Chi tiết tin tức Báo ân phụ mẫu qua lời ru của mẹ, nghiêm trì của cha 21:33:00 - 18/08/2022
(PGNĐ) - Bằng lời ru dịu ngọt của mẹ hiền, sự nghiêm trì giáo hạnh của người cha, hạnh phúc cuộc đời dường như mở đầu bằng tâm hiếu thảo. Dòng suối tâm hiếu hạnh chảy đến đâu, sự tươi mát trong lành tình người thẩm thấu đến tại đó. Những hương thơm quả ngọt tràn đầy của dòng đời, sự bình an nội tại từ trong tâm thức theo đây mà trổ đầy.
Bởi lẽ: “Dù con đi trọn kiếp người Vẫn không đi hết những lời mẹ ru”. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, người ta nói rằng: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh giải thoát”. Thực thi tâm hiếu đồng nghĩa với thực thi khát vọng lớn nhất loài người là hạnh phúc, an lạc. Đây chính là vấn đề nhân loại luôn hy vọng và mong đợi. Triết gia Aristoteles đã từng đề cập đến vấn đề hạnh phúc như là một sự hoàn thiện mọi mặt của con người đi từ đời sống thực nghiệm tâm linh đến đời sống vật chất: “Hạnh phúc là sự phát triển hoàn toàn đầy đủ các đức tính của con người” [1]. Còn một triết gia người Do Thái ở thế kỷ thứ XVII cho rằng: “Hạnh phúc là mục đích của hành động. Hạnh phúc là sự có mặt của các cảm giác thoải mái, và sự vắng mặt của khổ đau” [2]. Trong khi đó. Bazelade, nhà đạo đức học người Nga phát biểu: “Vấn đề lý tưởng tối cao và ý nghĩa cuộc sống thực chất là vấn đề hạnh phúc…”. Và ông cũng nhấn mạnh: “Con người là giá trị cao nhất, là cơ sở ngọn nguồn của mọi giá trị. Mọi thứ chỉ là phương tiện cho con người và cuộc sống con người. Sự cải tạo thế giới là mục đích, nhưng không phải là sự cải tạo vì bản thân nó, mà sự cải tạo con người” [3]. Trong khi đó, Phật giáo đã giải quyết vấn đề hạnh phúc bằng con đường diệt khổ theo tinh thần Tứ diệu đế. Con đường này có khả năng đưa con người vượt ra ngoài cội nguồn tham sân si, xây dựng nếp sống hạnh phúc an lạc thật sự. Tại đây tình người, lòng nhân ái, vô ngã vị tha, từ bi xuất phát từ tâm hiếu hạnh tuôn chảy vào đời. Đây chính là lẽ sống, đạo lý làm người, là gia tài đầu tiên mà cha mẹ đã cho con cái để bước đi trong cuộc sống này. Con người đón nhận, gìn giữ gia tài ấy như hành trang vô giá để hội nhập với đời, như dòng nước mát hòa lẫn với sữa mẹ. Thật là hạnh phúc khi gia tài tình người được khởi đầu bằng tình phụ tử, mẫu tử keo sơn đậm đà. Để rồi, dòng suối ngọt ngào ấy cứ thế miên man tuôn chảy vào muôn nẻo yêu thương. Khi nguồn suối yêu thương tuôn chảy vào những trái tim nồng nhiệt sẽ kết thành tình vợ chồng chung thủy trăm năm. Khi dòng suối trong thanh, mát mẻ chảy vào tâm thức anh chị em cốt nhục thì đây chính là tình huynh đệ thủ túc thắm thiết. Khi chất liệu yêu thương của dòng suối thẩm thấu vào lòng mỗi người trong xã hội thì đây chính là tứ hải giai huynh đệ. Khi yêu thương ấy khiến mọi người gần gũi, đoàn kết với nhau trong ý niệm tất cả là “đồng bào” thì đây thật sự là khúc nhạc của “ân tình nghĩa cảm” dạt dào. Khi nguồn suối yêu thương tuôn chảy vào lòng dân tộc thì gọi là “trung với nước, hiếu với dân”. Còn khi dòng suối thẩm thấu từ quốc gia này đến quốc gia khác thì đây chính là tình hữu nghị quốc tế. Và khi dòng suối ấm áp chân tình này len lỏi vào từng hơi thở nhịp đập từ một trái tim đến muôn vạn trái tim thì tình này hoá thành tâm đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn của chư vị Bồ tát thương chúng sanh như con đẻ ruột rà. Xem ra, tình phụ tử, mẫu tử đã đưa con người vào đời trong tiếng nói đích thực của con tim biết yêu thương và hiểu biết. Thật đúng như Kinh Tương Ưng bộ đã dạy: “Vô thỉ luân hồi, này các Tỳ kheo, không dễ gì tìm được một chúng sanh trong một thời gian dài này lại không một lần làm mẹ làm cha”. Tại đây, từ trong thực tánh Duyên khởi bước ra, băng qua trùng trùng điệp điệp những sa mạc hoang vu tâm tưởng, tâm hiếu hiện ra với những rung động tận đáy lòng của những người con đại hiếu. Điều đó có thể nhìn thấy trong văn học thông qua tấm lòng hiếu thảo của Thúy Kiều trong Truyện Kiều (Nguyễn Du) khi nàng đứng trước sự chọn lựa cuộc đời: “Duyên hội ngộ đức cù lao Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn”. Như nàng lấy hiếu làm trinh Bụi nào cho đục được mình ấy vay”. Thế là nơi nào tâm hiếu có mặt là nơi đó có tiếng nói đích thực của cõi lòng, thể hiện đạo lý làm người đi từ sự bất thiện hướng đến thiện, từ thiện đến sự thăng hoa của thiện. Theo dòng thác chuyển hoá tâm thức này, lòng hiếu thảo trào dâng thẩm thấu vào các vùng đất văn hoá, giáo dục, kinh tế, đời sống phì nhiêu để ra hoa kết trái hương thơm ngọt ngào: “Con yêu mẹ càng thêm yêu Tổ quốc Mẹ yêu con đất nước hoá nôi vàng” (Phanxipăng) Con hiểu và thương mẹ cha vô cùng. Từ thuở lọt lòng, mỗi khi con bật khóc là cha mẹ bật cười. Vẫn nhớ như in ngày nào, mẹ bế con vào lòng cho con bú mớm những dòng sữa tươi mát ngọt ngào, hát những lời ru đưa con vào giấc ngủ say sưa. Trong ánh mắt yêu thương trìu mến, mẹ nhìn ngắm con thật lâu, rồi vuốt ve con từng cử chỉ âu yếm dịu dàng. Con mở mắt tròn xoe, cha mỉm cười, rồi tập cho con nói tiếng bi bô, tập cho con từng bước đi, dìu dắt chỉ vẻ cho con viết từng nét chữ, từng giờ học, dắt tay con đến trường. Hầu như toàn bộ hành trang vào đời của con đều do cha mẹ truyền trao với tấm lòng yêu thương không cùng tận. Xưa cũng như nay, tình mẹ cha đối với con cái bao giờ cũng vậy. Có thể nói thâm tình ấy rất vĩ đại, vĩ đại đến nỗi nó đi vào huyền thoại lịch sử. Nhớ xưa kia, người cha Lạc Long Quân và mẹ hiền Âu Cơ đã mang nặng đẻ đau trăm đứa con trong một bầu thai ý niệm “đồng bào”. Các con được sinh ra, lớn lên, trưởng thành từ thế hệ này sang thế hệ khác đi khắp mọi miền đất nước khai phá rừng hoang, mở mang bờ cõi… Chỉ mong sao đất nước được hoá rồng, xứng danh với dòng máu “con rồng cháu tiên” để sánh vai các cường quốc năm châu. Như trăm sông đổ về biển cả, cũng vậy, bằng nhiều phương cách chăm sóc khác nhau, mẹ cha chỉ mong sao con không những ấm no hạnh phúc bên mái ấm gia đình mà còn hướng dẫn con vào nếp sống đạo bên tiếng chuông chùa nhẹ ngân. Nhớ hôm nào mẹ nắm tay con dắt vào chùa, lòng vui biết mấy. Thầy tổ dạy cho con đạo lý làm người, trước nhất là vâng lời cha mẹ. Từ đây lòng con biết “ân cha nghĩa mẹ” cao vời không sao đền đáp được. Lòng con hổ thẹn, bùi ngùi không thốt lên lời, bởi: “Có hai hạng người, này các Tỳ kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai, mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ, làm vậy cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa nước tắm rửa, thoa gội và dầu tại đấy, có vãi tiểu tiện đại tiện như thế, này các Tỳ kheo, cũng chưa đủ hay trả ơn đủ mẹ cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỳ kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, dưỡng dục con khôn lớn, giới thiệu con vào đời” (Kinh Tăng Chi 1). Thế rồi con đi vào đời trên mảnh đất “đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, lòng con khát khao đền đáp ân sinh thành dưỡng dục của mẹ cha bằng nhiều phương thức Phật đã dạy. Tự thân con hiểu gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ là thờ Phật. Lòng con thanh thản vô cùng. Ngoài việc phụng dưỡng đời sống tình cảm vật chất đối với cha mẹ, bổn phận người con còn phải cùng cha mẹ thể nhập Chánh pháp để giải thoát khổ đau. Đây mới chính là đại hiếu cao cả nhất mà người con phải thực hành: “Làm con phụng dưỡng cha mẹ, dùng trăm vị cam lồ dâng cúng cha mẹ, dùng thiên nhạc vi diệu làm vui lòng cha mẹ, dùng các sắc phục tôn quý nhất chói sáng thân cha mẹ., hai vai tự cõng cha mẹ đi khắp bốn biển, trọn đời đáp ân nuôi dưỡng cha mẹ, như vậy chưa gọi là hiếu..”. (Kinh Hiếu Tử). Theo Cảnh Sách dạy, muốn báo đáp ân đức cha mẹ nên khuyên cha mẹ đối với Phật pháp, đối với các pháp nhân quả … chưa tin, khuyên cha mẹ tin; cha mẹ tin rồi khiến lòng tin thêm tăng trưởng; cha mẹ không giữ giới thì khuyên cha mẹ giữ tịnh giới. Cha mẹ có lòng xan tham thì khuyên cha mẹ làm việc huệ thí, khéo an trú để tự điều phục. Như vậy, gọi là chân thực báo ân cha mẹ. Từng bước vượt qua sự cám dỗ cuộc đời, lòng hiếu thảo của con đã đi vào lộ trình giải thoát an lạc. Tâm hiếu dần chuyển thành tâm giới, tâm định, tâm tuệ, tâm giải thoát, giải thoát tri kiến. Tại đây, nhân loại sẽ sống chung trong ngôi nhà chánh pháp, không còn lo âu sợ hãi trước các vấn đề nan giải như khủng hoảng tâm linh và môi trường kéo theo sự băng hoại các giá trị đạo đức và các giá trị truyền thống. Theo các kinh điển ghi lại, Thế Tôn và các bậc đại đệ tử của Ngài thực hành tâm hiếu hạnh như là hạnh nguyện tu tập giải thoát tâm đối với tự thân và cho cả cha mẹ mình. Thế nên, thuở còn làm Thái tử, Đức Phật đã khát khao báo hiếu ân sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Ngài nghĩ rằng chúng sanh còn đau khổ trong dòng thác sanh tử luân hồi thì cha mẹ Ngài cũng phải khổ đau như mọi người. Ngài đã từ cung vàng điện ngọc lên đường để phá vỡ gông cùm thực tại đang trói buộc con người: “Cha ta và tất cả rồi đây sẽ già yếu, sẽ khổ đau về thể xác. Ta phải làm gì cho những người thân yêu đó được hưởng quả phước tinh thần như vị Sa-môn kia? Ta phải tự giải thoát, để giải thoát cho phụ hoàng, dì mẫu, da du và toàn thể chúng sanh. Ta phải đem đến cho họ niềm an lạc vô tận, vô biên này. Chắc rằng rồi phụ hoàng sẽ buồn khổ vì nỗi nhớ thương ta, người sẽ héo úa khổ sầu vì tình người ngài dành cho ta sâu rộng biết chừng nào, người đã bù đắp sự thiếu vắng mẹ hiền khi ta còn măng sữa. Và dì mẫu, da du hai người sẽ bỏ ăn, không ngủ lo cho ta trơ trọi giữa rừng già, chẳng ai săn sóc. Sơn hà xã tắc này đã dành cho ta trong mai hậu, thay cha trị nước lo dân. Nhưng no ấm có phải là mục đích tối thượng sẽ bừng khai, đó chính là lúc ta báo hiếu cho phụ hoàng, cho vong mẫu, cho dì mẫu, đem nguồn hạnh phúc cao thượng đến với muôn dân”. Như vậy tâm hiếu là cơ sở ngọn nguồn của giải thoát khổ đau. Chính tâm hiếu này đã trợ duyên giúp Ngài thành đạo, giác ngộ sự thật cuộc đời. Rồi sau đó, Ngài trở về thành Ca-tỳ-la-vệ thuyết pháp cho vua Tịnh Phạn đắc quả A-na-hàm. Khi phụ vương sắp lìa trần, Ngài thuyết pháp cho vua cha nghe thời pháp cuối cùng, gần 1.000 câu kệ được ròng rã trong bảy ngày ngày đêm để vua cha đắc quả A-la-hán. Ngày tang lễ phụ hoàng, Thế Tôn đã kề vai gánh quan tài, tự thân làm lễ trà trì cho vua cha tại núi Linh Thứu. Đối với Phật mẫu, dù cách biệt đôi đường, Thế Tôn đã lên cõi Đâu Suất trong kỳ nhập hạ thứ bảy thuyết pháp ròng rã ba tháng toàn bộ luận tạng để mẹ đắc quả vị thánh Tu-đà-hoàn. Cho đến lúc nhập Niết Bàn, đại bi tâm của Ngài đã cứu độ không biết bao nhiêu chúng sanh không có một phút giây dừng nghỉ. Cứ mỗi chúng sanh được hóa độ, chúng con lại thành kính đảnh lễ, tán dương xưng tụng công hạnh của Ngài. Xem ra, hàng loạt Phật tử chúng con được cứu độ giải thoát nhờ công ơn báo hiếu của đức từ phụ. Tôn giả Mục Kiền Liên cũng là gương hiếu hạnh nổi bật kế thừa truyền thống báo đáp ân sinh thành dưỡng dục mẹ cha của Đức Thế Tôn. Lúc chưa xuất gia, Ngài tên là La Bộc, ngài đã nhiều lần thỉnh cầu cha mẹ đi vào con đường chánh pháp để đoạn khổ. Truyện kể rằng, ngài sinh ra và lớn lên trong sự giáo dưỡng một gia đình có cha là một phó tướng, một trưởng giả giàu có. Mẹ ngài là Thanh Đề thường sanh tâm phỉ báng Tam bảo. Sau khi cha qua đời, hết thời kỳ mãn tang. Ngài đã xin mẹ mở kho báu chia tài sản thành ba phần. Một phần để mẹ chi tiêu, một phần để cúng dường cầu đức cho cha, một phần để dành cho mình đi buôn bán xứ xa. Sau bao năm buôn bán xứ người, ngài trở về nhà trong lòng đầy tôn kính hiếu hạnh với mẹ. Gần đến nhà, mọi người nhìn thấy Ngài vừa đi vừa lễ lạy nên kinh ngạc hỏi: “La Bốc ơi, vì sao người làm thế, Phật chẳng có mà Tăng cũng không kia mà. La Bốc mặt mày rạng rỡ cao giọng trả lời: “Tôi lễ lạy đây chính là lễ lạy mẹ tôi. Khi tôi đi rồi, mẹ tôi ở nhà tu hành tinh tấn, làm phước báu tạo duyên, ăn chay niệm Phật, mới đây mẹ tôi thiết trai cúng dường năm trăm vị”. Mọi người nghe xong cười giễu: “La Bốc ơi! Ai nói ông như thế? Khi ông đi rồi mẹ ông xúi giục chúng tôi đánh đập chư Tăng mua trâu, dê cắt tiết tế thần, ông về nhà sẽ rõ, chớ vội tin lời ai cả”. La Bốc nghe rồi té xỉu, sau đó người ta đưa ngài về nhà. La Bốc vẫn lễ mẹ và giấu đi nỗi buồn. Vài tháng sau mẹ ngài là Thanh Đề ngã bệnh, mụt nhọt nổi lên khắp mình, máu chảy ra hôi thối, cơm nước thức ăn đưa vào miệng là trào ra hết. Sau bảy ngày mẹ ngài đã trút hơi thở cuối cùng trong sự tuyệt vọng. La Bốc làm lễ an táng, tụng kinh sám hối hồi hướng cho mẹ. Rồi ngày kia ngài gặp Xá Lợi cùng nhau đến tịnh xá Trúc Lâm để thọ giáo đức Phật. Với tâm hiếu chí thành ngài đã vận dụng thiên nhãn nhìn thấy mẹ, đang bị đoạ vào địa ngục vô gián! Ngài đã khẩn cầu đức Thế Tôn xin chỉ cách cứu mẹ: “Kính bạch Đức Thế Tôn, con đã nhìn thấy mẹ thọ khổ hình, lòng đau như cắt, chín chữ cù lao chưa một phút đáp đền, ba năm nhũ bộ chưa trả tròn trong muôn một, xin đức Thế Tôn từ bi chỉ cho cách cứu độ mẹ con”. Đức Phật dạy rằng: “Vì ngày trước mẹ ông không biết kính Tam bảo, lắm điều gian ác cho đến quỷ thần đều kinh hãi, gớm ghê, tham lam ích kỷ, giết hại sinh vật, dĩ nhiên phải đoạ vào ác đạo làm thân quỷ đói. Dù ông chứng đủ lục thông cũng không cải được nghiệp cho mẹ, hãy giúp mẹ bằng cách: Đến rằm tháng bảy là ngày tự tứ của chư Tăng sau ba tháng an cư kiết hạ sách tấn tu hành các nghiệp được thanh tịnh, công đức được tăng trưởng khiến chư Phật mười phương hoan hỷ, ông nên nhân ngày tốt đẹp đó làm lễ Vu lan bồn để cải nghiệp cho mẹ, đánh thức tâm mê muội của bà đã hằng hà sa kiếp không biết tin nhơn quả. Ông hãy chí thành lễ bái cúng dường chư Tăng, xin chư Tăng hợp lực dùng sức lực hàng ngàn tâm thanh tịnh và lòng từ bi quảng đại, đưa tư tưởng lành xuống cõi âm, cho mẹ ông tiếp cận sức mầu, tâm thức bó chặt bấy lâu khai mở, bỏ hết tham sân si, ích kỷ tánh của của loài ngạ quỷ, súc sanh thì mới mong chuyển nghiệp”. Như mặt trời lên, tất cả sương mù đều tan biến cả, cũng vậy, tâm hiếu của Mục Kiền Liên cầu thỉnh chư Tăng gia trì lực đồng hộ niệm đã chuyển mẹ và cha mẹ nhiều đời của ngài bước ra vùng tà kiến đi vào chánh kiến giải thoát khổ đau. Tôn giả Xá Lợi Phất cũng vậy suốt cả cuộc đời tu hành, lòng canh cánh độ mẹ thoát khỏi khổ đau. Gần 40 năm thuyết pháp độ mẹ nhưng vẫn không chuyển hoá tâm thức của bà ra khỏi tà kiến phụng thờ đấng Phạm thiên và bài bác đạo Phật. Cho đến gần ngày nhập Niết Bàn, lòng tôn giả khởi niệm có một ân nghĩa lớn chưa đền đáp được đó là ân sinh thành giáo dưỡng cha mẹ. Ngài đã nhập định, tự thân biết mình là người có duyên độ mẹ, ngài đến xin Thế Tôn nhập diệt tại ngôi nhà bà mẹ đang ở, nơi mà thuở nào bà đã hát ru đưa ngài vào giấc ngủ. Ngay lúc đó các vua trời Dục giới, Đại phạm đã chiếu hào quang chói sáng xin làm thị giả hầu hạ ngài vào thời điểm cuối đời. Nhờ oai lực này, mẹ ngài đã khởi tín tâm, tin Tam bảo, nghe pháp đắc quả thánh. Đến đây lòng tôn giả thanh thản, an nhiên nhập Niết Bàn. Và như thế, hoa hiếu đua nhau khai mở, hương thơm tràn đầy của ngũ phần giới hương: Giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương bay khắp muôn nẻo đường. Hơn bao giờ hết, chúng ta là những người sinh ra và lớn lên trong vòng tay của mẹ cha. Xưa cũng như nay, dù ấm no hạnh phúc hay đói khát khổ đau, dù cha mẹ còn hay khuất bóng, lòng con vẫn luôn thương yêu kính trọng mẹ cha. Kỷ niệm ngày báo hiếu hôm nay là kỷ niệm buổi đầu tiên con người mở mắt chào đời trong tiếng nói đích thực tình người. Từ trong thực tánh duyên khởi trùng trùng, tâm hiếu của con đã chuyển hoá thành tâm Phật, tâm giải thoát để dâng mẹ dâng cha, mở lối đi về cánh cửa vô sanh bất tử.
TT. Thích Phước Đạt/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 395Chú thích: [1] A story of Philosophy by Will Durans, Bản dịch của Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1971, tr.18. [2] Sđd, tr.228. [3] Đạo đức học, Bản dịch Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1985, tr.232.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |