Chi tiết tin tức Một vài tư tưởng Phật giáo trong truyện Kiều của Nguyễn Du 20:01:00 - 25/09/2024
(PGNĐ) - Với những mảng thơ ca trác tuyệt, đại thi hào Nguyễn Du với giọng điệu trữ tình, sâu lắng mang âm hưởng và tư tưởng Phật giáo rõ nét, ông đã tái hiện một thế giới đầy cảm xúc và trăn trở, từ sự đau khổ cho đến hy vọng và cả sự giải thoát cuối cùng qua tác phẩm Truyện Kiều (Đoạn Trường Tâm Thanh).
Đạo Phật được khởi nguyên từ Ấn Độ, với triết lý cao quý và nhân văn đã lan tỏa khắp nơi trên thế giới. Phật giáo đã vượt qua biên giới và thời gian, truyền bá rực rỡ theo hai hướng: Bắc và Nam. Phía Bắc, những làn gió Phật giáo đã đổ bộ vào Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản và cả Việt Nam. Phía Nam, những ánh sáng Phật pháp đã chiếu rọi lên Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào và Campuchia. Mặc dù, đạo Phật là một tôn giáo ngoại lai nhưng du nhập vào nước ta từ rất sớm, được truyền bá rộng rãi và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống, văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam. Phật giáo cũng ảnh hưởng sâu đậm đến nền văn học trung đại Việt Nam. Với những mảng thơ ca trác tuyệt, đại thi hào Nguyễn Du với giọng điệu trữ tình, sâu lắng mang âm hưởng và tư tưởng Phật giáo rõ nét, ông đã tái hiện một thế giới đầy cảm xúc và trăn trở, từ sự đau khổ cho đến hy vọng và cả sự giải thoát cuối cùng qua tác phẩm Truyện Kiều (Đoạn Trường Tâm Thanh). Nguyễn Du tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, còn có biệt hiệu là Hồng Sơn Liệp Hộ. Ông trưởng thành trong giai đoạn đất nước phân tranh giữa vua Lê và chúa Trịnh; đất nước chia đôi giữa chính quyền Đàng Trong và Đàng Ngoài; các thế lực cầm quyền bị phân hoá không thể đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Từ những yếu tố hoàn cảnh lịch chia ly, loạn lạc đã chạm đến tận đáy nỗi lòng của ông: Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trong thấy mà đau đớn lòng. Truyện Kiều được Nguyễn Du mượn cốt truyện từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, thông qua Truyện Kiều đã phản ánh thời đại và cuộc đời của ông qua những thăng trầm ở nhiều hình thái khác nhau. Tác phẩm Truyện Kiều kể về cuộc đời Hồng Nhan Bạc Mệnh[1] của Vương Thuý Kiều, hình ảnh Nàng Kiều đến gặp Kim Trọng: Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình, như đạp đổ xiềng xích của lễ giáo phong kiến trói buộc người phụ nữ suốt hàng ngàn năm qua. Cuộc sống yên bình của Thuý Kiều chưa được bao lâu thì sóng gió ập đến, bán mình chuộc cha, ra vào ở các lầu xanh: Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần, và cuối đời hình ảnh Ni cô Trạc Tuyền[2] được sống an yên, câu chuyện khép lại khi Thuý Kiều được đoàn viên với gia đình và Kim Trọng. Cuộc sống Nguyễn Du cũng từng được ấm êm trong vàng son nhung lụa nhưng biến cố của thời đại và gia đình đẩy ông vào những tan thương của cuộc đời. Nhà phê bình văn học người Pháp Paul Lafrahue từng viết: “Nhà văn bao giờ cũng bị cột vào hoàn cảnh xã hội của mình”[3]. Có thể khẳng định Truyện Kiều là một tác phẩm đặc sắc vào Thế Kỉ XVIII, hàm chứa tư tưởng và dung hoà của Tam giáo (Nho – Phật – Lão) nhằm hướng con người đến Chân – Thiện – Mĩ. Mỗi nhân vật trong Truyện Kiều được Nguyễn Du khắc hoạ một cách trang trọng qua những vui buồn, vinh nhục của cuộc đời con người nhằm phản ánh lên những áp bức bất công của xã hội phong kiến. Ngoài ra, Truyện Kiều xuất hiện trong dân gian không đơn thuần là một tác phẩm văn học mà còn là một hiện tượng sinh hoạt văn hoá – tâm linh, một số người tin vào từng câu, từng chữ trong Truyện Kiều có thể tiên đoán về vận mệnh và cuộc đời mình. Ngoài những vấn đề về nhân sinh thì vài quan niệm của Phật giáo “Nghiệp Báo, Nhân Quả và Luân Hồi” cũng xuất hiện qua từng câu từ trong Truyện Kiều. Trong Phật giáo Nghiệp được hiểu: “Là tất cả tư tưởng, hành động thiện ác của chúng ta, đều gọi là nghiệp”[4]. Trần Trọng Kim – nhà tư tưởng Việt Nam nhận định về Truyện Kiều: “Cái phần tốt, phần hay của Nàng Kiều là ở chỗ dù khổ sở thế nào, cũng giữ được cái tâm trong sạch”[5]. Mở đầu Truyện Kiều – Nguyễn Du viết như sau: “Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. Trải qua một cuộc bể dâu, Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Lạ gì bỉ sắc tư phong, Trong cuộc đời con người, “tài” và “mệnh” thường xung khắc và bài xích nhau. Những người tài luôn bị ông trời “đánh ghen”, đày đoạ như một quy luật dĩ nhiên tạo hóa của vũ trụ. Đến những vần thơ cuối, Nguyễn Du lí giải về mối quan hệ giữa “tài” và “mệnh” trong sự ảnh hưởng của học thuyết Nghiệp của nhà Phật. “Có tài mà cậy chi tài Chữ tài liền với chữ tai một vần. Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.” Với câu thơ trên, những khổ đau đem đến con người không phải do yếu tố khách quan mà chính là những hành động vô minh từ “Tam Độc”[6] tạo nên cho bản thân. Trong Kinh Tăng Chi đức Phật dạy: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”[7]. Còn Nguyễn Du nói: Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa, con người có được hạnh phúc hay bị khổ đau đều bị chi phối bởi những hành động của mình trong hằng ngày và khi biết được Nghiệp của mình sâu dày thì tự mình chuyển hóa bằng cách tu tập và chuyển hóa thân tâm. Ta thật khó chấp nhận và thương cảm với Thuý Kiều là một cô gái xinh đẹp và tài hoa lại bị vào nhà xanh, đày đoạ khắp đoạn trường, nhưng theo giáo lí của nhà Phật thì ở cuộc đời này đều nguyên nhân. Thuý Kiều phải chịu cuộc đời gian truân, sanh ly với gia đình, chia tay người thương và bị đẩy vào lầu xanh ba lần… Những quả báo khổ ấy có thể do những nhân xấu nhiều đời do Thuý Kiều đã gieo nên. Vì có duyên tình với Kim Trọng mà trong buổi Thanh Minh mà Nàng Kiều chót dạ yêu say đắm nên mới lưu lạc mười lăm, đau thương và nhớ nhung sầu khổ. “Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan, Thuý Kiều có nhan sắc và thông minh nhưng do thiếu nhân tốt ở nhiều đời trước mà thêm tính tình nặng tình cảm nên mới Ma đưa lối quỷ dẫn đường (ma, quỷ là những tâm xấu, bất thiện hay nói khác hơn là tam độc) đã tạo nên bi kịch cuộc đời Thuý Kiều. Hơn nữa, Thuý Kiều dính mắc tình ái nên “Lại mang lấy một chữ tình/ Khư khư mình buộc lấy mình vào trong”, nên dẫn tới chuyện “Vậy nên ở chốn thong dong/ Ở không yên ổn ngồi không vững vàng”, dù Thuý Kiều có được cơ hội đi vào những chốn tự do và thong dong thì Nàng Kiều cũng không cảm nhận được. Qua đây, nếu như một hành giả học Phật mà không huân tập đời sống Chánh Niệm thì phiền não sanh khởi, dẫn đến khổ đau xuất hiện, sanh rồi diệt và vòng sanh tử luân hồi cũng do thất niệm khởi sinh. Ta thường nghe câu: Muốn biết nhân đời trước, hãy nhìn vào kết quả thọ báo hiện tại, Muốn biết kết quả thọ báo của đời sau, hãy nhìn vào những tạo tác của hiện tại, những quả xấu của Thuý kiều qua mười lăm năm là trả quả xấu quá khứ nhưng cũng có thể là vì chữ hiếu nên mới bán mình chuộc cha, một tấm gương hiếu hạnh, một nhân lành giữa đời sống hiện tại kiếp này của Nàng. Nhưng Thuý Kiều đã chuyển hoá nghiệp xấu của mình bằng con đường xuất gia. “Sư rằng: Phúc họa đạo trời, Hình ảnh Thuý Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường kết thúc kiếp sống Hồng Nhan Bạc Mệnh, chấm dứt cuộc trả vây của quả xấu trong quá khứ đã gieo nhưng cũng bắt đầu một nhân lành mới. Sự xuất hiện của sư Giác Duyên là nhân duyên lành cho nghiệp tốt của Nàng Kiều được gặt lấy quả lành, Sư đã khai ngộ cho Thuý Kiều tỉnh thức và có một đời sống an lạc và hạnh phúc. Truyện Kiều (Đoạn Trường Tâm Thanh) được viết bằng chữ Nôm, theo thể thơ lục bát, gồm 3254 câu. Tác phẩm Truyện Kiều phản ánh mâu thuẫn trong thế giới quan của Nguyễn Du, mặt khác phản ánh đặc trưng tư tưởng của thời đại phong kiến, Nho giáo không còn giữ địa vị độc tôn và Phật giáo có điều kiện phát triển. Nguyễn Du khi thấm nhuần Phật giáo, ông thấy rằng con người cũng có thể cải tạo vận mệnh của mình: Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều, vì vậy ông đã tìm đến đạo Phật với mong muốn giải thoát được sự bế tắc của Thuý Kiều. Ở Truyện Kiều, ông đã tìm thấy “tâm kinh” của đức Phật dành cho nhân sinh và chữ “tâm” được ông đề cao: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài, Thuý Kiều dù truân chuyên trong mười lăm năm cho việc trả vây quả nghiệp xấu (ăn trộm đồ thờ cúng, giết người khi thực hiện hành vi báo án…), nhưng Thuý Kiều cũng tạo nghiệp nhân tốt (bán mình chuộc cha, khuyên Từ Hải quy thuận triều đình để tránh cảnh binh đao…). Chính những nhân duyên tốt trên giúp Thuý Kiều giải thoát được khổ đau, gặp sư Giác Duyên và đoàn tụ với gia đình. Nguyễn Du đã đưa nền thi ca nước nhà lên một tầng cao mới, ông đã không chọn Nho giáo hay Đạo giáo mà chọn Phật giáo làm cứu cánh cho Thuý Kiều cũng như cuộc đời của ông. [1] Hồng Nhan Bạc Mệnh: có nghĩa là người con gái có sắc đẹp thì thường có số phận hẩm hiu. [2] Trạc Tuyền: Pháp Danh của Thuý Kiều được xuất gia với Sư Giác Duyên. [3] Trương Tửu (1956), Truyện Kiều và Thời Đại Nguyễn Du, Phê Bình Văn Học, Nxb Xây Dựng, Hà Nội. [4] Trần Minh Hiếu (2007), Từ Vựng Phật Học Thường Dùng, Nxb Phương Đông, tr. 373. [5] Hồ Tùng Anh (2014), “Tư Tưởng Nhân Quả Trong Truyện Kiều Của Nguyễn Du”, Tạp Chí Khuông Việt, (26), tr 46-54. [6] Tam Độc: Tham – Sân – Si. [7] Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ (1999), Chương 5, Phẩm XVII, Kinh số 161: Trừ khử hiềm hận, Nxb Hồng Đức. Ngộ Dũng
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |