Chi tiết tin tức Một chút dị đoan 20:43:00 - 18/02/2016
(PGNĐ) - Thắp một nén nhang lên bàn Phật, hay cho một người quá cố với một ý nghĩ mơ hồ là đang gửi gắm một chút tình cảm về một cảnh giới khác nhờ làn khói hương đang tan biến trong hư vô.
Càng ngày,vì hoàn cảnh xã hội, cái Tết âm lịch ở Việt Nam càng nhạt nhẽo, chỉ như là một hình thức phải duy trì mà thôi. Tết bây giờ nằm ở các chợ hoa để người ta đến vui chơi, chụp hình kỷ niệm chứ không phải ở nhà với làng xóm và gia đình như ngày xưa nữa. Nghỉ Tết càng được nhiều ngày thì người ta lại càng có cơ hội rảnh rỗi để đi chơi xa và nhờ phương tiện dễ dàng, nhiều người còn “ăn Tết ta” ở nước ngoài chứ không phải chỉ trong nước. Khoảng nửa thế kỷ trước, ở Việt Nam, Tết âm lịch vẫn còn là một ngày trọng đại với tất cả mọi người, mọi gia đình. Người ta cố giữ những phong tục tập quán truyền thống của những ngày đầu năm mới. Không phải chỉ những người giàu có, mà người nghèo cũng thế. Gần đến ngày Tết, nhà nhà đều lo chuẩn bị làm dưa, làm mứt bánh, không phải chỉ để mời khách đến nhà, mà còn để làm quà Tết cho bà con quen biết. Hai mươi ba âm lịch là ngày đưa ông táo về trời, là một tập quán nhất định. Gần Tết, nhà nào cũng đều cúng tất niên. Đêm cuối cùng trong năm, người ta cúng giao thừa, đốt pháo để đón mừng năm mới. Đêm đó, mọi người thường thức khuya chờ đợi để nghe tiếng kêu của con vật gì báo hiệu cho năm mới. Nếu là tiếng cú hay quạ kêu thì là điềm xấu, nếu là tiếng chó sủa thì ngược lại, đó là điềm tốt. Sáng sớm mồng một Tết, cha mẹ luôn luôn dặn con cái dậy sớm, mặc áo quần mới và mặt mày phải vui vẻ, ngày đầu năm dù có chuyện gì cũng không được cãi vã nhau. Mới mẻ, vui vẻ từ đầu năm; để mong suốt cả năm đều như thế. Buổi sáng không được quét nhà sớm. Con cái làm lễ chúc Tết ông bà cha mẹ, nhận một bao lì xì như một điều may mắn cho mình. Mọi người chờ đợi một người nào đó đến đạp đất và ai ai cũng mong là người đến đầu tiên thăm nhà mình phải là một người được mọi người yêu mến. Nhiều chủ nhà ngại người khách đầu tiên bước vào nhà không được như ý, nên sau khi cúng giao thừa, nghĩa là qua năm mới, tự đi ra khỏi nhà một lúc rồi trở về đạp đất nhà mình cho chắc ăn. Những ngày Tết, nhà nào cũng có bánh chưng, bánh dầy. Hai thứ bánh đặc trưng của ngày Tết là biểu hiệu cho vuông tròn, là trời đất, là thủy chung, đều mang ý nghĩa tốt đẹp trọn vẹn cho mọi gia đình. Ngoài ra, hai loại bánh này có thể giữ được rất lâu để dùng trong những ngày Tết, vì mọi người sẽ vui chơi, không nấu cơm như ngày thường,hoặc không vất vả nấu nướng nhiều cho những ngày đầu năm. Sáng mồng một Tết, Phật tử thường đến chùa lễ Phật. Những Phật tử đúng nghĩa đến chùa lễ bái chư Phật không khác gì chào hỏi ông bà cha mẹ ngày đầu năm, mà còn cầu an lạc cho bản thân và cho những người thân. Những người gọi là theo Phật cũng đến chùa lạy Phật, cầu phước, và nhất là các chùa có thẻ xăm, xin một quẻ đầu năm. Những điều nói trên, đều là những tập quán, xem ra có đôi chút dị đoan, nhưng chẳng có người nào cảm thấy đó là dị đoan. Ngay cả những người không tin dị đoan cũng thường giữ những tập tục như thế. Có những quan niệm dị đoan xem ra rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Như người ta thường nói: “Ra ngõ gặp gái” hay ra đường gặp đám cưới, là những điềm xui. Trái lại, gặp đám ma thì lại cho là một điềm hên. Nhện sa trước mắt, gắp thức ăn bị gẫy đũa có thể là một điềm xấu, trái lại làm vỡ chén bát lại là một điều hên, có thể có khách quý đến nhà. Máy mắt bên trái có hên, máy mắt bên phải thì xui. Đại khái, rất nhiều điều người ta tin tưởng một cách vô lý nhưng thực ra cũng chẳng có ảnh hưởng gì xấu. Động thổ xây nhà, khai trương một cửa hàng, người ta cũng xem ngày. Thực ra, ngày tốt hay xấu thì cũng chỉ có thể căn cứ trên lịch âm đã được ghi sẵn mà thôi. Không chỉ người Á Đông mới mê tín, mà những người Âu, người Mỹ cũng tin vào những dị đoan như thế. Thấy một ngôi sao băng thì cởi một cúc áo và nói thầm một điều ước. Họ cũng coi bói, xem chỉ tay. Có những người nhìn vào bã cafe và nói chuyện tương lai của người khác. Và họ cũng có bản tử vi của mười hai con giáp tương tự như Á đông, nhưng lại là theo dương lịch, và không phải mười hai năm mà là mười hai tháng trong năm. Ở những xóm vui chơi ăn uống ở thành phố Paris, trong những con đường rất hẹp, bồi bàn đứng ngay cửa nhà hàng ném chén bát xuống đất để chào đón khách. Vừa là một tập quán, nhưng người ta cũng tin rằng tiếng chén bát vỡ sẽ gọi khách vào. Tử vi Á Đông có nguồn gốc từ kinh Dịch thời Phục Hy, căn cứ trên lẽ tuần hoàn của vũ trụ và sự liên hệ giữa các hành tinh mà người ta cho rằng có ảnh hưởng đến số mạng từng con người. Tuy có vẻ mơ hồ, nhưng hiện nay, tử vi cũng đã được xác nhận là khá đúng với những điều đã xảy ra trong quá khứ, và chuyện nói đúng quá khứ có thể bảo đảm cho những tiên đoán tương lai. Tuy nhiên, tử vi còn tùy thuộc rất nhiều yếu tố. Một người sinh ra giờ nào, ngày tháng năm nào thì cũng có lá số tử vi như thế, nhưng nơi chốn khác nhau, giới tính khác nhau, nhân tướng bên ngoài khác nhau thì số phận cũng sẽ khác nhau. Mới sinh ra thì chỉ phụ thuộc vào số phận của cha mẹ, đến khi lập gia đình thì lại phụ thuộc vào cung vợ chồng, có con cái thì lại còn phụ thuộc vào lá tử vi của con cái. Ngoài ra, còn cung bạn bè… cũng ảnh hưởng và thay đổi số phận của từng người. Chung chung, dù tử vi có đúng thì cũng không có gì chắc chắn và cũng không thể chứng minh một cách khoa học được. Có những loại bói toán như bốc dịch cũng dựa trên nguyên tác kinh Dịch để đoán những chuyện đã và sẽ xảy ra cho mỗi người. Chỉ có một xác suất nào đó, và nhiều người dù đi bốc quẻ, vẫn không phải hoàn toàn tin vào quẻ bài trăm phần trăm, nếu quẻ bài đó không được tốt. Những người tin vào chuyện bói toán thường hễ nghe có thầy hay là tìm đến xem. Nhưng có phải thầy bói nào cũng nói giống nhau đâu. Có chuyện tốt chuyện xấu, có chuyện đúng chuyện sai. Vậy thì họ tin ai? Hầu hết đều tin vào những ông thầy nói cho họ những điều tốt. Đó là cái tâm lý của mọi người, vì người ta thường cho rằng những người mê đi xem bói hầu hết là thiếu sự tin tưởng vào bản thân. Vả lại thường có câu: “Tướng bất cập số, số bất cập đức”. Ai tin chuyện xem bói cũng biết điều đó và câu nói trên gần như là một điều an ủi cho những người bói ra một quẻ không được tốt. Thầy bói nói chung đều nói với thân chủ nếu quẻ bói của họ không được tốt, là“tuy quẻ bài không được tốt, nhưng không chắc là điều xảy ra sẽ đúng trăm phần trăm, vì luôn luôn còn chịu ảnh hưởng cái đức cái phước của mình nữa. Nếu quý vị chịu khó làm việc thiện thì vẫn có thể thay đổi được số phận của mình”. Điều này không những hợp lý, mà xem ra còn là một cách khuyên con người làm điều tốt. Cho nên coi bói, giải tử vi… có thể đúng phần nào chuyện đã xảy ra trong quá khứ, nhưng không thể nào đúng trăm phần trăm chuyện tương lai được vì con người có thể cải số nhờ những tư duy cùng hành động để thay đổi cuộc sống của mình. Có những người không bao giờ coi bói, và họ cũng không tin ngay cả tử vi, và cho rằng đó là những điều dị đoan, vì không căn cứ trên một cơ sở khoa học nào. Xem ngày tốt để động thổ xây nhà hay để mở hàng v.v… đều là những chuyện dị đoan. Đúng là có vẻ dị đoan thật, nhưng khi coi một ngày mà người ta cho là tốt để bắt đầu một công việc làm cho những người liên hệ đều được an tâm, thì xem ra chẳng những không có gì là không tốt, mà lại còn có lợi là đàng khác. “Của đi thay người” là một quan niệm làm cho nhiều người tin dị đoan phần nào không tiếc của khi bị mất. Nếu tin được như thế thì tin dị đoan cũng là một điều tốt vậy. Nhiều người không tin dị đoan,và họ thường nghĩ ngược lại những điều dị đoan: Thay vì “ra ngõ gặp gái”, “máy mắt tay phải” hay “nhện sa trước mắt” là những triệu chứng người ta cho là xui thì họ cho là hên. Chuyện hên xui, thật ra cũng do người đời nghĩ ra cho có chuyện mà thôi. Ở Liễu Châu bên Trung Hoa, người ta thường đi quà cho nhau bằng một mẫu quan tài nhỏ với ý nghĩa chúc nhau “thăng quan phát tài” để quảng cáo cho một loại gỗ quý để làm quan tài. Thắp một nén nhang lên bàn Phật, hay cho một người quá cố với một ý nghĩ mơ hồ là đang gửi gắm một chút tình cảm về một cảnh giới khác nhờ làn khói hương đang tan biến trong hư vô. Ý nghĩa ấy có người không hiểu cho là dị đoan, nhưng thật ra đấy là một hành động, một tư duy rất chân thật, đứng đắn, biểu thị một truyền thống rất tốt đẹp. ■
HOÀNG TÁ THÍCH
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |