Chi tiết tin tức

Những hình ảnh lịch sử quý giá về chùa Báo Ân

22:46:00 - 16/10/2021
(PGNĐ) -  Trên khu đất cạnh bờ hồ Hoàn Kiếm mà ngày nay là tòa nhà Bưu điện thành phố Hà Nội, từng tồn tại một trong những ngôi chùa đặc biệt nhất của Thủ đô.

Chùa Báo Ân là một ngôi chùa lớn và độc đáo từng tồn tại ở Hà Nội trong khoảng 5 thập niên của thế kỷ 19. Chùa khánh thành vào khoảng năm 1842, do Tổng đốc Hà Ninh là Nguyễn Đăng Giai đã quyên tiền dân xây dựng khu đất gần 100 mẫu ở bờ Đông hồ Gươm. Mặt trước chùa quay ra sông Hồng, mặt sau dựa vào hồ. Ảnh tư liệu do bác sĩ Hocquard thực hiện năm 1884.

Ngoài tên gọi chính thức, chùa Báo Ân còn có nhiều tên gọi khác như chùa Liên Trì (ao sen) vì nhà chính của chùa được bao bởi một hồ tròn đầy sen, chùa Nguyễn Đăng Giai – tên vị tổng đốc cho xây chùa, chùa Quan Thượng – chỉ hàm Thượng thư của quan Tổng đốc. Người Pháp thì gọi đây là chùa Khổ Hình (Pagode des Supplices) vì thấy ở chùa có hai bức ván vách chạm nổi cảnh hàng loạt khổ hình dành cho những kẻ có tội phải chịu ở thế giới bên kia (Cảnh Thập điện Diêm vương). Tranh vẽ lại từ ảnh của bác sĩ Hocquard, 1888.

Theo các tư liệu được lưu lại, chùa Báo Ân có kiến trúc phức tạp và cầu kỳ với 180 gian và 36 nóc. Các chi tiết kiến trúc của chùa được tạo tác rất tinh tế. Ngoài ra chùa còn có một quần thể tượng lớn, nhiều bức được sơn son thiếp vàng hoặc khảm xà cừ, tạo hình sinh động. Tranh khắc dựa trên ảnh chụp của họa sĩ Taylor, 1892.

Bác sĩ Hocquard, người đã chụp nhiều bức ảnh về chùa Báo Ân đã mô tả tỉ mỉ về ngôi chùa như sau: “Từ xa, tầm mắt khách thập phương đã bị những cái tháp chuông, cột trụ, tiểu tháp thu hút. Bước vào chánh điện, quy mô rộng lớn, giữa những hàng cột vàng son lộng lẫy, có đến trên hai trăm pho tượng thần Phật sắp hàng. Chính giữa là bàn thờ Đức Phật Thích Ca, cao 1m50, dát vàng từ đầu đến chân, ngồi trên tòa sen, đôi mắt lim dim nhìn xuống lòng bàn tay đặt ngửa trên đầu gối. Hai đại đệ tử đứng hầu hai bên…”.

Theo đề án quy hoạch lại Hà Nội, đầu năm 1886, viên Toàn quyền người Pháp là De Lanessan đã ra lệnh đốt hết các nhà lá quanh hồ Hoàn Kiếm, khiến khu vực quanh chùa Báo Ân chỉ còn là mảnh đất hoang tàn. Tới năm 1888, người Pháp đã phá hủy chùa để xây nhà bưu điện. Chỉ còn tháp Hòa Phong được giữ lại và là dấu tích kiến trúc duy nhất của chùa Báo Ân còn tồn tại đến nay.

Phía sau chùa Báo Ân có tháp Hòa Phong, là ngọn tháp cao 3 tầng, tầng 1 có 4 vòm cửa nên còn gọi là tứ môn tháp, một kiến trúc thường thấy trong các công trình của Phật giáo, tầng 2 có bốn góc xây trụ vuông đặt tượng bốn con nghê đều hướng về phía Đông, tầng ba ghi “Hòa Phong Tháp”, trên đỉnh nhô cao có trang trí bầu hồ lô. Tranh khắc dựa trên ảnh tư liệu do bác sĩ Hocquard thực hiện năm 1884.

Một số tranh vẽ toàn cảnh chùa Báo Ân trước khi ngôi chùa này bị phá hủy.

Bản đồ khu vực hồ Gươm năm 1885. Chùa Báo Ân nằm phía dưới.

Bản đồ khu vực hồ Gươm năm 1885. Chùa Báo Ân nằm phía dưới.

Chùa Báo Ân được xây dựng vào khoảng thời gian 1842, tức khoảng thời gian trị vì vua Thiệu Trị – một dấu ấn hiếm hoi của vương triều Nguyễn trên đất Thăng Long xưa. Người chủ trì việc xây chùa là Quan Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai nên người đời còn lấy phẩm hàm vủa vị quan này để gọi chùa bằng hai tiếng Quan Thượng.

Chùa Báo Ân là minh chứng điển hình cho dòng tư tưởng “Cư Nho Mộ Thích” thịnh hành trong thời Nguyễn: tức là học theo đạo Nho nhưng vẫn sùng bái Phật giáo. Bản thân quan chủ trì Nguyễn Đăng Giai cũng xuất thân từ Nho gia vọng tộc. Ông nội là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hoành, còn thân phụ ông chính là là thiếu sư Nguyễn Đăng Tuân – thầy giáo của vua Thiệu Trị.

Chùa được xây dựng trên nền xưa là đất làng Cựu Lâu ( tập hợp từ ba làng Cựu kho súng, Hậu Lâu, Hậu Bi khoảng cuối đời vua Minh Mạng). Nơi đây vốn là phạm vi của khu vực lầu Ngũ Long do chúa Trịnh Doanh (1740-1767) cho dựng để làm nơi hóng mát tiết hè. Để xóa bỏ tàn tích của chúa Trịnh, năm 1787, Lê Chiêu thống đã ra lệnh đốt phủ chúa và những gì có liên quan.

Nằm trên khu đất gần 100 mẫu, chùa Báo Ân được coi là công trình Phật giáo có quy mô bậc nhất xứ Thăng Long bấy giờ với 36 nóc và 180 gian, kiến trúc phức tạp và cầu kỳ. Chùa còn sở hữu một quần thể tượng lớn, nhiều bức được sơn son thiếp vàng hoặc khảm xà cừ, tạo hình sinh động.

Vẻ đẹp của chùa Báo Ân đã khiến nơi đây được coi là động tiên với lời truyền miệng: “Phong quang cảnh trí trăm đường – Trong xây chín giếng, ngoài tường lục lăng – Rõ mười cửa động tưng bừng – Đền vàng tỏa ngọc chất từng như nêm”.

 

Thiện Minh

  •  

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin