Chi tiết tin tức

Làm bạn với con, cha mẹ nhé!

20:57:00 - 19/08/2019
(PGNĐ) -  Đôi khi tôi tự hỏi, nếu không có con, liệu tôi có trở thành một người như bây giờ? Chắc chắn là không. Nếu không có con, tôi không trở thành một người mẹ, và không chính thức trở thành một người lớn trưởng thành.

À không, thật ra thì tôi cũng chỉ đang học làm một người trưởng thành, thông qua quá trình tôi đồng hành cùng với đứa con nhỏ của mình.

lambanvoicon.jpg
Làm bạn với con - Ảnh minh họa

Khi một đứa trẻ sinh ra, cuộc sống là cả một thế giới để bé khám phá, và đứa bé chính là một thế giới đầy mới mẻ cho ba mẹ trải nghiệm đủ mọi cung bậc cảm xúc.

Sinh con ra, ta đã có thể được coi là cha là mẹ. Nhưng để có thể thật sự trưởng thành cùng con, trở thành một người cha, người mẹ đúng nghĩa, đó là cả một con đường dài cần rất nhiều nỗ lực, sự thấu hiểu và thật đầy thương yêu.

Với những thiên thần nhỏ của mình, các bậc cha mẹ luôn suy tư trăn trở cách để dạy con đúng, giúp con nên người. Tôi chỉ tâm niệm một điều: hãy là bạn của con, luôn luôn làm bạn với con. Sự đồng cảm của cha mẹ đối với con sẽ hiệu quả hơn là luôn treo cây roi trước mặt con, đưa ra những điều luật nhất nhất bắt con tuân theo.

Trẻ con luôn đầy cảm xúc, những biện pháp mạnh sẽ khiến tâm lý con bị dồn nén, và có thể gây ra phản ứng khiến cha mẹ nổi giận, mối quan hệ càng lúc càng xấu đi.

Đứa trẻ có thể khuất phục ngọn roi, những trận la mắng của cha mẹ, nhưng bên trong thâm tâm không phục và sẽ nảy sinh ý phản kháng. Sự chống đối ngầm tích tụ lâu dần sẽ bùng phát bất ngờ và lúc này cha mẹ sửng sốt, không thể nào hiểu nổi tại sao đứa con ngoan của mình lại trở chứng như vậy.

Thay vì vậy, hãy làm bạn với con, ngay khi con còn thơ bé. Hãy cùng con quan sát thế giới này bằng một tâm hồn trong trẻo, đồng điệu với con từ những thắc mắc ngây thơ về cuộc sống. Đừng gạt đi khi con đưa ra những câu hỏi, viện lý do bận rộn. Vì nhiều lần bị cha mẹ từ chối, con sẽ thu mình lại, không dám hỏi, không dám tìm hiểu nữa mà chỉ âm thầm tự hỏi một mình. Làm sao cha mẹ biết, trong những lúc con thui thủi một mình đó, điều gì diễn ra trong tâm trạng của con? Đó là điều mà cha mẹ không thể nào kiểm soát được. Nhất là ở trong thời đại công nghệ số này, những gì con không được giải đáp từ cha mẹ, con sẽ tìm câu trả lời nơi khác, khi đó, cha mẹ nào có thể biết được con đã hỏi ai, đã tìm kiếm những gì trên thế giới mạng mênh mông chứa đầy mối nguy hiểm?

Vì thế, tôi luôn “lớn” cùng con qua từng giai đoạn. Khi con chưa biết nói, tôi vẫn luôn trò chuyện với con như thể rằng con có thể nghe và hiểu được. Khi con tập nói, tôi cũng tập nói cùng con. Khi con bắt đầu thắc mắc về thế giới xung quanh, tôi luôn kiên nhẫn giải thích và trả lời một tỷ câu hỏi mỗi ngày: cái gì đây, tại sao vậy?

Khi con lên hai, lên ba, lên bốn, tôi cũng là đứa trẻ lên hai, lên ba, lên bốn, để cùng con luôn luôn hào hứng và ngạc nhiên về thế giới quanh mình. Tôi là một người bạn chí thiết của con, ngồi nghe con kể chuyện trên lớp, chuyện những người bạn mà con yêu con ghét, cùng con trò chuyện với em mèo đáng yêu, như thể là nó cũng có thể lắng nghe và hiểu được.

Rồi cũng đến ngày con lớn. Cha mẹ sẽ không phải lo âu nhiều đâu, ám ảnh nhiều đâu, về những trường hợp con cái “bỏ rơi” cha mẹ, tìm đến một thế giới bè bạn khác, có những niềm vui và nỗi buồn xa lạ với cha mẹ, nếu như cha mẹ đã là những người bạn của con từ nhỏ.

Vì khi đó, con luôn xem cha mẹ là bạn thân, có thể chia sẻ mọi câu chuyện trong cuộc sống. Nếu cha mẹ có thể cùng ngồi với con nghe một ban nhạc hát thứ nhạc gì không lọt tai tí nào, nhưng con lại rất thích thú. Nếu cha mẹ có thể cùng con xem những bộ phim, trò chuyện về nhân vật con yêu thích (dù thiệt tình cha mẹ chẳng mê nổi). Nếu cha mẹ có thể bình tĩnh gật gù góp chuyện khi con vui vẻ chia sẻ rằng con thích tóc nhuộm, thích hình xăm…  thì con mặc nhiên xem cha mẹ là “cạ cứng”, có thể trao đổi mọi chuyện mà không ngại ngần.

Có thể có những điều con thích chưa phù hợp theo quan điểm của cha mẹ, nhưng xin hãy lắng nghe và bàn luận với con trước đã, đừng phản ứng mạnh với con. Trong cuộc bàn luận đó, cha mẹ và con đều có thể đưa ra ý kiến của mình và phân tích trên tinh thần cả hai đều sẵn sàng thấu hiểu. Điều đó tốt hơn nhiều lần cha mẹ gạt phắt: không, không và không.

Khi con cảm thấy cha mẹ như người bạn thân, con sẽ không ngại mà chia sẻ hết mọi tâm tư tình cảm, suy nghĩ riêng tư. Khi đó, cha mẹ đồng hành được với trạng thái tâm lý của con, cùng con vượt qua những giai đoạn cảm xúc trái gió trở trời, để có thể chạm tới quả ngọt là cùng con trưởng thành.

“Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”, có lẽ là câu nói diễn đạt ý nghĩa này đây. Sinh một đứa con và nuôi dạy con trưởng thành, là cha mẹ được sinh ra một lần nữa, được học cách kiểm soát bản thân, kiểm soát cảm xúc, học làm người, lớn lên cùng con và khi con trưởng thành cũng chính là lúc cha mẹ hoàn thiện những phẩm chất của mình.

Trong suốt khoảng thời gian đồng hành cùng con, trong từng giai đoạn phát triển của con, đừng bao giờ để con một mình, đừng bao giờ để con cảm thấy xa cách, vì như vậy, con sẽ đóng lại cánh cửa lòng mình, không muốn chia sẻ với cha mẹ nữa. Khi đó, việc mở lại cánh cửa tâm hồn con sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí là bất khả thi.

Hãy làm bạn cùng con, cha mẹ nhé. Một hành trình gian nan nhưng vô cùng thú vị, luôn tràn đầy cảm xúc mới mẻ. Và đó là cách để sợi dây gắn kết giữa cha mẹ và con luôn bền chặt.

Trương Huỳnh Như Trân

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin