Chi tiết tin tức

Cõi Phật của Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông

15:10:00 - 04/12/2016
(PGNĐ) -  Trần Nhân Tông là một “hiện tượng” có một không hai trong lịch sử nhân loại - người từ bỏ ngai vàng để xuất gia tu Phật, làm một bậc đầu-đà khổ hạnh. Trần Nhân Tông đã đi theo con đường của đấng Đại Đạo Sư, không đơn thuần là con đường “cát ái ly gia”, mà còn là con đường Trung đạo.

Ngay khi mới chào đời, ngài đã được ghi nhận là có cái “tinh anh của thánh nhân, đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng”. Vua Thánh Tông do đó cho đặt tên ngài là Kim Phật. 

coiphat.jpg
Một góc non thiêng Yên Tử - Ảnh: Nhuận Thường

Thuở trẻ, Trần Nhân Tông đã “học thông tam giáo và hiểu sâu Phật điển”, thấu được “thiền tủy” của Phật giáo. 16 tuổi, phụ vương lập ngài làm hoàng thái tử; ngài cố từ chối, từng trốn khỏi cung điện xuất gia nhưng không thành. 21 tuổi ngài lên ngôi hoàng đế, vẫn giữ mình thanh tịnh, tinh tấn tu tập, chay lạt đến gầy cả thể xác. Dù vậy, Trần Nhân Tông vẫn dũng mãnh anh minh, hai lần lãnh đạo quân dân đánh tan quân Nguyên hùng mạnh. Yên giặc, năm 1293 (35 tuổi), ngài nhường ngôi lại cho con là Anh Tông. Năm 1294 ngài xuất gia tại hành cung Vũ Lâm, sau vào núi Yên Tử, chuyên cần tu theo khổ hạnh, lấy hiệu Hương Vân Đại Đầu-đà. 

Nhân duyên đối với Phật pháp của Trần Nhân Tông là rất lớn. Sinh ra ngài đã được đặt tên Kim Phật; lúc còn ngồi ở ngôi đã mơ thấy trong rốn mọc lên một đóa sen vàng lớn như bánh xe, trên hoa có Đức Phật vàng, Đức Thánh Tông gọi vua là Điều ngự, tức là Phật. Tên gọi Điều ngự Giác hoàng xuất phát từ đó, không phải do ngài tự đặt. Quá trình tu chứng của ngài tuy không được mô tả rõ, song qua những tác phẩm mà ngài để lại, chúng ta có thể thấy rõ tôn xưng “Phật hoàng” dành cho ngài không phải không có lý do. Ở ngài, ta thấy rõ một “cõi Phật” của an nhiên, như nhiên, thanh tịnh, bất nhiễm.

Ngay câu đầu của bài phú Cư trần lạc đạo, Đức Điều ngự Giác hoàng đã nhấn mạnh: “Mình ngồi thành thị. Nết dụng sơn lâm. Muôn nghiệp lặng yên nhàn thể tính”. Cái nhàn của ngài không phải là cái nhàn lánh đời, mà nhàn giữa chốn thành thị, nhàn ngay trên ngai cao, một cái nhàn của yên lắng nghiệp trần. Ngài chỉ rõ: “Dứt trừ nhân ngã thời ra tướng báu kim cương; Dừng hết tham sân mới lảu lòng màu viên giác. Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương; Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc”. Diệt tham sân, trừ nhân ngã thì ở đâu cũng là Phật quốc. Do đó mà: “Phật ở cong (trong) nhà; chẳng phải tìm xa. Nhân khuấy bổn (quên gốc) nên ta tìm Bụt; đến cốc hay chỉn (chính) Bụt là ta”.

Đoạn kết bài phú là tinh túy pháp tu của ngài: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên. Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền. Trong nhà sẵn báu thôi tìm kiếm. Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền”. Tùy duyên không phải thả mặc, mà là cái thấy và lối sống của một bậc trí, của người không lầm nhân quả. Đối cảnh vô tâm chính là cái tâm vô-sở-trước, tâm không vướng mắc, tâm vô ngã, là tâm Phật - Như Lai chính là Đấng Vô Sở Trước. Vô sở trước là con đường Trung đạo mà Phật đã đi, và nay Giác hoàng Trần Nhân Tông cũng nối gót.

Trong bài giảng tại chùa Sùng Nghiêm, khi được hỏi gia phong của chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai, ngài đã lần lượt đáp bằng thi kệ: “Rừng vườn vắng vẻ không người quản. Mận trắng đào hồng tự nở hoa”; “Bạch thủy gia phong mê én sớm. Đào thắm vườn tiên say gió xuân”; “Bãi biển chờ triều trời đợi nguyệt. Thôn chài nghe sáo khách mong nhà”. Quả là thi kệ trác việt của một bậc thi nhân; hơn nữa, của một bậc Thiền sư diệu dụng, linh hoạt, không bị trở ngại trong việc sử dụng ngôn từ vốn hạn chế để miêu tả cái sâu thẳm, cao vời. Gia phong của Phật chính là cái đẹp tự nhiên, như nhiên. Và, khi được hỏi gia phong của ngài, ngài đáp: “Áo rách ôm mây, mai húp cháo. Bình xưa rót nguyệt, tối chưng trà”. Áo và bình vốn là thứ che đậy, ngăn ngại; song áo rách vì sự giản đơn không che mất mây trời, bình cũ không ngăn ánh trăng vằng vặc hiện vào, nên sớm ngày tùy duyên hành hoạt, không trở ngại bởi nghiệp trần. Đó chính là gia phong của bậc liễu đạo - một cõi Phật vô ngần…

Bởi vậy, “cung ma nếu quản chặt, cõi Phật xuân không cùng” (Đề chùa thôn Hương Cổ Châu). Sự đến hay đi của ngài cũng đều vô ngại: “Hết thảy pháp không sinh. Hết thảy pháp không diệt. Nếu hay hiểu như vầy. Chư Phật thường trước mặt. Đến đi sao có đây!” (Kệ thị tịch).

Hơn 700 năm qua kể từ ngày Đức Điều ngự Giác hoàng viên tịch (1308), lịch sử Việt Nam vẫn tri ân công đức của ngài vì những cống hiến lớn lao cho đất nước; dân tộc Việt Nam ngưỡng mộ vị vua anh minh, hiền đức; Phật giáo Việt Nam tự hào về một ông “vua Phật” vốn không một đất nước Phật giáo nào có được.  

Quảng Kiến

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin