Còn chăng ước mơ tuổi trẻ? Cứ mỗi mùa xuân đến người ta lại xao xuyến với bao xúc cảm dạt dào, người già mong sao mình còn khỏe mạnh để vui vầy bên con cháu, người trung niên hồi tưởng về những ngày niên thiếu, người trẻ hơn thì rộn ràng tâm tưởng với bao nhiêu dự phóng tương lai. Nói khác đi, mùa xuân gợi cho người ta những ao ước thành tựu các giấc mơ. Giáo sư Randy Bausch, người đã thực hiện bài giảng cuối cùng của mình ngày 18 tháng 9 năm 2007 trước 400 người nghe tại Đại học Carnegie Mellon và sau đó đã có hàng triệu triệu khán giả khác nghe lại bài giảng ấy qua DVD, bất chấp căn bệnh ung thư tụy của ông đã đi vào giai đoạn cuối. Ông không nói về bệnh tật hay những nỗi sầu muộn khi sắp phải lìa xa thế giới với bao người thân, trong đó có người vợ hiền và ba đứa con ngoan. Ông chỉ nói về việc “làm sao thực hiện được những ước mơ tuổi thơ”. Người ta thấy một Randy như trẻ lại, tràn đầy sức sống khi nói về tuổi mới lớn của mình, từ những ước mơ nhỏ bé đến những ước mơ đầu đời được ông cho là vĩ đại như mong muốn được vào đội tuyển quốc gia. Bài giảng nhẹ nhàng nhưng đầy ý nghĩa vì ông không chỉ nói về ước mơ của riêng mình mà còn nói về việc giúp người khác thực hiện ước mơ của họ. Bằng tâm niệm ấy, ông đã sống trọn vẹn từng ngày như thể ngày nào cũng là ngày cuối cùng trong cuộc đời mình và ông muốn mọi người hãy trân trọng điều đó. Hãy nuôi dưỡng ước mơ của đời mình và đừng bao giờ bỏ cuộc quá sớm, vì bỏ cuộc sớm chính là khởi điểm của thất bại. Hãy sống cuộc đời của chính mình, hãy là con người đúng như mình nghĩ. Đó chính là ước mơ vĩ đại nhất. Randy đã lấy chính cuộc đời mình làm một bài học sống cho mọi người. Dù ông đã qua đời năm 2008, hình ảnh của ông vẫn luôn được thế giới nhớ đến với hàng triệu lượt truy cập trên mạng Youtube. Bài học về những ước mơ ấy vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay khi chúng ta tự hỏi tuổi trẻ Việt Nam hiện nay mơ ước gì? Có ngạc nhiên không nêu chúng ta biết rằng trên các blog của giới trẻ Việt Nam hôm nay, người ta ghi nhận một hiện tượng đáng buồn: ấy là “hội chứng tâm hồn rỗng” hay nói cụ thể là không có ước mơ, chẳng hạn như Ngọc Lan, một sinh viên giỏi của một trường đại học lớn ở TP.HCM, tâm sự trong một bài thuyết trình rằng “mình không có ước mơ gì bởi từ nhỏ đến giờ, ba mẹ đã lo cho em đủ thứ, từ tinh thần (?) đến vật chất”. Đó phải chăng là một sự thực đáng buồn vì nhiều bạn trẻ, kể cả những người trong giới trí thức trẻ, thu nhận rằng họ chẳng biết hay chẳng có ước mơ hoặc khát vọng gì vì cuộc sống đã quá đầy đủ. Ước mơ, theo họ, chỉ dành cho những kẻ nghèo mong muốn đổi đời mà thôi (!). Các chuyên gia tâm lý gọi đây là “khủng hoảng trống rỗng” hay “khủng hoảng thừa” trong giới trẻ bởi lẽ họ chỉ giới hạn ước mơ của mình quanh “con xe, cái váy, cục mobile…”, hay những thời trang hàng hiệu. Thậm chí nếu cha mẹ thảng hoặc muốn động viên, khích lệ cũng phải giở chiêu “hứa thưởng” bằng những hiện vật hay hiện kim (!). Từ đó dẫn đến việc thang chuẩn đo lường giá trị thành đạt là vật chât. Họ đánh dần sự tôn trọng người lớn, xã hội hay những giá trị đạo lý khác. Phải chăng, tâm ly thực dụng đã len vào tâm hồn giới trẻ? Đã có những thế hệ tuổi trẻ Việt Nam lung linh những lãng mạn khi thao thức tự hỏi: Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn / Nếu tuổi trẻ không hai lần trở lại (Xuân Diệu) hoặc ngồn ngộn những hoài bão lúc dặn lại người thân: Chí lớn chưa về bàn tay không / Thì không bao giờ nói trở lại / Ba năm, mẹ già cũng đừng mong (Thâm Tâm). Phải thắp sáng lại ước mơ Tuổi trẻ phải biết ước mơ. Ước mơ về cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Tuổi trẻ phải ước mơ có những đóng góp cho việc xây dựng một xã hội phát triển trên cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Đó cũng chính là ước mơ hạnh phúc. Tuổi trẻ phải ý thức được rằng hạnh phúc của chính mình tồn tại khi những người chung quanh cũng hạnh phúc như mình. Từ đây, tuổi trẻ hướng đến hạnh phúc. Hướng đến hạnh phúc là hướng đến sự giải thoát khỏi khổ đau, giải thoát mọi chướng ngại do tham, sân, si gây ra. Từ đây ,tuổi trẻ là tuổi hướng thiện, hướng đến việc xây dựng nếp sống an bình cho mình và đóng góp vào sự an bình cho mọi người. Nhận thức được thực trạng khổ đau phiền não của cuộc đời là đã định hình được ước mơ của mình. Những khổ đau phiền não của thời đại vẫn là những khổ đau phiền não của thân phận con người với mức độ ngày càng tăng: nghèo đói, bệnh tật, chiến tranh, bạo lực, hận thù, môi trường sống bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, thiên tai dồn dập… Nhận diện được hình trạng của sự khổ là xác định được biện pháp thoát khổ. Điều đó đòi hỏi tuổi trẻ đừng bị rơi vào dòng thác xô bồ của xã hội tiêu thụ, đừng chạy theo những thị hiếu nhất thời do quảng cáo kích thích, đừng khao khát làm giàu chỉ để thòa mãn những dục lạc vật chất thoáng qua, đừng thờ ơ vô cảm trước những đau khổ của người khác. Trên tinh thần đó, ước mơ của tuổi trẻ phải có định hướng. Về bản thân, tuổi trẻ cần khao khát học hỏi và tìm hiểu để vươn tới chân thiện mỹ. Đối với xã hội, tuổi trẻ phải có ước mơ đóng góp vào việc xây dựng một xã hội hiền thiện, an lành. Đối với đất nước, ước mơ của tuổi trẻ sẽ góp phần đem lại thịnh vượng cho quốc gia, xây dựng một niềm tự hào dân tộc. Đối với nhân loại, ước mơ của tuổi trẻ cần nhấn mạnh đến việc xây dựng một thế giới hòa bình, một cuộc sống hài hòa giữa người với người và giữa người với thiên nhiên. Hiển nhiên, những ước mơ ấy của tuổi trẻ là những ước mơ đem lại hạnh phúc đích thực, hạnh phúc cho chính mình và cho tất cả mọi người. Tiếng nói của ước mơ vẫn vang vọng trên khắp hành tinh này. Có thể thấy ca từ của bản nhạc nước ngoài We are the world do Michael Jackson và Lionel Richie sáng tác đã thể hiện ước mơ chính đáng của tuổi trẻ. Lời ca cho rằng đã đến lúc con người cần một lời kêu gọi duy nhất vào lúc cả thế giới quây quần bên nhau để đưa ra một bàn tay cứu giúp cho sự sốngcủa những con người đang quằn quại trước cái chết, một thông điệp về tình thương, một thông điệp nhắc nhở mọi người nên đáp ứng mọi lời kêu cứu vẫn làm day dứt tâm thức con người. Lời ca khẳng định chúng ta là cả thế giới những chúng ta vẫn là những đứa con và là những người đem lại một ngày mai tươi sáng, vì thế, chúng ta hãy bắt đầu dâng hiến, một thông điệp về tình đoàn kết và việc chung tay xây dựng. Lời ca cũng nêu tỏ rằng chúng ta có một lựa chọn là hãy nỗ lực tự cứu lấy cuộc sống của chính mình, một thông điệp về sự nỗ lực bản thân để tự hoàn thiện và giúp người khác hoàn thiện. Lời ca cũng khuyến khích chúng ta gởi trái tim của mình đến những ai đang đau khổ để họ thấy vẫn có người quan tâm đến họ khiến cuộc sống của họ trở nên vững vàng hơn, thanh thản hơn, một thông điệp kêu gọi con người trải lòng từ ra cho mọi người. Đó chính là ước mơ cao quý của tuổi trẻ. Càng sống trong vòng vây của khổ đau trùng điệp nhận chìm thân phận con người như hiện trạng thế giới ngày nay, tuổi trẻ càng phải có can đảm ước mơ vươn đến hạnh phúc. Tương tự trước đây, trong vòng vây trùng điệp của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc kiểu Mỹ, Martin Luther King đã có can đảm ước mơ vươn đến một ngày con em nô lệ da đen nắm tay con em chủ nô da trắng ngay trên những ngọn đồi đất đỏ chập chùng trong vùng bang Georgia rồi cùng nhau ngồi quanh chiếc bàn thân hữu trong tình anh em; ước mơ một ngày ngay cả tại bang Mississippi, một nơi ngột ngạt vì bất công, ngột ngạt vì áp bức, sẽ biến đổi thành một ốc đảo hiền lành của tự do và công chính. (Dẫn trong I have a dream, bài diễn văn nổi tiếng do Martin Luther King đọc trước các bậc thềm của Đài tưởng niệm Abraham Lincoln ngày 28 tháng 8 năm 1963). Có thể thấy giấc mơ của Martin Luther King ngày ấy nay đã thành hiện thực. Nghĩa là nếu có ước mơ và biết cách thực hiện ước mơ thì ước mơ sẽ thành hiện thực. Vì thế, cần phải thắp sáng ước mơ cho tuổi trẻ. Hoặc,tuổi trẻ cần phải tự thắp sáng ước mơ cho mình. Ước mơ đạt đến hạnh phúc chân thực. Điều đó làm cho cuộc sống tuổi trẻ không còn trống rỗng. Trước thềm xuân mới, hãy tin vào sức mạnh của giấc mơ, bởi lẽ thiếu ước mơ, thời khắc huy hoàng của tuổi trẻ sẽ trôi qua lạnh lùng không cảm xúc, biến chúng ta thành những chú lạc đà bơ vơ thiếu lý tưởng và khát vọng vươn lên, quẩn quanh với những vọng tưởng tầm thường. Đừng để năm tháng trôi qua phí hoài để rồi lúc nào đó lại ngẩn ngơ khi biết rằng:Đời đã mất tự bao giờ giữa dạ / Khi lỡ nhìn viễn tượng lúc đầu xanh (Bùi Giáng).■ TC. Văn Hóa Phật Giáo số 98-99 Xuân |