Chi tiết tin tức

Khi tu sĩ làm bạn với người trẻ

14:58:00 - 27/04/2023
(PGNĐ) -  Nhẹ nhàng, ấm áp, chia sẻ bằng những yêu thương, cứ như vậy mà trong những năm qua, Sư cô Huệ Liên - Ni chúng chùa Bửu Long, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã trở thành “bạn thân” của nhiều người trẻ.

Nơi “uy tín” cho bạn trẻ gửi gắm tâm sự 

Những bạn trẻ đang học cấp I, cấp II khi về chùa đều thân thiết, quây quần bên cạnh Sư cô Huệ Liên. Đơn giản chỉ vì, ở gần Sư cô được chỉ dạy nhiều điều hay và Sư cô còn lắng nghe được những “nỗi niềm bí mật” mà các bạn nhỏ không dám kể với phụ huynh, gia đình. 

Một điều đặc biệt, khi đến với Sư cô, các bạn nhỏ đều dễ dàng chia sẻ, và gắn bó xuyên suốt. Minh Từ, sinh năm 2003, được ông bà và mẹ đưa đi chùa từ lúc học sinh lớp 3, theo Sư cô học giáo lý vào năm học lớp 4. Trong suốt quá trình đó, Minh Từ cho biết: “Có chuyện gì cũng kể cho Sư cô nghe. Mỗi khi khó khăn trong học tập như học không tốt tiếng Anh, cũng nhắn tin cho Sư cô xin phương pháp để khắc phục; và chọn ngành nghề hôm nay, vẫn xin ý kiến Sư cô. Sư cô cho em gợi ý đúng đắn nhất và em là người tự lựa chọn phù hợp”. 

Minh Từ là một trong 16 em học sinh tham gia lớp giáo lý mà Sư cô mở đầu tiên ở chùa quê. Lớp học ngoài dạy về giáo lý nhà Phật, còn dạy về kỹ năng sống. “Giờ đây những học trò lớp giáo lý khóa đó đã trưởng thành và định hướng nghề nghiệp tốt”, Sư cô hoan hỷ cho biết. 

Hỏi lý do vì sao có thể gần gũi, dễ dàng chia sẻ với các bạn trẻ như vậy? Sư cô cho biết: “Có những điều bạn trẻ không nói được với phụ huynh vì các em sợ bị la rầy, sợ bị đánh giá thấp khả năng, hoặc áp lực kỳ vọng nào đó của cha mẹ mà các em không thích. Hoặc do giữa cha mẹ và con cái ít có thời gian tương tác, trò chuyện cùng nhau, như cha mẹ lo kinh tế, trẻ lo đi học,... Điều các bạn cần là tình thương yêu, thấu hiểu, cần người sẵn sàng lắng nghe chia sẻ, hơn hết là mình đừng làm các bạn ấy tổn thương”.

"Hiện nay, công nghệ càng phát triển thì việc dạy trẻ như trước đây không hề dễ dàng. Nếu ngày trước tôi hay la rầy trẻ phạm lỗi thì giờ đây tôi chỉ trò chuyện cùng chúng khi chúng phạm lỗi. Cách dạy trẻ hôm nay đã thay đổi theo hướng ‘làm bạn’ cùng trẻ. Ngày nay, mỗi gia đình chỉ có 1 - 2 con và bận rộn công việc, ít có thời gian gần gũi dạy bảo con cái. Nhưng việc nuông chiều trẻ quá mức sẽ dẫn đến sinh thói hư tật xấu. Vì vậy, nếu như bậc làm cha mẹ không thể dạy bảo trẻ, hãy khuyến khích trẻ tham gia lớp học đạo đức và kỹ năng sống uy tín. Không cần theo phong trào hay số đông, chỉ cần gửi gắm niềm tin ‘chất lượng’ về nơi có ‘người thầy’ mẫu mực với từ bi và trí tuệ".

Sư cô Huệ Liên

Sư cô cho biết sở dĩ mình có thể dễ dàng hiểu các bạn trẻ vì bản thân cũng từng trải qua những tổn thương, những biến cố cuộc đời và Sư cô hiểu tổn thương tâm lý đau đớn như thế nào, sẽ hủy hoại cuộc đời một đứa trẻ ra sao nếu chúng không có nghị lực. Sư cô đã dùng chính câu chuyện của bản thân mình để truyền cảm hứng vươn lên cho các bạn nhỏ.

Vượt qua khuyết tật để học, để tu 

Khi sinh ra, Sư cô Huệ Liên là một người bình thường, cho đến năm 11 tuổi, thính lực suy giảm, cô không phân biệt rõ hướng của âm thanh và tiếp nhận ngôn ngữ một cách chậm chạp. “Gia đình không phát hiện ra bệnh của tôi, cho đến một ngày tôi đi học về khóc và không chịu đi học nữa vì chuyện cô giáo gọi tôi lên bảng làm toán nhưng tôi không nghe; cô giáo lấy lý do không chú ý mà ngày nào tôi cũng bị phạt. Bạn bè cũng trêu chọc rằng tôi bị điếc và không chơi với tôi”, Sư cô Huệ Liên nhớ lại. 

Được chữa trị nhiều nơi, từ bệnh viện đến thầy thuốc Đông y nhưng Sư cô vẫn không thể điều trị hết. “Mẹ đã động viên tôi đi học trở lại nhưng tôi gặp không ít khó khăn trong giao tiếp. Bất cứ ai nói chuyện với tôi, tôi đều phải vừa nhìn miệng họ phát ngôn, vừa quan sát giọng điệu và cử chỉ thân thể cùng một lúc, tôi mới có thể hiểu hết những gì họ nói”, Sư cô kể. 

Trong quá trình học tập, Sư cô gặp rất nhiều khó khăn và nghe rất nhiều câu nói tổn thương của bạn mình: “không nghe hả?”, “bị điếc à?”, “nghe rõ không?”, “thấy tội nghiệp quá vậy!”, “không nghe làm sao học được?”, “không nghe rõ thì nói chuyện với nhau cũng mệt”, … Nhiều lúc thấy khó khăn quá, Sư cô cho biết mình cũng có chán nản, muốn bỏ cuộc, nhưng suy nghĩ việc học là thử thách, nên đã cố gắng học, vượt qua chính mình và kết quả là đã nhận bằng cử nhân Xã hội học và cử nhân Luật học hạng khá, Sư cô cũng đã tốt nghiệp cử nhân Phật học và khóa Cao học đầu tiên Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM.

Điều gì là khó khăn nhất với Sư cô trong suốt quá trình đó? Sư cô cho biết, vì nghe kém, ngôn ngữ không được tiếp nhận tốt từ bên ngoài, nên học ngoại ngữ là khó khăn lớn nhất. Dù đến trung tâm ngoại ngữ học tiếng Anh nhưng Sư cô cũng không thể cải thiện được kỹ năng nghe, đọc và nói. Cuối cùng, Sư cô tự mày mò, tự cải thiện cho chính mình bằng cách đọc sách nhiều, tự học văn phạm và từ vựng. 

“Tôi cảm nhận rằng, cuộc sống này là một sự mang ơn lẫn nhau và lòng yêu thương rộng lớn, sự hy sinh luôn được trải dài vô tận. Đồng thời, giáo lý và lối sống nhà Phật đã giúp tôi hiểu được rất nhiều về ý nghĩa cuộc đời và sống lạc quan với khuyết tật của mình”, Sư cô trải lòng. 

Từ câu chuyện của bản thân mình, Sư cô Huệ Liên đúc kết, sự quan tâm, cổ vũ tinh thần của gia đình có ý nghĩa rất lớn với người trẻ. Nhờ sự cổ vũ tinh thần, khuyến khích, quan tâm, đồng hành của mẹ, thầy tổ đã làm điểm tựa cho Sư cô vượt lên chính mình, không cảm thấy lẻ loi và mất phương hướng. Nhờ đó mà kiên định hơn với mục tiêu của mình. 

Và ngày nay, Sư cô cũng lấy chính tinh thần đó để làm bạn với những Phật tử trẻ, sát cánh chia sẻ, nâng đỡ cho những người bạn trẻ cần nơi nương tựa về đời sống tinh thần.

 

Lan Hạ

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin