Chi tiết tin tức

Dưỡng nuôi mầm thiện từ gia đình

20:57:00 - 09/07/2021
(PGNĐ) -  Ngày 28-6 là ngày Gia đình Việt Nam. Gia đình được xem là tổ ấm, là chốn về bằng an. Với người con Phật, đây còn là nơi nuôi dưỡng mầm thiện để gốc rễ trí - bi được bén lên, tiếp nối…

1. Chị kể, chị biết đi chùa nhờ nội của mình. “Hồi bé, nội dắt đi chùa. Mới vô chùa, mình sợ lắm, nhất là khi thấy ngài Tiêu Diện Đại Sĩ. Lúc đó nội giải thích, đó cũng là Bồ-tát Quán Thế Âm, ngài hiện tướng Tiêu Diện thôi, mình không hiểu nhưng bắt đầu thích thú”, chị nhớ lại.

Đi miết thấy cảnh chùa thân quen. Chùa quê nên Phật tử có gì cúng nấy. Thường ngày rằm, mùng một, các cô chú Phật tử mới về chùa để lễ Phật vào buổi sáng. Đó là một buổi lễ sám hối và tụng kinh Phổ môn (phẩm thứ 25 của Diệu pháp Liên hoa kinh). Trước đó, những Phật tử nữ sẽ tiếp lễ của thiện tín đem từ nhà tới, có khi là vài nải chuối chín mới cắt trong vườn, có người đem bó hoa phượng cúng với những nhánh đẹp nhứt tỉa từ cái cây trồng trước sân. “Hình ảnh ấy quen thuộc, dễ thương lắm. Nó làm mình yêu hơn mái chùa”, chị nói.

Quả thực như vậy. Năm tháng qua đi, chị bắt đầu tham gia vào Gia đình Lam của chùa. Chủ nhật lại háo hức cùng các anh chị huynh trưởng về chùa sinh hoạt. Những giờ học bổ ích, từ kỹ năng đến giáo lý. Nhờ học và rèn trong môi trường này mà chị vững chãi hơn, đi học đi làm xa nhà, dù ở đâu cũng tìm tới nơi có tổ chức Gia đình Phật tử để sinh hoạt.

Theo chị, bản thân được như giờ, hiểu đạo, hiểu đời, mạnh mẽ, quyết đoán là nhờ nội hết. Nội giống như thầy, như là bạn đạo.

2. Trong những lúc khó khăn nhất, anh vẫn hay tìm về nhà. Con trai lớn nhưng vẫn còn muốn gục đầu vào sau lưng má, nói nhỏ: “Nay con trai cưng về, má nấu cho món chi đó?”. Mỗi lần anh về, má anh đều biết con trai đang gặp sự cố ngoài cuộc sống - với đầy những bon chen ở thị thành.

“Má tôi không nói gì nhưng hiểu hết. Má im lặng, lắng nghe và sẵn lòng để nghe con mình kể về những khó khăn”, anh ánh lên niềm tự hào khi nói về người-bạn-lớn của mình.

Lần đầu về ở nhà cả tuần là lúc chia tay người thương. Anh bảo, lúc đó buồn dữ thần. Nhưng về nhà, thấy cách má ân cần chăm sóc, nhìn má mỗi ngày đều đặn công phu hai thời, ăn chay giữ giới bình yên, mọi thứ dần vơi bớt. “Hình như ở gần người có năng lượng tích cực, mình sẽ được ảnh hưởng theo hướng tích cực. Gần đèn thì sáng mà”, anh nói.

Lúc thất nghiệp cũng về nhà để kể cho má và nghe lời khuyên. Dù má anh chỉ mới học xong lớp 9 nhưng ý kiến lúc nào cũng sâu sắc. Có lẽ lớp học từ cuộc sống, trái tim người mẹ, cùng sự định tĩnh của một người Phật tử trường trai, thường kinh kệ, niệm Phật sẽ luôn “sáng” hơn. Với anh, má mình như “quân sư”.

Một ngày nọ, má nói: “Đừng ỷ lại vào má. Dù má có hay ho cỡ nào, có là điểm tựa bình an thì cũng không bằng sự nỗ lực từ chính con. Khi khó khăn, con hãy tìm về chính mình để tìm ra nguyên do, giải quyết nó rốt ráo”. Anh ngộ ra, đúng rồi, mình vẫn còn dựa dẫm vào má. Từ đó, anh “đốt đuốc tự đi”. Anh tìm hiểu giáo lý, đọc sách của các vị thiền sư viết, nghe giảng và ứng dụng vào cuộc sống, tự chuyển hóa cái khó của mình. Giờ thi thoảng cũng chạy về nhưng không phải buồn buồn cầu cứu má mà mỗi lần về đều có tin vui. Hai má con tối tối công phu chung, tiếng tụng kinh ấm cúng cả xóm nhỏ. Sáng, có khi anh pha bình trà, má cũng ra uống chung và “pháp đàm”, nói với nhau những bài học từ lời Phật mà mình đã nghiền ngẫm được.

3. Hình ảnh dễ thương nhất khi đến chùa là khi ngồi im lặng ở góc nhỏ nào đó và quan sát những đồng đạo. Họ đến chốn già-lam, dắt theo con, cháu nhỏ của mình “để nó biết chùa, biết Phật”. Có những ông bố bà mẹ mang ý niệm ấy từ lúc mới mang thai.

Dưỡng nuôi mầm thiện từ gia đình ảnh 1

Bé đi chùa lễ Phật

“Con vào dạ, mạ đi tu”. Chữ tu mang nghĩa sửa: từ ý nghĩ, lời nói, việc làm. Thương con đúng đắn nhứt có lẽ là bố mẹ phải biết “tu”, để đời sống của tự thân thanh lương hơn, ảnh hưởng tích cực tới con mình. Thời nào, gia đình vẫn là một trường học đặc biệt, con cái sẽ nhìn bố mẹ, ông bà mà nghĩ, nói, làm theo. Thói quen trong cách sống của từng gia đình hình thành nên nếp nhà, khiến người ta quý trọng hay coi thường cũng ở chỗ này.

Thường, gia đình sống có Phật chất, tự thân mỗi thành viên sẽ bình an ngay cả khi trải qua sóng gió. Vì họ đã hiểu nhân-duyên-quả. Và cũng bởi hiểu, nên tạo những duyên lành cho những mầm non của gia đình, là con là cháu. Nhẹ nhàng mà thấm sâu, cứ thế mỗi ngày gieo duyên, mỗi ngày tưới tẩm. Đủ duyên hoa sẽ nở…

 

Chánh Quán

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin