Chi tiết tin tức Hải Triều Âm 20:13:00 - 25/09/2021
(PGNĐ) - “Biển rộng mênh mông sóng ngập trànTuyệt mù gió lộng khắp trùng khơiNào ai biết biển từ đâu đếnLặng lẽ trào dâng mãi muôn đời”.
Nhắc đến biển, ai trong chúng ta cũng sẽ nghĩ ngay đến mặt nước bao la với những con sóng dạt dào xô bờ, bãi cát vàng ươm với những con còng gió lướt nhanh để lại những dấu chân li ti trên cát… đẹp mắt và gần gũi. Tuy nhiên, biển còn nhiều điều đáng nói hơn thế, bởi: “Như đại dương lòng biển cả lặng im Quả thật, biển cả bao la và huyền nhiệm vô cùng. Từ ngàn xưa đã mạnh mẽ trào dâng, mang âm ba vang vọng trên từng con sóng nhỏ, làm rung động tâm hồn bao thế hệ người đến rồi đi. Nhắc đến “Hải Triều Âm”, ta dễ dàng nhớ ngay đến một câu trong Kinh Phổ Môn: “Diệu Âm, Quán Thế Âm, Phạm Âm, Hải Triều Âm, thắng bỉ thế gian âm” [2, tr.26]. Như vậy, “Hải Triều Âm” được liệt vào một trong bốn âm thanh thù thắng, vượt hẳn thế gian. Thế thì, thanh âm của Hải Triều phải vi diệu và sâu xa như thế nào mới có năng lực siêu xuất thoát trần ấy? Hiểu được điều này, có lẽ phải tìm về cội nguồn của sóng. Đó chính là biển A Tu La Vương đã trình bày với Đức Phật về tám đặc tính của biển: “Biển có những bãi cát thoai thoải đưa ta đi từ từ xuống nước, tuần tự sâu dần, không có sâu thình lình như một vực thẳm. Biển luôn luôn ở một chỗ, khiến ai muốn ra biển thì biết ngay phải đi hướng nào. Biển không chấp nhận thây chết, khi có thây chết biển liền đẩy nó lên bờ. Biển chấp nhận nước của các dòng sông dù đó là sông Ganga, Yamuna Acinavati, Sarabhu hay Mahi. Sông nào chảy ra biển đều bỏ tên riêng và hòa cùng biển. Tuy ngày đêm muôn sông liên tiếp đổ ra biển, biển không vì vậy mà có khi vơi khi đầy. Nước biển ở đâu cũng chỉ có một vị mặn. Biển chứa rất nhiều châu báu như: San hô, xa cừ, ngọc bích, mani và ngọc quý…Biển là nơi sinh sống thoải mái của vô số sinh vật, có loài lớn hơn voi, có loài nhỏ hơn sợi chỉ [1]. Do tám đặc tính này mà loài A Tu La rất thích sống dưới biển và cũng bởi tám đặc tính này mà người ta thường ví những gì to tát, lớn lao với biển. Chính những con sóng đã nhận lãnh vai trò là những sứ giả cừ khôi mang thông điệp từ lòng biển mẹ bao la truyền trao cho đời. Trên cuộc hành trình chưa từng biết mỏi, từng đợt sóng nhấp nhô xô bờ, sóng sau xô sóng trước, bền bỉ, tiếp nối không ngừng. Sóng mãnh liệt tuôn trào đẩy tất cả rác rưởi và tử thi ra khỏi biển, không cho xác chết chìm xuống đáy, làm nhơ uế sự thanh sạch của đại dương, Sóng ồ ạt tung bọt trắng xóa, ồn ào, ầm ĩ lấn át mọi âm thanh, chiếm lĩnh hoàn toàn không gian mà biển đang hiện hữu, như để khẳng định nội lực lớn lao vô cùng tận mà lòng đại dương đang ấp ủ. Hùng tráng là thế, bao la là thế nhưng biển trần gian vẫn bị hạn chế do sự ngăn trở của đất liền. Cho nên nếu chỉ mang thông điệp của biển, có lẽ “Hải Triều Âm” đã không được liệt vào hàng “Thắng bỉ thế gian âm”. Trên tất cả, “Hải Triều Âm” là tiếng chuông vang vọng, làm thức tỉnh bao kẻ mê mờ trong giấc ngủ say khi truyền tải tin tức từ biển Pháp mênh mông và biển tâm vô tận. Thật vậy, biển pháp bao la không ngằn mé, vượt hẳn sự suy lường của thế gian, trên mặt thể tính cũng có tám đặc trưng như biển: “Trong Pháp và Luật, các học pháp, các quả dị thục, các con đường đều tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Khi các học pháp được Ta sửa soạn cho các đệ tử kỹ càng dù có chết cũng không vượt qua. Người nào ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh đáng ngờ, không phải Sa-môn cho là Sa-môn, không phạm hạnh cho là phạm hạnh… lập tức bị chúng Tăng đuổi ra khỏi Tăng chúng. Trong Pháp và Luật chỉ có một vị là vị giải thoát. Có 4 giai cấp: Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, khi từ bỏ nó để xuất gia thì bỏ họ tên ở đời và đều lấy họ Sa-môn Thích tử. Nếu có nhiều Tỷ-kheo nhập Niết-bàn giới không có dư y. Niết-bàn giới không vì vậy có vơi đầy. Trong Pháp và Luật có ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo. Pháp và Luật là Trú xứ lớn: Dự lưu, Dự lưu hướng, Nhất lai… Bất lai, Bất lai hướng… A-la-hán [2]. Vĩ đại thay là dòng biển pháp linh thiêng chảy từ nguồn xưa Linh Thứu, trải suốt mấy nghìn năm vẫn không ngừng len lỏi đến từng ngõ ngách tâm linh con người, xua tan bao bụi trần thế trược, lọc sạch mọi cặn bã vô minh. Ra đi từ dòng biển pháp miên viễn trường lưu ấy, những con sóng nhiệm mầu ồ ạt xô vào cửa sổ tâm linh, dạt dào thức tỉnh cõi chân nguyên bao la sâu thẳm trong cội nguồn bất diệt. Để rồi ầm ỉ như tiếng Hải Triều đưa tử thi ra khỏi biển, tiêu hủy tất cả tiếng nói do vọng tưởng hư minh dựng lập, triệt tiêu dòng hắc thủy cuồn cuộn trào dâng từ dòng biển tâm thức vẫn từng ngày, từng giờ xô đẩy thân tâm chao đảo theo từng con sóng thét gào, giận dữ. Chính những vọng tưởng của chúng ta là những ngọn sóng xuất xứ từ biển tâm bấn loạn đầy bão dông, được bao bọc trong một bầu trời âm u với dày đặc những mây mù dục vọng, để rồi mãi mê mờ bồi đắp phù sa cho bến bờ sanh tử, nuôi lớn hạt mầm vô minh và trổ hoa cho quả khổ luân hồi. Nếu một lần được đứng trước biển cả bao la, ta sẽ thấy mình trở nên nhỏ bé thật nhiều. Hãy lắng lòng nghe âm ba vang vọng của Hải Triều bằng cả châu thân để thấy rằng người con Phật chúng ta có bổn phận và trách nhiệm lớn lao như thế nào trong việc phát huy nội lực tự thân, dõng dạc truyền đạt pháp âm như tiếng sư tử rống, vượt hẳn các âm thanh khác của thế gian. Phải nỗ lực loại trừ các thói hư tật xấu, bài thải những mầm mống bất thiện, đẩy tất cả những tạp niệm mục nát, tanh hôi, ô nhiễm ra khỏi tư tưởng, phải tinh lọc từ thiên nhiên, vũ trụ những hạt giống thiện lành, không để những chất chết chìm sâu vào A Lại Da Thức. Giống như lòng biển mênh mông, thu nạp tất cả nhưng không bao giờ dung chứa tử thi, Tạng thức không nên chứa chấp những điều không chân thật hay nuôi dưỡng những quỷ tử luân hồi. Chính trong lòng biển tuệ bao la, “Hải Triều Âm” được vang lên đầy đủ, trọn vẹn nhất. Những người con Phật, những sứ giả Như Lai phải là những con sóng sinh ra từ biển giác sáng ngời, mạnh mẽ xô vào bến bờ sanh tử, bào mòn đá sỏi vô minh, cuốn trôi mọi dấu chân trầm luân còn lưu lại trên cát, để rồi lại trở về với tánh biển thanh tịnh, uyên nguyên sẵn có. Ta không thể nào là những con sóng nhỏ, những con sóng rì rào, lăn tăn, mà phải là những đợt sóng cuồn cuộn, đầy nhiệt huyết và sự hi sinh dấn thân phụng sự nhất là trong cuộc đời đầy biến động do dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Ngay thời điểm này chúng ta là một trong những nơi nương tựa, ngôi nhà tâm linh vững chắc, ban rải tinh thần từ bi với từ tâm bao la đem tình thương đến với mọi người bằng các hoạt động thiết thực như: Nấu cơm từ thiện, trao quà đến bà con trong khu cách ly, hỗ trợ các bệnh viện để phòng chống dịch với các dụng cụ y tế bảo hộ cần thiết … Phải dũng cảm cuốn phăng tất cả các trở ngại trên con đường tìm về bảo sở để giúp thăng hoa cuộc sống tâm linh, thắp lên giữa biển cả trầm luân ngọn hải đăng sáng chói, soi rọi bao bước chân lầm lạc của những kẻ cùng tử vạn kiếp lang thang. Kính lạy Đức Thế Tôn đại trí, đại từ. Chúng sanh thời mạt pháp này đã thừa dư bóng tối, quá sức khiếp sợ, hãi hùng trong bao kiếp đọa đày sanh tử, với nghị lực nhỏ bé không thể kham nhẫn bao thế sự nhiễu nhương nơi cõi thế. Mong đợi làm sao là ánh sáng trí tuệ của Tam bảo chiếu soi, cần lắm những con sóng nhiệm mầu trào dâng nguồn pháp âm vô tận, để cho đời sạch biển trong, cho đạo mầu thanh tịnh, cho bao thế hệ chúng sanh còn đeo mang tục lụy được thừa nương, được gột rửa thân tâm và hòa mình vào dòng chảy mang thanh âm bất diệt với thời gian. Như chất liệu không thể thiếu cho sự sống thêm phì nhiêu và cuộc đời thêm tươi đẹp, sóng và biển vẫn mãi hiện hữu trên thế gian này, từ ngàn xưa cho đến ngàn sau vẫn không ngừng trào dâng, đem thanh âm hải triều vang vọng khắp cõi nhân sinh, là dòng pháp âm tuyệt vời, là tiếng chuông cảnh tỉnh bao kiếp người trầm luân hồi đầu về bến giác. Để mỗi lần nghe tiếng sóng rì rào, lòng người con Phật lại dâng lên bao niềm xúc cảm, bâng khuâng… Nguyện cầu Phật pháp trường lưu, Pháp âm đời đời vang vọng, dịch bệnh COVID-19 mau chấm dứt, cho tất cả chúng sanh được nhuận triêm lợi lạc.
SC. Thích Nữ Chơn Ngọc/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 374
Chú thích: *SC. Thích Nữ Chơn Ngọc : Học viên Cao học khóa III tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM. [1], [2] Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn (2009), Đức Phật Thích Ca đã xuất hiện như thế: 4. Lịch sử Đức Phật Thích Ca, Nxb. Văn Hóa Sài Gòn, tr.495-496.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |