Chi tiết tin tức

Tuổi trẻ tìm bình an trong Phật pháp

18:08:00 - 15/01/2025
(PGNĐ) -  Điều mình nhớ nhất, tâm đắc nhất và đem về từ khóa tu là câu nói của Sư cô thuyết giảng: "Đừng để giá trị của mình được đo bằng ánh mắt của người khác. Hãy học cách sống đúng với con người mình". 
Thiền hành
Thiền hành

Những ngày cuối năm, Huỳnh Hoàng Tiểu My tìm đến khóa tu “Trở về nhà” do Phân ban Ni giới T.Ư tổ chức tại chùa Di Đà (Lâm Đồng). Nhật ký bạn gửi lời cảm ơn đến quý Sư khiến nhiều người xúc động: “Khi tham gia chương trình này là con đang trong giai đoạn phá sản, hiện tại con không còn bất cứ tài sản nào và thậm chí sau khóa tu này con cũng không biết mình sẽ ở địa chỉ nào. Nhưng con vẫn cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi chia sẻ những điều này. Con vô cùng biết ơn thông điệp ‘cuộc đời là một chữ duyên’ của khóa tu, biết ơn quý Sư đã cho con nhân duyên lành gặp Phật pháp, để con đem về cho hành trang tiếp theo…”. 

Câu chuyện của Tiểu My cũng là tâm sự của không ít bạn trẻ tham gia khóa tu. Nhiều bạn trẻ cho biết, chọn đi khóa tu vào ngày cuối năm thay vì đi du lịch, chỉ vì muốn được học một triết lý sống ý nghĩa, sửa lại tư duy, để làm hành trang trong năm mới. 

Vì câu nói hay mà tìm đến 

Quay lại tham gia khóa tu lần thứ hai, Thanh Bình, sinh viên năm 4, Trường Đại học KHXH&NV cho biết: “Tham gia khóa tu ‘Trở về nhà’, mình có cảm giác như đang trở về một nơi thân thuộc. Nếu lần đầu tiên mình đến để tìm sự bình an cho chính mình thì lần này mình mong muốn góp phần chia sẻ những gì đã học được đến nhiều người bạn của mình hơn”. 

Nhờ khóa tu, Thanh Bình đã học cách ôm lấy những cảm xúc của mình thay vì bỏ chúng. Bình cũng cảm nhận rõ hơn sự kết nối giữa mình và mọi người xung quanh, từ những bạn đồng hành cho đến các em nhỏ đồng bào nơi đây thông qua hoạt động vui chơi, dạy kỹ năng sống cho các bé. Thanh Bình nhận ra rằng: “Niềm vui giản dị khi thấy các em cười, khi cùng mọi người thiền hành trong im lặng, hay khi lắng nghe pháp thoại đã cho mình hiểu chính mình, hạnh phúc không cần tìm đâu xa, nó đến từ những khoảnh khắc bình thường nhất mà mình từng bỏ qua. Mỗi lần trở về là một lần mình trưởng thành hơn, và đó là lý do mình luôn muốn quay lại nơi này”. 

Những chia sẻ tuy ngắn gọn của Thanh Bình nhưng gói trọn trong đó là cả câu chuyện về người trẻ đang nỗ lực hết mình để sống, sống làm người có ích và ý nghĩa giữa vô vàn những áp lực mà bạn không kể. Trở về với khóa tu đó cũng là cách bạn thương chính mình.

Khóa sinh đặt câu hỏi và được quý Sư tham vấn cặn kẽ

Khóa sinh đặt câu hỏi và được quý Sư tham vấn cặn kẽ

Như chia sẻ của không ít bạn trẻ, niềm may mắn trong những ngày cuối năm là được tham gia khóa tu và nhận diện, kịp sửa lại cho mình cái tư duy để sống tốt hơn. Kim Ngân, sinh viên năm 4, Đại học KHXH&NV cho biết: “Trước khi tham gia khóa tu, mình là một người luôn bị cuốn vào công việc, đi kiếm tiền, xây dựng hình ảnh cá nhân…, mọi thứ đều như một guồng quay không dừng lại. Nhưng khi đến đây, ngay từ buổi thảo luận đầu tiên, mình đã cảm nhận được một điều rất đặc biệt. Mỗi bước chân xuống mặt đất khi thiền hành như đưa mình trở lại với hiện tại”. Đây cũng là lần đầu tiên trong nhiều năm, Kim Ngân thực sự sống chậm lại, cảm nhận được tiếng gió, tiếng lá xào xạc và cả hơi thở của mình. 

“Điều mình nhớ nhất, tâm đắc nhất và đem về từ khóa tu là câu nói của Sư cô thuyết giảng: ‘Đừng để giá trị của mình được đo bằng ánh mắt của người khác. Hãy học cách sống đúng với con người mình’. Nhờ câu nói này mình thức tỉnh, học được cách trân trọng bản thân, yêu thương chính mình, sống một cuộc đời nhẹ nhàng hơn, bình an hơn”. 

Thu xếp để tham gia khóa tu 

Lê Thị Như Hậu, chuyên viên thương mại điện tử, tham gia khóa tu từ khi còn là sinh viên, và đến khi ra trường, đi làm, bạn vẫn tham gia khóa tu như một “list” việc phải làm trong năm. Như Hậu chia sẻ, khi biết được thông tin khóa tu đã cố gắng sắp xếp công việc trước 1 tháng để tham gia, vì nghĩ: “Công việc mình sẽ làm cả đời nhưng đi khóa tu thì không phải lúc nào cũng có cơ hội để đi. Đi để mình lĩnh hội được những lời pháp nhũ của quý Sư. Mình nghĩ mọi thứ đều là duyên khi mình muốn và đủ điều kiện duyên sẽ tới”.

Các bạn trẻ chơi và dạy kỹ năng sống cho các em đồng bào dân tộc trong khóa tu

Các bạn trẻ chơi và dạy kỹ năng sống cho các em đồng bào dân tộc trong khóa tu

Trong cuộc trò chuyện với Báo Giác Ngộ, Như Hậu thẳng thắn nêu: “Một bạn trẻ đang ở độ tuổi đầu 20 như mình đang gặp 3 vấn đề lớn: không hiểu bản thân mình, rất lạc lõng không biết mình sẽ làm gì tiếp theo và không biết sắp xếp cuộc sống của mình dẫn đến bị stress. Khi nghe lời giảng của quý Sư, mình nhận ra ngồi thiền sẽ là cách để mình gội rửa tâm thanh tịnh để hiểu mình hơn, khi tâm tịnh mình sẽ nhìn được sự thật, sáng suốt hơn trong mọi quyết định”. 

Điều Như Hậu tâm đắc, “cầm về” trong khóa tu chính là bài pháp ý nghĩa. Theo bạn nhận xét, quý Sư “bắt trend” rất nhanh - đó là câu chuyện người trẻ làm sao tỏa sáng trong công việc, nói đúng hơn là làm sao giữ được công việc trước sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường lao động hiện nay. Như Hậu cho biết: “Quý Sư đã chỉ dạy rất cặn kẽ, đó là đặt cái tâm trong công việc. Ví dụ làm thủ kho thì tỏa sáng ngay trong cái kho của mình. Cái kho của mình dọn cho gọn gàng sạch sẽ đâu vô đó. Xe họ tới chở thay vì đứng nhìn thì mình chất lên giùm. Khi đấy, trong tất cả những người ở bãi xe, họ cần người nào năng động nhiệt tình thì họ nghĩ ngay tới người thủ kho là mình. Chỉ cần làm việc có lương tâm, trách nhiệm và chỉn chu thì dù ở trong góc xấu người ta cũng phát hiện ra và đưa mình lên, sẽ có người tìm thấy mình”.

Lưu niệm sau khi kết thúc khóa tu
Lưu niệm sau khi kết thúc khóa tu

Điều các bạn trẻ tham gia khóa tu thấy vui nhất, đó là ai đến khóa tu cũng có cái để mang về. Vì là khóa tu thu phí tượng trưng và có giới hạn người tham gia, nên những thắc mắc của các bạn đều được quý Sư lắng nghe, trả lời thấu đáo. Trước những câu hỏi: “Trong bếp có tỏa sáng được không?”, “làm nội trợ có tỏa sáng được không?”, quý Sư giải đáp bằng chính câu chuyện về chữ hiếu và tình thương: “Có những người chỉ ở trong nhà phụng sự cha mẹ thôi cũng trở thành tấm gương hiếu thảo. Khi các bạn tỏa sáng bằng cái tâm, cái lòng của mình, bằng sự trọn vẹn của việc mình làm thì ngay khi trọn vẹn như vậy đã hạnh phúc rồi. Và tính trọn vẹn là bí quyết của sự thành công. Làm việc gì mà dùng 100% vào việc mình làm thôi là thành công rồi”. Lời dạy này được các bạn trẻ cẩn thận ghi chép, ghi âm lại để xem lại, nghe lại sau khóa tu.

Ni sư Thích nữ Huệ Dâng
Ni sư Thích nữ Huệ Dâng

“Tiền thân khóa tu học dã ngoại này là ‘Xuân ấm vùng cao’ được tổ chức xuyên suốt 15 năm qua. Rồi một chữ duyên chuyển đổi tên gọi khóa tu ‘Trở về nhà’ hai năm nay.

Qua 15 năm tổ chức, dẫn dắt khóa tu là một quá trình chiêm nghiệm, góp nhặt của tôi. Tôi đã thiết kế khóa tu học với nhiều cấp độ, ngoài chủ đề chính, còn có năm workshop với các chủ đề khác nhau để các bạn lựa chọn theo nhu cầu bản thân, cùng đối thoại, xoáy sâu vấn đề để thấu hiểu mỗi cá nhân khao khát, trăn trở những gì? Khơi gợi tương tác để bạn trẻ phát triển một cách tự nhiên. Mỗi lần được lắng nghe, tôi hiểu thêm nhiều điều và nhận ra cuộc sống đa dạng rực rỡ muôn màu từ các bạn.

Những câu hỏi thi hùng biện đưa ra cho các nhóm gia đình, tôi luôn cố gắng bám sát những vướng mắc nóng hổi của giới trẻ để các bạn đồng trang lứa tương tác, phản biện, tìm ra bản chất vấn đề. Đến với khóa tu, các bạn đã thực sự trở về nhà, vừa học, vừa tu, vừa trải nghiệm, đặc biệt là trở thành người dẫn dắt, trải lòng, vui chơi cùng trẻ em tại địa phương. Các bạn nhận ra mình học được rất nhiều điều từ trẻ thơ.

Cuối cùng, những cảm nhận được các bạn ghi lại sau khóa tu học đó chính là bài học lớn nhất tôi học được từ các bạn. Có câu, người thầy giỏi không phải là người truyền cảm hứng mà là người biết thấu hiểu. 15 năm qua tôi không hề giảng đạo mà chỉ chia sẻ cho các bạn cái giá trị bất biến để các bạn có thể nhận thức tức thời vì bạn thấy nó có lợi cho sự vững chãi từ bên trong. Tôi tin là sự giác ngộ, nhận thức của các bạn sẽ giúp nuôi dưỡng được bản lĩnh, lòng tự trọng và sự bình an tâm hồn - vì nhận là nhận ra, thức là thức tỉnh chứ không phải lập trình và sao chép”. 

Ni sư Thích nữ Huệ Dâng 

(Phó Trưởng Phân ban Ni giới T.Ư, Trưởng ban Tổ chức khóa tu)

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin