Chi tiết tin tức

Hướng Nguyện rừng Sala

21:27:00 - 06/04/2022
(PGNĐ) -  Tại rừng Sala lịch sử, Ngài đã nhập vào cõi Niết bàn tịch tĩnh, để lại nỗi tiếc thương cho bao trái tim nhân gian. Dù vậy, dấu tích của Ngài vẫn còn in đậm trong tâm tư của tất cả con người nói chung và những người con Phật nói riêng từ quá khứ đến hiện tại và muôn đời sau.

Cách đây hơn 2.600 năm tại đất nước Ấn Độ – chốn địa linh nhân kiệt, có một bậc Vĩ nhân xuất hiện, đem một làn gió mát thổi vào xoa dịu nỗi thống khổ của kiếp nhân sinh, sưởi ấm thế gian bằng tình yêu thương, giúp cho muôn vạn chúng sanh thoát khỏi bóng tối vô minh, đó chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài không phải là hiện thân của một đấng cứu thế, đấng ban vui cứu khổ, hay một đấng nào đó ngồi trên nhìn xuống, mà là con người như bao nhiêu con người, nhưng là người kết tinh từ vô vàn tinh hoa tuyệt mỹ của nhân loại. Cuộc đời Ngài là bài pháp trầm hùng cho hậu thế chiêm nghiệm. Sau 45 năm rong ruổi khắp mọi miền xứ Trung Ấn hoằng pháp độ sanh, với hiện thân như một con người trên thế gian, Ngài không đi ra khỏi sự chi phối của quy luật sinh-lão-bệnh-tử. Tại rừng Sala lịch sử, Ngài đã nhập vào cõi Niết bàn tịch tĩnh, để lại nỗi tiếc thương cho bao trái tim nhân gian. Dù vậy, dấu tích của Ngài vẫn còn in đậm trong tâm tư của tất cả con người nói chung và những người con Phật nói riêng từ quá khứ đến hiện tại và muôn đời sau.

NGÀI ĐẾN BÊN ĐỜI

Khi nhân loại đang còn chìm đắm trong bóng tối vô minh, lang thang và ràng buộc bởi sự đau khổ của cuộc đời. Ngay khoảnh khắc đó, Ngài đã đặt gót chân đại hùng ghi dấu ấn đầu tiên lên mặt đất mang đến thế giới nhân loại Thông điệp của tình thương và sự hiểu biết. Từ đây, vầng thái dương chân lý xua tan bóng đêm đen che phủ cuộc đời, soi rọi vào tâm thức u tối vô minh của loài người.

Trong độ tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời người, bằng tất cả nghị lực phi thường, không ngại gian truân, Ngài đã bỏ lại sau lưng những thứ mà cuộc đời này bao người mơ ước để thực hiện hoài bão mong tìm ra con đường sống an bình vĩnh cửu cho chính mình và tất cả chúng sinh. Chính sự từ bỏ đó mà các sử gia thế giới ngày nay gọi là “Sự từ bỏ vĩ đại”, một sự từ bỏ “không bình thường” trong nhãn quan của con người bình thường. Theo Rabindranath Tagore, “Sự từ bỏ này đã khiến Ngài ngồi trong đại định trên ngai vàng của trái tim nhân loại” [1].

Sau những ngày tháng vượt dặm sơn hà, lặn lội rừng sâu, trong đêm sương vẫn ngồi bất động, vượt qua nỗi sợ hãi, chiến thắng ma vương kiêu hãnh, chiến thắng chính bản thân mình và cuối cùng Ngài cũng tìm ra con đường riêng cho chính mình. Sau 49 ngày trầm lặng thiền định dưới cội Bồ đề, Người chứng quả vị tối thượng vào đêm thứ 49 khi sao mai vừa mọc nơi đằng Đông. Khi ánh đạo vàng bừng tỏa huy hoàng tại Bồ đề đạo tràng, với hạnh nguyện đại bi và trách nhiệm giáo hóa của Ngài đối với muôn loài, Ngài vân du hóa độ không biết mệt mỏi với mục đích “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”.

Từ trí tuệ toàn hảo của bậc Đại Giác Ngộ, Ngài đã mở ra cho nhân loại một kỷ nguyên chánh kiến. Suốt những năm tháng rong ruổi hóa độ, từ chốn thành thị phồn hoa cho đến rừng sâu núi thẳm, từ cung điện cho đến mái tranh rách nát, từ giới vua quan cho đến hạng cùng đinh,… nơi nào có duyên, Ngài đều không ngại nắng gió, mưa sa mà vượt xa vạn dặm, mang theo thông điệp hòa bình, giúp cho mọi người xóa bỏ ranh giới phân biệt bằng trái tim hiểu biết. Bên cạnh đó, Ngài giúp con người có niềm tin vào chính bản thân mình, niềm tin mọi khổ đau của con người có thể diệt tận và có thể đạt được hạnh phúc, an lạc ngay trong đời sống này mà không phải bằng con đường nô lệ thần linh qua việc tế tự, lễ nghi để cầu xin ban ân sủng.

Ngài không phải là hiện thân của một đấng cứu thế, đấng ban vui cứu khổ, hay một đấng nào đó ngồi trên nhìn xuống, mà là con người như bao nhiêu con người, nhưng là người kết tinh từ vô vàn tinh hoa tuyệt mỹ của nhân loại.

Hơn nữa, đời Ngài du phương hóa độ không mệt mỏi. Ngài đến với đời nhằm mục đích định hướng cho chúng sinh biết đâu là hư vọng, đâu là chân thật, giúp chúng sinh thoát khỏi vòng xoáy đau khổ của luân hồi. Ngọn lửa từ bi của Ngài đã xóa tan mọi ranh giới của sự phân biệt và kỳ thị, sưởi ấm chúng sinh khi đang chìm trong vô minh, ích kỷ. Trí tuệ của Ngài phủ trùm ba cõi, dẫn đường cho chúng sinh đi theo lý tưởng giác ngộ giải thoát. Như trong Kinh tạng Pali thường nói, Ngài đến với đời để “dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc”.

Ròng rã suốt những năm tháng như thế, bằng tình thương, Ngài đã đến với chúng sanh trên khắp mọi nẻo đường, hóa giải hận thù, đem niềm vui đến cho mọi người, hạt giống từ bi cũng từ đó được Ngài gieo khắp những nơi mà Ngài đặt chân đến. Quan trọng hơn hết, từ lúc chứng ngộ cho đến những phút giây cuối cùng trước khi nhập Vô dư Niết bàn, Ngài luôn luôn nêu cao tinh thần tự chủ của con người, đưa con người trở về đúng vị trí của mình qua lời tuyên ngôn: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”.

HÃY TỰ MÌNH THẮP ĐUỐC LÊN MÀ ĐI

Với quan niệm của các tôn giáo hữu thần xem con người là sản phẩm của thần linh và do đó số phận hạnh phúc hay khổ đau của con người là hoàn toàn tùy thuộc vào thẩm quyền của Thượng đế hay đấng Tạo hóa. Tức mọi khổ-vui, họa-phúc, trí-ngu, giàu-nghèo, sang-hèn, được-mất… trong đời người là do “tha nhân” định đoạt, chứ không phải “tự mình” quyết định. Từ đó, vô hình chung cướp đi quyền tự chủ của con người, con người đã khổ lại chồng chất thêm khổ. Sự bất công này là nhân tố chính yếu để hình thành chủ trương phi đạo đức, gây ra sự hỗn loạn trong xã hội tại Ấn Độ thời bấy giờ.

“Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, đây cũng là lời di chúc sau cùng của Ngài đối với hàng đệ tử trước khi Ngài nhập diệt.

Đối với Đức Phật, Ngài nghiêm khắc bác bỏ những chủ trương nhân danh đấng quyền năng, đấng sáng tạo, hay một đấng thần linh nào đó can thiệp vào đời sống con người. Bởi không một ai trên cuộc đời này có thể giúp cho chúng ta hết khổ. Ngay cả chính Đức Phật, Ngài luôn luôn cảnh tỉnh đệ tử rằng Ngài chỉ là người dẫn đường, người biết rõ cội gốc của mọi pháp đem lại đau khổ và con đường đến đoạn tận khổ đau, chứ không phải đấng vô biên có quyền năng ban vui phát khổ. Tuy nhiên, con người phải tự lực, tự cường và tự đi bằng đôi chân của chính mình để đạt đến. Khi con người tự bước đi trên chính đôi chân của mình, con người sẽ có được tự do, thảnh thơi trong đời sống hằng ngày, mà không phải lệ thuộc vào bất cứ tha lực nào bên ngoài. Như Đức Phật cũng khẳng định tất cả chúng sanh đều có chung một bản thể bình đẳng thanh tịnh, tức mọi người đều có đủ điều kiện để đạt đến sự chứng đắc và trí tuệ sáng suốt giống như Ngài đã dạy trong kinh Phạm Võng “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính. Nhữ thị đương thành Phật, ngã thị dĩ thành Phật”. Do đó, chính mình là vị cứu tinh của mình, chính mình là vị bảo hộ của mình.

Chính Đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại chứng ngộ và tuyên bố sự tự do tuyệt đối cho con người, tức số phận, vận mệnh hoàn toàn do mỗi cá nhân quyết định. Lời tuyên ngôn “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” không phải là lời nói suông, mà là một lời khuyên bảo chân thành, là kết tinh từ những nỗ lực, kinh nghiệm và trí tuệ của Ngài trong suốt những tháng năm rong ruổi tìm đạo, chứ không phải là mớ lý thuyết suông hỗn độn xuất phát từ đấng toàn năng siêu hình. Chính bởi ngôn hành hợp nhất mà Ngài được tôn xưng là Thế Tôn, bậc Thầy của Trời, Người, là người “nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy” [2].

“Đuốc” tượng trưng cho Chánh pháp. “Thắp đuốc” tức là thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp. Chánh pháp bao gồm những pháp môn mà Đức Phật đã phương tiện giảng dạy để giúp chúng sanh thoát khỏi khổ đau trong đời sống thường nhật, tiêu biểu như: Tứ niệm xứ, Bát chánh đạo, Tứ đế, Duyên khởi, Vô ngã,… Bởi theo Ngài, con người ta chỉ có thể chuyển hóa khổ đau bằng trí tuệ, chứ không thể bằng niềm tin. Nhờ thực hành Chánh pháp mà giúp con người đoạn trừ các lậu hoặc, phát sinh trí tuệ, mà trí tuệ là nền tảng cho mọi tiến trình hướng đến giác ngộ và giải thoát, chấm dứt cội gốc của sanh tử luân hồi. Quan trọng hơn, đặc tính của pháp là: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có kết quả ngay tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu” [3]. Như trăm sông đều đổ về biển lớn, pháp Ngài chỉ bày tuy rộng lớn 84.000 pháp môn, nhưng mỗi pháp môn thích hợp với từng người khác nhau, đều làm Kim chỉ nam giúp người thực hành đi đúng phương vị, không lầm đường lạc lối, có thể đạt đến quả vị giác ngộ ngay trong kiếp hiện tại. 

“Này Ananda, nếu trong các Ngươi có người nghĩ rằng: “Lời nói của bậc Ðạo Sư không còn nữa. Chúng ta không có Ðạo Sư (Giáo chủ)”. Này Ananda, chớ có những tư tưởng như vậy. Này Ananda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Ðạo Sư của các Ngươi”.

“Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, đây cũng là lời di chúc sau cùng của Ngài đối với hàng đệ tử trước khi Ngài nhập diệt. Sợ hàng đệ tử sẽ bơ vơ, lạc lõng, không biết nương tựa vào đâu khi Ngài vắng mặt, mặc dù trong Tăng đoàn thuở ấy có nhiều vị chứng A-la-hán, nhưng Ngài không quên dặn dò trong giờ phút sau cùng, Ngài nhấn mạnh: “Này Ananda, nếu trong các Ngươi có người nghĩ rằng: “Lời nói của bậc Ðạo Sư không còn nữa. Chúng ta không có Ðạo Sư (Giáo chủ)”. Này Ananda, chớ có những tư tưởng như vậy. Này Ananda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Ðạo Sư của các Ngươi” [4]. Bởi những ai thực hành chánh pháp, ứng dụng lời dạy của Ngài thể nghiệm trong cuộc sống để tịnh hóa thân tâm, có được an lạc trong đời sống hằng ngày thì ngay lúc đó như có Phật ở bên, như Ngài dạy: “Ai thấy Pháp người ấy thấy Ta, ai thấy Ta người ấy thấy Pháp” [5].

“Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” – Một lời dạy đơn giản, nhưng lại là một danh ngôn bất hủ, mang tính nhân bản vô cùng sâu sắc. Đây là tinh thần tự ý thức hết sức dũng mãnh mà Đức Phật đã truyền trao, tạo nguồn động lực và cảm hứng cho con người bước đi bằng chính đôi chân của mình để có thể vươn lên tới đỉnh cao nhất của giác ngộ như chính Đức Phật vậy. Có thể nói, không có một tôn giáo nào, một hệ tư tưởng nào đề cao con người và đặt niềm tin vào con người như là Đạo Phật. Tính nhân bản tuyệt vời của Đạo Phật chính là ở chỗ đó. Nói theo ngôn ngữ của Rabindranath Tagore, Đức Phật là người đã Thánh hóa cuộc đời bằng một lần thị hiện tại mảnh đất trần thế này qua hình ảnh bằng xương bằng thịt của Ngài. Ngài đã vực dậy con người từ vị thế nô lệ của thần linh, trả con người về đúng với cương vị của mình, không là kẻ chỉ biết ẩn náu dưới bóng người khác, mà phải tự đi, tự chèo thuyền ngược dòng dù có phong ba bão táp. Vì vậy, hãy thắp lên ngọn đèn Chánh pháp để đạt được trí tuệ, làm thăng hoa đời sống tâm linh chính mình, hướng tới niềm an lạc vô biên.

HƯỚNG NGUYỆN RỪNG SALA

Sinh-lão-bệnh-tử là quy luật muôn thuở và không một ai có thể đi ra khỏi quy luật đó. Chẳng niềm vui nào còn mãi, với hiện thân là một con người như muôn vạn người trong nhân loại, sắc thân Đức Phật cũng phải chịu sự chi phối của vô thường. Sau những lời di huấn cuối cùng đến với Tăng đoàn và động viên hàng đệ tử hãy tinh tấn lên để giải thoát, bậc Đạo Sư đã an nhiên nhập Vô dư Niết bàn tại rừng Sala lịch sử. Hình bóng Như Lai kể từ lúc ấy như làn khói ngang trời giữa không gian vô tận.

Nếu như Lumbini là nơi nhân thiên và muôn vật hoan ca chào đón sự Đản sanh của Đấng Từ Phụ, Bodhgaya là nơi bừng tỏa ánh sáng giác ngộ, Sarnath là nơi khơi nguồn của dòng pháp giải thoát, thì rừng Sala tại Kushinagar là nơi Trời, Người và muôn vật rơi lệ u buồn, tiễn biệt Đấng Thiên Nhân Sư.

Ngày Ngài đi, chúng sinh với bao nỗi niềm thương nhớ, trời đất u buồn, cỏ cây héo úa, muôn chim bặt tiếng hót, vạn vật như chìm lặng trong giây phút nặng nề của sự chia ly. Rừng Sala hôm ấy cũng trở nên trầm mặc, dường như chúng cũng cảm nhận được thời khắc linh thiêng trọng đại, khắp sơn hà đại địa dường như chết lặng. Cảm xúc của người con Phật lúc này có lẽ không khác với tâm trạng của Tôn giả Ananda, Ngài buồn tủi, sợ sẽ không còn ai dẫn dắt trên đoạn đường đầy thử thách phía trước, sợ sẽ không ai la rầy khi trót sai phạm,… và còn nhiều nỗi ưu tư nữa trong lúc xa cách nghìn trùng mà không thể diễn tả cho hết. Dẫu biết rằng, sắc thân của Như Lai có đến, có đi, có sanh, có diệt trong thế giới không ngừng biến động, nhưng Pháp thân Phật vẫn thường trú trong hết thảy các pháp. Pháp thân ấy cũng chính là Phật tính bản hữu trong hết thảy chúng sinh.

Từ lúc Đản sinh cho đến khi đi vào cõi vô tung bất diệt, sự hiện diện của Ngài trên cõi đời tuy không quá ngắn, cũng không quá dài nhưng là một sự thị hiện toàn vẹn trong cái bất toàn. Chính Ngài đã đem lại cho nhân sinh một làn gió mới về tình yêu thương vô ngã vị tha, chỉ ra lối thoát cho nhân sinh trong nhận thức và lối sống. Nơi nào có bước chân Ngài đặt đến đều như cơn mưa tắm mát mảnh đất cằn cỗi khô hạn. Giữa lúc thời cuộc diễu dương như hiện tại, thế giới đang rơi vào thế sự ngổn ngang, những lời Phật dạy về hòa bình và nhân ái ngay lúc này như là một điểm chói sáng. Đối với hạng phàm phu đang mê mờ nơi tăm tối, lời Phật dạy và tình thương của Ngài như ánh trăng soi đường, không rực rỡ, chói sáng mà mát mẻ, dịu dàng dẫn bước trong đêm dài tăm tối, vô minh. Diệu lực của từ tâm đã giúp cho những con người cùng khổ nhận ra được đâu là chốn nương về. Biết bao con người đã biết dừng lại, quay đầu trước những cám dỗ của danh vọng, quyền lực, phù phiếm xa hoa, mà từng bước chuyển hóa nội tâm dần bước vào cánh cửa giải thoát thiêng liêng.

Đối với chúng sinh trong kiếp hiện tại này cho đến mai sau cũng chỉ đến với Phật pháp qua nguồn giáo lý Ngài để lại. Thế nhưng, những ai biết thực hành theo lời dạy của Ngài để có được an lạc trong cuộc đời thì ngay tại khoảnh khắc ấy như đang đối thoại với chính Ngài, vẫn là đứa con thơ dại òa khóc bên người Cha để được Cha nắm tay dẫn lối soi đường.

Trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc của đời người, không ai không bị va vấp những thử thách, đôi lúc cảm thấy chông chênh, lạc lõng giữa muôn người. Nếu không có Ngài, những con người u tối, với khối óc phàm nhân, sẽ bị quay cuồng theo vòng xoáy của thế gian mà đắm chìm trong khổ đau. Nhưng nhờ những dòng sữa mát, những lời dạy dỗ từ Đấng Cha lành mà đã mở ra cho biết bao người một chân trời mới. Chỉ cần một lần quay đầu phản chiếu, nhớ về Ngài, đến với Ngài là trong lòng ta như ổn thỏa mọi bộn bề, thả trôi phiền muộn vào chốn vô định, rồi xem mỗi khó khăn đó như một bài học quý giá chốn nhân sinh. Ngài đến với chúng sanh như thế và muôn đời Ngài vẫn luôn như thế, dù chúng sanh có cang cường tới đâu. Pháp thân Ngài vẫn hiện hữu khắp nơi nơi, Ngài chưa từng rời xa cội Bồ đề, chưa từng rời xa Khổ hạnh lâm, chưa từng rời xa dòng sông Ni Liên Thuyền. Ngài hiện hữu trong từng trái tim thổn thức, hiện hữu trong từng tảng đá, tàng cây, hiện hữu cả nơi quê hương sông núi nghìn đời. Chỉ cần chúng ta có sự tỉnh thức trọn vẹn thì chúng ta có thể tiếp xúc được với Ngài ngay trong từng bước chân.

Đối với chúng sinh trong kiếp hiện tại này cho đến mai sau cũng chỉ đến với Phật pháp qua nguồn giáo lý Ngài để lại. Thế nhưng, những ai biết thực hành theo lời dạy của Ngài để có được an lạc trong cuộc đời thì ngay tại khoảnh khắc ấy như đang đối thoại với chính Ngài, vẫn là đứa con thơ dại òa khóc bên người Cha để được Cha nắm tay dẫn lối soi đường. Hình ảnh Đức Phật giờ đây chỉ hiện hữu tùy theo sự lắng đọng tâm thức của người biết tu tập. Cứ thế, Ngài luôn hiện hữu bất cứ lúc nào đối với những ai sống có tỉnh thức. Dù con người hiện tại chưa thật sự giải thoát hoàn toàn như vị Cha già kính yêu, nhưng lý tưởng và niềm tin vào tuệ giác của Phật đã dìu dắt không biết bao người đang dần tiến bước đến đích điểm của an lạc hạnh phúc.

Cuộc đời của Đức Phật là một minh chứng hùng hồn, một cảm hứng tuyệt vời cho tất cả chúng ta. Một nhân cách vĩ đại đã để lại nơi trần gian, nhưng những lời dạy mà Ngài dâng hiến cho đời thì luôn vang vọng rền vang thức tỉnh nhân sinh. Mặc dù đã hơn 26 thế kỷ trôi qua, muôn vật biến đổi chuyển dời, nhưng suối nguồn từ bi vẫn tuôn chảy đến ngày nay, vẫn lan tỏa thức tỉnh nhân loại. Hôm nay, tuy Ngài không còn hiện hữu trên cuộc đời này nữa nhưng tư tưởng và tinh thần của Ngài vẫn được đời đời lớp lớp về sau kính ngưỡng và tiếp tục truyền bá. Sự hiện diện của Ngài trên cõi đời với những bài pháp trầm hùng đã đem đến cho nhân loại một bước ngoặt trong cuộc sống, có giá trị từ quá khứ đến hiện tại và đến mãi ngàn sau. Nhân ngày kỷ niệm Đức Từ Phụ nhập Đại Niết bàn, chúng con lại đảnh lễ năm vóc sát đất dưới chân Ngài bằng tất cả lòng thành quy ngưỡng kính tin trước một bậc Thầy vĩ đại của chư Thiên và loài Người, thành kính dâng lên năm phần hương Giới – Định – Tuệ – Giải thoát – Giải thoát Tri kiến để cúng dường Ngài, nguyện đời đời, kiếp kiếp gieo Bồ đề quyến thuộc cùng Ngài và cố gắng thực hành giáo pháp mà Ngài đã truyền đạt từ bấy lâu nay, góp một phần nhỏ bé của mình phụng sự cuộc đời cho ngày mai tươi sáng, đó chính là hạnh phúc lớn nhất của một người con Phật.

 

Thông Bảo/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 386

 

Chú thích:

[1] Hương Vân (dịch) Contribution to World Civilizaton and Culture, S. Chand & Company, New Delhi, 1983, “That is why we see Buddhadeva the Mahayogi seated, today, on the throne of men’s heart…”

[2] Thích Minh Châu (2016), Kinh Trường Bộ, kinh Đại Điển Tôn, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.394.

[3] Thích Minh Châu (2016) Kinh Tăng Chi Bộ I, Chương III, kinh Tăng Thượng, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.179.

[4] Thích Minh Châu (2016), Kinh Trường Bộ, Kinh Đại Bát-Niết Bàn, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.337.

[5] Thích Minh Châu (2016), Kinh Tương Ưng Bộ I, Tập III, Kinh Vakkali, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.742.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin