Chi tiết tin tức

Hải Phòng: Ấn tượng Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu tại chùa Vẽ

22:14:00 - 28/08/2018
(PGNĐ) -  Vu Lan thắng hội đã trở thành một ngày lễ linh thiêng, trọng đại in sâu vào lòng Dân tộc Việt Nam. Tối ngày rằm tháng 7 âm lịch năm Mậu Tuất ( nhằm ngày 25/8/2018), tại chùa Vẽ, phường Đông Hải I, quận Hải An, thành phố Hải Phòng đã long trọng diễn ra Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu PL. 2562 – DL. 2018 và đêm hoa đăng tri ân cha mẹ trong không khí trang nghiêm, thành kính, thấm tình đạo vị.

Tham dự và chứng minh Đại lễ có Ni Sư Thích Tâm Chính – Thư ký ban Hoằng Pháp, ủy viên Ban từ thiện – xã hội TƯ GHPGVN, trưởng Ban từ thiện – xã hội GHPGVN thành phố Hải Phòng, trưởng BTS GHPGVN quận Hải An, trụ trì chùa Vẽ, Hải Phòng, trưởng Ban tổ chức Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu PL. 2562 – DL. 2018 tại chùa Vẽ,  chư tôn đức Ni đang tu học tại chùa Vẽ, phường Đông Hải I, quận Hải An, thành phố Hải Phòng, cùng đông đảo phật tử đạo tràng An Lạc, đạo tràng Đại Bi chùa Vẽ, quý thiện nam tín nữ gần xa và nhân dân địa phương.

Theo thông lệ hàng năm, cứ vào mùa lễ Vu lan Báo Hiếu, chư tăng kết thúc 3 tháng an cư kiết hạ, trau dồi Giới – Định – Tuệ, thúc liễm thân tâm, chư tôn đức Ni Tổ Đình chùa Vẽ lại trang nghiêm, thành kính tổ chức Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu, lễ Bông Hồng Cài Áo cho các Phật tử  trong đạo tràng, các Phật tử trong thành phố và nhân dân địa phương trên tinh thần của Đạo Phật, luôn đưa đạo hiếu lên hàng đầu, đồng thời cũng là cơ hội để cho Phật tử và nhân dân ôn lại truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn – Ăn quả nhớ người trồng cây” của cha ông ta từ ngàn đời nay.

Sau nghi thức niệm Phật cầu gia bị, 1 phút tưởng niệm chư tôn đức tiền bối, ông bà cha mẹ, tổ tiên và các anh hung liệt sỹ đã hy sinh xương máu cho Độc lập tự do của Đất nước, Thay mặt cho Ban tổ chức đại lễ, Ni sư Thích Tâm Chính – Trưởng Ban tổ chức đại lễ đã lên phát biểu khai mạc Đại lễ Vu lan Báo Hiếu tại chùa Vẽ PL. 2562 – DL.2018. Theo đó, Lễ Hội Vu Lan Báo Hiếu được coi là lễ hội của tình mẫu tử, tình phụ tử thiêng liêng, đồng thời cũng chính là lễ hội của lòng tri ân, báo ân của mỗi người con đối với cha mẹ; Vu Lan còn là dịp để mỗi người con Phật tôn vinh ân cha, nghĩa mẹ và  đề cao tinh thần Hiếu đạo, nhắc nhở nhau hai chữ ‘tri ân’ để tìm về nguồn cội tâm linh và  duy trì hơi ấm tình người trong kiếp sống nhân sinh.

Tinh thần Hiếu đạo là căn bản đạo đức của thế gian và xuất thế gian. Cũng với ý nghĩa này, trong kinh Hạnh Phúc Đức Phật đã dạy: “Phụng dưỡng mẹ và cha, là điềm lành tối thượng”. Có thể nói, hiếu đạo là nền tảng đạo đức vững bền cho hạnh phúc gia đình và đem lại sự hài hòa trong xã hội. Do đó, phong tục dân gian thờ cúng ông bà cha mẹ khi qua đời cũng là một nét đẹp văn hóa tâm linh đáng quý, nhằm nhắc nhở và tôn vinh  hai chữ Hiếu Thuận này.

Trong kinh Tăng Chi Bộ Đức Phật dạy: “Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường Cha Mẹ với của cải vật chất, tiền bạc thời không bao giờ đủ để trả ơn Cha Mẹ. Nhưng này các Tỳ kheo, ai đối với Cha Mẹ không có lòng tin, thì khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào lòng tin; đối với Cha Mẹ theo ác giới thì khuyến khích, hướng dẫn an trú vào thiện giới; đối với Cha Mẹ xan tham, thì khuyến khích, hướng dẫn an trú vào bố thí; đối với Cha Mẹ theo ác trí tuệ, thì khuyến khích, an trú vào trí tuệ, cho đến như vậy, này các Tỳ kheo, là làm đủ và trả ơn đủ cho Mẹ và Cha.”

Tại  buổi lễ, thay mặt cho hàng Phật tử tại gia có mặt tại đạo tràng, các em thanh thiếu niên Phật tử khóa tu mùa hè, lớp giáo lý chùa Vẽ, các Phật tử đại diện các đạo tràng đã tổ chức lễ dâng lục cúng dàng, dâng hoa và dâng Pháp Y cúng dàng chư Phật, cúng dàng chư tôn đức Ni hiện tiền nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu, nguyện hồi hướng công đức lành đó cho ông bà cha mẹ hiện tiền được tăng phúc, tăng thọ; cầu nguyện cho thân bằng quyến thuộc ông bà cha mẹ đã quá vãng được sinh về cõi lành.

Một nghi thức rất quan trong, không thể thiếu được trong mỗi đại lễ Vu Lan Báo Hiếu. Đó là nghi lễ “ Bông Hồng Cài Áo”. Đây cũng là chính là linh hồn của buổi lễ, là thời khắc xúc động và ý nghĩa nhất trong đại lễ vu lan. Nghi thức này do Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh khởi xướng vào những năm đầu của thập niên 1960. Trước khi chính thức bước vào nghi lễ Bông Hồng Cài Áo, PTV Nhà Báo Hồng Nhung – Đài truyền hình Hải Phòng đã lên tuyên đọc ý nghĩa cài hoa hồng:

“ Hồng vàng dâng Phật pháp Tăng

Hồng đỏ dâng mẹ cha mừng Vu Lan

Hồng trắng xúc động bàng hoàng

Con côi cút Mẹ lại càng xót xa

Hồng hường con mẹ mất cha

Nép bên chân mẹ, lệ nhòa tiếc thương…..”

Những ai may mắn khi còn cả cha và mẹ trên đời sẽ được hạnh phúc, vui sướng khi được cài lên ngực áo của mình một bông hoa hồng màu đỏ, hoa hồng màu hồng dành cho những ai còn mẹ, mất cha và bông hoa hồng màu trắng dành cho những ai kém may mắn hơn khi không còn có cha và mẹ hiện hữu trên cuộc đời. Bông hồng là biểu tượng của tình yêu, của sự thanh cao, việc nghĩ nhớ đến hai bậc sinh thành và cài lên ngực áo của mình một bông hoa hồng cũng chính là tình cảm cao quý nhất mà con cái dành cho cha mẹ nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu. Đối với bậc xuất gia, quý Ngài là những người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho đạo pháp, là những người lìa bỏ thế tục, thượng cầu giải thoát, hạ hóa chúng sinh, mong cầu giác ngộ, giải thoát và theo đạo Phật thì màu vàng là màu của tuệ giác, tượng trưng cho sự buông bỏ, nên quý Ngài sẽ cài lên ngực áo của mình một bông hoa hồng màu vàng tượng trưng cho sự giải thoát.

Thời khắc linh thiêng nhất của buổi lễ đã tới khi chư tôn đức Ni hiện tiền cử hành nghi lễ niêm hương bạch Phật, cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc và bắt đầu bước vảo đêm thắp nến tri ân cha mẹ. Ni sư Thích Tâm Chính đại vì cho Ni chúng chùa Vẽ đã xin ánh sáng đầu tiên từ ban Phật rồi truyền ánh sáng đó cho chư tôn đức chứng minh và các em thanh thiếu niên Phật tử, từng ngọn nến lung linh đã dần được thắp sáng khắp giảng đường càng làm cho buổi lễ trở nên linh thiêng và huyền ảo hơn, trên tay mỗi Phật tử là một ngọn đèn hoa đăng tượng trưng cho tình thương của cha mẹ dành cho con cái, mỗi người con sẽ thầm nguyện với lòng mình, nguyện giữ cho ngọn nửa đó để ngọn lửa không bao giờ tắt, cũng như tình thương của cha mẹ dành cho con cái vậy, đó là tình thương bao la, rộng lớn, tình thương không ngơi nghỉ và thầm cầu nguyện cầu ông bà cha mẹ hiện tiền được phúc thọ tăng long, sống vui, sống khỏe bên con cháu.

Nhân dịp này, Ni sư Thích Tâm Chính – Trưởng BTC đại lễ đã ban đạo từ ôn lại nguồn gốc của ngày lễ Vu lan Báo Hiếu và sự tích về Ngài Mục Kiền Liên Bồ Tát, để qua đó các Phật tử hiểu hơn về lịch sử của Ngài và nguyện noi theo tấm gương hiếu hạnh của Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát. Gương của ngài Mục Kiền Liên là một tấm gương sáng nói lên lòng hiếu thảo của người con đối với cha mẹ, nên rất thích hợp với Phật giáo Việt Nam bởi người Việt Nam luôn nặng về chữ Hiếu, tổ tiên, ông bà chúng ta từ ngàn đời nay cũng vẫn luôn lấy chữ Hiếu làm đầu. Do đó, bổn phận làm con không bao giờ được quên công ơn của cha mẹ và thâm ân đó không thể nào có thể chối cãi, không thể nào có thể từ bỏ được.

Buổi lễ đã khép lại với niềm xúc động vô biên trước tình cảm của cha mẹ đối với con cái cũng như tình cảm của con cái đối với cha mẹ nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu.

 

 Nguyễn Thành Trung

Nguồn: PTVN

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin