Chi tiết tin tức

Khai mạc Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học VN

17:32:00 - 19/10/2024
(PGNĐ) -  Sáng nay 19-10, tại thiền đường thuộc pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM), Hội đồng Quản trị Viện Nghiên cứu Phật học VN đã trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập (1989-2024) và khai mạc hội thảo về Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012).
Chư tôn giáo phẩm chứng minh, chủ tọa

Chư tôn giáo phẩm chứng minh, chủ tọa

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ GHPGVN quang lâm chứng minh và đạo từ. 

Hiện diện tham dự buổi lễ còn có Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Trưởng lão Hòa thượng Giác Giới, Phó Thư ký Hội đồng Chứng minh; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự; chư vị giáo phẩm Hội đồng Chứng minh.

Chủ tọa có Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN, Trưởng ban Tổ chức; chư vị Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Hòa thượng Thích Gia Quang, Hòa thượng Thích Khế Chơn, Thượng tọa Thích Đức Thiện (kiêm Tổng Thư ký); cùng chư tôn đức lãnh đạo Ban, Viện T.Ư; Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM; đại diện Ban Điều hành môn phái tổ đình Tường Vân - Huế; Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM và các tỉnh thành; lãnh đạo các Trung tâm trực thuộc Viện.

Đại diện các cơ quan ngoại giao, học giả Ấn Độ

Đại diện các cơ quan ngoại giao, học giả Ấn Độ

Về phía quan khách có bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; cùng lãnh đạo các cơ quan chức năng trung ương, thành phố và địa phương sở tại; Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Ayra và đại diện các cơ quan ngoại giao, lãnh đạo các tổ chức giáo dục, học giả, nhân sĩ trí thức trong nước và quốc tế tham dự.

Mở đầu buổi lễ, sau nghi thức niệm Phật, chư tôn đức giáo phẩm và hội chúng dành phút mặc niệm tưởng nhớ Trưởng lão Hoà thượng Thích Minh Châu. 

Trong diễn văn khai mạc, Hòa thượng Thích Giác Toàn nhắc lại nhân duyên và sứ mệnh ra đời của Viện Nghiên cứu Phật học VN 35 năm trước, với mục đích xây dựng nền nghiên cứu Phật học quy mô và hàn lâm, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của Tăng Ni và Phật tử Việt Nam trong nước, hải ngoại. Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu là người đầu tiên đặt nền móng vững chắc cho Viện với một tầm nhìn chiến lược dài hạn.

Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN, Trưởng ban Tổ chức phát biểu khai mạc

Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN, Trưởng ban Tổ chức phát biểu khai mạc

“Đây là thời khắc để nhìn lại những chặng đường đã qua, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến công đức to lớn của chư vị cao Tăng tiền bối, đặc biệt là Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, Viện trưởng sáng lập, và Đức Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, người kế thừa và tiếp nối sự nghiệp vĩ đại này, đưa Viện phát triển lên tầm cao mới.”, Hòa thượng nhấn mạnh.

Dịp này, Hòa thượng Viện trưởng Thích Giác Toàn cũng điểm lại những thành tựu nổi bật của Viện, trong đó có việc tổ chức ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam với tên gọi mới là Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, ấn hành phiên bản in mới được 21 quyển.

Ban đạo từ, Đức Pháp chủ tán dương công đức của Hòa thượng Thích Giác Toàn và Hội đồng Quản trị Viện Nghiên cứu Phật học VN đã tiếp nối chư vị tiền bối phiên dịch và in ấn Đại tạng kinh Việt Nam. Ngài cho biết phiên dịch và ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam là nguyện vọng của các bậc tiền bối từ khi mới thành lập Giáo hội cũng như của Tăng Ni, Phật tử hiện nay.

Đức Pháp chủ GHPGVN đạo từ

Đức Pháp chủ GHPGVN đạo từ

Ngài nhắc lại công hạnh và những đóng góp quan trọng của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu - Viện trưởng sáng lập, vị tôn đức dày công nghiên cứu Phật giáo Nguyên thủy, nhà phiên dịch và người làm gạch nối giữa Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Việt Nam.

Ngài khẳng định nền tảng của Phật giáo Việt Nam là Phật giáo Đại thừa, tinh thần Phật giáo Đại thừa được thể hiện qua sự linh hoạt trong việc dấn thân hành đạo, theo yêu cầu của dân tộc, hoàn cảnh lịch sử mà gắn bó và đồng hành cùng đất nước.

“Chúng ta nên nhớ rằng Đức Phật đã dạy những gì Ngài nói như nắm lá trong tay, còn những gì Ngài biết và muốn trao truyền cho chúng sanh thì như lá trong rừng, sinh động như cuộc sống của nhân loại bao đời tiếp nối từ thế hệ sang thế hệ khác. Do vậy, con đường lý tưởng là không xa rời Phật giáo Nguyên thủy nhưng phải có tầm nhìn Đại thừa thì mọi thứ mới vận hành theo hướng phát triển, điều đó đúng ở quá khứ, thích hợp ở hôm nay cho đến mãi về sau. Với nền tảng tư tưởng như thế thì Phật giáo Việt Nam mới tồn tại trên đất nước này, mới có thể đóng góp cho Phật giáo thế giới. Đó là trách nhiệm lớn mà Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phải ý thức để có thể tiếp nối sự nghiệp của Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu để lại.”, Đức Pháp chủ nhận định.

Đức Pháp chủ gợi ý Viện Nghiên cứu Phật học VN có lời mời đến các nhà nghiên cứu, học giả, Tăng Ni có trình độ học thuật tham gia thêm vào các trung tâm của Viện để công tác nghiên cứu được sâu rộng hơn

Đức Pháp chủ gợi ý Viện Nghiên cứu Phật học VN có lời mời đến các nhà nghiên cứu, học giả, Tăng Ni có trình độ học thuật tham gia thêm vào các trung tâm của Viện để công tác nghiên cứu được sâu rộng hơn

Dịp này, Đức Pháp chủ gợi ý Viện Nghiên cứu Phật học VN có lời mời đến các nhà nghiên cứu, học giả, Tăng Ni có trình độ học thuật tham gia thêm vào các trung tâm của Viện để công tác nghiên cứu được sâu rộng hơn, góp phần sự phát triển Phật giáo Việt Nam và giới thiệu với Phật giáo thế giới về bản sắc Phật giáo Việt Nam (đọc toàn văn tại đây).

Hội đồng Quản trị Viện Nghiên cứu Phật học VN và toàn thể hội chúng đồng thành kính y giáo phụng hành, đón nhận đạo từ của Đức Pháp chủ.

Cũng tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Tâm Đức, Phó Viện trưởng Thường trực Viện Nghiên cứu Phật học VN báo cáo quá trình 35 năm hình thành và phát triển Viện. 

Đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng T.Ư và TP.HCM, chư Ni tham dự

Đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng T.Ư và TP.HCM, chư Ni tham dự

Phát biểu đề dẫn hội thảo. Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng, Tổng Thư ký cho biết hành trình 35 năm Viện Nghiên cứu Phật học VN đã có những đóng góp đối với việc bảo tồn di sản Phật giáo, đặc biệt là việc giới thiệu, truyền bá những giá trị nhân văn cao đẹp của Phật giáo trong đời sống xã hội đương đại. Trong 2 ngày, 19 và 20-10, Viện tổ chức 2 hội thảo. Cũng theo Thượng tọa, việc này nhằm tôn vinh, khám phá sâu hơn về những di sản quan trọng của Phật giáo Việt Nam và sự kết nối với văn hóa và tâm linh toàn cầu.

Hội thảo đầu tiên mang chủ đề “Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu: Sứ mệnh và tầm nhìn”, nhằm làm sáng tỏ những đóng góp vượt bậc của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, bậc cao Tăng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển Phật giáo tại Việt Nam. Hội thảo thứ hai, vào ngày mai, 20-10, do Viện phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức với chủ đề “Khám phá những liên kết lịch sử, tâm linh và văn hóa Phật giáo giữa Ấn Độ và Việt Nam”, nhằm làm rõ những liên hệ sâu sắc giữa hai quốc gia về mặt tôn giáo và văn hóa.

Thượng tọa Thích Đức Thiện thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự phát biểu tại buổi lễ

Thượng tọa Thích Đức Thiện thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự phát biểu tại buổi lễ

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự phát biểu nhận định Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học VN không chỉ là dịp để ôn lại chặng đường trưởng thành và lớn mạnh của Viện, mà còn là cơ hội để khẳng định vai trò, vị thế của tinh hoa nghiên cứu Phật học ứng dụng trong đời sống văn hóa tinh thần, trong đời sống tu tập của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam; tham gia giải quyết các vấn đề xã hội đương đại của Phật giáo.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện: “Chặng đường 35 năm qua, Viện Nghiên cứu Phật học VN đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên trở thành một trong những Trung tâm nghiên cứu Phật học hàng đầu của cả nước, có uy tín trong khu vực và trên thế giới. Viện đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn của Phật giáo, đáp ứng nhu cầu tu học và nghiên cứu của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam”.

Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Trần Thị Minh Nga phát biểu chúc mừng Viện Nghiên cứu Phật học VN

Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Trần Thị Minh Nga phát biểu chúc mừng Viện Nghiên cứu Phật học VN

Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Trần Thị Minh Nga chúc mừng Viện Nghiên cứu Phật học VN và bày tỏ sự trân trọng đối với cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, những đóng góp, nỗ lực không ngừng của toàn thể Tăng Ni, Phật tử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng GHPGVN vững mạnh mọi mặt, khẳng định vị thế của Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc.

Phát biểu chỉ đạo, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho biết kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học VN là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển nghiên cứu Phật học của Phật giáo Việt Nam. Đây là dịp đặc biệt khi Viện tổ chức 2 hội thảo quan trọng.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự phát biểu chỉ đạo

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự phát biểu chỉ đạo

Trưởng lão Hòa thượng kỳ vọng và tin tưởng với sự góp sức của đông đảo học giả, nhân sĩ trí thức sẽ góp phần nghiên cứu, làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến đạo nghiệp và những đóng góp to lớn của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu đối với nền Phật giáo và học thuật; sự cống hiến của ngài trong các lĩnh vực dịch thuật, giáo dục, ngoại giao và lãnh đạo Tăng đoàn là những di sản quý báu mà thế hệ hiện tại và tương lai sẽ tiếp tục học hỏi và phát huy.

Dịp này, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Ayra phát biểu chúc mừng Viện Nghiên cứu Phật học VN. Đại lao Trưởng lão Hòa thượng Thích Chơn Tế, Trưởng môn phái tổ đình Tường Vân - Huế, Trưởng lão Hòa thượng Thích Chơn Hương, Thành viên Hội đồng Chứng minh, Trưởng ban Điều hành môn phái đọc lời cảm niệm về cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, một trong những vị niên trưởng của tổ đình.

Chư tôn đức Viện Nghiên cứu Phật học VN nhận Bằng tuyên dương công đức của Giáo hội và Hội đồng Quản trị Viện

Chư tôn đức Viện Nghiên cứu Phật học VN nhận Bằng tuyên dương công đức của Giáo hội và Hội đồng Quản trị Viện

Để ghi nhận sự nỗ lực, đóng góp và kết quả đạt được, Hội đồng Trị sự và Hội đồng Quản trị Viện Nghiên cứu Phật học VN cũng đã trao Bằng tuyên dương công đức cho các tập thể và cá nhân đã tích cực trong công tác dịch thuật và phát hành các ấn bản Đại tạng kinh VN với tên gọi mới hiện nay là Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam.

Sau lễ khai mạc, hội thảo đầu tiên được chia làm 2 phiên có 5 diễn đàn tập trung vào 5 chủ đề gồm: Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu - Nhà nghiên cứu Phật học; Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu - Nhà giáo dục Phật giáo; Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu với sự nghiệp phiên dịch Kinh tạng Pāḷi; Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu - Nhà ngoại giao Phật giáo quốc tế; Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu - Quản trị hành chánh Giáo hội Phật giáo VN với hơn 80 bài tham luận từ các học giả trí thức. Và phiên bế mạc sẽ được diễn ra sau khi các diễn đàn kết thúc.

Viện Nghiên cứu Phật học VN được chính thức thành lập vào tháng 2-1989, là tổ chức trực thuộc GHPGVN, có sứ mệnh nghiên cứu, dịch thuật và xuất bản các kinh sách Phật giáo; Viện đã trải qua 3 đời Viện trưởng: Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1989-2007), Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng (2009-2017) và Hòa thượng Thích Giác Toàn từ năm 2017 cho đến nay.

Viện Nghiên cứu Phật học VN hiện nay có 2 phân viện: Phân viện Nghiên cứu Phật học VN tại Hà Nội, Phân viện Nghiên cứu Phật giáo Nam tông Khmer; có 10 trung tâm chuyên môn trực thuộc: Trung tâm Pāli học, Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang, Trung tâm Dịch thuật Trí Tịnh, Trung tâm Nghiên cứu và Phiên dịch Phật học, Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thiền học Nam truyền, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thiền học Bắc truyền, Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Khất sĩ, Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo.

Dự án dịch thuật và xuất bản Đại tạng kinh Việt Nam, từ năm 2017 đổi tên là Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, là một trong những công trình trọng điểm và có ý nghĩa lịch sử lớn của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Tính đến tháng 10-2024, đã hoàn thành việc xuất bản 21 tập kinh điển thuộc dự án này, bao gồm các bản dịch chính thức từ các văn bản cổ sang tiếng Việt. Dự kiến đến cuối năm 2024, dự án sẽ tiếp tục hoàn thành 3 tập, nâng tổng số tập lên 24 tập.

Viện Nghiên cứu Phật học VN đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế quan trọng, trong đó có nhiều hội thảo quốc tế và hội thảo quốc gia.

 

Quảng Hậu - Nguyện Truyền - Ảnh: Bảo Toàn

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin