Chi tiết tin tức Bồ-tát Quán Thế Âm trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt 19:21:00 - 21/10/2024
(PGNĐ) - Đức Quán Thế Âm trở nên thân thiết trong đời sống của người dân Việt đến mức trong sâu thẳm trái tim của mỗi người đều có hình ảnh về vị Bồ-tát luôn đầy lòng bi mẫn này.
Đức Quán Thế Âm trở nên thân thiết trong đời sống của người dân Việt đến mức trong sâu thẳm trái tim của mỗi người đều có hình ảnh về vị Bồ-tát luôn đầy lòng bi mẫn này. Nguồn gốc của tín ngưỡng Quán Thế Âm Quán Thế Âm, hay Quan Thế Âm Bồ-tát, thường gọi là Quan Âm Bồ-tát1, xuất phát từ Phạn ngữ Avalokiteśvara, dịch là Quán Tự Tại, là một vị Bồ-tát tiêu biểu nhất của Phật giáo Đại thừa, được đề cập đến trong kinh Pháp hoa tam muội, gồm 6 quyển, bản dịch từ Phạn ngữ sang Hán ngữ được biết sớm nhất là của Ngài Chi Cương Lương Tiếp năm Ngũ Phụng thứ 2, triều đại nhà Ngô thời Tam Quốc (năm 255). Sau đó, có nhiều bản dịch của các pháp sư lỗi lạc, nhưng thông dụng hơn cả là bản dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập (Diệu pháp Liên hoa kinh) năm Hoằng Thỉ thứ 8 đời Diêu Tần (406), trong đó phẩm Phổ môn đặc biệt được dành để nói về hành trạng, hạnh nguyện cứu khổ, uy lực và 33 ứng thân của Bồ-tát Quán Thế Âm.
Công hạnh tu tập của Ngài cũng được đề cập trong các kinh A Di Đà, Thủ Lăng nghiêm, Hoa nghiêm… với nhiều khía cạnh khác nhau, chung quy có thể tóm tắt như sau: Trong vô lượng kiếp quá khứ, Ngài đã thành Phật hiệu là Chánh Pháp Như Lai, nhưng với nguyện lực Đại bi, vì lợi ích của tất cả chúng sinh nên Ngài đã thị hiện ra hình thức Bồ-tát để cứu khổ cứu nạn, trợ duyên cho những ai phát tâm hướng thượng từ bỏ tham lam, sân hận và si mê trong ba cõi. Thế nên, có nơi tôn xưng Ngài là “Phật Quán Thế Âm”, hay dân gian thường gọi danh hiệu qua hình tướng là “Phật Bà Quán Thế Âm”, “Phật Bà Quan Âm”, v.v… Qua khảo cứu về lịch sử tư tưởng Phật giáo và lịch sử Phật giáo thế giới, truyền thống Phật giáo Đại thừa công nhận có vô số vị Bồ-tát, nhưng Bồ-tát Quán Thế Âm là một vị được tín ngưỡng nhiều nhất ở Á Đông, đặc biệt là ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Tạng, Đài Loan và Việt Nam. Bồ-tát Quán Thế Âm xuất phát từ tín ngưỡng Phật giáo Ấn Độ trong thời kỳ phát triển của Phật giáo Đại thừa. Điểm đặc biệt là ở Ấn Độ Ngài có hình dáng nam nhân, hình dáng nam tướng đó vẫn được bảo lưu ở Nhật Bản, Tây Tạng mà chúng ta còn thấy được qua các tác phẩm điêu khắc được thờ tại các chùa, bảo quản tại các bảo tàng mỹ thuật…, nhưng khi du nhập Trung Hoa và Việt Nam thì Ngài lại chủ yếu mang hình dáng nữ nhân, với nhiều biến tướng rất phong phú và sinh động, ăn sâu vào tâm thức của mọi người với ý nghĩ Ngài là vị Phật Bà luôn sẵn sàng cứu nguy phò khốn, luôn có mặt để cứu vớt tất cả chúng sinh đang chịu thống khổ mà nhớ nghĩ và có lời cầu cứu đến Ngài. Hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm Quán Thế Âm nghĩa là vị Bồ-tát chuyên nghe âm thanh của thế gian để cứu vớt khổ nạn. Theo kinh A Di Đà, cùng với Bồ-tát Đại Thế Chí, Ngài là thị giả của Đức Phật A Di Đà ở thế giới Tây phương Cực lạc. Đức A Di Đà tọa vị giữa, bên trái của Đức Phật là Ngài, bên phải là Đức Đại Thế Chí, hình thành nên Tây phương Tam thánh phổ biến trong cách thờ phượng ở miền Bắc và miền Trung nước ta hiện nay. Dù trú xứ của Ngài là ở thế giới Tây phương, nhưng hễ nghe tiếng kêu cứu của chúng sinh là lập tức Ngài có mặt để cứu độ. Phẩm Phổ môn trong kinh Pháp hoa đề cập: vì hạnh nguyện cứu khổ, tùy theo duyên nghiệp của chúng sinh, Ngài thị hiện qua 33 ứng thân, từ thân Phật, Độc Giác, trời, người… đến thân đồng nam, đồng nữ. Ngài thường dùng 14 năng lực vô úy để cứu độ chúng sinh khỏi các ách nạn và ban phước đức đến những ai thành tâm niệm đến danh hiệu của Ngài. Một số bản kinh khác như Nhất thiết công đức Trang nghiêm vương kinh thì cho rằng Bồ-tát Quán Thế Âm là thị giả của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Kinh Hoa nghiêm nói rằng đạo tràng của Ngài ở núi Bồ-đà-lạc trên biển Nam Hải, còn kinh Quán Thế Âm Bồ-tát cứu khổ thì cho rằng đạo tràng của Ngài ở núi Phổ Đà (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc). Mật tông thì quan niệm Ngài là hóa thân của Đức Phật A Di Đà…
Tuy có một số điểm khác nhau về các chi tiết ứng thân, đạo tràng, trú xứ của Bồ-tát Quán Thế Âm (như kinh Pháp hoa thì cho rằng Ngài có 33 ứng thân, còn kinh Lăng nghiêm thì nói là 32…), nhưng tất cả kinh điển Đại thừa có đề cập đến Ngài đều có cùng điểm chung là đều xác định Ngài là vị Bồ-tát có hạnh nguyện Đại bi, luôn lắng nghe tiếng kêu thống khổ của chúng sinh trong ba cõi và luôn hiện diện qua các ứng thân phù hợp với căn cơ của muôn loài nhằm cứu vớt chúng sinh thoát khỏi các ách nạn trầm luân, đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của các chúng sinh đang ở trong sự thống khổ, tuyệt vọng mà còn thiện duyên nhớ nghĩ, niệm danh hiệu của Ngài. Với hạnh nguyện cứu khổ và năng lực vô biên thể hiện qua các ứng thân, nên ngoài tôn tượng mang mang hình dáng nam tướng vẫn được bảo lưu ở một số truyền thống Phật giáo như Tây Tạng, Nhật Bản như chúng ta vẫn còn thấy, còn ở Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, từ đời Đường trở về sau, hình dáng Ngài thường được thể hiện qua tướng nữ nhân từ bi, quảng đại, luôn quan tâm lo lắng và đối với chúng sinh như tình mẫu tử thân thiết và thiêng liêng. Ngoài ra, hình tướng của Ngài cũng được thể hiện rất đặc biệt: từ một đầu, 3 đầu, 5 đầu,..., 1.000 đầu, cho đến 8.400.000 đầu; mắt thì từ 2 mắt, 3 mắt,…, cho đến 8.400.000 con mắt; tay cũng thế, từ 2 tay, 4 tay,…, 1.000 tay, cho đến 8.400.000 tay. Tất cả chỉ để thể hiện khả năng cứu độ của Ngài là rất lớn, bất khả tư nghì theo hạnh nguyện Đại bi cứu độ hết thảy chúng sinh đang chịu khổ đau mà Ngài đã phát thệ. Ví trí của Bồ-tát Quán Thế Âm trong văn hóa – tín ngưỡng Việt Nam Phật giáo hiện hữu trên đất nước ta rất sớm. Theo Giáo sư Lê Mạnh Thát trong sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam thì Phật giáo đã có mặt tại nước ta từ thế kỷ thứ II trước Tây lịch. Từ thế kỷ thứ II trở đi, cũng theo Giáo sư Lê Mạnh Thát, một số kinh điển Đại thừa đã được dịch và phổ biến từ Trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Qua một tư liệu văn bản hết sức quý hiếm là 6 lá thư trao đổi giữa Lý Miễu, một thái thú ở Giao Chỉ với 2 vị thầy của mình là các Pháp sư Đạo Cao và Pháp Minh có nhắc đến tư tưởng kinh Pháp hoa tam muội trong cuộc tranh luận về tư tưởng Phật học là “Tại sao không thấy được Phật” (nạn Phật bất kiến hình sự). Đến thế kỷ thứ III, toàn văn kinh Pháp hoa tam muộiđã được vị Tăng gốc Ấn Độ sống và tu tập tại Giao Chỉ thời bấy giờ là Chi Cương Lương Tiếp chuyển dịch từ Phạn ngữ sang Hán ngữ với sự cộng tác của Tăng sĩ Việt Nam là Đạo Thanh (220?–300). Như đã đề cập, hành trạng của Bồ-tát Quán Thế Âm được nói đầy đủ nhất là trong kinh Pháp hoa, và như vậy, qua cứ liệu lịch sử này, chúng ta có thể thấy rằng tín ngưỡng Quán Thế Âm đã hiện hữu trên đất nước ta rất sớm, muộn lắm là từ thế kỷ thứ III.
Suốt 27 thế kỷ qua, với sự giao lưu, tiếp biến văn hóa Trung Hoa, trong đó có Phật giáo, tín ngưỡng về vị Bồ-tát này được làm cho phong phú thêm trên nền tảng bản địa, nhân dân tôn thờ Ngài như một vị bảo hộ toàn năng nhưng không phải vì thế mà Ngài xa xôi như một vị thượng đế nào đó mà lại rất gần gũi với con người trong mọi hoàn cảnh, với tất cả chúng sinh không phân biệt xuất thân, thành phần xã hội. Ngài được dân chúng gọi một cách thân thiết là “Đức Phật Bà”, hồng danh của Ngài trở nên thường trực trong lời khấn cầu của mọi người mỗi khi gặp sự nguy khốn hay trong các khóa lễ cầu nguyện thông thường. Có thể nói, ở nước ta hiện nay, Đức Quán Thế Âm là vị Bồ-tát được thờ phượng phổ biến nhất, hình tượng của Ngài hiện diện tất cả mọi nơi, không chỉ trong các chùa chiền, mà thường được người dân thờ tại tư gia, tôn tượng của Ngài được xây dựng lộ thiên tại các nơi công cộng thường xảy ra tai nạn, hiểm nguy, thậm chí hiện diện cả trên các phương tiện giao thông của người dân, v.v… Hình tượng của Ngài cũng đã đi vào nghệ thuật điêu khắc, là suối nguồn sáng tạo để lại nhiều tác phẩm bất hủ mà điển hình như tượng Phật Bà Nghìn Tay Nghìn Mắt ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh). Hình tượng đó sẽ được tái hiện trong lễ đúc tượng tại chùa Diên Phúc của chúng ta hôm nay.
Hạnh nguyện Đại bi cứu khổ chúng sinh của Ngài cũng đã đi vào văn học, sân khấu truyền thống, trở thành những hình tượng nghệ thuật, những giá trị sống: Từ bi và Nhẫn nhục được dân gian ứng dụng và lấy làm lề lối xứng xử tốt đẹp bao đời, trở thành những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Hơn thế nữa, hành trạng của Ngài cũng đã đi vào đời sống tín ngưỡng sinh động của dân chúng, “Phật Bà Quan Âm” không chỉ là đối tượng chiêm bái, cầu nguyện thông thường, mà trở thành nội dung của nhiều lễ hội mang tầm ảnh hưởng rất lớn trên cả nước, như lễ hội chùa Hương (Hà Nội), lễ hội Quán Thế Âm ở Non Nước (Đà Nẵng)… Có thể nói rằng, Đức Quán Thế Âm là vị Bồ-tát được dân chúng tín ngưỡng nhất và được thờ phượng phổ biến nhất ở nước ta hiện nay. Hình tượng của Ngài gần như là đại diện cho đạo Phật Việt Nam, vô cùng thiêng liêng và ứng nghiệm nhưng đồng thời cũng rất gần gũi với con người trong mọi hoàn cảnh của đời sống thường ngày. *** Nói đến đạo Phật, thông thường người ta nghĩ ngay đó là đạo của Từ bi cứu khổ. Với ý nghĩa đó, Đức Quán Thế Âm là hình tượng đại biểu nhất cho đạo Phật theo quan niệm của dân gian. Hình ảnh Phật giáo ăn sâu trong tiềm thức của nhân dân, đi vào văn hóa nghệ thuật và hình thành nên những hình tượng, tác phẩm nghệ thuật độc đáo và bất hủ, đi vào đời sống dân gian qua nghệ thuật sân khấu và các áng thi ca đầy diễm lệ. Ngài là vị Bồ-tát, là “Phật Bà”, “Mẹ hiền Quan Âm”, là bà mẹ trong tất cả bà mẹ luôn sẵn sàng cứu khổ phò nguy cho dân chúng, cho xứ sở trong những hoàn cảnh đặc biệt và là vị bảo hộ toàn năng trong đời sống thường ngày. Đó là kinh nghiệm tâm linh, là ứng xử văn hóa được đúc kết qua một quá trình lịch sử lâu dài, là một trong những biểu hiện của sự gắn bó mật thiết giữa Phật giáo và dân tộc, biểu hiện cho việc giáo lý đạo Phật không hề phủ nhận nền văn hóa bản địa, mà khiêm tốn khép mình, góp phần làm phong phú thêm cho nền văn hóa dân tộc.
Đức Quán Thế Âm trở nên thân thiết trong đời sống của người dân Việt đến mức trong sâu thẳm trái tim của mỗi người đều có hình ảnh về vị Bồ-tát luôn đầy lòng bi mẫn này. Ngài là một đối tượng tín ngưỡng thiêng liêng nhưng đồng thời là một người mẹ thân thương luôn là chỗ dựa cho con cái trên con đường đời lắm thác ghềnh, đầy chông gai. Hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm qua các tôn tượng độc đáo như Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn ở chùa Bút Tháp cũng như nhiều chùa khác, như tượng Đức Quán Thế Âm tọa sơn ở Hương Tích, v.v… đã trở thành di sản văn hóa vật thể quý giá của đất nước. Tư tưởng Phật giáo Đại thừa được thể hiện qua hành trạng của Bồ-tát Quán Thế Âm và tín ngưỡng liên quan đến Ngài đã hình thành nên các lễ hội thiêng liêng, đi vào văn học, nghệ thuật sân khấu, đạo đức lối sống… và góp phần quan trọng hình thành nên giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc, có sức sống mãnh liệt được thử thách qua thời gian và các hoàn cảnh khắc nghiệt khác – góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc. ---------------------------------------- 1 Theo Phật Quang Đại từ điển, sở dĩ gọi là Quan Âm vì có nguyên nhân do kỵ huý chữ “Thế” ở đời Đường ở Trung Quốc, nên sách vở thường viết lược đi, từ đó cách gọi dân gian phổ biến là “Quan Âm”. Danh xưng Ngài còn được dịch là Quan Thế Âm Bồ-tát, Quán Tự Tại Bồ-tát, Quan Thế Tự Tại Bồ-tát, Quan Thế Âm Tự Tại Bồ-tát, Hiện Âm Thanh Bồ-tát, Cứu Thế Bồ-tát, Quan Âm Đại Sĩ… Hòa thượng Thích Giác Toàn
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |