Chi tiết tin tức

Dấu ấn Phật giáo trong Tào slăng của người Nùng, Tày Lạng Sơn

21:53:00 - 23/02/2024
(PGNĐ) -  Nùng, Tày là các dân tộc có nguồn gốc lâu đời, là những chủ nhân đầu tiên có công khai phá nên mảnh đất vùng miền núi phía Đông Bắc tổ quốc nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng. Với nguồn gốc lịch sử lâu đời, từ lâu, hai tộc người này đã có quá trình tiếp xúc và giao lưu, tạo nên cho mình một cơ tầng văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng, một trong số đó chính là Tào. Trong Tào, dấu ấn Phật giáo thể hiện rõ nét thông qua hệ thống pháp khí, trang phục, quan niệm về giới luật và hệ thống kiêng kỵ, cách thành thực hành nghi lễ. Phương châm hành nghề của Tào là “cứu nhân độ thế”, điều này phản ánh rõ tinh thần của Phật giáo, với phương châm tốt đời đẹp đạo, hướng con người và xã hội này tới những điều tốt đẹp.

Phật giáo là tôn giáo được sáng lập bởi Đức Phật Thích Ca, có nguồn gốc từ Ấn Độ, với các giáo lý, tư tưởng triết học cũng như tư tưởng cùng tư duy về nhân sinh quan, vũ trụ quan, thế giới quan. Phật giáo được công nhận và phát triển tại nhiều quốc gia, mang tính nhân văn và thiện lương.

Dấu ấn Phật giáo thể hiện thông qua hệ thống đạo giáo, trong 10 giới luật mà thầy Tào phải chấp hành, có những điều mang đậm tư tưởng Đạo Phật.

MỞ ĐẦU
Lạng Sơn là một tỉnh ở vùng miền núi phía Đông Bắc của Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 154km theo đường quốc lộ 1A và 165km bằng đường sắt. Lạng Sơn giáp tỉnh Cao Bằng ở phía Bắc, Trung Quốc ở phía Đông Bắc, Quảng Ninh ở phía Đông Nam, Bắc Giang ở phía Nam, Thái Nguyên ở phía Tây Nam và Bắc Cạn ở phía Tây. Tỉnh Lạng Sơn có hơn 230km đường biên giới giáp với Trung Quốc, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu Ga đường sắt Đồng Đăng, huyện Cao Lộc và cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị), 1 cửa khẩu quốc gia (cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình) và nhiều lối mở biên giới với Trung Quốc; điều này góp phần tạo nên mối quan hệ giao lưu kinh tế – văn hóa – xã hội giữa các dân tộc sống dọc hai bên biên giới.

Về dân cư, ở Lạng Sơn, số lượng người thuộc các dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%. Trong đó, người Nùng có số lượng đông nhất với hơn 43%, người Tày đứng thứ hai với hơn 35%, còn lại là các dân tộc như: Kinh, Dao, Hoa… Do người Nùng, Tày chiếm số lượng lớn, xứ Lạng là vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa của hai dân tộc này. Với đặc thù là tỉnh giáp biên giới, nên người Nùng và Tày của tỉnh Lạng Sơn có mối quan hệ giao lưu văn hóa mật thiết với người Choang ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Dấu ấn văn hóa của người Nùng, Tày thể hiện rõ nét  thông qua các địa danh, phong tục tập quán, trong đó Tào là một khía cạnh vô cùng tiêu biểu và đặc sắc.

Lạng Sơn là một tỉnh ở vùng miền núi phía Đông Bắc của Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 154km theo đường quốc lộ 1A và 165km bằng đường sắt.

VÀI NÉT VỀ TÀO
Về nguồn gốc của Tào, đây là một loại hình văn hóa dân gian có lịch sử lâu đời, trải qua quá trình biến đổi đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Đạo giáo và Phật giáo. Từng có thời kỳ Tào bị coi là mê tín dị đoan, ở cả Sơn Hồng và Lù Khoang các thầy Tào đều bị cấm hành nghề, khiến nghề Tào gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì và phát triển. Hệ quả của 20-30 năm cấm đoán đã khiến Tào chịu ảnh hưởng nặng nề, số lượng thầy Tào giảm sút, hệ thống kinh sách và pháp khí bị thất tán. Sau khi lệnh cấm dỡ bỏ, Tào đã dần khôi phục trở lại về nội dung và cách thức thực hành. Trong lịch sử, Tào luôn biến đổi theo nguyên lý thích ứng với sự biến đổi của xã hội. Từ những năm đầu của thế kỷ XXI đến nay, cùng với xu thế biến đổi mạnh mẽ của kinh tế – xã hội, Tào cũng chuyển mình từng ngày.

Tên gọi Tào bắt nguồn từ chữ “đạo” (道) trong “Đạo giáo” (道教) của người Hán [1]. Thông qua tên gọi, người ta có thể dễ dàng nhận thấy mối quan hệ mật thiết giữa Tào của người Nùng, Tày và Đạo giáo, điều này còn thể hiện thông qua cách thức hành lễ, hệ thống thần linh và những quan niệm về giới luật. Ở Lạng Sơn, người ta chia Tào ra làm 2 nhóm: Tào lài của các nhóm Nùng Phàn Slình và Nùng Inh; Tào slăng của nhóm Nùng Cháo và người Tày. Theo Nguyễn Thị Yên thì ở một số vùng, còn có một loại Tào mặc áo thụng xanh, mũ có 2 dải rủ xuống giống mũ của hình tượng Trư Bát Giới trong phim Tây Du Ký, là nhóm Tào Trư Bát Giới [2].

Tào lài (花道) tên gọi dựa vào đặc điểm trang phục, họ khoác lên mình chiếc áo với rất nhiều hình vẽ và màu sắc sặc sỡ. Thật ra, tên gọi của Tào lài là “Tào côn”, từ “côn” này không có trong tiếng Nùng, Tày mà là một từ đọc chệch của từ “công” (公). Như vậy “Tào côn” nghĩa là “Tào công” (道公), nhóm Tào lài này chịu ảnh hưởng của Đạo giáo hơn là nhóm Tào slăng. Tào slăng (道僧) cũng là tên gọi dựa vào đặc điểm trang phục và dụng cụ hành nghề, họ khoác lên mình chiếc áo cà sa, đội mũ Ngũ Phật, tay cầm thanh tích trượng cửu hoàn. Từ “slăng” trong tiếng Nùng, Tày không có nghĩa, nên có thể “slăng” chính là từ đọc chệch của chữ “Tăng” trong “Tăng Ni” (僧尼). Như vậy “Tào slăng” nghĩa là “Tào tăng”, nhóm Tào này chịu ảnh hưởng của Phật giáo.

Người dân nơi đây gọi những người hành nghề Tào là “kê/ké Tào”, “pồ/pò Tào”; trong đó: “kê/ké”, “pồ/pò” đều có nghĩa chỉ những người nam giới, “Tào” là tên gọi của nghề Tào. Những tên gọi “kê/ké Tào” và “pồ/pò Tào” nhìn từ khía cạnh giới, đây đều là những danh xưng chỉ nam giới, trong thực tế chỉ có nam giới mới được trở thành Tào.

Tào là một loại hình văn hóa quan trọng trong đời sống của người Nùng, Tày tỉnh Lạng Sơn, trong đó chia thành 2 nhóm là Tào lài và Tào slăng. Tào slăng hay còn gọi là Tào tăng, loại hình văn hóa mang nhiều dấu ấn của Phật giáo.

DẤU ẤN PHẬT GIÁO TRONG TÀO SLĂNG
Dấu ấn Phật giáo thể hiện rõ nét thông qua hệ thống quan niệm về nguồn gốc, kiêng kỵ, kinh sách, tranh thờ và các nhân vật thần linh… Ngoài ra còn thể hiện trong giới tính của những người hành nghề Tào, đó là chỉ những người đàn ông mới được phép cấp sắc trở thành thầy Tào. Người Nùng, Tày cho rằng làm Then thì có thể bao gồm cả nam và nữ đều có thể hành nghề, nhưng riêng Tào thì chỉ có thể là nam giới.

Dấu ấn Phật giáo thể hiện thông qua hệ thống đạo giáo, trong 10 giới luật mà thầy Tào phải chấp hành, có những điều mang đậm tư tưởng Đạo Phật. Những ai đã làm nghề mà không giữ được đạo giới, nhẹ thì mất tính thiêng, không còn được cộng đồng tín nhiệm, nặng thì bị tổ nghề trách phạt.
Đạo giới thứ 1: Không được ham mê sắc dục.
Đạo giới thứ 2: Không nói xấu sư phụ và đồng nghiệp, coi sư phụ như bố đẻ.
Đạo giới thứ 3: Không được chối từ khi sư phụ nhờ cậy.
Đạo giới thứ 4: Không ăn ở hai lòng, sống ngay thẳng, làm nhiều việc thiện.
Đạo giới thứ 5: Không được làm đệm để quan tài đi qua, nhưng phải để tang cha mẹ đủ 120 ngày.
Đạo giới thứ 6: Không được sát sinh, trừ những ngày khao binh mã.
Đạo giới thứ 7: Không được ăn thịt trâu, bò và chó.
Đạo giới thứ 8: Không quản ngại xa gần, không được trọng giàu khinh nghèo, không nói giá, lấy “cứu nhân độ thế” làm phương châm hành nghề, người ta đến mời là phải đi.
Đạo giới thứ 9: Không trộm cắp tài vật, sống trung thực nhân nghĩa.
Đạo giới thứ 10: Không được làm điều ác, luôn tu tâm thanh tịnh

.

Thầy Tào người Nùng, Tày có nhiều kinh sách, theo Chu Xuân Giao (2000) thì thầy Tào của người Nùng An có đến 46 cuốn sách. Về sách dùng chung cho tất cả các nghi lễ, có 2 cuốn là Tạ hoàng nhất bản (谢皇一本) và Tổng súy nhất bản (總帥一本); về sách dùng trong lễ “cai Tào” gồm 8 quyển, lần lượt là Truyền thụ giới khoa (傳授戒科), Thủ diễn sám tội nhất bản (首短愆 罪一本), Vân phòng độ lục khoa (雲房度錄科), Vân phòng độ lục bí (雲房度錄秘), Vân phòng thắng tấu (雲房勝奏), Vân phòng chiêm giản khoa (雲房佔簡科), Vân phòng bí (雲房秘), Truyền giới bí nhất bản (傳戒秘一本); về sách dùng cho lễ tang ma, có 17 cuốn là Tục nhân thiết nhất giới (俗人設械科), Tục nhân tống chung khoa (俗人送終科), Vân phòng thiết giới khoa (製房設戒科), Vân phòng mộc dục lạc khí [3], Vân phòng tam thời khoa (雲房三時科), Vân phòng đăng bài phóng quang khoa (雲房燈碑放光科), Vân phòng thập bát tán hoa thiên đường lộ (雲房十別散花天堂路), Vân phòng tống chung khoa (雲房送終科), Bả táng sự bí nhất bản (把喪事秘一本), Độ linh bí nhất bản (度录秘一本), Bí giải kết (秘解結), Táng sự thức (喪事式), Tiểu bí cát hung dụng (少秘吉凶用), Đông ngục thức (東獄式), Nhiêu quan khoa (堯棺科), Đạo phạm hung (道範凶), Xuất bì khoa (出披科); lễ cưới có 1 cuốn là Tiếp tân nhân bí tế nghênh tiếp (接新人秘祭迎接); lễ sinh nhật có 3 cuốn là Đường lộ xướng ca (堂路唱歌), Đường lộ pháp quyển đầu [4], Đường lộ quyển vĩ (堂路法卷尾); lễ lập bàn thờ mụ có 3 cuốn là Cầu hoa tạp bí (求花雜秘), Cầu hoa tạp bí thức (求花雜秘式), An hoa sàng khoa (安花床科); lễ an mồ mả có 3 cuốn là An long khoa (安龍科), An long khánh trạch khoa (安龍慶宅科料), An long xã miếu cúng khoa (安龍社廟共科); lễ cúng tạ tổ tiên và các thần linh có 2 cuốn là Bàn lương khoa (盤糧科) và Hóa y khoa (化衣科); chữa bệnh có 2 cuốn là Luyện độ quan khoa (練度關科) và Luyện quan hoàn khố chư phẩm kinh (練關還庫諸品經); về văn bản của văn chúc, sớ – điệp có 3 cuốn là Chúc văn khoa (祝文科), Tiểu ý tạp ngữ thức (小意雜語式) và Hành trình điệp công cứ điệp (行程牒,公據牒); các loại sách khác gồm 2 cuốn lần lượt là Cáo táo chư khoa (告燥請科) và Tổng giải khoa (總解科)[5].

Trong hệ thống pháp khí, xích lình là một phần mang đậm dấu ấn Phật giáo. Xích lình được làm từ gỗ, dài khoảng 10cm, dày khoảng 2cm, cao khoảng 5cm, hai mặt giống nhau. Phần đáy là một hình chữ nhật, còn phần đỉnh được gọt thành hình sóng lượn; một đầu nhỏ hơn và một đầu to hơn. Tuy nhiên, có có loại xích lình khắc chữ và sơn màu đỏ, loại này cũng làm từ gỗ hoặc sắt, dài khoảng 15cm, rộng khoảng 5cm, cao khoảng 4cm, sơn màu đỏ. Phần thân có hình vuông, phần đầu hẹp hơn một chút và có hình mái vòm. Mặt trái xích lình khắc 3 chữ 唵嘛呢 (ảnh 2.3.2), mặt phải sích lình khắc 3 chữ 叭迷吽 (ảnh 2.3.3). Ghép 6 chữ này lại sẽ được một câu thần chú 唵嘛呢叭迷吽, đây là câu thần chú tôn kính nhất của Phật giáo Tây Tạng. Một đầu khắc chữ Phật (佛 – ảnh 2.3.4), một đầu khắc chữ Pháp (法 – ảnh 2.3.5). Thầy Tào thường dùng xích lình trong nghi lễ sinh nhật, dùng để gạt gạo trong lễ “pủ sang pủ lường” (bù lương thực cho cây số mệnh). Ngoài ra xích lình còn được thầy Tào dùng như một tấm lệnh bài dùng để trấn yểm (vẽ bùa), trấn áp ma quỷ, khi muốn đuổi con ma nào thì thầy sẽ đọc tên của con ma đó và dằn xích lình xuống bàn [6].

Tranh thờ và hệ thống thần linh có nhiều vị thần của Phật giáo, trong đó có Phật Bà Quan Âm. Bức tranh vẽ tượng các vị thần linh của Tam giáo, gồm: Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian. Xung quanh viền có vẽ hình hoa lá mềm mại. Màu sắc của tranh là sự kết hợp giữa vàng, nâu, đỏ và nền trắng. Hàng trên cùng 3 vị thần là: Phật Bà Quan âm Nam Hải ở giữa, bên phải là thần biển, bên trái là Thanh Vân. Hàng bên dưới 3 vị thần là: Thiên quan, Địa quan và Thủy quan. Ba vị thần này có những chức năng khác nhau: Thiên quan ban phúc lộc, Địa quan trách phạt tội, Thủy quan là giải tai ách.

Trang phục của Tào slăng mang đậm dấu ấn của Phật giáo, với chiếc áo cà sa khoác chéo qua người. Đầu đội mũ ngũ Phật, tay cầm trượng, cổ đeo tràng hạt.

KẾT LUẬN
Tào là một loại hình văn hóa quan trọng trong đời sống của người Nùng, Tày tỉnh Lạng Sơn, trong đó chia thành 2 nhóm là Tào lài và Tào slăng. Tào slăng hay còn gọi là Tào tăng, loại hình văn hóa mang nhiều dấu ấn của Phật giáo. Dấu ấn Phật giáo thể hiện thông qua quan hệ về các giới luật của nghề, hệ thống pháp khí, kinh sách, tranh thờ, trang phục. Sự ảnh hưởng này xuất phát từ quá trình du nhập của Đạo phật đến vùng đất sinh sống của người Nùng, Tày. Trải qua quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hóa, bên cạnh những yếu tố của tín ngưỡng bản địa, Tào đã tiếp thu thêm những giá trị Phật giáo. Dấu ấn Phật giáo trong Tào thể hiện sự mềm dẻo, linh hoạt của tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng không xung đột với tôn giáo mà ngược lại tôn giáo còn góp phần làm cho tín ngưỡng dân gian cải biến và hoàn thiện hơn, thích ứng tốt hơn với điều kiện lịch sử.

 

Lý Viết Trường/TCVHPG417

 

Chú thích:
* Lý Viết Trường, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Dân tộc Quảng Tây, Trung Quốc.
[1] Đạo giáo là tôn giáo có nguồn gốc hình thành ở Trung Quốc, có nguồn gốc từ thế kỷ 4 TCN, gắn với tác phẩm Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Đạo giáo còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như Lão giáo, Đạo Lão, Đạo Hoàng Lão, Đạo gia, Tiên Giáo.
[2] Nguyễn Thị Yên (2009), Tín ngưỡng dân gian Tày, Nùng, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.161.
[3] Tác giả không ghi chữ Nôm Nùng.
[4] Tác giả không ghi chữ Nôm Nùng.
[5] Chu Xuân Giao (2000), Đời sống, vai trò và bản chất của thầy Tào người Nùng An qua trường hợp bản Phia Chang, Luận văn Thạc sĩ, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tr.92-94.
[6] Chu Xuân Giao (2000), Đời sống, vai trò và bản chất của thầy Tào người Nùng An qua trường hợp bản Phia Chang, Sđd, tr.103.
– 许晓明 (2007), 汉传道教之重构:壮族道公教研究: 以广西天等县上映乡广原村下庄屯为个案, 硕士学位论文, 福建师范大学, tr.42.

Tài liệu tham khảo:
1. Chu Xuân Giao (2000), Đời sống, vai trò và bản chất của thầy Tào người Nùng An qua trường hợp bản Phia Chang, Luận văn Thạc sĩ, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
2. Nguyễn Thị Yên (2009), Tín ngưỡng dân gian Tày, Nùng, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
3. 许晓明 (2007), 汉传道教之重构:壮族道公教研究: 以广西天等县上映乡广原村下庄屯为个案 (Tái cấu trúc Đạo giáo Trung Quốc: Nghiên cứu về Đạo giáo dân tộc Choang – Trường hợp nghiên cứu xóm Hạ Trang, thôn Quảng Nguyên, xã Thượng Anh, huyện Thiên Đẳng, tỉnh Quảng Tây), 硕士学位论文, 福建师范大学.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin