Chi tiết tin tức Những hashtag yêu thương 21:45:00 - 26/07/2019
(PGNĐ) - Tháng 6, 7 có những ngày miền Bắc và miền Trung bỏng rát bởi nắng nóng, với nhiệt độ lên đến trên 400C, đặc biệt là cháy rừng ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình… diễn biến phức tạp. Lửa rừng một số tỉnh đã được dập nhưng Hà Tĩnh cháy lại, nhiều người bày tỏ trạng thái lo lắng. Cư dân mạng chia sẻ thông điệp “cầu nguyện cho miền Trung” với hashtag #prayformientrung.
“Biết làm gì hơn ngoài việc cầu nguyện, trong khi nhà chức trách cùng người dân đang tổ chức dập lửa cứu rừng”; “việc chữa lửa cháy rừng quá thô sơ - dùng cây dập lửa, bằng sức người kiểu này sao có thể cứu được rừng đây”; “sao không thấy có trực thăng làm công tác cứu hộ rừng vào cuộc”… Rất nhiều những bình luận đầy trăn trở như thế, không phải của “anh hùng bàn phím” mà của những người thật sự sốt ruột cho đợt cháy rừng. Nhiều người so sánh công tác chữa cháy đầu tư hiện đại như ở Mỹ cũng bó tay không cứu được những cánh rừng rộng lớn trong những đợt cháy rừng hàng năm ở quốc gia này. Trong đó, có những phản biện mang tính liên hệ như, vì tham nhũng nhiều quá mà những khoản đầu tư cần thiết bị giảm ngân sách, giá mà tịch thu bớt một biệt phủ của quan tham để đầu tư cứu rừng… Cư dân mạng bày tỏ cảm xúc “thực sự lo”, và hướng về bằng những mong ước giải pháp chữa cháy hiệu quả, trong đó còn có cầu nguyện cho miền Trung với hy vọng sẽ có một cơn mưa kim cương trút xuống mảnh đất chịu nhiều đau thương, khắc nghiệt với cả mùa mưa lẫn nắng này. Dân miền Trung đã quá khổ. Nhiều người khác thì phân tích kỹ hơn, như nắng nóng được đánh giá là kỷ lục (con số này vẫn ngày một tăng và luôn trong thế phá vỡ kỷ lục vì khí hậu biến đổi bất thường, nhanh chóng) chính là nguyên nhân gây cháy rừng. Và nắng nóng cũng là điều kiện thuận lợi để đám cháy lan nhanh, trên diện rộng. Biến đổi khí hậu đã được báo động và đem vào bàn hội nghị quốc gia, quốc tế, được truyền thông rộng rãi đến mức bất kỳ người dân thường nào, dù ở thành thị hay nông thôn đều biết rõ. Họ cũng cảm nhận sâu sắc những thay đổi của thời tiết khi thấy những năm gần đây mưa nắng không còn theo quy luật, không biết đâu mà lần. Ví dụ như nắng nóng trong tháng rồi được thông báo lên trên 430C. Thật kinh hoàng! Thời tiết chịu tác động bởi lối sống, sinh hoạt của con người, trong đó có hoạt động phát thải khí nhà kính. Theo đó, nhiệt độ tăng lên cao có nguyên nhân từ hoạt động vừa nói để rồi chính nó lại tạo ra những trận cháy rừng - góp phần làm tăng thêm CO2, tiếp tục gây biến đổi khí hậu. Vòng lẩn quẩn đó cũng được tìm thấy ở nhu cầu giải nhiệt của con người, khi ngoài trời quá nóng thì tìm cách thỏa cơn mát bằng hỗ trợ của công nghệ, nhưng chính công nghệ (máy lạnh) lại góp phần làm cho môi trường ngoài kia nóng hơn. Trồng rừng hay đơn giản là trồng cây xanh nơi mình sống, giảm thiểu tiêu thụ, tập sống xanh… là giải pháp được toàn cầu hướng tới như một cách con người tự thân vận động để cứu mình. Hướng về miền Trung, cầu nguyện cho miền Trung là những chia sẻ xuất phát từ tình cảm con người, gần gũi hơn là tình đồng bào, đồng hương. Nhưng quan trọng hơn phải là giải pháp lâu dài, như đầu tư cho chữa cháy chuyên nghiệp hơn, có chính sách cụ thể để giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động công nghiệp tới nông nghiệp, kể cả việc giảm thiểu xây dựng cao ốc ngày một rộ nở khắp nơi như hiện nay cũng là điều phải suy nghĩ! Những trăn trở trên phía sau hashtag yêu thương như #prayformientrung lan truyền trên mạng xã hội chính là cách mà người trẻ, cư dân mạng không thờ ơ với cuộc sống đang diễn ra. Rất nhiều tiếng nói toát ra từ những diễn đàn mạng đã vào trang báo, phát triển thành những câu chuyện nhân văn. Ví dụ như chuyện cộng đồng góp sức cùng người cha có con trai đi lạc ở Q.8 (TP.HCM) và cuối cùng anh đã tìm được con. Rồi mỗi dịp như tựu trường, trung thu, cuối năm, những hashtag với nội dung hướng về chương trình chia sẻ cụ thể đến những nơi, những người thực sự khó đã góp phần làm lan tỏa tình người, tinh thần sống vì cộng đồng. Hay có nhiều hashtag mang tính kêu gọi lối sống ví dụ như #thuantunhien (sống thuận tự nhiên), #songxanh (sống xanh), #anchay (ăn chay), #noikhongvoilynhua (nói không với ly nhựa)… trở thành những từ khóa gieo vào lòng người một ý niệm tích cực. Ở đó, những người cùng tâm niệm/ tâm nguyện sẽ tìm thấy nhau, kết nối với nhau bằng hashtag, để cùng làm thay đổi lối sống, dù nhỏ! Hòa Hoằng
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |