Chi tiết tin tức

Dịch Covid-19, nghĩ về lời dạy của Đức Phật

21:34:00 - 27/04/2020
(PGNĐ) -  Hiện nay, đã bước qua tháng đầu tiên của quý 2 năm 2020, dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành trên khắp thế giới, khiến con người nhận ra rất nhiều điều trước đây bị bỏ qua.

Đó là, con người chỉ là một bộ phận nhỏ bé của thiên nhiên, và khi thiên nhiên khủng hoảng thì tình trạng của đời sống con người trở nên vô cùng bấp bênh. Hay là số phận của loài người trên khắp địa cầu đều là đồng hội đồng thuyền, thực chất cần sự tương trợ nhau hơn là sự sát phạt, tranh giành nhau. 

 

Dù chưa có sự khẳng định nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự sinh sôi và lan truyền virus corona sang con người, nhưng chắc chắn một điều là trách nhiệm của con người đối với việc hủy hoại môi trường sống và thiên nhiên hoang dã, gây mất cân bằng sinh thái, đóng góp một phần không nhỏ trong nguyên nhân sâu xa dẫn đến các dịch bệnh nói chung. 

 

Con người thường tự hào là chủ nhân của thế giới, chinh phục và khai thác thiên nhiên không ngừng nghỉ, nhưng chỉ một vài lần thiên nhiên nổi giận thì loài người chợt nhận ra sự mong manh trong đời sống của mình. Dịch covid-19 rồi cũng sẽ đi qua, nhưng bài học mà thiên nhiên dạy chúng ta, cần được nằm lòng. Đó là một thái độ sống hài hòa và tôn trọng thiên nhiên, xem con người là một thành tố không tách rời với thiên nhiên; thái độ sống đó đã được cổ nhân phương Đông đề cao từ bao đời nay, bây giờ lại trở nên vô cùng giá trị hơn bao giờ hết. Đó là mối tương quan nhân - quả.

 

chithanh.JPG
Một công dân trẻ của TP.HCM có tín ngưỡng Đạo Phật cầu nguyện tại Việt Nam Quốc Tự trong mùa dịch - Ảnh: Bảo Toàn

 

Trong bối cảnh khó khăn chung đó, nổi bật lên hình ảnh các nước đi đầu trong việc kiểm soát dịch bệnh. Nhìn về khía cạnh văn hóa, cơn đại dịch xảy ra đã là nhân tố để “kích thích” yếu tố gốc rễ văn hóa của người Việt trỗi dậy. Truyền thống văn hóa “thương người như thể thương thân”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương/ người trong một nước phải thương nhau cùng”, “bầu ơi thương lấy bí cùng/ tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “lá lành đùm lá rách”, “người còn thì của cũng còn/ miễn là nhân nghĩa vuông tròn thì thôi”, “cho người thì được người cho”, “mình ăn thì hết, người ăn thì còn”… không phải chỉ còn trên những trang sách, mà đã chứng tỏ vẫn âm thầm tuôn chảy trong huyết mạch Việt Nam. 

 

Trong chất liệu văn hóa đó, không thể tách rời yếu tố văn hóa Phật giáo đã thấm nhuần lâu đời trong con người Việt. Và đại dịch đã giúp ta nhận ra rằng, chính những truyền thống văn hóa tốt đẹp mới giúp chúng ta vững vàng trong mọi hoàn cảnh, chứ không hẳn là những sức mạnh về kinh tế hay quyền lực. 

 

Những thành công của Việt Nam trong thời gian qua trong sự đối phó với dịch Covid, cũng như những hình ảnh đẹp tương thân tương ái của cộng đồng người Việt, chợt làm người viết liên tưởng đến câu chuyện Đức Phật dạy về “bảy pháp bất thối”.

 

Trong kinh Tăng Chi Bộ, Chương 7, Phẩm III. Vajjì ( Bạt Kỳ), mẩu chuyện “Tại Sàrandada” và “Vassakàra” khiến chúng ta suy ngẫm. Có một lần Đức Phật giảng cho giống dân Licchavi ở Vajjì về Bảy pháp bất thối. Đó là: 

 

“Này các Licchavì, khi nào dân Vajjì thường hay tụ họp, và tụ họp đông đảo với nhau, thời này các Licchavì, dân Vajjì sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm. 

 

Này các Licchavì, khi nào dân Vajjì tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết, này các Licchavì, dân Vajjì được lớn mạnh, không bị suy giảm. 

 

Này các Licchavì, khi nào dân chúng Vajji không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajjì như đã ban hành thuở xưa, thời này các Licchavì, dân Vajjì sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.

 

Này các Licchavì, khi nào dân chúng Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjì và nghe theo lời dạy của những vị này, thời dân Vajjì sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm. 

 

Này các Licchavì, khi nào dân Vajjì không bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ, và thiếu nữ Vajjì phải sống với mình, thời này các Licchavì, dân Vajjì sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm. 

 

Này các Licchavì, khi nào dân chúng Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjì ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước đúng với quy pháp, thời này các Licchavì, dân Vajjì sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm. 

 

Này các Licchavì, khi nào dân Vajjì bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Vajjì, khi các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc, thời này các Licchavì, dân Vajjì sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm”.

 

Khi vua Ajàtasattu (A-xà-thế) nước Magadha muốn chinh phạt dân chúng Vajjì, cử một đại thần đến cho Đức Phật hay về ý định đó. Đức Phật không nói thẳng ý mình, người chỉ hỏi Tôn giả Ananda rằng dân Vajji có còn giữ bảy pháp bất thối không. Tôn giả Ananda đáp có. Vị đại thần nghe qua thì bạch rằng “nếu dân Vajjì chỉ hội đủ một pháp không bị suy giảm này, thời dân Vajjì nhất định được lớn mạnh, không bị suy giảm, huống nữa là đủ cả bảy pháp không bị suy giảm” và ra về.

 

Câu chuyện trên khiến người viết nhìn lại những thành quả của nhà nước và nhân dân ta vừa qua trước đại dịch Covid-19, phải chăng là vì sự có mặt của “bảy pháp bất thối” một cách hiển nhiên. 

 

Có thể thấy, “bảy pháp bất thối” đó đã biểu hiện ở đời sống con người Việt Nam cụ thể như sau:

 

1. Dân thường hay tụ họp đông đảo với nhau (nghĩa là trong nước có sự hòa thuận và gắn kết toàn dân, nhiều tổ chức mang tính cộng đồng, phi lợi nhuận, tình làng nghĩa xóm được coi trọng).

 

2. Khi hội họp, giải tán, làm việc đều trong tinh thần đoàn kết (thời gian qua những cuộc họp, chỉ thị, và thực hiện của nhà nước về chống dịch Covid-19 đều nhất quán từ trung ương đến địa phương, và được nhân dân ủng hộ, sự giãn cách xã hội được tuân thủ).

 

3. Về những luật lệ, có thể hiểu là những luật lệ phù hợp với hiện thực cuộc sống, tôn trọng những giá trị văn hóa đạo đức truyền thống, và đảm bảo hạnh phúc cho người dân được áp dụng. Thời gian qua, nhà nước ban hành những chỉ thị liên quan đến chống dịch Covid-19 đều bám sát với thực tế, và lấy lợi ích, sức khỏe của nhân dân đặt lên trên hết, với quan niệm “không bỏ ai lại phía sau”.

 

4. Dân chúng tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão và nghe theo lời dạy của những vị này. (Người dân biết kính trọng người cao tuổi, tôn trọng những bậc trưởng thượng nhiều kinh nghiệm, biết cung kính với những bậc có đức độ và trí tuệ. Nhà nước biết lắng nghe tham vấn với những người có trí tuệ, có đức, có chuyên môn, biết coi trọng giá trị của kinh nghiệm, coi trọng sinh mạng con người. Khi trong nước có người làm việc thiện lành, báo chí tích cực khuyến khích, nhiều người ưa thích bắt chước theo).

 

5. Dân không bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ, nghĩa là dân chúng không sống vô đạo, không ỷ mạnh hiếp yếu, không bị chi phối bởi sự tham lam vô độ, ích kỷ cá nhân.

 

6. Dân chúng tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu, không bỏ phế các cúng lễ đúng quy pháp… (Nghĩa là người dân coi trọng các giá trị tinh thần, lễ nghĩa, sống có đạo đức).

 

7. Dân bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán. (Các vị A-la-hán là những bậc giác ngộ, giải thoát, có trí tuệ lớn và tình thương lớn. Nếu người dân biết tôn trọng những phẩm chất như trí tuệ lớn và tình thương lớn như vậy, và biết lắng nghe theo những lời chỉ dạy đạo đức, thì đời sống nhân dân sẽ đi theo con đường hướng thượng).

Đức Phật không phải là người sáng tạo ra luật lệ và quy tắc, mà là người có cái nhìn minh triết khám phá ra những quy luật tự nhiên mang lại sự an ổn cho đời sống của con người. Vì vậy những gì Đức Phật dạy đã chứng tỏ sự đúng đắn qua nhiều thời đại, và đến nay, một lần nữa, qua dịch Covid-19, lại thấy giá trị của lời dạy đó.

 

*

 

Mùa Vesak 2020 đang đến, người viết không nói về Đức Phật trong sự tôn sùng đối với một vị giáo chủ của một tôn giáo, mà với lòng tôn kính một con người đã vượt lên cái thường tình của con người, để trở thành một nhân cách và trí tuệ mà cả thế giới đều chiêm ngưỡng và học hỏi.

 

Tin rằng, nếu người Việt Nam bao giờ còn sống theo “bảy pháp bất thối”, thì đất nước Việt Nam sẽ vững vàng qua những cơn khủng hoảng, dù là từ thiên nhiên hay từ con người.

 

Mai An

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin