Chi tiết tin tức

Thừa Thiên Huế: Dịch chuyển ngôi chánh điện Quốc tự Diệu Đế để trùng tu, bảo tồn

15:13:00 - 15/09/2022
(PGNĐ) -  Ngôi chánh điện cũ Quốc tự Diệu Đế tọa lạc tại số 110 đường Bạch Đằng, phường Phú Cát, TP.Huế đã được ông Nguyễn Văn Cừ, Giám đốc Công ty TNHH Xử lý lún nghiêng Nguyễn Văn Cư (TP.HCM) cùng các cộng sự tiến hành dịch chuyển để trùng tu và bảo tồn.

Bích họa “Cửu long ẩn vân” trên trần chánh điện Quốc tự Diệu Đế

Qua khảo sát, phần dưới chánh điện và bốn trụ giữa không có bê-tông cốt thép nên việc di dời ngôi chánh điện gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, phải đào và đổ một hệ thống đà bằng bê-tông chịu lực chạy quanh chân tạo thành một hệ thống đa kiềng chịu lực với tổng chiều dài 180m.

“Hiện trạng có những vết nứt trên tường, nếu tháo dài sẽ sập, nên chỉ đào từ tầm 1m đến 1,5m rồi làm đà sắt và đổ bê-tông, nối sắt tiếp, đây là công đoạn mất nhiều thời gian nhưng khi hoàn thành thì việc di dời sẽ thuận lợi”, ông Cư nói.

Thừa Thiên Huế: Dịch chuyển ngôi chánh điện Quốc tự Diệu Đế để trùng tu, bảo tồn ảnh 1

Toàn cảnh ngôi chánh điện Quốc tự Diệu Đế

Tại những điểm nứt, đặc biệt là các ô cửa, đội ngũ kỹ thuật đã đặt ống sắt và y để chống nhằm cố định. Công trình ngôi chánh điện nặng ước tính 1.000 tấn, để kéo được phải tạo 14 đường lăng trên ván và dùng 4 ben thủy lực cùng 2 máy vận hành. Công trình dự định dời lui 18m và nâng cao 15cm.

Thượng tọa Thích Hải Đức, trụ trì Quốc tự Diệu Đế cho biết mục đích việc di dời ngôi chánh điện để tạo không gian khoáng đãng, phù hợp với sinh hoạt trong chùa cũng như tổ chức các lễ hội, đặt biệt là bảo vệ di tích còn lại của các bậc tiền nhân.

“Sau khi dịch chuyển, nhà chùa sẽ lên phương án phương án trùng tu, sửa chữa để trở thành ngôi nhà tổ thờ Phật, thờ vua, thờ pháp khí còn lại của chùa, chỉnh trang lại xung quanh để sinh hoạt”, Thượng tọa Thích Hải Đức nói.

Thừa Thiên Huế: Dịch chuyển ngôi chánh điện Quốc tự Diệu Đế để trùng tu, bảo tồn ảnh 2

Hệ thống đa kiềng bê-tông chịu lực và cột chống

Quốc tự Diệu Đế xưa kia là nơi tiềm để của hoàng tử Miên Tông, con trưởng của vua Minh Mạng (1820-1841), sau này là vua Thiệu Trị.

Trải qua thời gian, chùa đã nhiều lần trùng tu và lần trùng tu gần nhất ngôi chánh điện vào năm 1953-1955.

Nơi này, ngoài các di vật quý giá liên quan tới nhà Nguyễn, lưu giữ nét kiến trúc đặc thù của chùa Huế, còn được biết tới bởi tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, đó là bức bích họa chủ đề "Long vân khế hội" (còn gọi là "Cửu long ẩn vân"), vẽ 5 con rồng ẩn hiện trong mây trên trần chánh điện cùng 4 con rồng trên 4 cột trụ nội điện.

Tác phẩm này được thực hiện sau lần trùng tu vào năm 1953, được xác định thuộc phong cách bích họa cung đình, cùng nét vẽ trên trần lăng Khải Định. Tương truyền, tác phẩm do Phan Văn Tánh, nghệ nhân cung đình đã vẽ bích họa ở lăng Khải Định thực hiện, tuy vẫn chưa có cứ liệu lịch sử xác nhận điều này.

Thừa Thiên Huế: Dịch chuyển ngôi chánh điện Quốc tự Diệu Đế để trùng tu, bảo tồn ảnh 3

Gỗ và mái lợp đã xuống cấp trầm trọng

Vào ngày 11-6-2018, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế đã cử hành lễ động thổ đại trùng tu ngôi Quốc tự Diệu Đế.

Theo dự định trùng tu ban đầu, được sự chấp nhận của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, bản thiết kế theo giải pháp triệt hạ toàn bộ ngôi chánh điện và xây dựng mới hoàn toàn theo tổng thể đã được phê duyệt hài hòa.

Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc hạ giải hay giữ lại ngôi chánh điện để bảo tồn bức tranh "Long vân khế hội". Trong quá trình tiếp thu ý kiến của các nhà chuyên môn, chùa quyết định giữ lại ngôi chánh điện và đã gia cố để tạm thời chống bị dột vào mùa mưa.

Thừa Thiên Huế: Dịch chuyển ngôi chánh điện Quốc tự Diệu Đế để trùng tu, bảo tồn ảnh 4

Hệ thống đa kiềng nâng toàn bộ ngôi chánh điện để chịu lực trong quá trình di chuyển

Sau đó, chùa đã quyết định mời ông Nguyễn Văn Cừ - Giám đốc Công ty TNHH Xử lý lún nghiêng Nguyễn Văn Cư (TP.HCM) chính thức khởi công để di dời nhằm bảo vệ ngôi chánh điện mang tính lịch sử văn hóa này.

 

Quảng Điền

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin