Chi tiết tin tức Ân sâu nghĩa nặng 22:21:00 - 24/08/2021
(PGNĐ) - Có một thứ ân sâu nghĩa nặng mà ngôn từ chẳng làm sao với tới được. Bởi lẽ ở đó, không có sự cho đi và đòi lại, tất cả đều trôi chảy hồn nhiên, không có gì ngưng đọng để người cho và kẻ nhận phải lưỡng lự ngập ngừng, tính toan do dự.
Ảnh minh họa
Phật bảo trên thế gian này chẳng có thứ ân nghĩa nào sánh bằng ân nghĩa ấy. Ân cha nghĩa mẹ! Cao vót, sâu mầu. Một buổi chiều mưa gió, tôi đã bắt gặp người đàn ông ấy trong bệnh viện. Cánh tay sạm nắng, nhăn nheo chợt run lên khi giọt máu sau cùng được rút ra khỏi huyết quản. Ông ngất đi một lát rồi tỉnh dậy, cầm ít tiền trong tay và lao đi thật nhanh. Lại một lần nữa, tôi vô tình gặp con người ấy phía sau cổng bệnh viện, trên tay đứa con nhỏ sốt ho hỏi nhìn cha với đôi mắt cầu khẩn. Ngắm con mấp máy mấy giọt sữa vừa đổi được từ máu mình, người đàn ông ấy đã mỉm cười. Tôi lặng người. Trong lòng chợt nghĩ, không biết mai kia lớn lên, đứa bé có biết chuyện này không? Huyết đào cha cho con, mai này lớn khôn khỏe mạnh, cha mừng. Còn chuyện hôm nay, ai sẽ kể cho con nghe? Thôi, bỏ đi. Bởi vì cha có muốn nhắc tới chuyện đó bao giờ đâu. Có những chuyện tình cờ thoáng qua bên đường mà trở thành thiên thu diễm lệ. Có những vị Phật trong đời không phát ra tướng lông trắng giữa chặn mày, phóng luồng hào quang sáng lớn mà vẫn có thể tuyên nói diệu pháp sâu mầu bằng trái tim và ánh mắt từ ái, bao dung, hy sinh, độ lượng vô bờ. Rất tiếc trên đời này, không cây cọ nào có thể vẽ nổi một bức chân dung sống thực của hai đấng sinh thành. Cho nên rồi, đối với mẹ cha dù con cái có thương yêu, nghĩ tưởng tới đâu cũng vẫn thiếu thật nhiều so với đôi mảnh tình chung, một núi một biển ấy. Ở đó, không bờ không mé, không có rào giậu để cho bước chân con dù có lạc lối tới đâu, cũng được hồn của cha và tình của mẹ nâng đỡ đón trở về. Cha mẹ ôm trọn cuộc đời con, con có mặt trong cuộc đời cha mẹ như một dòng sông mà cả ba phải hòa mình vào nhau, để có chung từ bên trong một nhịp đập trôi chảy đến vô cùng. Cho nên con khổ thì cha mẹ cũng khổ, con vui thì cha mẹ cũng vui, con tu hành cứu kính được giác ngộ giải thoát thì cha mẹ cũng sanh thiên. Đạo lý này không phải chỉ được nhấp trên đầu môi, mà đó là một sự co thắt trong từng khúc ruột, từ thuở hài nhi mới vào thai. Hình hài con là kết tinh của cha, là máu thịt của mẹ, là hơi thở và linh hồn của trái tim thấm đượm lòng yêu thương vô bờ. Đôi khi vì mải mê theo đuổi một Đức Phật trong tâm tưởng mà chúng ta bỏ quên Đức Phật bằng xương bằng thịt ngay sát bên cạnh mình. Người đứng tựa cửa thật lâu vào mỗi chiều về, ngóng đợi bóng dáng ta từ tít xa đầu ngõ, bụng thầm cầu nguyện cho con đi đường bình an, mau về tới nhà. Ta quên đi Đức Phật sống động luôn bên cạnh mình, mà chỉ nhớ Đức Phật với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp như trăng rằm. Và vì thế ta đã chối bỏ những đường nét mặn mà khằn lên mắt môi mẹ cha qua bao năm tháng tảo tần, để cho ta có được cuộc sống hôm nay. Một lời nói vô tình, một cái nhìn hời hợt, một cử chỉ thờ ơ… ta đâu có hay đã làm nhói đau lòng mẹ cha. Nhưng không vì thế mà trái tim người khô héo, chai sạn, ngược lại còn đỏ thắm yêu thương đến không ngờ. Lỗi lầm nào của con cha mẹ cũng bỏ qua, niềm vui nào của con cha mẹ cũng cho hết, nỗi khổ nào của con cha mẹ cũng xin nhận, miễn con được an vui hạnh phúc là đủ rồi. Hiện thân của lòng từ vô lượng ấy, ngoài trái tim của Bậc Giác ngộ ra, không trái tim nào có thể sánh nổi. Cho nên quên mất mẹ cha là đánh mất trái tim mình, làm sao ta có thể sinh tồn và khôn lớn mà nói chuyện thành người!
Hôm giã từ cha mẹ đi tu, mỗi chúng ta có thể đã đem lại niềm hạnh phúc lớn nhất cho người mà cũng có thể đã đem đến nỗi khổ lớn nhất cho người. Ngày nào tâm ta hết tham sân si thì ngày đó muôn cửa lành rộng mở đón cha mẹ trở về. Ngày nào tâm ta còn chìm ngập bóng tối vô minh thì ba đường dữ mở ra đưa đẩy mẹ cha trầm luân trong thống khổ. Cha yếu, mẹ già tại tiền thì xa con, nhắm mắt lại không ai chỉ lối đưa đường. Nỗi khổ này, biết con có nhớ đến hay không? Đã lâu rồi, âm hưởng lá thơ của mẹ ngài Động Sơn gởi cho ngài, vẫn ngàn năm vang vọng như hồi chuông thức tỉnh lòng người Thích tử xa nhà: - Mẹ cùng con đời trước có nhân duyên mới kết thành tình mẹ con. Kể từ ôm thai trong lòng, sớm chiều cầu Thần khẩn Phật nguyện sanh được con trai. Thai bào đủ tháng, mạng sống như chỉ mành, sanh con được toại nguyện quý như châu như bảo, không nề sự hôi hám của phân uế, chẳng ngại sự bú xú nhọc nhằn. Con vừa thành người, dắt đến trường học tập; hoặc khi con đi chơi về trễ, mẹ đứng cửa trông mong. Con viết thơ về quyết xin xuất gia. Cha đã mất, mẹ già, anh yếu, em nghèo nàn, mẹ trông cậy vào ai? Con có ý bỏ mẹ, chớ mẹ nào có tâm quên con. Từ khi con cất bước tha phương, ngày đêm mẹ thường rơi lệ. Khổ thay! Nay con lại thệ chẳng về quê, mẹ cũng tùy chí nguyện của con. Mẹ không dám mong con như Vương Tường nằm giá, Đinh Lan khắc cây, chỉ mong con như Tôn giả Mục Liên độ mẹ thoát khỏi trầm luân, tiến lên Phật quả. Nếu mẹ không như vậy e phải có tội, con cần phải giải quyết cho xong. Mỗi lời thơ là một hạt ngọc trai kết tinh từ trái tim tràn đầy hùng lực, bi lực và trí lực. “Mẹ chỉ mong con độ mẹ thoát khỏi trầm luân, tiến lên Phật quả” là một thông điệp, một sứ mệnh mà mỗi người con Phật phải hoàn thành trước khi muốn bước lên bến bờ giác ngộ giải thoát. Lá thơ không chỉ khắc lên tâm khảm thiền sư một di huấn tối hậu của từ mẫu, mà còn là lời tuyên thệ nguyện dẫn lối cho con đi suốt cuộc hành trình, đến khi nào rốt ráo viên mãn, chấm dứt tử sinh, lòng mẹ mới yên. Ân cha như núi, nghĩa mẹ như biển, chúng ta không có con đường nào khác để lựa chọn ngoài một đạo lộ thẳng tiến trước mắt. Chừng nào giải quyết xong đại sự thì mới mong nhìn mặt mẹ cha, bằng không thì tội lớn khó tha! Cho nên hạnh phúc hay khổ đau của song đường đều gởi trọn nơi đời tu của mỗi chúng ta. Phật dạy, người xuất gia chỉ có tu hành tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn mới mong đền đáp ân sanh thành dưỡng dục của mẹ cha. Lời này, làm sao chúng ta dám quên! Mùa Vu lan về là mùa hoa tâm nở. Hoa hiếu hạnh và đạo đức tròn đầy, tuy không gợi sắc màu mà hương thơm ngược gió bay xa. Chúng con cúi xuống cung kính dâng lên mẹ cha đời này và vô lượng vô lượng những đời khác, đóa hoa tâm tha thiết ngạt ngào. Nguyện từ lực cha mẹ luôn hộ độ cho chúng con, cùng chúng con đi suốt cuộc hành trình, vượt thoát nẻo tử sinh. Ngày thành Phật, chắc chắn có mẹ và cha đồng vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai với chúng con. Kính mong cha mẹ hãy yên lòng…
Hạnh Chiếu
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |