Chi tiết tin tức

Đất Việt chuông chùa mãi mãi ngân

19:31:00 - 07/11/2019
(PGNĐ) -  Tháng 9, Nhật Bản bắt đầu vào thu, trời se se lạnh, lá Momiji chuẩn bị khoác lên mình một màu đỏ thắm. Đó là mùa của tao ngộ, của tương phùng.  

Chính mùa thu này, huynh đệ chúng tôi có một kỷ niệm đẹp, nhớ mãi. Đó là chuyến viếng thăm chùa Viên Thông ở thành phố Fukushima, nơi ghi lại bút tích của vị Thầy khả kính của chúng tôi và cũng là nơi lưu dấu ấn của một vị cao tăng Phật giáo Nhật Bản đã cống hiến rất nhiều cho nền hòa bình của dân tộc Việt. 

 

Image-1.jpg
Huynh đệ cùng với Hòa thượng Trụ trì chùa Viên Thông trước bài thơ ai điếu của HT.Thích Thanh Kiểm

 

Đó là ngày 20 tháng 9 năm 2019. Đoàn chúng tôi có sáu huynh đệ, do Thượng tọa Thích Thanh Phong, trụ trì tổ đình Vĩnh Nghiêm làm trưởng đoàn. Sau khi tới sân bay Narita, đoàn di chuyển về chùa Nisshinkutsu của Hòa thượng Yoshimizu ở Tokyo để vấn an Hòa thượng. Sau đó đoàn ra ga Tokyo, tiếp tục đi bằng Shinkansen tới thành phố Fukushima, một thành phố nhỏ, nằm về phía Bắc và cách thủ đô Tokyo khoảng 300km, diện tích khoảng 767km2, dân số khoảng 287.000 người. 

 

Viên Thông là một ngôi chùa thuộc tông phái Thiền Tào Động. Vị trụ trì trước đây là Hòa thượng Yoshioka Toichi. Năm 1968, trước tình hình chiến tranh khốc liệt tại Việt Nam, Hòa thượng Toichi đã đi vận động, quyên góp các chùa trong tông phái Thiền Tào Động đúc đại hồng chuông mang tên Hòa bình tiến cúng cho tổ đình Vĩnh Nghiêm (tại quận 3, TP.Hồ Chí Minh ngày nay). Sau khi đúc xong chuông, Hòa thượng Toichi đã tổ chức một phái đoàn gồm chư tôn đức tông Tào Động (một trong những vị Tăng sĩ tham gia trong lễ rước năm xưa nay là tông trưởng của tông Tào Động, Trưởng lão Hòa thượng Egawa Shinzan) rước chuông Hòa bình sang tiến cúng cho tổ đình Vĩnh Nghiêm rất long trọng. Trên chuông ghi rõ: Cầu nguyện cho đất nước Việt Nam được hòa bình, thống nhất. Đó là câu chuyện của 50 năm về trước. Lúc đó Hòa thượng Toichi mới ngoài 30 tuổi. 

 

IMG_8331 (1).JPG

Hòa thượng Yoshioka Toichi

 

Còn câu chuyện hôm nay bắt đầu vào ngày 28 tháng 2 năm 2019 khi Hòa thượng đương kim trụ trì Yoshioka Token (đệ tử nhận truyền y bát của Hòa thượng Toichi) hướng dẫn phái đoàn chư Tăng và Phật tử chùa Viên Thông sang Việt Nam, đến tổ đình Vĩnh Nghiêm tổ chức lễ cầu siêu nhân lễ húy kỵ lần thứ 23 của Hòa thượng Tôn sư. Khóa lễ cầu siêu này có sự tham gia đông đảo của chư Tăng tổ đình Vĩnh Nghiêm. 

 

Tiếp chuyện phái đoàn, chúng tôi mới được biết, khi hay tin Hòa thượng Toichi viên tịch vào ngày 31 tháng 3 năm 1997, Thầy chúng tôi, Hòa thượng Thích Thanh Kiểm (1920-2000) cho dựng một tấm bia ngay dưới chân tháp chuông tổ đình Vĩnh Nghiêm để ghi lại công đức to lớn của Hòa thượng Toichi; sau đó, Thầy chúng tôi lại làm bài ai điếu bằng bốn câu thơ, tự tay viết chữ Hán để truy niệm Hòa thượng Toichi. Đệ tử của Hòa thượng Toichi là Hòa thượng Token đã nhận bài ai điếu đó mang về Nhật Bản, cho khắc đúng nét chữ của Thầy chúng tôi lên bia đá và dựng một cách trang trọng trong khuôn viên chùa Viên Thông. 

 

Sau khi biết được thông tin đó, huynh đệ chúng tôi bàn với nhau phải tổ chức một chuyến viếng thăm chùa Viên Thông để thắp nhang tưởng niệm Hòa thượng Toichi, vị đã có công trong việc vận động Tăng Ni, Phật tử tông Tào Động tiến cúng quả chuông Hòa bình cho tổ đình Vĩnh Nghiêm và đồng thời mục kích bài thơ ai điếu của Thầy chúng tôi.

 

Qua bao nhiêu lần thay đổi chương trình vì thầy Thanh Phong bận Phật sự, cuối cùng ngày đó đã đến: ngày 20 tháng 9 năm 2019. Đoàn chúng tôi gồm: các Thượng tọa Thích Thanh Phong, Thích Nguyên Thành; các Đại đức Thích Thanh Lâm, Thích Quảng Lâm, Thích Minh Tồn và tôi. Đây là những đệ tử và học trò của Hòa thượng Vĩnh Nghiêm khi xưa. Đến chùa Viên Thông đúng 3 giờ chiều. Sau khi lễ Phật, lễ giác linh và tháp Hòa thượng Toichi, chúng tôi được Hòa thượng trụ trì hướng dẫn ra tham quan bài thơ ai điếu của Hòa thượng Thích Thanh Kiểm. Đây rồi. Chính những nét chữ này, năm xưa với phấn trắng bảng đen, Hòa thượng đã đưa huynh đệ chúng tôi về miền Diệu pháp nơi tràn ngập những Liên hoa thơm ngát. Kể từ ngày Thầy bát-nê-hoàn, đã gần hai mươi năm rồi, hôm nay, nơi đất khách quê người,  huynh đệ chúng tôi mới được mục kích, mới được chạm trên từng nét chữ trân quý của Thầy. Lòng ngậm ngùi khôn xiết: Nhớ lại chuyện xưa vinh hiển quá... Hòa thượng Token đã cho khắc lại chính nét chữ của Thầy chúng tôi và cho dựng một cách trang trọng trong khuôn viên chùa Viên Thông. Bài ai điếu có bốn câu:

 

曹洞宗門卓絶僧

圓通寺境既歸恆
献身傳道無彊界
越地洪鐘永響聲

 

Phiên âm: 

 

Tào Động tông môn trác tuyệt tăng

Viên Thông tự cảnh ký quy hằng
Hiến thân truyền Đạo vô cương giới
Việt địa hồng chung vĩnh hưởng thanh.

 

Tạm dịch:

 

Tông môn Tào Động có cao tăng

Viên Thông cảnh cũ ẩn chân thân
Hiến thân truyền Đạo không biên giới

Đất Việt chuông chùa mãi mãi ngân.

 

FullSizeRender.JPG
Bia ghi công đức Hòa thượng Yoshioka Toichi đặt dưới chân tháp chuông tổ đình Vĩnh Nghiêm

 

Hôm nay, trong khuôn viên ngôi Thiền tự tại vùng Đông Bắc của Nhật Bản, hồi tưởng  lại câu chuyện năm mươi năm  trước, khi huynh đệ chúng tôi đa phần chưa chào đời, thời kỳ đất nước bị chiến tranh chia cắt, vô vàn khổ cực, một vị Sư trẻ của tông Thiền Tào Động, Nhật Bản, đã bôn ba đây đó kêu gọi chú tạo một quả chuông cầu nguyện cho hòa bình và thống nhất của đất nước Việt Nam,… cảm xúc dâng trào. Lại được chạm lên từng nét chữ chân phương của Hòa thượng năm xưa, thấy được di nguyện thiết tha của Thầy Tổ mà không ngăn được dòng bi lệ. Năm mươi năm sau, như một định luật bất di bất dịch, huynh đệ chúng tôi sẽ trở thành người thiên cổ nhưng tiếng chuông Hòa bình vẫn ngân vang như tâm nguyện của ân nhân, như di nguyện của Thầy Tổ đã gởi gắm vào đó. Âm vang đem lại sự bình an trong tâm hồn của mỗi người con Phật: Đất Việt chuông chùa mãi mãi ngân.

 

Phương Ngoại am, ngày 14 tháng 10 năm 2019

Gziác Dzũng

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin