Chi tiết tin tức Khi cư dân mạng lục tung đời tư hoa hậu 19:49:00 - 10/09/2016
(PGNĐ) - Sau đêm 28-8, kết thúc cuộc thi Hoa hậu VN với danh hiệu thuộc về Đỗ Mỹ Linh thì cũng là lúc dân mạng rần rần rộ rộ khen chê, điều tra, lục tung đời tư của hoa hậu, săm soi đủ kiểu về nhan sắc, tài năng của cô.
Thêm vào đó, các trang mạng câu view và trang Facebook câu like cũng đã không ngừng “điều tra” từng chi tiết nhỏ thuộc về Đỗ Mỹ Linh để đem ra cho bàn dân thiên hạ “chém gió”.
Một người bạn của tôi đang sống ở Úc chia sẻ rằng, không ở đâu người ta cuồng hoa hậu như ở Việt Nam. Cuồng đến mức bỏ quên hết mọi quan tâm khác thực tế hơn như kinh tế đất nước, những vấn đề thiết thân tới cuộc sống hàng ngày cùng những mối quan hệ gần gũi ở bên mình... Chợt nhớ, năm 2015, Google công bố 10 từ khóa mà người Việt sử dụng internet (chủ yếu là người trẻ) tìm kiếm được bên cạnh những nước khác mới thấy nhận định cuồng hoa hậu trên không phải không có cơ sở. Theo đó, đứng đầu về từ khóa tìm kiếm trên Google năm 2015 của Việt Nam chính là “Vợ người ta” (tên một bài hát), và kế đó là “Âm thầm bên em”, “Không phải dạng vừa đâu”, “Cười xuyên Việt”, “Cô dâu 8 tuổi”, “Chàng trai năm ấy”... Những từ khóa trên đều liên quan tới giải trí. Trong khi đó, Singapore thì quan tâm tìm kiếm “PSI Singapore” - mức độ ô nhiễm không khí của Singapore, nước này bị ô nhiễm không khí nặng do cháy rừng trong năm 2015 (đứng đầu), rồi tới “Lee Kuan Yew” - cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore qua đời, “SEA Games” - một sự kiện thể thao lớn của Đông Nam Á... Malaysia với “HRMIS 2 - hệ thống thông tin quản lý nhân sự của Malaysia, “BR1M 2015” - bản tin tiền tệ của chính phủ, “GST” - dịch vụ bán hàng và mức thuế mới của nước này... Thực ra, sự quan tâm của chúng ta phản ánh rất nhiều đến đường hướng phát triển của cá nhân mỗi người và đương nhiên góp phần cho sự phát triển chung của cộng đồng, đất nước, bởi “ý làm chủ, ý tạo”. Khi chúng ta vùi tâm ý mình vào những bản nhạc ủy mị, say tình, đau khổ vật vã với những tiểu thuyết ngôn tình hay tìm quên thực tại vào những chương trình hài hước, cười cho đã còn lại mặc kệ mọi thứ thì cũng là lúc ta tự làm tụt hậu bản thân. Nhưng đau đớn là, khi mình làm tụt hậu chính mình như thế - lại là lúc ta bào chữa cho mình, bao biện rằng - đó là thời thượng, là sành điệu, là có hiểu biết. Thực tế, nếu xem đó là hiểu biết thì bạn chỉ có hiểu biết hẹp về giới showbiz với những hào nhoáng bên ngoài, quan tâm tới đời tư của nghệ sĩ chỉ để thỏa mãn tò mò, còn đói no của chính mình cùng đồng bào ở đó đây trên đất nước này liệu chúng ta có biết và có muốn đóng góp để thay đổi? Tất nhiên, ai cũng có quyền tự do, quyền quan tâm và yêu mến bất cứ ai (tùy thích), nhưng thái quá đến mức vượt ngoài sự kiểm soát của bản thân, làm cho chính mình trở nên lố bịch vì sự quan tâm ấy thì chúng ta nên nhìn lại, dừng lại và suy nghĩ về hành vi của mình trước những người, những việc tương tự... Bối Bối
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |