Chi tiết tin tức Hoa mai qua cái nhìn của Thiền sư Huyền Quang - Đệ tam Tổ Trúc Lâm thiền phái 18:57:00 - 02/11/2024
(PGNĐ) - Nhắc đến Thiền sư Huyền Quang người ta nghĩ về một tâm hồn yêu hoa cúc. Ông yêu hoa cúc đến độ nó như thường trực trong tâm tưởng, nó hiện hữu khắp nơi nơi.
Những tình cảm, cung bậc cảm xúc ấy được ông tái hiện qua sáu thi phẩm về hoa cúc - từ “Cúc hoa kỳ nhất” đến “Cúc hoa kỳ lục”, trong đó ta vẫn nhớ câu thơ “Bách vịnh mai hoa nhượng hảo trang” như một lời khẳng định của ông rằng hoa cúc là số một, hoa mai dù có được muôn người ngợi ca cũng phải xin nhường. Nhưng điều này không có nghĩa là, với ông, hoa mai không đẹp, không yêu. Rõ ràng ông cũng yêu mai và dành cho nó một chỗ đứng, tặng riêng cho nó một bài thơ. Thi phẩm “Mai hoa” (梅花) đã cho thấy những niềm riêng, những cảm xúc của ông thật đặc biệt, khó phai với loài hoa cao quý này. Vài nét về Thiền sư Huyền Quang1 Huyền Quang (玄光, 1254-1334), thế danh là Lý Đạo Tái (李道載). Ông là người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Đương thời, ông học giỏi, đỗ cả thi hương, thi hội và thi đình. Đời vua Trần Thánh Tông, ông trở thành đệ nhất giáp tiến sĩ (trạng nguyên) khoa thi năm 1272 (có tài liệu nói năm 1274)2. Trước đó cha mẹ đã định hôn sự cho ông, tuy chưa cưới, và ngay sau khi đỗ trạng nguyên, vua lại muốn gả công chúa cho ông, nhưng ông vẫn nhất quyết từ chối tất cả. Sau đó ông làm việc trong Viện Nội Hàn của triều đình, phụng mệnh tiếp đón các sứ Bắc triều. Với tài năng văn chương xuất chúng và tư duy ngôn ngữ nhạy bén, ông đã khiến các sứ thần Trung Hoa phải nể phục mà tôn trọng đất Đại Việt. Trong một lần ông theo vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm nghe Thiền sư Pháp Loa thuyết pháp, ông như tỉnh ngộ và muốn xuất gia tu hành. Đến năm Hưng Long thứ 13 (1305), ông xuất gia thọ giới tại chùa Vĩnh Nghiêm, theo làm thị giả Điều Ngự, được mang pháp hiệu là Huyền Quang. Năm Hưng Long thứ 17 (1309), tuân theo di huấn của Điều Ngự, Huyền Quang theo hầu Thiền sư Pháp Loa. Đến năm Đại Khánh thứ 4 (1317), ông được Nhị tổ Pháp Loa truyền y của Trúc Lâm Đại sĩ và tâm kệ. Sau khi Pháp Loa viên tịch (1330), ông kế thừa và trở thành vị Tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm. Lúc bấy giờ tuổi đã cao nên ông đã giao phó lại trọng trách cho Quốc sư An Tâm và trở về trụ trì ở Thanh Mai Sơn sáu năm, sau dời sang Côn Sơn giáo hóa đồ chúng. Ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1334), đời vua Trần Hiến Tông, thiền sư viên tịch tại đây, thọ 80 tuổi. Thượng hoàng Trần Minh Tông sắc thụy là Trúc Lâm Thiền sư Đệ tam đại, đặc phong Từ pháp Huyền Quang Tôn giả. Như vậy ông cũng chính là vị Tổ cuối cùng của dòng thiền này. Người đời sau gọi chung cho ba vị Tổ sáng lập thiền phái là Trúc Lâm Tam tổ. Bên cạnh nghiệp tu, Huyền Quang còn được xem là một thi gia lớn của thời Trần. Những trước tác của ông để lại cho hậu thế đến hôm nay vẫn làm thổn thức bao tâm hồn thi ca đồng điệu. Bài thơ “Mai hoa” (梅花) và bản dịch Nguyên tác: 梅花 欲向蒼蒼問所從, 凜然孤峙雪山中。 折來不為遮青眼, 願借春思慰病翁。 Phiên âm: Mai hoa Dục hướng thương thương vấn sở tòng, Lẫm nhiên cô trĩ tuyết sơn trung. Chiết lai bất vị già thanh nhãn, Nguyện tá xuân tư ủy bệnh ông. Dịch thơ:3 Ngẩng nhìn trời xanh biết hỏi ai, Tuyết sơn, sừng sững gốc mai già, Bẻ cành nào đâu che mắt sắc, Mượn chút hương xuân giải bệnh sầu. Dịch nghĩa:4 Muốn ngẩng nhìn trời xanh hỏi hoa mai từ đâu tới, Lẫm liệt đứng sừng sững một mình trong núi tuyết. Bẻ về không phải để che mắt người tinh đời,5 Chỉ muốn mượn tứ xuân an ủi ông già ốm yếu. Cảm quan về hoa mai của Thiền sư Huyền Quang Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt cổ phong nên không bị ràng buộc bởi niêm luật, vì thế ý tứ cũng dễ được giải bày theo tâm tư và mạch cảm xúc của tác giả. Mở đầu, “Dục hướng thương thương vấn sở tòng/ 欲向蒼蒼問所從” (Muốn [...] hỏi trời xanh mai từ đâu tới) là lời bộc lộ cảm xúc của thiền sư khi đứng trước hoa mai. Câu thơ có sử dụng từ “dục/欲” (muốn) và “vấn/問” (hỏi) mà không phải để hỏi. Đó là thái độ ngỡ ngàng, ngạc nhiên khó tả trước cái đẹp của thiên nhiên khi trước mắt hiện ra một cội mai già sừng sững trên một nền trời xanh ngắt. Một hình ảnh đầy ấn tượng đã gây nên một cảm xúc mãnh liệt, sâu sắc! Cảm xúc ấy của ông cũng thật dễ hiểu vì vẻ đẹp của hoa mai luôn khiến tao nhân thổn thức, cốt cách hoa mai luôn khiến cho quân tử cúi đầu. Từ hình ảnh đó dẫn người xem đến gần hơn, chi tiết hơn khi ông viết: “Lẫm nhiên cô trĩ tuyết sơn trung/ 凜然孤峙雪山中” (Lẫm liệt đứng sừng sững một mình trong núi tuyết). Câu thơ đã miêu tả được cái không gian và thời gian mà cội mai đang hiện diện. Ở đó là không gian của núi rừng đang trong cái lạnh lẽo còn vương của những ngày cuối đông rét mướt. Hình ảnh “tuyết sơn/雪山” gợi lên một chốn cao lâm, nơi thâm sâu của rừng già với những hơi sương buốt giá, với những cơn gió rít mạnh lên từng tiếng, liên hồi không dứt. Không gian ấy vốn đã lạnh sẽ còn lạnh hơn khi mai như một hiệp khách cô độc lỡ bước giang hồ giữa trời đông. Hai tiếng “cô trĩ/孤峙” (đứng trơ trọi một mình) bất giác khiến người nghe cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Cái hay ở câu thơ này còn ở cách dùng từ “lẫm/凜”, vì như vậy nó khiến câu thơ mang hai tầng nghĩa. Từ lẫm (凜) vốn có hai nghĩa: 1. Giá rét; 2. Oai nghiêm, nghiêm túc. Và cũng chính từ lẫm (凜) này là thành tố cấu tạo trong từ ghép lẫm liệt (凜冽).6 Theo đó, xét trong quan hệ cú pháp của câu thơ, từ “lẫm” ở đây chọn với nghĩa nào cũng được thỏa mãn. Nếu theo nghĩa 1 (giá rét) thì câu thơ đặc tả cái lạnh của không gian còn lạnh hơn, nơi mà cội mai đang phải đương đầu, chịu đựng. Nếu theo nghĩa 2 (oai nghiêm) sẽ khiến người đọc cảm nhận được phong thái bất phàm của loài hoa cao quý, mà nó đã thành biểu trưng cho khí tiết thanh cao của bậc quân tử. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh hoa mai đứng trơ trọi một mình (cô trĩ/孤峙) trong núi tuyết (tuyết sơn trung/雪山中) thì dù xét theo nghĩa nào cũng đã cho ta một tiền giả định ngữ nghĩa về sự oai phong, lẫm liệt của hoa mai đang hiện hữu tại chốn này. Với hình ảnh “tuyết sơn trung/雪山中”, câu thơ đã khiến cho người đọc liên tưởng đến hình ảnh “hàn mai xuân tín tảo” thường được người xưa nhắc đến và chép lại trên các tích xưa. Sự chớm nở của hoa mai đã báo hiệu một mùa xuân sớm bắt đầu. Nhưng đặc biệt, đó là sự chịu đựng tuyết sương giá rét của hoa mai trong suốt những ngày đông. Hơn thế, người ta còn nhận ra rằng càng lạnh giá, càng phong sương thì hoa mai càng đẹp hơn vào lúc khai hoa nở nhụy. Phải chăng đây chính là phẩm cách siêu việt mà hoa mai đã khiến người xưa thêm lòng ngưỡng mộ và say mê hơn. Bên cạnh đó, người đọc cũng không thể không liên tưởng tới điển tích “đạp tuyết tầm mai” trong thi ca cổ điển để nói lên sức hấp dẫn của hoa mai có thể khiến con người ta vượt núi băng rừng, không ngại tuyết sương chỉ để mong có được một nhành mai. Ngoài ra, câu thơ này khiến ta thấy cách nhìn, cách tả khá tương đồng giữa Thiền sư Huyền Quang với người thầy Trần Nhân Tông của mình. Trong bài “Tảo mai kỳ nhất”(早梅其一), Sơ tổ Trúc Lâm đã khắc họa rõ nét hơn những phẩm cách phi thường của hoa mai, ông viết: “Cá tam đông bạch chi tiền diện Tá nhất biện hương xuân thượng đầu”. Nguyên tác: 箇三冬白枝前面, 些一辨香春上頭。 Dịch nghĩa: Ba tháng đông dài cành trơ trắng, Một cánh hoa thơm chớm đầu xuân. Rõ ràng, “hình ảnh nhành cây trắng bởi ba tháng mùa đông (bạch chi tiền diện) đủ nói lên sức sống mạnh mẽ, bền bỉ; sự bất phục, hiên ngang của loài mai cao quý. Và có lẽ chính sự khắc nghiệt của hoàn cảnh đã khiến cho hoa mai trở nên đẹp đẽ, lạ thường”. 7 Ban đầu từ những rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên đến sự si mê, lòng ái mộ đối với hoa mai mà ông không hề giấu giếm tình cảm của mình khi ông bộc trực cảm xúc muốn nắm bắt, chiếm hữu bằng được tặng vật của thiên nhiên ấy. Ông viết: “Chiết lai bất vị già thanh nhãn, Nguyện tá xuân tư ủy bệnh ông”. 折來不為遮青眼, 願借春思慰病翁。 Đến đây chúng ta có thể xét lại những gì ông từng viết về hoa cúc. Nói cụ thể hơn, rằng ta có quyền cân đo, định lượng lại tình cảm, cảm xúc của ông dành cho mai với cúc - bên nào trọng bên nào khinh. Nếu như ông từng xem cúc là tri âm, là những gì gần gũi nhất (Cố viên tuỳ xứ thảo hoàng hoa/故 圓 隨 處 吐 黃 花) (Cúc hoa kỳ nhất); hay cúc là loài hoa huyền diệu (Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ/堪 笑 不 明 花 妙 處) (Cúc hoa kỳ tứ); hay khi ông khẳng định một cách dứt khoát: cúc là đẹp nhất, cúc đứng trên tất cả trăm loài (Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu/花 向 群 方 出 一 頭) (Cúc hoa kỳ ngũ); thì ở đây hoa mai lại có một vị thế chẳng kém, chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng ông. Rõ ràng, câu thơ cuối “Nguyện tá xuân tư ủy bệnh ông/願借春思慰病翁”, đâu chỉ là câu chuyện của việc “mượn ý xuân” để làm vui, mà là lúc ốm đau thiền sư đã nghĩ đến ai và cần đến ai. Có lẽ, điều này không phải là ngẫu nhiên, trái lại nó là kết quả tất yếu của một thứ tình cảm sâu nặng ẩn tàng trong tâm thức. Như vậy, chúng ta cũng có quyền hoài nghi khi ông nói “Bách vịnh mai hoa nhượng hảo trang/百 詠 梅 花 讓 好 粧” (khi so sánh hương sắc hoa mai với cúc) là một lời khẳng định chắc chắn, mà có thể chỉ là một thủ pháp thậm xưng trong một trạng thái cảm xúc lâm thời. Kết luận Tựu trung, hoa mai qua cảm quan của Thiền sư Huyền Quang là một cái nhìn riêng biệt, không trộn lẫn. Ở đó hoàn toàn không có sự trùng lặp với các tác giả tiền bối hay đương thời, có chăng là một vài sự tương đồng trong miêu tả mà điều đó vốn dĩ thuộc về phẩm chất, cốt cách của hoa mai. Điểm đặc biệt trong cách nhìn và tái hiện của thiền sư là ông không đi vào đặc tả chi tiết, đường nét sắc hương của từng bông mai. Hơn thế, trong toàn thi phẩm cũng không có sự xuất hiện bất kỳ từ “hoa” hay từ “mai” nào. Thay vào đó ông phác họa ra cái dáng điệu, phong thái, cốt cách của hoa mai. Điều này tối quan trọng, đúng với tư duy điển mẫu và quan niệm tr uyền thống được phản ánh, như câu thơ - “Dã mai cốt cách nguyên phi tục” (Cốt cách mai rừng vốn thoát tục) 8. Song, nổi bật hơn cả chính là những biểu lộ của cảm xúc, tình cảm mà thiền sư dành cho hoa mai; qua đó, người đọc sẽ rung cảm, đồng điệu và tự vẽ ra được vẻ đẹp của hoa mai cho riêng mình. _______________ * Tác giả là Giảng viên Trường Đại học Khánh Hòa (1) Trích từ bài viết của chính tác giả: Nguyễn Thanh Huy (2022), “Hoa cúc trong thơ của Thiền sư Huyền Quang”, Tạp chíVăn hóa Phật giáo, số 391, ngày 23-6-2022. Và Nguyễn Thanh Huy (2023), “Chuyển ngữ các thi phẩm về hoa cúc của Thiền sư Huyền Quang”,Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số tháng 7-2023 (181). (2) Đến nay, việc xác định năm đỗ trạng nguyên của Thiền sư Huyền Quang vẫn còn mâu thuẫn, vì chưa có tài liệu nào đủ sức thuyết phục. (3) Dịch thơ: Do chính tác giả bài viết - Nguyễn Thanh Huy. (4)Dịch nghĩa: Ghi lại nguyên văn từ sách Thơ văn Lý - Trần,tập II - quyển thượng (Nguyễn Huệ Chi chủ biên(1988), NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội). (5) “Trong câu này có lẽ tác giả muốn nói: thưởng thức hoa mai không phải để khiến những người mắt xanh tưởng mình thanh cao mà chỉ để an ủi tấm thân ốm yếu” [1, tr.690]. (6) Lẫm liệt (凜冽 ): 1. Lạnh buốt, lạnh thấu xương; 2. Oai nghiêm, làm cho người phải kinh sợ. (7) Trích từ bài viết của chính tác giả: Nguyễn Thanh Huy (2023), “Hoa mai qua góc nhìn của Thiền sư Trần Nhân Tông”, Tạp chíVăn hóa Phật giáo, số 404. (8) Trích từ bài thơ “Tặng thi Hứa tăng Khắc Sơn”(贈詩許僧克山) của Nguyễn Trung Ngạn: Nguyên tác: 物外飄然只一身, 此間榮辱兩無聞。 野梅骨格元非俗, 海鶴風姿自不群。 詩袖拂來湘水月, 禪鞋踏破楚山雲。 不知此去分南北, 旅帳甌茶幾夢君。 Phiên âm: Vật ngoại phiêu nhiên chỉ nhất thân, Thử gian vinh nhục lưỡng vô văn. Dã mai cốt cách nguyên phi tục, Hải hạc phong tư tự bất quần. Thi tụ phất lai Tương thuỷ nguyệt, Thiền hài đạp phá Sở sơn vân. Bất tri thử khứ phân Nam Bắc, Lữ trướng âu trà kỷ mộng quân. Tài liệu tham khảo 1. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1988), Thơ văn Lý - Trần, tập II - quyển thượng, NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội. 2. Nguyễn Thanh Huy (2022), “Hoa cúc trong thơ của Thiền sư Huyền Quang”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 391. 3. Nguyễn Thanh Huy (2023), “Hoa mai qua góc nhìn của Thiền sư Trần Nhân Tông”, Tạp chíVăn hóa Phật giáo, số 404. 4. Nguyễn Thanh Huy (2023), “Chuyển ngữ các thi phẩm về hoa cúc của Thiền sư Huyền Quang”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số tháng 7-2023 (181). 5. Lê Mạnh Thát, (1976), Lê Bắc ấn bản điện tử (2001), Thiền uyển tập anh (Kim Sơn - Thiền phái Trúc Lâm 1337) - Quyển hạ, NXB.Đại học Vạn Hạnh, Saigon. Nguyễn Thanh Huy
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |