Chi tiết tin tức Thiên Mã - núi sắp có tượng Quan Âm cao nhất Việt Nam 21:48:00 - 05/02/2023
(PGNĐ) - Những ngày đầu năm, người Quảng Ngãi đổ về núi Thiên Mã, nơi có chùa Minh Đức với tượng Quan Âm cao 125 m đang được xây dựng.
Quảng Ngãi có ba ngọn núi "Tam Thiên" gồm Thiên Ấn, Thiên Bút và Thiên Mã. Trong đó, Thiên Ấn ở bờ bắc sông Trà Khúc là ngọn núi nổi bật nhất, tạo nên danh xưng "Núi Ấn - Sông Trà", cách người Quảng Ngãi gọi vùng đất quê hương. Thiên Bút cũng là một trong 12 thắng cảnh của tỉnh, được cổ nhân đặt cho mỹ tự "Thiên Bút phê vân" (nghĩa là bút viết vào mây trời). Còn núi Thiên Mã nằm ở cuối sông Trà Khúc nơi dòng sông sắp hòa vào biển. Không nổi tiếng bằng hai ngọn núi trên, nhưng ba năm trở lại đây Thiên Mã trở thành địa chỉ nổi bật trên bản đồ du lịch, trung bình mỗi ngày có hàng trăm khách, cao điểm có thể hàng nghìn, đến tham quan. Trên núi có khu Văn hóa Thiên Mã với vốn xây dựng 1.000 tỷ đồng, trong đó có chùa Minh Đức. Theo chủ đầu tư, chùa cũng sẽ là địa điểm có tượng Quan Âm cao nhất Việt Nam - 125 m khi hoàn thành. Du khách tới đây có thể nhìn thấy Cửa Đại - nơi sông Trà Khúc đổ ra biển. Đỉnh núi là một đài quan sát tự nhiên, có thể nhìn bao quát thành phố Quảng Ngãi hai bên bờ sông, những làng chài, làng rau, nhiều danh lam thắng cảnh khác, và đảo Lý Sơn. Thiên Mã từng được người xưa nhắc đến trong ca dao nổi tiếng nói về truyền thống hiếu học, đỗ đạt thành tài của người Quảng Ngãi. "Khi nào Thiên Mã sang sông/ Thì Làng Mỹ Lại mới không công hầu". Làng Mỹ Lại nằm ở phía bắc núi Thiên Mã, nay thuộc xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi (nơi diễn ra vụ thảm sát Mỹ Lai) là ngôi làng nổi tiếng với truyền thống khoa bảng. Làng có rất nhiều người làm "công hầu" (làm quan trong triều đình), tiêu biểu là ông Trương Đăng Quế. Ông đỗ Hương tiến (Cử nhân, học vị cao nhất lúc bấy giờ) năm Gia Long thứ 18 (năm 1819), là người đầu tiên ở Quảng Ngãi đạt được học vị này. Nhắc đến núi Thiên Mã, không thể không nói về sông Kinh Giang. Sông Trà Khúc đi qua núi Thiên Mã thì rẽ thành hai nhánh. Một nhánh đổ ra Cửa Đại về biển, một nhánh đi song song bờ biển, tạo thành sông Kinh Giang dài 8 km. Ông Trần Cao Minh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, quê ở gần sông Kinh Giang kể rằng sông trước kia rất đẹp, có rừng dừa nước, rừng bần, đến mùa hoa nở trắng xóa và rất thơm. Từ đây, người bên bờ nam cửa Cổ Lũy vượt cửa sông, chèo thuyền theo sông Kinh ra hướng Sa Kỳ để buôn bán. Ghe thuyền đi lại trên sông tấp nập. Trên sông còn có rất nhiều bè của người dân đánh cá. Núi Thiên Mã còn có tên gọi khác là núi Gióng. Ngư dân đánh bắt trên dòng Kinh Giang và ngoài biển, nhìn lên đất liền thấy núi Gióng, cận kề là núi Đầu Voi hay núi Tranh (vì nhiều cỏ tranh). Nên người xưa đặt câu dân ca: "Ngó vô Tranh, Gióng giao kề/ Tiếng oan anh chịu, em về tay ai". Đây là một truyền ngôn bí ẩn vì không rõ sự liên quan "em về tay ai" và hai ngọn núi Gióng, Tranh. Trong lịch sử, Thiên Mã không có chùa như những ngọn như núi khác, nên không khí thường tĩnh lặng. Đến năm 2018, Hoà thượng Thích Tâm Vị, người quê Quảng Ngãi đang trụ trì hai ngôi chùa lớn tại tỉnh Lâm Đồng, chùa Linh Phước (Chùa ve chai), chùa Linh Ẩn, đã đầu tư khu văn hóa Thiên Mã trên núi. Sau hai năm giải phóng mặt bằng, đầu 2020 chủ đầu tư đã làm lễ khởi công xây dựng. Hiện khu Long Hoa Viên, tượng Di Lặc đã hoàn thành. Chánh điện chùa Minh Đức còn phần trang trí nội thất dự kiến sẽ hoàn thành năm 2023. Chánh điện 12.000 m2 có Đại Hùng Bảo Điện với ba tượng Phật cao 21 m, hai bức tường khắc 64 bức phù điêu về cuộc đời Đức Phật. Tượng Quan Âm dự kiến cao 125 m đã xây được 70 m, theo kế hoạch hoàn thành cuối năm 2023. Khi hoàn thành, đây sẽ trở thành tượng phật cao nhất Việt Nam, vượt các bức tượng ở núi Bà Đen (Tây Ninh) cao 72 m và ở chùa Linh Ẩn (TP Đà Lạt) cao 71 m. Điều đặc biệt ở đây là chùa và tượng chưa hoàn thành nhưng khách vẫn nườm nượp kéo đến khai sơn, chiêm bái. Theo đại diện chùa Minh Đức, người dân khắp nơi đổ về vì chùa tọa lạc trên đỉnh núi có cảnh quan và kiến trúc đẹp. "Chúng tôi để phật tử và người dân, du khách tham quan những mục đã căn bản hoàn thành. Còn công trình tượng Quan Âm đang thi công du khách tuyệt đối không được phép vào. Khi nào chùa và tượng chính thức khánh thành sẽ mở cửa rộng rãi", đại diện chùa Minh Đức cho biết. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, việc đầu tư khu Văn hóa Thiên Mã trên tuyến đường biển Dung Quất - Sa Huỳnh đã biến ngọn núi hoang sơ thành điểm nhấn ở phía đông thành phố, theo như quy hoạch phát triển thành phố Quảng Ngãi về hướng biển. Chùa Minh Đức sẽ trở thành điểm du lịch tâm linh được cả nước biết đến. Bà Trương Thị Thu Hường, Phó chủ tịch Thường trục Hiệp Hội Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng khi chùa Minh Đức mở cửa sẽ kéo một lượng lớn du khách đổ về vãn cảnh chùa. Họ sẽ kết hợp đến bãi biển Mỹ Khê gần đó và đi cảng Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn. Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ có thể sẽ phát triển theo như nhà hàng, khách sạn, homestay. Các công ty lữ hành sẽ dễ tổ chức các tour trọn gói cho khách, kéo dài thời gian ở lại Quảng Ngãi.
Cao Chư - Phạm Linh/vnexpress.net
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |