Chi tiết tin tức

Kỹ năng sống: Tới chùa một buổi, trẻ hiểu thêm cách tự bảo vệ mình

19:49:00 - 17/12/2017
(PGNĐ) -  Khóa tu Gieo hạt từ tâm lần thứ 61 do Quan Âm tu viện (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) tổ chức mang chủ đề thời sự và rất cần thiết đối với trẻ, đó là “Tìm hiểu giới tính, bé bảo vệ mình”, diễn ra sáng nay, 17-12.

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân, giảng viên Đại học Sư phạm TP.HCM, diễn giả chính của khóa tu này mở đầu buổi nói chuyện bằng câu chuyện “Người đàn ông đáng sợ” để chia sẻ về kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ em và cả phụ huynh.

5tt.jpg
Anh Phạm Chí Minh Phương, phụ huynh cùng tham gia khóa tu
trả lời câu hỏi liên quan chủ đề từ ThS Lê Minh Huân - Ảnh: BTC

Bằng những câu hỏi, song song chuyện kể, các em tham gia khóa tu tự trả lời về hành động xâm hại tình dục là gì!

Sau đó, ThS Huân đưa ra định nghĩa: “Xâm hại tình dục là hành vi cố ý đụng chạm vào các bộ phận riêng tư của con hoặc dụ dỗ, bắt ép con đụng chạm vào bộ phận riêng tư của người khác”.

Theo thầy Huân, những hành động ai đó cố ý đụng chạm các bộ phận riêng tư hoặc ai đó bảo mình đụng các bộ phận của họ cũng đều là xâm hại. Ngoài ra, “những người rủ mình về nhà coi phim, hoặc nói về những vùng kín, đều được xếp vào hành vi xâm hại tình dục”, ThS Lê Minh Huân nói.

Sau đó, thầy đặc biệt lưu ý phụ huynh: “Từ 3 tuổi trở lên nên để trẻ tự tắm, nếu trẻ không có yêu cầu tắm giúp thì bố mẹ để con tắm, nếu không sẽ dễ bị xếp vào hành vi xâm hại tình dục khi trẻ không đồng ý hoặc mong muốn phụ huynh đụng chạm vào các bộ phận riêng tư”.

Cơ thể con người là quý giá, vì thế chúng ta cần bảo vệ cơ thể chính mình và tôn trọng cơ thể của người khác. Nhất là những bộ phận riêng tư, là cơ quan sinh dục (nếu phụ huynh ngại thì có thể dùng những từ ngữ khác nhau, miễn các bạn nhỏ không nói tục và biết nói về cái gì như vùng tam giác, vùng mặc quần lót, cơ quan sinh dục, vùng mặc bikini, vùng mặc quần siêu nhân…). Tiếp nữa là ngực các bạn nữ, ngực các bạn nam; môi miệng cũng là bộ phận riêng tư; cuối cùng là vùng mông - ThS Lê Minh Huân bày tỏ.

Theo thầy Huân, tất cả mọi người đều có thể là người xâm hại tình dục trẻ, kể cả người thân, người quen chứ không chỉ là người lạ. Cụ thể, con số nghiên cứu cho thấy 100 vụ xâm hại thì có 93% người là quen và hơn 47% là người thân, họ hàng trong gia đình.

Chính vì sự nguy hiểm trên, thầy đưa ra ví dụ, “khi con đi học về, thường ba mẹ không có ý tứ, muốn con đi tắm, rồi tự nhiên cởi áo con ra giữa thanh thiên bạch nhật, có nhiều người nhìn thấy và từ đó tạo ra nguy cơ xâm hại tình dục”. Thêm nữa “phụ huynh không nên cho con cái ăn mặc hở han, không kín đáo” - ThS Huân chia sẻ.

Nhận diện người xâm hại mình bằng cách nào? Với câu hỏi này, thầy Huân cho biết, cần để ý hành vi xấu hoặc không an toàn của người xung quanh. Như họ nhìn chằm chằm vào mình, những người hay nói về những chỗ riêng tư, kín đáo trên cơ thể, rủ các con đi khách sạn…

Để phân biệt đụng chạm an toàn và không an toàn, ThS Huân đưa ra giải thích, “đụng chạm an toàn là những đụng chạm được cha mẹ và con đồng ý, khiến con cảm thấy vui vẻ, thích thú, dễ chịu. Còn đụng chạm không an toàn là những đụng chạm con, và cha mẹ không đồng ý, khiến con cảm thấy khó chịu, khó hiểu và đau”.

Còn cách trẻ xử lý khi bị xâm hại? “Đầu tiên la lên “cháy cháy cháy” hoặc “nước sôi” - vì khi nghe cháy tất cả mọi người điều chạy ra đường, tìm chỗ thoát thân, nên sẽ có rất nhiều người chú ý đến và con được cứu, thầy Huân nói. Rồi chỉ thêm: “Thứ 2 là bỏ chạy đến nơi an toàn có thể là nhà của mình, hay chạy vào trường, đồn công an, cảnh sát, nhà dân, cửa hàng, nơi đông người… Thứ 3 là thông báo hoặc kể lại cho người lớn, ba mẹ, thầy cô giáo… hoặc gọi cho ai đó mà mình nhớ số như ba mẹ, người thân hoặc gọi điện thoại đường dây nóng 180001567, số 111 (hoàn toàn miễn phí) thuộc Cục Bảo vệ - chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động - thương binh và xã hội”.

Thứ 4 là tấn công kẻ xấu vào điểm yếu như mắt, mang tai, cổ, chỗ hiểm, hoặc đầu gối, đạp vào các ngón chân của kẻ xấu... và có thể thủ vài tư thế võ đơn giản.

Thầy Huân nhấn mạnh, cách phòng chống xâm hại tình dục đối với trẻ là nói không với người lạ; không cho ai đụng chạm vào bộ phận riêng tư; kín đáo trong ăn mặc, khi thay đồ và đi vệ sinh; không đi đâu ra ngoài một mình; không im lặng khi bị xâm hại tình dục - ba mẹ phải nói với con biết điều này, khi bị ai đó đụng chạm nên nói với ba mẹ biết vì lỗi này không phải do con và tránh tình trạng bị xâm hại.

 

Phụ huynh mong có nhiều khóa tu - học kỹ năng 

Chị Tuyết Nhung, phụ huynh dự khóa tu cho biết, đã tham gia nhiều khóa cùng con gái 8 tuổi và nhận xét đây là một đề tài cần thiết phải nói cho con hiểu. “Mình thương con, nhưng không thể bảo vệ con cả đời được, do vậy phải tạo cho con có kỹ năng để tự biết bảo vệ chính mình” - chị Tuyết Nhung nói.

Một phụ huynh khác, anh Phạm Chí Minh Phương nói đây là chủ đề rất ngại nói, bản thân ở nhà cũng có nói nhưng chưa được cụ thể như ở đây. “Hơn nữa, các con thường rất nghe theo lời thầy nên khi thầy nói là tin liền. Bản thân tôi cũng học hỏi được thêm nhiều kỹ năng khi nói về những vấn đề nhạy cảm này”, anh Phương cho biết.

 

Bài: Như Danh

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin