Chi tiết tin tức

Bất an từ bên trong: Căn bệnh thời đại

19:55:00 - 06/09/2018
(PGNĐ) -  Đầu tháng 6 năm 2018, chỉ trong vòng một tuần, Anthony Bourdain, đầu bếp trứ danh và Kate Spade, nhà thiết kế thời trang, lần lượt tự vẫn...

Cái chết của hai người nổi tiếng nước Mỹ gây hoang mang cho nhiều nhóm người thế giới, nhất là đối với người hâm mộ và những người luôn đau đáu đi tìm một cuộc sống hạnh phúc. Hai người họ, có gần như mọi thứ về mặt vật chất, đặc biệt là hai điều mà con người bình thường mơ đến nhiều nhất: tiền bạc và danh tiếng, nhưng cả hai đều tìm đến cái chết và được cho là liên quan đến bệnh tinh thần (mental illness). 

obama.jpg
Đầu bếp trứ danh thế giới Anthony Bourdain (phải) với Tổng thống B.Obama trong lần đến Việt Nam

Từ xưa đến nay, chuyện người nổi tiếng tự sát không còn lạ lẫm với công chúng, có thể kể những cái tên như: Marilyn Monroe, Mỹ (1962), Choi Jin Sil, Hàn Quốc (2008), Robin Williams, Mỹ (2014)… và còn nhiều nhân vật quen thuộc khác mà chỉ cần tìm kiếm trên internet là có thể biết được. Đa số nguyên nhân của các cái chết này là trầm cảm, dùng chất gây nghiện hoặc thuốc an thần quá nhiều.

Việc tự tử của những người nổi tiếng và thành đạt là một minh chứng cho thấy một cuộc sống đầy đủ vật chất và thành đạt tiếng tăm không phải là cội nguồn của bình an cho con người.

Tâm bệnh đến từ đâu?

Chính ánh hào quang giả tạm đó tạo nên áp lực khiến người nổi tiếng không còn được sống cuộc đời bình thường của mỗi con người. Họ có quá nhiều người hâm mộ, những cuộc giao tiếp đỉnh cao, tiệc tùng đình đám… hàng chuỗi các giao tiếp bên ngoài. Trong khi đó, năng lượng là một thứ cần được cân bằng, khi cuộc sống bên ngoài chiếm hết thời gian và tâm trí của một ai đó, thì thế giới bên trong đang cạn kiệt năng lượng.

Những người nổi tiếng chỉ là mặt bên ngoài của xã hội. Còn có rất nhiều người bình thường thầm lặng cũng tự tìm đến cái chết do áp lực cuộc sống và bệnh tật. Nhiều người tại Nhật Bản hay Hàn Quốc tự tử do các vấn đề như bệnh thần kinh, áp lực công việc, mâu thuẫn gia đình... Theo thống kê của trang www.statista.com, tại Nhật Bản, vào năm 2017 có gần 10.8 ngàn người tự tử liên quan vấn đề sức khoẻ, và khoảng 2.000 người do công việc. Tại Việt Nam, các ca tự tử cũng không phải là ít. Hồi tháng 4-2018, một em học sinh lớp 10 ở quận Tân Bình, TP.HCM nhảy lầu vì áp lực học hành từ cha mẹ và nhà trường đã thật sự gây sốc cho các gia đình có con em trong độ tuổi đi học.

Tìm đến cái chết, dù dưới nguyên nhân nào đi nữa, thì cũng là kết quả của việc cuộc sống bế tắc và hiếm có niềm vui từ bên trong. Theo quan điểm Phật giáo, tự tử là hành vi tạo nghiệp khá nặng.

Gần với tự tử và cũng là nguyên nhân gần nhất đưa đến hành vi này chính là cuộc sống đầy rối ren với nhiều áp lực từ mọi phía. Tâm bệnh của thời đại là đây. Giới doanh nhân với nhiều căn bệnh hiểm nghèo, các chứng trầm cảm kéo dài dẫn đến một cuộc sống cá nhân trầm cảm là chuyện xảy ra rất nhiều trên khắp thế giới. Ở Việt Nam, số người thành đạt giàu có dẫn đến sống hoang tưởng không hiếm. Có những ông chủ bà chủ giàu có danh tiếng mà con cái thì vướng vào nghiện ngập, gia đình ly tán, sống vò võ một mình trong những căn biệt thự rộng mênh mông, cơm ăn ngày ba bữa như người bình thường, mà lại đau khổ hơn người bình thường.

 Từ trong sâu thẳm, họ thật sự cảm thấy cô đơn ghê gớm khi giữa bao nhiêu cuộc vui mà vẫn không có ai tri âm tri kỷ. Khi họ đứng trên sân khấu hay trước tiền tài vật chất, họ rất lộng lẫy rạng ngời đầy tự tin. Nhưng khi bỏ hết những điều đó, đối diện với mặt mộc của chính mình, họ nhận ra không một ai bên cạnh để có thể chia sẻ và chấp nhận họ.

Trên thực tế, chính họ không chấp nhận bản thân chứ không phải là không ai chấp nhận họ. Họ không tự tin với bản thân khi không còn vật chất xung quanh. Lời khen ngợi, sự tung hô của đám đông như một chất ma túy kích thích họ tiến về phía trước. Đau khổ của con người là phụ thuộc vào cảm xúc của người khác. Thành công này nối tiếp thành công kia, họ không chịu lùi bước và cứ dấn thân tiếp tục tìm kiếm các thành tựu cao hơn. Thế nhưng, não trạng của con người nằm ngoài cái muốn. Khi tham vọng của con người vượt qua ngưỡng chịu đựng của não trạng thì nó phải biểu tình đòi nghỉ ngơi và gây ra những cơn đau. Một lần, hai lần rồi nhiều, chủ nhân không chịu dừng lại để điều trị cho nó, dần dần nó trở nên tê liệt. Khi nó bị đóng băng, nó bắt đầu lui về không còn muốn giao tiếp với ai nữa, không còn muốn tiếp nhận điều gì nữa từ đó dẫn đến tự kỷ, trầm cảm, cô độc cùng cực lên ngôi. Tâm bệnh từ đây khởi phát. Sự bất an từ bên trong cứ thế mà âm thầm phát triển và làm cho con người mất dần lòng tin và niềm hy vọng vào cuộc sống.

Được chuyện trò & thấu hiểu - nhu cầu thiết yếu của con người

Ở thể vật chất, con người, dù ai đi nữa, từ ông tổng thống đến người lao công, đều giống nhau ở những nhu cầu cơ bản như ăn, ngủ, bài tiết, yêu đương. Các nhu cầu bản năng vốn cũng đã gây nên nhiều rắc rối cho con người rồi. Ăn không tiêu cũng khổ, ngủ không đủ giấc cũng mệt, yêu đương không như ý thì sầu não. May thay, những việc này gần như bản năng và nằm ngoài kiểm soát dài hạn của lý trí, nên con người kiểu gì cũng có thể tồn tại.

Còn ở thể tinh thần, nhu cầu căn bản chính là được chuyện trò và thấu hiểu. Đó là lúc con người thật sự được sống. Từ khi mới ra đời, trẻ sơ sinh đã muốn nói chuyện đơn sơ bằng tiếng khóc. Đó chính là cách giao tiếp của bé với thế giới bên ngoài bụng mẹ, với ý muốn người lớn có thể hiểu rằng con muốn bú sữa, con đã lỡ tè dầm vào tã. Lớn lên khi đi học, trước khi biết yêu đương, con người đã muốn nói chuyện và có bạn bè. Học trò cấp 1, cấp 2 không ngồi yên được, thầy cô hở ra là quay sang bạn bên cạnh để nói. Chẳng biết nói gì nhưng cái lớp lúc nào cũng có tiếng ồn, lúc nào cũng tụ năm tụ ba náo nhiệt lúc râm ran. Càng lớn dần hơn nữa, con người bắt đầu kết bạn và trò chuyện theo nhiều cách thức khác nhau, nhưng tựu trung lại chỉ để được nói lên tiếng lòng mình và để tìm thấy vài người hiểu mình.

Một vài nhóm người có các tính cách khác nhau, ít bạn hay nhiều bạn, thích ngoại giao hay sống nội tâm gì đi nữa, thì vẫn phải có bạn bè. Như vậy mới cân bằng cuộc sống.

Tháp nhu cầu của Maslow cho thấy con người có quá nhiều thứ để kỳ vọng và phấn đấu đạt được. Được yêu thương, được tôn trọng, được thành đạt, được thể hiện bản thân… nhiều thứ đến nỗi con người chạy theo bằng suy tư thôi cũng đủ mệt lắm rồi, huống hồ chi là hành động để đạt được. Để rồi khi đạt được mọi thứ thì mệt nhoài. Mọi nhu cầu thể hiện ra bên ngoài hay thầm kín của con người đều đáng khích lệ, thế nhưng dường như con người chỉ chú ý đến nhu cầu vật chất, ngay cả các nhu cầu tưởng như phi vật chất như được tôn trọng, được thể hiện bản thân thì cũng xuất phát từ vật chất. Bởi anh không giỏi, không thành đạt, không giàu có thì rất khó để anh có địa vị xã hội để được kính trọng. Thế nhưng, ít ai chú ý rằng nhu cầu được trò chuyện và thấu hiểu lại chính là nhu cầu thiết yếu giúp não trạng được cân bằng, từ đó dẫn đến một cuộc sống vui vẻ.

Người Mỹ không dùng động từ understand, mà là dùng động từ feel để chỉ sự thấu hiểu nhau. Do you feel me (Bạn có cảm nhận được tôi không?). Yes, I feel you, (Có, tôi cảm nhận được bạn). Understand là cái hiểu vật lý, cái hiểu bên ngoài, ghi nhận sự kiện thông tin. Nhưng feel là cảm nhận được nhau. Trò chuyện không chỉ là để biết thông tin vô cảm, mà là để thấu hiểu và yêu thương một con người đằng sau những thông tin đó.

Được nói chuyện và chia sẻ chính là được xả. Không biết xả mà chỉ biết chất chứa thì không có cái kho tinh thần nào chứa đựng hết mọi đau khổ. Từ được nói chuyện, ta có được lắng nghe, được thấu hiểu và được yêu thương. Được yêu thương rồi ta lại càng muốn được chuyện trò. Vòng tuần hoàn tinh thần này giải phóng những áp lực đang đè lên hệ thần kinh, giúp não trạng cân bằng, từ đó cơ thể được thư giãn từ trong ra ngoài, tạo ra các hạt nhân an vui ươm mầm từ sâu bên trong cho mỗi người.

 LyLy Nguyễn

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin