Chi tiết tin tức

Khe Don - Cánh đồng của gió

21:52:00 - 04/02/2018
(PGNĐ) -  Có lẽ trong ký ức ai cũng có một cánh đồng nào đó mà những bước chân cuộc đời họ đã từng dò dẫm đi qua. Tôi cũng đã đi qua không biết bao nhiêu là miền đất, tôi đã dừng lại và thu vào tầm mắt không biết bao nhiêu là cánh đồng, nhưng không hiểu sao nhắc đến đồng là trong lòng tôi lại lung linh hai tiếng Khe Dol. Cánh đồng này trải dài theo phía Bắc của chân núi Bà, núi Heo, thuộc xã Thạnh Tân của thành phố Tây Ninh hiện nay. Ai đi ngang cũng ngỡ ngàng với cái đẹp mênh mông, chuyển đổi theo từng mùa của miền sơn cước hiếm có này.


 

khedoncanhdong.jpg
Cánh đồng Khe Don


Nếu tính từ thành phố Tây Ninh đi theo Quốc lộ 22B lên hướng Tân Châu, vừa qua khỏi núi Bà, ôm cua quẹo là đến ngay một cánh đồng ruộng mênh mông, đó là cánh đồng Khe Dol. Chạy lên một đoạn nữa sẽ thấy một xóm dân cư người Việt và người Khmer cùng sinh sống, nơi đó có một cái ngã ba rẽ về phía xã Phan, huyện Dương Minh Châu, xưa nay người ta quen gọi đó là ngã ba Khe Dol. Cánh đồng và ngã ba Khe Dol đại khái là như vậy. 

Cánh đồng này có một đặc điểm mà không nơi nào có được, nhưng cũng ít ai để ý. Đó là nó bị chặn ngang hướng Đông - Tây bởi dải trường thành núi Bà và núi Heo, nên từ hai bên đầu núi gió thổi bọc trọn vào cánh đồng quanh năm suốt tháng. Chính vì vậy mà bà con người Khmer sống lâu đời ở đây mới đặt tên cho nó là Khe Dol. Vì Khe Dol trong tiếng Khmer có nghĩa là gió vậy! 

Cánh đồng Khe Dol được chia thành từng thửa ruộng nhỏ, đa phần mỗi mảnh ruộng con con ấy là của một gia đình người Khmer canh tác. Họ chỉ trồng lúa và chăn thả bò, chứ không trồng tỉa thứ khác. Đứng trên cao nhìn xuống cánh đồng y như một bàn cờ. Mùa mưa về bà con gieo lúa, cả một cánh đồng như một thảm lụa xanh đến mát mắt. Xen rải rác trên khắp cái nền xanh ấy là những cây thốt nốt và những cây bịt mọi. Nếu từng chòm thốt nốt như những cụ già trăm tuổi khoác chiếc áo nâu đứng trầm tư mặc tưởng nhìn thế sự thăng trầm thì những cây bịt mọi không khác gì những cô sơn nữ đầy sức sống lồng trong cái dung nhan kiểu “bonsai” đẹp đến lạ lùng.

Mùa thu về KheDol chuyển sang một màu vàng óng ả. Lúa chín, cả cánh đồng như ồn ào náo nhiệt hẳn lên. Bà con vào mùa thu hoạch, lúa được đập tuốt ngay ngoài đồng, rồi dùng từng đoàn xe bò chở về xóm. Rơm cũng được gom chở về chất thành từng cây như những cái tháp vàng. Đó là lương thực cho người và cho cả súc vật dùng quanh năm… 

Năm nào cũng vậy, nếu sau mùa gặt mà trâu bò được thả ăn vô tư trên cánh đồng là biết năm đó lúa trúng mùa, còn hễ sau mùa gặt mà thấy bà con còn ngày ngày lang thang trên đồng mót từng bông lúa là biết ngay năm ấy mất mùa, cuộc sống thêm phần cơ cực... Nhưng đặc biệt giống lúa ở đây gạo rất ngon, xưa trồng theo lối truyền thống nên sản lượng không nhiều, nay đổi mới cách trồng nên đời sống bà con đỡ phần vất vả, nhiều gia đình khá giả lên thấy rõ. Cái hay là cánh đồng này hầu như không có công trình thủy lợi nào chạy qua, dù nó cách hồ Dầu Tiếng chẳng bao xa. Bà con Khmer trồng lúa chủ yếu là nhờ vào nước mưa và nguồn nước trong núi chảy ra. Cũng chính vì lẽ đó mà cánh đồng này không thể trồng trọt nhiều vụ trong năm là vậy… 

Mùa đông về trời se lạnh, chạy xe từ hướng xã Phan về qua cánh đồng Khe Dol, thật tình mà nói nó đẹp không khác gì một bài thơ cổ. Những bụi tre gai ven con đường nhựa nhỏ vươn mình kẽo kẹt rì rào trong gió. Cánh đồng chỉ còn trơ những gốc rạ lởm chởm như bãi chông của những buổi trận vong giữ gìn cương thổ năm nào. Những cây thốt nốt đứng dang tay như đang cố nâng đỡ ánh chiều đang nặng nề phủ xuống. Từng đàn cò trắng chấp chới phân vân tung cánh bay về núi cũ, những con bò lộc cộc lê bước về bên xóm vắng trong lặng lẽ đìu hiu… nhìn cảnh dễ khiến cho người ta chạnh lòng “chim bay về núi tối rồi / chị em toan liệu lấy nồi nấu cơm”… Qua hết quãng đồng không mông quạnh là đến xóm dân cư. Điểm trọng tâm nổi bật nhất của xóm dân cư mọc là lên cao vút một ngôi chùa. Đó là chùa Khe Dol. 
 

CHÙA KHEDOL.jpg
Chùa Khe Don


Chùa Khe Dol hay wat Khe Dol như bà con người Khmer ở đây thường gọi lại có một cái tên nghe hết sức lãng mạn là “Botum Kiri Rangsay” có nghĩa là ánh hào quang của đóa sen vàng. Chùa này có từ xa xưa, nhưng sau này mới được trùng tu trở lại. Cổng chùa quay về phía núi cặp con đường, cách ngã ba Khe Dol không xa, nhưng chánh điện của chùa lại hướng ra phía ruộng lúa, hướng Đông. Vì đó là nguyên tắc và triết thuyết ngàn đời của Phật giáo Nam tông Khmer… 

Chùa xây theo kiểu kiến trúc chùa Khmer thường thấy ở các tỉnh Tây Nam Bộ, mái vàng nhọn nhiều tầng lớp vươn lên cao vút. Xung quanh trang trí nhiều tượng chim thần Garuda ở những đầu cột chống đỡ mái. Trên mặt dựng sảnh trang trí phù điêu Rehu, hai bên lối cầu thang là tượng rắn thần Nagar bảy đầu trông oai nghiêm và rất đẹp, tượng trưng cho nguồn nước vĩnh cửu. Ngôi chánh điện thờ rất nhiều tượng Phật Thích Ca Mâu Ni với nhiều kích cỡ và kiểu dáng khác nhau… Trong ngôi chánh điện bao giờ cũng thắp nến to và khói nhang thơm thoang thoảng. Xung quanh chùa là những cây cổ thụ xòe rộng tán mát rượi tạo thêm vẻ tôn nghiêm linh thiêng của cõi đạo trong đời. Có thể nói ngôi chùa vừa là nơi gửi gắm tâm linh vừa là trung tâm văn hóa học tập của bà con Khmer của quanh xóm Khe Dol này. 

Đối với bà con, ngôi chùa và các ông Lục ở đây là một phần rất quan trọng, họ có thể làm lụng vất vả quanh năm suốt tháng, vật chất kiếm được ít ỏi nhưng phần cúng dường cho các Lục cho chùa thì họ luôn sẵn sàng tình nguyện. Gia đình nào cũng vậy, có con trai đến tuổi lên chùa làm Lục là một điều vinh hạnh, sau ba năm tu học trở về hoàn tục cũng được, còn nếu ai có đủ duyên tiếp tục con đường tu đạo thì cha mẹ cũng hết sức vui lòng và hoan nghênh ủng hộ. Hàng năm chùa là trung tâm của các lễ hội như Chol Chnam Thmay, Ok Om Bok, Sen Dolta… rất đông vui và đầy màu sắc. Chùa Khe Dol quả đúng như cái tên gọi của nó, nó không khác gì một đóa sen vàng trí tuệ và từ bi vươn lên bầu trời sâu thẳm để chan hòa vào cuộc sống của trần thế chúng sinh. 

Hoàng hôn buông xuống, trời tây pha sắc mây đỏ vàng như một bức tranh màu nước. Đứng trước cổng chùa nhìn về phía núi xanh thẳm, nghe mùi rạ rơm luồng theo từng cơn gió bạt ngàn lướt qua hơi thở, thật thú vị làm sao. Cánh đồng Khe Dol như bắt đầu chìm trong vẻ cô liêu hoang tịch. Dễ khiến lòng người nghĩ ngợi xa xôi… Rồi những đêm trăng sáng, đi ngang cánh đồng này mới thưởng thức hết cái đẹp trầm hồn liêu trai của nó. Núi dựng đứng trong đêm, trăng lạnh soi bạt ngàn như trải bạc. Cánh đồng vi vu gió hòa cùng tiếng vạc kêu sương nghe mà lạnh đến tê người. Đi trên con đường vắng vẻ, sương mờ trăng soi lành lạnh mới thương nhớ người mở cõi ngày xưa biết bao là gian khó, lòng người mới càng hiểu quê và yêu mến quê hương đến tận đáy tâm hồn... 

Xóm Khe Dol ngày trước bà con còn nghèo lắm, nhà cửa trâu bò nheo nhóc lộn xộn, nhưng giờ thì đã khác xa. Ngoài gieo cấy lúa bà con còn trồng thêm nương rẫy mảng cầu. Cuộc sống đã từng bước lên đường, kinh tế phát triển, nên cái gì cũng đổi mới khang trang. Ngày nay cánh đồng Khe Dol không chỉ là nơi của việc đồng áng hai mùa mưa nắng, mà còn là nơi tìm đến của nhiều du khách, và là nơi khơi dậy niềm cảm hứng của các nhà nhiếp ảnh, các họa sĩ đến đây sáng tác, phần nào Khe Dol đã đi vào nghệ thuật... 

Có thể mai đây Khe Dol sẽ có nhiều thay đổi hơn nữa để hòa mình vào không khí mới. Những cây thốt nốt, những cây bịt mọi sẽ dần thưa đi theo chiều dài năm tháng, nếu chúng ta không có kế hoạch giữ gìn. Nhưng có lẽ gió của Khe Dol vẫn là một đặc sản mà tạo hóa đã ban cho vẫn thổi đến ngàn đời trong hồn dân bản xứ và những ai yêu mến miền đất này - Khe Dol - cánh đồng của gió.

Đào Thái Sơn

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin