nhiên để biết được đâu là thần tượng giúp mình thay đổi tích cực, không phải bạn trẻ nào cũng nhận ra...

Khi giới trẻ cuồng thần tượng

Cuồng thần tượng là cụm từ dùng để chỉ những người say mê, yêu thích, thậm chí là tôn sùng các thần tượng của mình một cách mê muội, quá khích, mất kiểm soát. Có rất nhiều bài báo về những fanclub sẵn sàng sống chết để bảo vệ thần tượng của mình hoặc những cá nhân bắt chước thần tượng từ đầu tóc, quần áo cho đến tính cách, điệu bộ.

Anh cuong than tuong.jpg
Bạn trẻ cuồng nhiệt với một nhóm nhạc Hàn
trong khi đời sống của một số thành viên có vấn đề - Ảnh minh họa

Với những ai yêu thích nghệ sĩ Hàn Quốc có lẽ vẫn chưa quên được sự kiện chàng ca sĩ, diễn viên nổi tiếng Bi Rain đến Việt Nam tháng 3-2012, sau đêm lưu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội, một nhóm bạn trẻ đã quỳ xuống hôn chiếc ghế mà Bi Rain vừa ngồi. Tháng 10-2017, một bài báo đưa tin hàng loạt fan nữ rạch tay khắc tên của ca sĩ Du Thiên vì hâm mộ. Cùng thời điểm, một fan cuồng đòi tự tử, mắng chửi công khai bố mẹ trên mạng xã hội chỉ vì bố mẹ không cho tiền mua vé xem ca sĩ Sơn Tùng M-TP biểu diễn.

Thậm chí, có rất nhiều người đã tìm cách tự tử theo thần tượng của mình. Điển hình như vụ tự tử của ca sĩ Kim Jonghuyn (Hàn Quốc) vào tháng 12-2017, một khán giả nữ đã uống thuốc quá liều sau khi biết tin Kim Jonghuyn qua đời.

 “Giang hồ mạng” trở thành… thần tượng

Đầu tháng 4-2019, mạng xã hội đã dậy sóng khi hiện tượng mạng Khá “Bảnh” (tên thật Ngô Bá Khá, ở Bắc Ninh) bị bắt giữ vì tội danh “Đánh bạc và tổ chức đánh bạc”. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định Khá dương tính với ma túy. Các trang báo liên tục đưa tin về vụ việc trên và dư luận mới giật mình nhìn lại sự nổi tiếng của Khá “Bảnh”.

Nổi lên đình đám như một hiện tượng mạng vào năm 2017, thời điểm đó mạng xã hội đăng tải đoạn video cho thấy có rất nhiều xe ô-tô cùng nhiều người đến đón Khá vừa ra trại trong tiếng hò reo. Từ sau đoạn video ấy, Khá đã được phần đông giới trẻ xem như thần tượng. Với lý lịch đã từng một lầnđi tù, một lần đi trại giáo dưỡng vì cùng một tội danh “Cố ý gây thương tích”, hai lần gần đây nhất vào tháng 3-2019, Khá bị cơ quan công an mời lên làm việc liên quan đến việc dừng xe, dàn hàng ngang chụp ảnh trên đường cao tốc hay video đập phá, đốt xe máy gây xôn xao dư luận. Khá “Bảnh” nổi tiếng trên mạng xã hội Facebook vì thường xuyên livestream (phát trực tiếp) chia sẻ về bản thân, về lý lịch bất hảo vào tù, ra trại của mình mà anh ta coi đó như những “chiến tích” được lan truyền rộng rãi đến giới trẻ.

Bên cạnh Facebook, trước khi bị gỡ bỏ khỏi YouTube thì kênh của Khá “Bảnh” đã đạt được gần hai triệu lượt theo dõi, đồng nghĩa với việc được nhận nút Play Vàng danh giá của YouTube (nút Play được xem như là sự vinh danh của YouTube dành cho những đóng góp của kênh đó với cộng đồng và công nhận người sở hữu kênh đó là một người có ảnh hưởng trong xã hội). Những video của Khá trên YouTube xoay quanh nội dung đòi nợ thuê, ăn nhậu, chửi tục dạy dỗ đàn em, quảng cáo cho các trang web cá cược bóng đá, lô đề... Trong một video được đăng tải trên kênh, Khá “Bảnh” đã mang thông điệp phản chuẩn mực văn minh: “Xã hội này không có đúng sai, chỉ có kẻ mạnh người yếu” lại nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới trẻ.

Từ khi nào những hình ảnh tệ nạn lại thu hút giới trẻ đến như vậy? Cô Nguyễn Lan, một giáo viên ở TP.HCM cho rằng, việc những video mang tính chất bạo lực, chửi tục được lan truyền rộng rãi như vậy góp phần dẫn đến tình trạng bạo lực học đường như hiện nay. Các em chưa nhận biết được đâu là đúng, đâu là sai, chỉ muốn thể hiện hơn thua bản thân với các bạn đồng trang lứa. Những hành vi vi phạm pháp luật được coi trọng như một hành động anh hùng, đáng học hỏi thì sẽ gây nguy hiểm cho xã hội.

Trong khi đó, bạn Nguyễn Thị Mỹ Linh (ở Gia Lai) nhận định: “Suy cho cùng, việc thần tượng một ai đó là quyền của mỗi người, nhưng nên ý thức đâu mới là tấm gương đáng noi theo và học hỏi”.

Huỳnh Ngọc Tịnh (25 tuổi) cũng đưa ra ý kiến: “Theo tôi thấy hiện nay có một số bạn trẻ thần tượng theo trào lưu, nghĩa là chỉ cần bắt kịp theo xu hướng là được chứ chưa suy nghĩ kỹ càng về vấn đề đúng sai. Đã là trào lưu thì sẽ không tồn tại lâu được, ‘sớm nở tối tàn’ thôi. YouTube đã xóa kênh của Khá “Bảnh”, đây cũng xem như là một việc tốt nhằm đánh thức mọi người nhận diện việc bài trừ những hình ảnh gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng”.

Các bạn học sinh như Tạ Bảo Nghi (12 tuổi) cũng cảm thấy những hình ảnh của Khá được chia sẻ rộng rãi trên Facebook là rất “xấu xí”: “Em thấy anh Khá “Bảnh” nói tục, xăm mình, chia sẻ câu chuyện bỏ học từ năm lớp 7 và bắt đầu sống bụi đời, sử dụng ma túy được rất nhiều người quan tâm, trong đó có bạn của em nữa. Nhưng em cảm thấy không phù hợp với những người trẻ như tụi em, sẽ là một sự ảnh hưởng không tốt đến suy nghĩ của các bạn”.

Một người mẹ có người con đang trong độ tuổi phát triển, cô Trần Thị Túy Mỹ (ở TP.HCM) chia sẻ rằng, cảm thấy rất bất ngờ khi các video bạo lực, thô tục lại được lan truyền nhanh chóng như vậy. Theo cô, các em nhỏ được tiếp xúc đến các phương tiện truyền thông như máy tính bảng, điện thoại thông minh là rất sớm và sẽ xem được những hình ảnh thế này. Cần thẳng tay loại bỏ những hình ảnh không tốt và giới trẻ nên định hình lại việc thần tượng đúng chuẩn. 

 Mỹ Ngân

 

Chọn hình mẫu đẹp để noi gương

ThS.Lê Thị Mai Liên (Giảng viên khoa Tâm lý học - Trường Đại học KHXH & NV TP.HCM):

Co Mai Lien.jpg

Tâm lý của hiện tượng “nổ, làm quá, kịch tính” từ Khá “Bảnh” xuất phát từ tâm lý muốn nhanh chóng được chú ý, câu view, và lối “ăn xổi ở thì” trong văn hóa, giáo dục của chúng ta. Người thanh niên né tránh sự kiên trì, giáo dục, lao động để phát triển bền vững và xây dựng thành quả, mà đi con đường tắt, nhanh, làm nổi, sống ảo để thu hút nhanh sự chú ý. 

Việc củng cố của người xem càng cổ xúy định hướng giá trị “tắt, nhanh, chơi trội, huênh hoang, tập trung vào đồng tiền và danh ảo thay vì chăm chỉ lao động” này. Từ đó, những giá trị nhân văn của sự “bền vững, kiên trì, khiêm tốn, yêu lao động” vì những lý do nào đó về nguồn gốc gia đình, giáo dục trong gia đình và nhà trường đã không hình thành được ở các bạn trẻ ngày nay. 

Cần giáo dục giúp các bạn điều chỉnh được nhận thức về định hướng giá trị tích cực, các hành vi phù hợp và không phù hợp. Nên tạo thêm nhiều giờ học mang tính tương tác, tránh nặng nề về kiến thức để các bạn trẻ tăng khả năng tư duy, sáng tạo và không bị phụ thuộc vào internet.

Việc giới trẻ thần tượng các “giang hồ mạng” như hiện nay là tình trạng rất đáng báo động về cách ứng xử và khả năng chọn lọc của giới trẻ. Thế hệ trẻ đừng để vấn đề thần tượng gây áp lực và cũng như biết cách kiềm chế bản thân, biết cách chọn lọc hình mẫu cho cuộc sống của mình. Đề cao những điều tốt và bài trừ những điều xấu mới là cách sống đúng đắn nhất.

Thầy Thích Nguyên Đức (tổ đình Phật Bửu, Q.3, TP.HCM):

Thay Nguyen Duc.jpg

Tôi có vài chia sẻ của mình về việc sử dụng mạng. Một là phải hiểu rõ lợi ích và tác hại của internet. Theo đó, internet là nơi truyền bá thông tin rất nhạy bén với nhiều vấn đề trong xã hội. Internet vừa có lợi nhưng cũng có hại, nó là một con dao hai lưỡi. Nếu dùng nó để truyền bá vấn đề tích cực, vấn đề đạo đức thì sẽ lan tỏa đến nhiều nơi, nhưng nếu đó là tư tưởng sai lệch thì khi lan tỏa như vậy, nó sẽ thấm nhuần vào suy nghĩ của cộng đồng và có thể hủy hoại cả một thế hệ.

Hai là chọn lọc thông tin cần thiết: Khi tiếp nhận thông tin từ internet trước hết phải nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề trên nhiều khía cạnh. Không phủ nhận lợi ích của thông tin trên mạng là rất phong phú, bổ ích tuy nhiên không phải thông tin nào cũng tiếp thu. Nếu một hình tượng nào đó mang lại tác động tiêu cực, dù có nổi tiếng đến thế nào đi chăng nữa cũng phải nên tránh.

Thứ ba là giữ vững chuẩn mực thần tượng: Nếu thấy một người nào đó có năng lực nhất định, mang lại lợi ích cho nhân thân và xã hội thì hãy nhìn vào những điểm tốt đó để noi theo. Còn nếu thần tượng là một giang hồ thì không nên. Nên giữ đúng những chuẩn mực thông thường của thần tượng, “tấm gương” để noi theo nên là một người có phẩm chất tốt và mang lại nguồn năng lượng tích cực cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên theo sát con trẻ để kịp thời phát hiện được những hành vi nào là không tốt trong suy nghĩ, cách sống của các con, từ đó hướng dẫn các bạn trẻ nên có cái nhìn đúng đắn trước mọi sự việc xung quanh.

M.N ghi

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin