Chi tiết tin tức

Ngôi chùa 700 tuổi ở Quảng Bình

21:04:00 - 16/02/2022
(PGNĐ) -  Chùa Hoằng Phúc từng đón nhiều vua chúa ghé thăm, giảng kinh Phật như Phật hoàng Trần Nhân Tông, chúa Nguyễn Phúc Chu, vua Minh Mạng.

Chùa Hoằng Phúc nằm tại vùng quê bình yên thuộc xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy. Đây là một trong những đại danh lam cổ nhất trên đất Quảng Bình với chiều dài lịch sử trên 700 năm. Chùa có khuôn viên 10.000 m2, nằm phía phải sông Kiến Giang, cách trung tâm huyện Lệ Thuỷ khoảng 6 km. 

Ngôi chùa ban đầu có tên là am Tri Kiến. Vào năm 1301, trong chuyến vân du phương nam, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã ghé am Tri Kiến thuyết pháp, truyền giảng đạo lý. Ngài đã đổi tên am Tri Kiến thành am Kính Thiên.

Năm 1609, trên đường vào đất Thuận Hóa, chúa Nguyễn Hoàng cũng đến nghỉ tại am Kính Thiên và sau đó không lâu, chúa Nguyễn Hoàng cho dựng chùa lớn ngay trên nền am cũ.

Trên cánh cổng này có đắp 4 chữ "Tả quảng độ môn". Các nhà nghiên cứu cho hay đây là một cánh cổng quy mô, không nhiều ngôi chùa ở miền Trung vào thời điểm đó có được cánh cổng như này. 

Bên trong khuôn chùa hiện còn một dịch môn hình vòm, hiện được cây đa bao bọc. Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu ra thăm chùa Kính Thiên, cấp tiền tu sửa, ban cho một biển đề tên chùa “Kính Thiên Tự” và một biển đề đại tự: “Vô song phúc địa” (đất phúc khôn sánh) và ngự chế 5 câu đối treo ở chùa. Năm 1821, trong chuyến ngự giá Bắc Tuần, vua Minh Mạng có ghé thăm chùa và cho đổi tên chùa là “Hoằng Phúc Tự” cho tới ngày nay. 

Phía trước toà Tam bảo là hai tháp Phật cao 9 tầng. Năm 1918, một vị quan triều Nguyễn phát tâm trùng tu, xây dựng bình phong, cổng tam quan và hai dịch môn tả hữu. 

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ, chùa còn là nơi hội họp, nuôi giấu cán bộ, cất giấu vũ khí. Trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, chiến tranh, thiên tai, chùa bị tàn phá nghiêm trọng.

Năm 2014, ngôi chùa được phục dựng, tôn tạo theo hướng chùa Việt truyền thống, gồm: tam quan ngoại, tam quan nội, tháp phật, tam bảo chùa tả hữu hành lang, nhà thờ tổ, am hoá vàng và chính thức khánh hạ vào năm 2016. 

Không gian bên trong toà Tam bảo với gian thờ Phật ở trung tâm. Đến thắp hương lễ chùa vào dịp rằm tháng giêng, bà Nguyễn Thị Tuyến, 68 tuổi, trú xã Xuân Thuỷ (Lệ Thuỷ) cho hay phong cảnh chùa đầy yên tĩnh, là nơi tâm linh bà con thường thăm viếng. Mỗi năm, bà cùng gia đình thường đến thăm chùa vài lần, nếu Tết không ghé được thì rằm tháng giêng phải đến. 

Bộ tượng Ngọc Hoàng thế kỷ 19 được khai quật tại chùa Hoằng Phúc. Ngoài ra, còn có một số tượng cổ khác như tượng Phật bà Quán thế âm Bồ Tát, Địa tạng Vương Bồ Tát. Số cổ vật này được nhà chùa bảo quản ở một gian riêng, và chỉ mở cửa vào những dịp đặc biệt. 

Tượng giám trai sứ giả (trái), tượng hộ pháp (giữa) bằng gỗ sơn son thếp vàng thế kỷ 19. Bên phải là chiếc đại hồng chung cao 1,15 m, đường kính thân chuông 0,57 m, chu vi 1,45 m, nặng 80 kg, đúc vào thời vua Minh Mạng. 

Năm 2016, nhân dịp khánh thành, chùa Hoằng Phúc được Giáo hội Phật giáo Myanmar tặng một viên xá lợi xương của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni được rước từ chùa Shwedagon - ngôi chùa lớn thiêng liêng nhất Myanmar. 

Năm nay nhiều người dân, du khách đến chùa cầu an, cầu phúc. Tháng giêng hàng năm, chùa tổ chức lễ hội nhưng hai năm qua ngừng do dịch Covid-19.

Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, tháng 12/2015, chùa Hoằng Phúc được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngôi chùa là không gian để người dân và du khách tìm về những yếu tố văn hóa tâm linh, những giá trị truyền thống đắt giá của địa phương, dân tộc.

 

Hoàng Táo

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin