Chi tiết tin tức Giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai - Một trí thức Phật tử, nhà giáo liêm trực 21:31:00 - 16/02/2020
(PGNĐ) - Giáo sư Nguyễn Văn Hai, pháp danh Hồng Dương, nhà toán học, Phật tử trí thức thuần tín, đã từ trần vào ngày 25-1-2020 (nhằm ngày mùng 1 Tết Canh Tý) tại tư gia ở Yardley, Pennsylvania, Hoa Kỳ, thượng thọ 93 tuổi.
Trước khi ra đi, ông còn đang viết dang dở một cuốn sách về Phật học, trong một cách tiếp cận mới của một nhà toán học, với lời dặn con cháu về hậu sự cần được thực hiện thanh giản, không cáo phó, không phúng điếu, không phiền thân hữu và con cháu…
Giáo sư Nguyễn Văn Hai, nguyên Hiệu trưởng Trường Quốc Học, Huế; Giám đốc Học chánh Cao nguyên và Trung nguyên Trung phần, Khoa trưởng Đại học Khoa học Huế, Khoa trưởng Đại học Sư phạm Huế, Phó Viện trưởng Đặc trách Phát triển Viện Đại học Huế; Giáo sư Đại học Louisville Kentucky, Hoa Kỳ. Đặc biệt, Giáo sư là người sáng tạo mô hình trường bán công và là hiệu trưởng đầu tiên của trường bán công tại Huế, môi trường giáo dục dành cho người nghèo có khao khát về tri thức.
Với Phật giáo, Giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai là thành viên sáng lập và nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Huế.
Vị Thầy liêm trực
Giáo sư sinh năm 1927 tại Huế, tốt nghiệp tiến sĩ Toán học tại Đại học Sorbonne, Paris, Cộng hòa Pháp. Ông được biết là một người có học lực xuất sắc, đỗ bằng cử nhân Giáo khoa kép Toán - Lý - Hóa hiếm hoi thời bấy giờ, trở thành nhà quản lý giáo dục khi còn rất trẻ: 26 tuổi!
Trong ký ức của những môn sinh và cộng sự, trên mọi cương vị công tác, Giáo sư luôn tỏ ra chủ động cải cách cho tốt đẹp hơn và là con người thông minh dám làm dám chịu trách nhiệm, đã chủ trương thay đổi cách dạy, cách học mới: Học sinh không phải là cái thùng chứa kiến thức do thầy rót vào, mà là một chủ thể được thầy giới thiệu tư liệu, khơi dậy niềm say mê kiến thức để tự tìm hiểu, học tập một cách chủ động và tích cực.
Trên cương vị Khoa trưởng Đại học Khoa học Huế kiêm Phó Viện trưởng đặc trách phát triển, sau một chuyến đi khảo sát các đại học Mỹ năm 1968, Giáo sư về lại và cải cách ngay chương trình học. Trước đây Đại học Khoa học theo mô hình đại học Pháp: chỉ đào tạo kiến thức mà không đào tạo chuyên nghề, nên sinh viên ra trường không thể làm nghề cụ thể. Để đào tạo ra các sinh viên làm việc được cho xã hội, năm 1969 Giáo sư đã cho mở ba ngành mới: Tạo tác thủy lợi do Kỹ sư Bùi Hữu Lân làm trưởng bộ môn; Thống kê nhân khẩu, do Tiến sĩ Bùi Đặng Hà Đoán (Paris) làm trưởng bộ môn; Sinh hóa ứng dụng do Tiến sĩ Bùi Thế Phiệt (Mỹ) làm trưởng bộ môn. Các chương trình ứng dụng này, tuy mới đào tạo được ba khóa, nhưng các cựu sinh viên đã đóng góp rất tích cực trong nền kinh tế sau năm 1975 không thua gì các kỹ sư tốt nghiệp tại Đại học Bách khoa Sài Gòn hay Hà Nội thời bấy giờ.
Theo lời tự sự của Giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai, cũng như thông tin từ gia đình cho biết lúc nhỏ ở Quảng Bình, ông được thân mẫu dẫn đến chùa lễ Phật, thuộc lòng Bát-nhã Tâm kinh, và có duyên thân cận với Đại lão Hòa thượng Trí Quang khi Hòa thượng còn là chú tiểu ở trong chùa Phổ Minh.
“Chính nhờ theo thân mẫu đến chùa từ tuổi ấu thơ, mà chủng tử Phật được trồng sâu trong tâm Giáo sư, và vì Giáo sư là một người thấm nhuần tinh thần khoa học, toán học, hiểu rõ mối liên hệ nhân quả giữa các sự kiện xảy ra trong thế giới cho nên nhận ra lý duyên khởi mà Đức Phật đã dạy là chân lý. Vì vậy mà Giáo sư vẫn kiên định lập trường theo Phật như việc học Phật và viết sách Phật học sau khi về hưu như chúng ta đã nêu trên”, GS.Lê Tự Hỷ, một trong những môn sinh của Giáo sư chia sẻ.
Với các thế hệ học trò, ông là một người thầy giáo đầy tình thương ẩn dưới nét mặt nghiêm nghị, “Chúng tôi đã có được những bài học quý giá về Người là tấm gương mẫu mực, liêm trực, suốt đời tận tụy cho sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ, nhưng cũng rất nghiêm khắc với học trò của mình với tôn chỉ và quy chuẩn của việc giảng dạy và học hành”, Kỹ sư Phạm Ngọc Tôn, môn Sinh ngành Tạo tác thủy lợi khóa đầu tiên, là người trực tiếp được học và vẫn giữ được liên lạc sau này với ông cho biết.
Tiếp cận Phật học qua nhãn quan Toán học
Sau khi nghỉ hưu tại Đại học Louisville Kentucky, Hoa Kỳ, Giáo sư dành trọn thời gian để học, nghiên cứu và viết về Phật học. Những công trình về Phật học của Giáo sư đã được đăng trên các tập san Phật học, báo chí Phật giáo ở nước ngoài, trên các trang mạng. Đặc biệt những sách viết sâu về Phật học, về triết học Phật giáo được in trong nước: Tìm hiểu Trung luận - Nhận thức luận và Không tánh (2001); Luận giải Trung luận Tánh khởi và Duyên khởi (2003); Nhân quả đồng thời (2008).
Khi tuổi đã gần 90 và trên 90, Giáo sư vẫn minh mẫn viết sách về triết học Phật giáo, đã xuất bản trong nước: Tư tưởng Phật giáo trong Triết học Gilles Deleuze (6-2015); Nguyên tắc lý do đủ - Lý Duyên khởi (9-2017); Đạo Phật là Toán học (3-2018); Ngã - Pháp (4-2019).
Nói về Giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai, HT.Thích Nguyên Giác, trụ trì chùa Già Lam, Trưởng khoa Phạn ngữ Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM đã nhắc lại truyền thống tâm linh qua gia đình, nhân duyên với nhà chùa, qua các bậc tôn túc như Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang lúc ấu thơ, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu và Hòa thượng Tuệ Sỹ…
“Giáo sư là một trong những người Việt Nam đầu tiên dùng khoa học, toán học để tìm hiểu và phát triển Phật giáo. Với những tác phẩm của Giáo sư về Trung luận, nhận thức luận, Tánh không (hay Không tánh)… những tác phẩm liên hệ Nhân quả đồng thời… giới thiệu cho chúng ta - những người Việt Nam, cũng như Phật tử Việt Nam, một khởi đầu tạo ra một phong trào, một hướng mới để nghiên cứu Phật giáo qua nhãn quan mới qua Toán học”, Hòa thượng nhận định.
Việc đó, theo HT.Thích Nguyên Giác, có ý nghĩa trong việc phát triển Phật giáo dưới ngôn ngữ thời đại, góp phần trong việc “làm cho nền văn hóa Phật giáo Việt Nam càng thêm phát triển phong phú. Nhằm giúp cho con người Việt Nam, Phật giáo Việt Nam có một định hướng, cơ sở tư tưởng hết sức khoa học nhằm xây dựng đất nước luôn luôn phồn vinh, trường tồn”.
Nhã An
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |