Chi tiết tin tức

Khi những dòng sông đã hoá tâm hồn

15:14:00 - 23/09/2022
(PGNĐ) -  Những thanh âm bên dòng sông lấp” còn là một tiếp nối, một hành trình thơ mở ra...

Có những nơi chốn qua đi trong suốt hành trình đời người nhưng không để lại trong ta điều gì vì chúng ta đến và đi như những lữ khách vô tâm, gót chân phiêu du cũng không còn ghi dấu. Nhưng với Nguyễn Nhã Tiên (NNT) chúng ta có cảm giác nơi nào anh qua cũng ít nhiều để lại trong anh những xao xuyến, những rung động dù ở tuổi nào chăng nữa. Và trong bước đường lang thang ấy, anh đã kịp ghi lại những xúc cảm từ bao cuộc phối ngẫu với thiên nhiên –  nhất là những dòng sông chảy qua địa lý đất đai thổ nhưỡng hay bất ngờ một con sông xuất hiện gọi tên trong ký ức.

Nhà em bên kia sông – suốt đời nhà em bên kia sông

Nơi hạt cát cũng biết phúng dụ mình làm mây trắng.

Theo Isamu Kurita: “Thiên nhiên mang một ý nghĩa huyền bí và sâu thẳm đối với người Nhật, tương tự giống với Hy Lạp cổ đại xem thiên nhiên như một năng lực sáng tạo” [1]. Gần gũi với ta, nhà văn Nhật Chiêu cũng đã khám phá cái năng lực sâu thẳm ấy: “Bốn mùa nằm trong hoa nở lá rơi. Đó là điệu luân vũ của thời gian, hiển hiện trước tấm gương trong trẻo của tâm hồn thi nhân ẩn chứa muôn nghìn xao động”.

 Diệp lạc hoa khai mãn tiền sự

Tứ thời tâm kính tự như như.

Dịch nghĩa:

Hoa nở lá rơi đầy trước mắt

Bốn mùa tâm kính vẫn như như.

(Nguyễn Du) 

Như vậy cái đẹp của thiên nhiên đã liên kết con người với con người trong tình bạn, đưa đến một niềm giao cảm thâm sâu.

Nguyễn Nhã Tiên hẳn đã đi qua nhiều nơi, thế giới vây quanh anh không chỉ là thế giới. Bởi hơn ai hết, giọt máu đa đoan thi sĩ kia ngộ ra một lý lẽ hằng cửu: Tôi hiện hữu tức là tôi tại thế. Ví như một chiều nào đó trên cao nguyên Đà Lạt, anh phát hiện ra những quãng vắng lấp đầy mưa. Mà không chỉ ngần ấy mưa đâu, nó còn thông vi vu, gió bạn đường, còn mây trắng đồi hoang… Mỗi một sự vật là một tiếng nói hiện hữu để từ đấy mà thành siêu thực, thành huyền thoại, hoặc có khi là tình trạng phóng thể dẫn dắt mà khai sinh ra truyền thuyết… 

Chiều Đà Lạt mưa lấp đầy quãng vắng  

ngàn thông vi vu tiếng gió bạn đường 

nhà em ở phía đồi hoang mây trắng 

tiếng suối ngoài ngàn huyền thoại những yêu đương. 

Nhà triết học David Hume từng nói: “Thức là một tia sáng hay một chuỗi những tri giác khác nhau diễn ra liên tục với một tốc độ phi thường” [2]. Quả vậy, các tâm hành biểu hiện và tiếp nối nhau như một dòng sông. Khi nhìn vào dòng sông, chúng ta nghĩ rằng dòng sông là một thực thể không bao giờ thay đổi, nhưng đó là do tâm thức của chúng ta tạo ra. Khi ngồi trên bờ sông, chúng ta thấy dòng sông đang quan sát bây giờ không giống với dòng sông mà chúng ta vừa mới xuống bơi lội. Đó cũng là cái lý do để Heraclitus thể nghiệm rốt ráo một ý niệm: 

Không ai có thể tắm hai lần trong một dòng sông.

Cầm cành hoa hồng ngơ ngác tháng Ba

chạy xuống chạy lên tìm người để gửi 

hay là tôi gửi cho gió thổi 

hay gửi cho sông thưa lại với … ngàn trùng.

Nói như Bùi Giáng: 

Dòng sông đi cho nước nói ngàn ngày 

Rằng biển rộng không bến bờ em ạ!

 

Một lần nào đó ghé qua Hội An, Nguyễn Nhã Tiên tự nhủ: 

Trường giang cứ rót về vô tận 

ta Cửa Đợi hoài còn em cứ xa. 

Là bởi anh nhận ra các con sông đều có một linh hồn, gìn giữ quá khứ, lưu ảnh lại trong không gian vô tận mà thời gian thì cứ biền biệt trôi đi.

 

Có gì mờ tỏ trên sông 

ai như tóc 

thả theo dòng nước xuôi 

Đừng trôi đi hết 

đừng trôi 

trả tôi sông cất tiếng cười giòn tan 

Áp tai vào nước nghe non 

ơ hay!

sông có linh hồn em ơi! 

 

Quả thật, phải có ánh cái thị lực viên thông, cái nhãn quan xuyên suốt trong tận đáy tâm hồn thi nhân mới cảm nhận được và rung động theo dòng chảy miên viễn ấy. Và rồi cũng chính từ dòng chảy đó ta nghe ra tiếng thời gian vang dội những âm thanh. Cho dù có khi chỉ là tiếng gàu múc nước giếng khuya Em va gàu vào giếng khuya gọi ngàn đêm thức giấc. Vâng, trong một sát na sinh diệt vẫn vọng về từ “đáy giếng rêu xanh” gọi tên bao kỷ niệm buổi đầu.

Ngàn tiếng gàu rơi thẳm đáy giếng rêu xanh

ngàn hò hẹn bồi con sông đầy khói 

ngàn chuyến đò khẳm tương lai đôi lứa

buổi trở về bến lở gọi tìm nhau. 

“Tiếng gàu” vọng động thời gian thế kia sẽ còn trở lại nhiều lần trong thơ anh, âm thanh của ngày thơ ấu, gắn chặt với nơi anh sinh ra lớn lên, đã trở thành dư vang, thành một thứ hồi quang lung linh trong tiềm thức. Đọc trong phần “Lời thưa” của tập thơ, đoạn nói về thời gian, Nguyễn Nhã Tiên đã viết: “Vâng hai mươi năm ấy là một thực thể , nó vừa trừu tượng nhưng cũng vừa cụ thể. Nó vô cùng mười mươi hiện thực nhưng lại vừa như giấc mơ đồng hành, phơi mở trước nhật nguyệt sự minh nhiên vượt lên trên những biến dịch không cùng, và chính sự tương quan ấy xây thành những hiện hữu, những cuộc hội ngộ tưởng như ẩn chứa bao niềm bí mật, mà thực ra trong triết lý nhà Phật đã tường minh: Mọi yếu tố tương thuộc nhau viên thành những hiện hữu đó gọi là duyên, sự làm nên (hiện hữu) từ các duyên gọi là duyên sinh hay duyên khởi”. 

Chúng ta tạm nhắc lại duyên thứ nhất là nhân duyên (seed condition), tiếng Phạn là hetu. Không có hạt giống đó thì không có gì có thể hình thành được. Không có hạt bắp, cây bắp không thể nảy mầm, niềm tin ấy đã đắp bồi từ buổi ra đi dù sông cạn đá mòn. Dù có muốn níu kéo như Lamartine “Hỡi thời gian, mi hãy dừng cánh lại “(Ô temps, suspends ton vol!). 

Thôi sông đừng trôi nữa 

chân mây mắt mỏi rồi 

về đây nghe hoa cải 

kể từng nỗi vàng rơi

… 

Chừ còn tôi với sông 

sóng vỗ tràn thương nhớ 

hai linh hồn cổ độ  

vàng hoe phơi nắng chiều…

Cảm thức của xưa – nay, cái không còn trong cái thường hằng, cái hôm qua gợi lại hôm nay, cái tịch diệt trong lòng bất diệt …Ví như qua Hồ Tây, cái dư ba “Mộng đắc thái liên” của Nguyễn Du ngày xưa còn nghe sóng vỗ tận bây giờ. 

Thăm thẳm ánh nhìn mênh mông 

hoa khói đầy tay tôi nhặt 

cô gái hái sen ngày ấy  

thả sóng bây giờ Hồ Tây.

Ngay cả ở nơi phồn hoa bậc nhất như Sài Gòn, anh vẫn thấy: 

Sông đầy trắng xóa trôi trăm nhánh 

một ngày về xua mây gió không…

Sài Gòn mênh mông xa vắng con đường 

chở giùm em nhé con thuyền giấy 

một chút em mà trăm mến thương.

Cũng viết về quá khứ, về hoài niệm đấy thôi, nhưng dường như thơ Nguyễn Nhã Tiên là cách để anh tạo dựng lại một xứ sở, một cõi – miền thanh tịnh. Một ốc đảo rêu xanh bất xá dâu bể thời gian. 

Trưa vườn chùa bình yên như vườn mẹ

bước chân về gặp quê quán tôi xưa 

tia nắng rót 

mênh mông 

trời phương ngoại

ngói đỏ tịch ngôn rêu biếc ngỏ lời.

Niềm khao khát chân thành ấy cũng chính là niềm cô đơn trong một hành trình không mệt mỏi, mà như thơ anh đã dự cảm vẽ đường cho định mệnh của mình:

Tràn giấc mơ tôi một dòng sông lũ 

 phù sa bồi lấp tôi thành cây sậy mọc đơn côi

chẳng phải sậy tư tưởng gì đâu, 

cũng giống loài cỏ dại hoa hoang

yêu cuồng tín ngọn gió thu hoài cổ

thổi vô tận bến bờ cổ độ

ngàn mây siêu hình đàn cò trắng qua sông.

Cho dù một nhận định như thế này chưa hẳn đã là cái mốc cho một kết thúc, bởi lẽ “Những thanh âm bên dòng sông lấp” còn là một tiếp nối, một hành trình thơ mở ra, tuy vậy ta cũng có thể khẳng định ở vào lớp anh những định hình cho sáng tạo thơ đã thể hiện khá rõ: Chừ tôi với một sông dài/ nối câu hát dạo ra ngoài chân mây. Chính cái phía “ngoài chân mây” đó, thế giới ấy ta dễ bắt gặp một Nguyễn Nhã Tiên táo bạo, phá bỏ những quy phạm ngôn từ, như dùng danh từ làm động từ, biến tĩnh thành động.

Chập chùng tôi lau lách

bầu bạn đường lên non

Đông Bắc rồi Tây Bắc

mỗi núi một linh hồn.

 

hoặc là:

Giờ hai tay hoàng hôn

em gom chiều nắng úa

chưa đốt mà tôi khói

giữa trời bay lang thang.

Có thể còn trưng ra nhiều hơn thế nữa, nhưng chung quy lại, nếu hiểu mỗi cuộc đời nhà thơ là một dòng sông, thì với Nguyễn Nhã Tiên, con sông đời anh là dòng sông thác lũ, hoặc chí ít cũng là dòng sông không chịu trôi êm bình lặng.

Nước một dòng trôi ngàn lời khắc khoải 

Bến quê nhà vọng động tóc tơ bay.

Và từ ngàn lời khắc khoải ấy, từ cả quê xứ hoang vu không một bóng người mà ngực nhói âm vang ấy, từ đó thi sĩ tạo dựng một cõi thơ riêng xác lập con đường cho mình. 

Tôi muốn mượn lời thi sĩ Du Tử Lê (lúc sinh thời) đã nhận định về thơ Nguyễn Nhã Tiên như là lời kết cho bài viêt này: “Tôi vẫn có xu hướng trân trọng những tác giả, càng lớn tuổi, thì độ chín chữ, nghĩa, khả năng sáng tạo càng mạnh mẽ. Họ là những người có được cả hai thành tố đáng quí: độ bền và đường trường. Với tôi, Nguyễn Nhã Tiên nằm trong số này”.

Hãy đọc trong tâm thức ấy, ta sẽ cảm nhận được sức sống của một tâm hồn, bởi đó mới là chiều kích vô tận trong hành trình một đời sông, một đời thơ!

Thì thôi chiều đã chiều rồi 

Mênh mông tôi chảy mù khơi cuối ngàn.

 

Nguyên Cẩn/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 397

 

Chú thích: 

[1] Nhật Chiêu (2004), Cảm thức thiên nhiên của người Việt và người Nhật, trong Thơ-Nghiên cứu lý luận phê bình, Nxb. Đại học Quốc gia TP HCM. 

[2] Thích Nhất Hạnh, Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/thien-tap/but-la-hinh-hai-but-la-tam-thuc/dong-song-tam-thuc/

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin