Chi tiết tin tức

Dương và Âm đức – Ngọn đèn soi đường vượt sóng

06:53:00 - 06/10/2021
(PGNĐ) -  Triết lý nhà Phật có nói cuộc sống con người gói gọn trong một hơi thở để nhắc nhở mỗi chúng ta về sự vô thường ở đời này. Tuy vậy, trong “một hơi thở” đó lại chứa đựng biết bao hỷ – nộ – ái – ố, biết bao bài học mà có khi cả một đời người học mãi vẫn chưa xong.

biết bao bài học mà có khi cả một đời người học mãi vẫn chưa xong.

“Có sinh ắt có diệt, có hợp ắt có tan, có thịnh ắt có suy. Khi bạn vui, hãy hiểu rằng niềm vui này không phải là vĩnh hằng. Khi bạn đau khổ, hãy nhớ rằng nỗi đau này cũng không trường tồn. Vạn pháp thế gian vốn vô thường”. Người can đảm nhất hẳn vẫn phải có những giây phút yếu đuối. Người kiên trì nhất cũng không thể tránh khỏi những lúc nản lòng. Người tràn đầy nhiệt huyết nhất rồi lúc nào đó cũng đành bỏ mặc sự tình buông lơi. Vậy trong cuộc sống ngắn ngủi đầy rẫy vô thường này, đâu là kim chỉ nam cho lúc chúng ta phải đương đầu với những cơn sóng dữ dội, gập ghềnh nhất của đời mình? 

Nhà bác học Archimedes từng nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa. Tôi sẽ nhấc bổng cả Trái Đất”. Thật vậy! Có lẽ ai cũng cần cho mình một “điểm tựa”, không phải để nhấc bổng Trái Đất lên, mà để làm nơi nương náu mỗi khi chùn bước, yếu lòng nhất. Thế nhưng “điểm tựa” đó là gì, đến từ đâu? Ắt hẳn sẽ là câu hỏi nhiều người đặt ra nhưng mãi chẳng tìm được đáp án chính xác cho mình. Có người sẽ bảo điểm tựa của họ là tiền tài, danh vọng vì như người đời vẫn thường bảo: “Có tiền là có tất cả”. Hoặc điểm tựa của ai đó sẽ là cuộc sống gia đình vẹn tròn hạnh phúc. Tuy vậy giữa tiền tài và hạnh phúc luôn là bài toán về quả trứng và con gà mà dưới góc độ, quan điểm của mỗi cá nhân sẽ có một đáp án khác nhau. Quả trứng có trước hay con gà có trước? Có vật chất rồi mới có hạnh phúc hay bản thân ta hạnh phúc thì vật chất sẽ đến dễ dàng hơn? Còn đối với người kính tin Phật, Tam bảo nói riêng và con người sống biết giữ gìn phẩm hạnh, nhân cách nói chung có lẽ điểm tựa vững chãi nhất lại là chữ “đức”.

“Có đức mặc sức mà ăn”. Câu nói không chỉ đơn giản, ngắn gọn như những con chữ cấu thành nên nó mà ẩn chứa bao hàm ý sâu xa. Chữ “ăn” không đơn thuần là động từ chỉ hành động mà là phép ẩn dụ để nói về cả một đời sống với quả ngọt trổ từ cây phước đức.

Người trồng cây hạnh người chơi
Ta trồng cây Đức để đời mai sau
Người lo xây đắp sang giàu
Ta vun Đạo đức dồi trau tâm mình. 
(Ca dao Việt Nam)​
Ông, Bà ta cũng luôn nhắc nhở con cháu phải: “Tích đức hành thiện” như một điều hay, lẽ phải cần tuân theo. Ngay cả đại thi hào Nguyễn Du cũng từng viết: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Còn Kinh Phật dạy: 
“Hương các loại hoa thơm
Không ngược bay chiều gió
Nhưng hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay
Chỉ có bậc Chân nhân
Tỏa khắp mọi phương trời”.
(Kinh Pháp Cú 54)

Nói về chữ “đức” lại có khái niệm về Dương đức và Âm đức. Tu sĩ, Cư sĩ hay những người đang trau dồi đời sống tâm linh thêm phong phú, chắc hẳn ít nhiều người cũng đã nghe qua hay tìm hiểu. Vậy Âm đức, Dương đức là gì và việc thực hành, vun bồi các phước đức ấy liệu có giúp mang đến những “điểm tựa” vững chắc khi dông bão cuộc đời nổi lên?

Trước hết, xin giải thích phóng ý chữ “Âm đức” như sau: Nghĩa là làm việc tốt thầm lặng, âm thầm, không hiển lộ ra bên ngoài, cứ lặng lẽ mà làm. Còn nhiều tầng nghĩa nữa, mỗi người sẽ có cảm nhận theo chính bản thân họ. Một định nghĩa khác thế này: “Dương đức phúc báo nhanh: Người ta sẽ ca ngợi, tuyên dương, báo đáp bạn bằng vật chất hoặc khen thưởng biểu dương. Dương đức đã được báo đáp rồi thì sẽ hết. Làm việc tốt mà không để người khác biết gọi là “Âm đức”. Âm đức dù không được ai biết đến hay biểu dương, nhưng phúc báo lớn, tích được lâu dài”.

DƯƠNG ĐỨC – ÁNH NẮNG SƯỞI ẤM TÂM HỒN 

Nói như vậy, không có nghĩa chúng ta không coi trọng việc thực hành Dương đức. Trên thực tế, Dương đức được thể hiện đúng nghĩa của nó sẽ có tác dụng truyền cảm hứng, giúp mọi người có cái nhìn yêu thương và lạc quan hơn.

Ta sẽ không thể nào kể hết các việc tốt trong xã hội hằng ngày. Giữa cuộc sống đầy rẫy thị phi, cái ác; những thông tin, tấm gương về người tốt việc tốt như ánh sáng ban mai sưởi ấm tâm hồn, dẫn lối sự thiện lương. Mới đây, báo Tuổi Trẻ Online đưa tin Thượng uý Quân đội Ngô Văn Thứ lao xuống sông cứu cô gái đuối nước [1]. Đương nhiên, khi cứu cô gái anh không hề nghĩ đến những bằng khen từ đơn vị. Anh chia sẻ: “Lúc đó tôi chỉ làm theo bản năng, thấy cô gái đang ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết quá mong manh nên tôi lao xuống sông. Tôi cũng không nghĩ khi mình xuống liệu có cứu được không, hay mình có tồn tại hay không”. Hay như việc có biết bao trẻ em mồ côi đang được nuôi nấng tại các trường tình thương, tu viện, tịnh thất… Trải dài khắp đất nước, nơi đâu cũng có những nhóm thiện nguyện với những việc làm đầy ý nghĩa như: Kêu gọi những người mẹ trẻ lầm lỡ không bỏ con và cưu mang cả mẹ lẫn bé, giúp người nhiễm HIV/AIDS vượt qua bệnh tật và hoàn lương, hỗ trợ phạm nhân mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng… Ngay cả các chương trình truyền hình cũng hướng đến mục tiêu nhân đạo hoặc ca ngợi, lan toả những hành động mang tính nhân đạo. Chương trình thực tế “Điều ước thứ 7” lay động trái tim người xem truyền hình, là nơi hiện thực hóa những mong muốn, hạnh phúc giản đơn của nhân vật. Chương trình “Lục lạc vàng – kết nối những miền quê” thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam. Chương trình “Vượt lên chính mình” giúp người xem thấy được tình yêu thương, giúp đỡ giữa con người với con người; qua gameshow đã có nhiều gia đình thoát khỏi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống và còn nhiều nữa những chương trình nhân văn như thế.

Trước làn sóng đại dịch COVID-19, những hình ảnh vô cùng đẹp từ các hoạt động thiện nguyện như: Bếp ăn từ thiện, tình nguyện viên xung phong đi vào tâm dịch, các đội mai táng miễn phí, các siêu thị 0 đồng,… ắt hẳn càng củng cố tinh thần của toàn thể người dân Việt Nam, rằng với sự yêu thương và đoàn kết, rồi chúng ta cũng sẽ vượt qua cơn sóng dữ này như bao lần khác trong lịch sử dân tộc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh dù bị ảnh hưởng nặng nề nhưng vẫn không nề hà góp sức mình vào công cuộc chống dịch của cả nước. The Moshav Farm là một trong những đơn vị như thế. Là một cơ sở kinh doanh theo mô hình nông nghiệp xanh tại Khánh Hoà, dù việc vận chuyển hàng hoá đi khắp cả nước gặp nhiều trục trặc, đứt gãy nhưng những người đồng sáng lập vẫn không quên góp ít sức mình qua việc ủng hộ sản phẩm sẵn có đến các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch ở tỉnh, tặng các phần quà đến bà con nông dân địa phương, mong góp phần giúp bà con vượt qua khó khăn mùa dịch và vẫn duy trì các công việc giúp đỡ các em nhỏ nơi nông trại hoạt động. Ở TP HCM, chỉ sau hai giờ kêu gọi, diễn đàn Caravan.vn đã huy động được 40 xe bán tải và 4 xe tải từ các thành viên đều là doanh nhân, hình thành “Đội xe xung kích” tham gia vận chuyển hàng hóa, phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 [2].

Ở Biên Hoà, lại có tấm gương của anh Hoàng Đình Sơn – Giám đốc một doanh nghiệp chuyên gia công cổng nhôm đúc ở phường Trảng Dài. Với kinh tế khá giả, lẽ ra trong thời điểm giãn cách xã hội, anh sẽ dành thời gian nghỉ ngơi, chăm lo cho gia đình nhưng anh lại bận rộn hơn với công tác từ thiện xã hội. Công việc hằng ngày của anh Sơn là liên hệ các đầu mối để mua hoặc vận động nguồn lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn trong vùng phong tỏa, cách ly y tế trên địa bàn phường Trảng Dài – một phường có khoảng 150 ngàn người và phần lớn là công nhân lao động nhập cư. Là giám đốc, người lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp, thay vì ở nhà tránh dịch, họ chọn cho mình con đường khó khăn, nguy hiểm hơn, chỉ mong sao cùng san sẻ bớt khó khăn với người dân. Có lẽ, thật không hề cường điệu khi nói rằng những tấm lòng của họ đã trở thành “điểm tựa” cho biết bao hoàn cảnh khó khăn.

Thiết nghĩ, trái tim chúng ta không thể nào không lay động và sẽ luôn có sự thôi thúc để sống đẹp hơn, sẻ chia nhiều hơn khi nhìn thấy những tấm gương ấy. Vậy, trước khi tích được phần “Âm đức”, những hành động mang tính chất “Dương đức” cũng đã vô cùng đẹp như hoa hướng dương rạng rỡ dưới ánh nắng mặt trời rồi. Cũng như việc sống luôn hướng về điều thiện, việc lành sẽ là chiếc kim chỉ nam chỉ đúng hướng cho chúng ta vững tay chèo vượt sóng gió.

ÂM ĐỨC – NGỌN ĐÈN THẮP ĐƯỜNG CHO BẢN THÂN 

Âm đức là gì? Việc gì sẽ tích Âm đức? Đó là việc làm từ thiện ẩn danh, cho đi nhưng không giữ tâm mong cầu được hồi đáp. Đó cũng đơn giản chỉ là một nụ cười, lời chúc lành xuất phát từ tâm. Là việc dùng tài năng cống hiến cho xã hội; làm trọn vẹn và hết mình trong công việc và vị trí hiện có; biết chia sẻ, hy sinh và đồng cảm; sống chung thuỷ, giữ gìn hạnh khiêm nhường; thành thật, tôn trọng mọi người; tạo cơ hội cho người khác, cùng nâng đỡ nhau; biết quý trọng, biết ơn mọi điều; biết lắng nghe, khoan dung, động viên nhau. Ngoài ra, còn là việc giữ tâm hành trì các giới, định tâm, đọc kinh hồi hướng… Quả thật rất nhiều việc trên đời này có thể giúp ta tích được Âm đức.

Người nào có cơ duyên tích Âm đức hơn? Chúng ta ai cũng cùng chung “dòng máu đỏ”, nên Âm đức không chọn lựa hay dựa vào xuất thân, giai cấp, giàu, nghèo, độ tuổi, nghiệp nhiều hay ít… Chỉ cần biết hướng tâm thiện lành thì mỗi giây, mỗi phút đều có thể tích Âm đức. Có đoạn chia sẻ thế này trong một bài viết về Âm đức: “Vận số dù thuộc loại cao tốt nhất, nếu phạm vào các việc thất đức, tùy theo mức độ mà bị trừ đi, trở thành số cùng khốn ngay. Vận mệnh ở loại thấp nhất nếu làm được nhiều việc thiện cũng tùy theo mức độ mà tăng lên”. Tóm lại, Âm đức có nhiều cách để tích. Hãy là một người sống chan hòa, không hại người và giúp đỡ người khác khi có thể thì ta đã có thể tích Âm đức rồi.

Thế nhưng, sẽ không ít thắc mắc cho rằng cuộc sống đã đủ phức tạp với bao sự việc, biến cố xoay vần; nỗi lo mưu sinh luôn đè nặng trên vai; thân và tâm người phàm phu có mấy khi được thanh thản; giờ lại phải lo tích Âm đức làm gì? Đặc biệt, khi thực hành những việc nói trên, ta không hề thấy kết quả ngay tức thì. Nhưng thật ra khi có Âm đức, ta sẽ thấy trong những lúc nguy nan khi mọi lối đi đều mịt mờ thăm thẳm, khi đang ngụp lặn trong những cơn sóng dữ cuộc đời, Âm đức đó sẽ là ngọn đèn soi rọi để chúng ta nương vào mà “lội” qua những biến cố. Hay đơn giản là “tích đủ điểm” để mỗi người phát huy hết những giá trị tiềm tàng của bản thân, trở thành một nguồn sáng không chỉ cho chính mình, mà còn giúp đỡ, tiếp tục thắp lên cho những ngọn đèn khác đang chờ “mồi lửa”. Hoặc nói cách khác, Âm đức chính là điểm tựa vô cùng vững chãi ở những cột mốc khó khăn mà đời người ai rồi cũng sẽ kinh qua đôi bận.

Âm đức hiểu gần nghĩa nhất là hỗ trợ “người âm”. Trong đời sống thường nhật, hãy luôn duy trì trong khả năng để dành một buổi trong ngày đọc thay phiên các loại kinh và hồi hướng cho những hương linh. Người mới bắt đầu có thể mở các bài kinh trên Youtube nghe theo giọng của các thầy để đọc theo. Sau khi quen dần với nhịp thì tự đọc. Cái hay của thời buổi công nghệ là có các video đọc kinh có sẵn chữ nên mọi người nếu nhà không có kinh thì vẫn nhìn theo đọc được. Tuỳ duyên ta có thể chọn nào là: Chú Đại Bi, Kinh Dược Sư, Kinh Địa Tạng, Chú Lăng Nghiêm, Kinh A Di Đà, Kinh Phổ Môn, Sám Hối, Sám hối Hồng Danh, Từ Bi Thuỷ Sám,… Mỗi ngày, tuỳ theo quỹ thời gian rảnh sẽ chọn đọc loại kinh phù hợp. Như Kinh Địa Tạng dài quá thì hay đọc vào cuối tuần. Còn nếu đọc không hết thì đọc từng chương. Ngày hôm sau, trước khi đọc chương tiếp, thì mình cần dành vài phút quán lại chương hôm trước mình đọc là về nội dung gì, sơ lược ý của chương cũ rồi bắt đầu chương tiếp theo. Thế nhưng, thật sự chúng ta nên cố gắng đọc xong hết một lần, đừng vắt từ ngày này qua ngày khác dễ sinh tâm giải đãi. Về lực của các kinh và ngữ cảnh để chọn loại kinh thì không có quy chuẩn. Cứ đọc theo sức và lắng nghe bản thân thấy phù hợp với loại kinh kệ nào, cũng như linh hoạt uyển chuyển theo sức của bản thân. Như ngày hôm đó ta thấy mệt chẳng hạn thì có thể ngồi im mở mantra, nhạc Thiền, lần chuỗi, mở nhạc tần số rồi nhiếp tâm hồi hướng. Miễn là giữ cái tâm thật sự hướng đến muôn loài, vạn vật và không “quên” họ thì hình thức nào cũng có thể gửi đến họ. Dù sinh linh ở bất kỳ cảnh giới nào thì cũng cần tình thương và nương tựa nhau thôi mà. Cứ lấy tình thương làm gốc thì tự nhiên cảm được những thời kinh lúc ấy thật ý nghĩa. Dần lâu, dù cho những nỗi sợ vô hình hay vọng tưởng thảy đều mất dần. Chúng ta hay sợ cái chúng ta không biết rõ. Biết rõ rồi, quen rồi, sẽ tự dưng hoá “thân tình”.

Trong nguy có cơ, khi dịch bệnh phức tạp chặn đứng nguồn kết nối giữa người với người, rất may mắn vì các hoạt động cầu nguyện vẫn được diễn ra online dưới sự chủ trì của các vị Tăng, Ni. Ở khía cạnh khác, dành cho các vị mới bắt đầu tu tập, công ty MayQ Inspiration dưới sự dẫn dắt của cô Lê Đỗ Quỳnh Hương cũng đã thực hiện rất nhiều khoá thiền Đại Cộng Hưởng vừa giúp kết nối mọi người, vừa khuyến khích tu tập, đọc kinh. Điều đáng trân quý của các buổi cộng hưởng này đó là hàng trăm cho đến hàng ngàn con người đều đọc Kinh A Di Đà hồi hướng cho ông, bà, tổ tiên, các thai nhi chết non, các em bé mất sớm, các nạn nhân vì dịch bệnh và rộng ra là hết thảy các sinh linh dù có duyên hay không duyên.

Vậy nên mới thấy, hoá ra cái việc âm thầm tự đọc kinh, sám hối hay tu tập Thiền tha thứ, Thiền yêu thương hằng ngày đâu chỉ cho mình mà còn mang đến bao nhiêu lợi lạc dù vô hình nhưng rất quý giá. Để lỡ sóng gió có ập đến, thì sức mạnh của nội tâm cũng như niềm tin nội tại sẽ giúp ta vững bước, không quá cố chấp để tự gây đau khổ cho mình và cho người.

THẮP ĐÈN TRONG TÂM CHO NGƯỜI THÂN, VẠN VẬT CHÚNG SINH

Cùng với việc hành trì kinh, hướng lòng vào các hành động để tích Âm đức như ở trên vừa chia sẻ. Có thêm một cách thức để vừa tích Âm đức, vừa hộ trì cho phần Dương đức, nghĩa là những điều có kết quả ngay cho bản thân, cho gia đình và cho chúng sinh. Sẽ có những lúc bạn gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc sống, tưởng chừng như mọi cánh cửa đổ sập ngay trước mắt. Cả nước Việt Nam đang oằn mình chống dịch và cũng đã có biết bao hoàn cảnh trớ trêu như thế: Con mất cha, mẹ, vợ mất chồng, trẻ nhỏ bơ vơ… Theo báo Quân Đội Nhân Dân, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 tại TP HCM đã tác động rất lớn đến đời sống người dân, khiến nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, hơn 1.500 học sinh đã không may mồ côi cha, mẹ. Vậy khi ta bất lực nhất giữa dòng đời, khi đường cùng cảnh quẫn, điều đơn giản nhất ta có thể làm là giữ vững niềm tin và nương tựa vào tâm linh.

Hãy thắp lên ngọn đèn từ tâm thay vì tuyệt vọng. Nếu không tiện đến chùa, mọi người có thể thắp lên ngọn đèn dầu, hoặc nến ở bàn thờ Phật tại gia, bàn thờ Gia tiên và hướng lòng nhất tâm để giúp cho “ánh sáng” và “hơi ấm” hữu hình lẫn vô hình có thể lan tỏa đến tất cả những ai đang khốn khó ở khắp mọi nơi. Đó thật sự cũng là một cách tạo Âm đức bất khả tư nghị.

CÔNG THỨC THẮP ĐÈN VỚI TÂM THIỆN LÀNH

Kinh Thí Đăng Công Đức ghi lời Đức Phật nói về công đức của việc thắp đèn cúng Phật thế này: “Này Xá-lợi-phất, ngọn đèn của người kia hoặc tự nhiên vụt tắt, hoặc gió thổi tắt, hoặc dầu hết mà tắt, hoặc do bấc đèn hết mà tắt, hoặc tất cả đều hết mà tắt. Nếu có người trong khoảng thời gian ngắn như thế cúng dường chùa, tháp, Phật một ít đèn sáng, vì tin Phật – Pháp – Tăng, nên phúc điền cúng dường chút ít đèn này, sẽ được quả báo, thành tựu phúc đức, chỉ có Phật mới biết được.
Người kia chỉ cúng dường chút ít đèn sáng mà còn được nhiều phúc đức không thể tính kể như thế, huống là sau khi Ta diệt độ, nếu có người tự mình hoặc dạy người khác đốt một ngọn đèn, hai ngọn đèn hoặc nhiều ngọn đèn cúng dường..”..

Vậy xin hãy hiểu, thắp đèn ở đây theo nghĩa thông thường sẽ chỉ là một hình thức phương tiện ban đầu để chúng ta phát lòng, phát tâm, chứ không phải chỉ dừng lại ở hành động mua đèn đến dâng cúng là mọi việc đều toại ý. Dâng đèn còn mang ẩn nghĩa về sự soi sáng của Trí tuệ trong Phật pháp nhiệm màu, trong sự tinh tấn, nỗ lực của mỗi người và trong lòng phát nguyện dồn tâm dồn lực đến những ai đang cần san sẻ.

THẮP ĐÈN HƯỚNG LÒNG ĐẾN NHỮNG NƠI DỊCH BỆNH VÀ THIÊN TAI 

Nếu bạn có thời gian và điều kiện, hãy cùng dành một buổi trong ngày để hành trì kinh, hoặc đơn giản là thắp lên một ngọn đèn dầu, ngọn nến hay đơn giản nhất là “ngọn đèn từ tâm” và giữ tâm tĩnh lặng nguyện lành đến những hoàn cảnh đang gặp bất trắc trên cuộc đời này, mong ơn gia hộ cảm ứng của chư Phật, Bồ tát để rồi sớm thôi, tất cả sẽ “năm châu an tịnh, bốn biển thanh bình”. Tâm bình chính là ngọn đèn sáng thành kính nhất của mỗi người. Dĩ nhiên khi đó, chính cuộc sống của ta, gia đình chúng ta cũng sẽ yên lành và an vui. Đôi khi, chính chúng ta cũng không thể hình dung được, phần Âm đức ta đang làm sẽ mang đến một sự vi diệu che chở và bảo bọc cho các thành viên trong gia đình mình. Âm đức là có hiển hiện. Thêm nữa, trong bối cảnh chẳng lấy làm gì vui và dễ chịu như hiện nay, mọi người ai có duyên cũng cố gắng duy trì việc đọc, nghe kinh, hay chỉ đơn giản là sống thật bình thường nhưng không tầm thường với các điều thiện ý, để chúng ta cùng tích lũy Âm đức. Âm đức vững thì Dương đức cũng đến. Mọi điều sẽ suôn sẻ trong cuộc sống, mà dù không suôn sẻ thì cũng sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. “Gặp hung hóa cát”, có lẽ cũng do đức mà ra.

Ngọn sóng cả cuộc đời, không ai mà không gặp. Đức Phật có câu: “Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp”. Những cơn sóng cả đó âu cũng là nghiệp tự thân mỗi người mà ra. Không điều gì tự đến và tự đi cả, tất cả rồi cũng chỉ là bài học mà mỗi người cần tự nếm trải trong cuộc đời mình. Thiết nghĩ, chỉ khi chúng ta có những quy tắc, giới luật cho riêng mình để tựa vào ngay cả những lúc bình yên, thì khi gặp sóng dữ tâm mới có thể kiên định mà vượt qua sóng gió. Dương và Âm đức sẽ luôn là điểm tựa, là ngọn đèn soi đường đưa ta vượt qua nguy biến. Thế nên, đừng đợi đến khi té ngã mới vội vã thực hành, vì ở đời này, chẳng ai biết được khi nào khó khăn sẽ ập đến. Lời ông, bà ta đã dạy như đã nhắc ở đoạn đầu: “Hành thiện tích đức” – lối sống ấy chính là chiếc la bàn hữu hiệu chỉ dẫn chẳng hề sai.

 

Minh An/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 375VƯỢT SÓNG CẢ - VỮNG TAY CHÈO

 

Tham khảo:

1.https://tuoitre.vn/thuong-uy-quan-doi-lao-xuong-song-cuu-co-gai-nhay-cau-tu-tu-20210918103612409.htm.
2.https://baodautu.vn/tphcm-gan-40-doanh-nhan-tham-gia-doi-caravan-tinh-nguyen-ho-tro-chong-dich-d146971.html.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin