Chi tiết tin tức

Nguyện làm con hiếu thảo

15:15:00 - 07/09/2017
(PGNĐ) -  Một mùa Báo hiếu - Vu lan nữa lại về, bài thuộc lòng năm xưa chợt hiện trong trí nhớ: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Đây là bài học về chữ hiếu đầu tiên của tôi thời còn là cậu bé con mới cắp sách đến trường. Cậu bé đọc như vẹt, thuộc bài cô giáo cho điểm mười vui sướng lắm mà nào có biết hiếu là gì đâu. Lớn lên mới thấy ý nghĩa bốn câu trên thấm thía dường nào! Bài học thuộc lòng tuy đơn sơ nhưng khắc sâu vào trong tâm khảm tôi như hành trang thiết yếu bước vào đời. 

nguyenlamconthao.jpg
Nguyện làm con thảo - Ảnh minh họa

Công ơn cha mẹ lớn lao như vậy đó, tuy cha mẹ không bao giờ đòi hỏi đáp trả, nhưng nặng hay nhẹ tùy lòng mỗi người bằng mọi cách làm tròn chữ hiếu. Những người con Phật được dạy dỗ hiếu đạo từ khi còn là đoàn sinh oanh vũ, “Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em”. Em oanh vũ lớn dần lên theo câu kinh Báo ân mỗi mùa Vu lan thắng hội.

Kinh Phật dạy: “Cha mẹ ở nhà như Phật còn tại thế” hay “Gặp thời không có Phật thì kính thờ cha mẹ cũng như thờ Phật vậy”. Đức Phật dạy như thế có nghĩa cha mẹ chính là Phật. Cha mẹ còn sống là vị Phật sống. Người con Phật tôn kính Đức Phật như thế nào thì tôn kính với cha mẹ như thế ấy.

Người xưa nói nước mắt chảy xuôi thật đúng, có nghĩa là trên thương xuống nhiều hơn dưới thương lên. Cha mẹ sinh con ra, nuôi con khôn lớn trưởng thành mong con thành đạt có công ăn việc làm, có gia thất là cha mẹ vui mừng mãn nguyện vì đã làm tròn bổn phận của đấng sinh thành dưỡng dục mà chưa bao giờ đòi hỏi con đền ơn.

Phận làm con thì ai cũng có hiếu nhưng mức độ nhiều hay ít tùy người. Hạt giống hiếu thảo có sẵn trong đất tâm của mỗi người, nếu thường được tưới tẩm thì hạt giống này nẩy mầm lên cây ra hoa kết trái. Chứng tỏ chữ hiếu cũng phải học và hành nhiều mới có kết quả tốt.

Đối xử với cha mẹ tôn kính thiêng liêng như vị Phật thì mỗi người con Phật tự đặt câu hỏi và tự suy xét lại bản thân mình đã đối xử với cha mẹ như thế nào trong thời gian cha mẹ còn sống. Nhất là khi già yếu bệnh tật, cha mẹ rất cần sự trợ giúp của con cháu. Chắc hẳn chúng ta đã từng chứng kiến những người sống quanh ta, có người chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ rất chu đáo, nhưng cũng có người chăm sóc cha mẹ chưa tận tình. Như tôi đây là một Phật tử, hôm nay cha mẹ đã quá vãng, tự thấy mình có lỗi với song thân vì chưa báo đáp hết lòng khi cha mẹ còn sống. Tôi đã viết bài tâm sự với người em như là bản kiểm điểm tự vấn lương tâm mình:

Biết mấy lần qua sông, ghé thăm em bên ấy, được ngắm nhìn mái ấm phụ mẫu song toàn. Tôi sẽ nói với em điều tôi chưa nói, em là người hạnh phúc còn có đủ cả mẹ cha, một tài sản thiêng liêng quý giá nhất của đời người. Điều thiêng liêng ấy đang hiện hữu bên em hàng ngày, như một gã phó nhòm săn ảnh mê say, em hãy ngắm song thân thật kỹ rồi bấm máy, sẽ có vô số tấm ảnh đẹp vô cùng về cái điều thiêng liêng ấy.

Tôi muốn nói với em, hãy dành nhiều phút giây gần gũi ngắm nhìn cha mẹ. Chân dung đường nét của họ đẹp đến phút bách niên giai lão, một bản gốc tuyệt tác cuộc đời em, mà em chính là bản sao của cái điều thiêng liêng ấy.

Để khỏi phải ân hận như tôi đã bỏ qua phút giây ngắm nhìn bức ảnh sống song thân, để bây giờ nhiều đêm trăn trở, với nước mắt buồn thương nuối tiếc.

Ôi! Sao mình ngày ấy lại ngoảnh mặt với lời quở trách của cha? Sao mình ngày ấy lại quay lưng cau có với mẹ già? Sao mình ngày ấy ngây thơ, ngu si đến thế? Rồi một ngày u tối nhất, tôi không còn ai nữa, mới chợt nhận ra mình đã mất hết cái điều thiêng liêng ấy.

Hết rồi! Những giây phút ngắm nhìn phụ mẫu, chỉ còn lại bia mộ trên đồi, không còn ai, chẳng còn ai. Tôi đang như một gã phó nhòm săn ảnh tuyệt vọng. Tìm đâu điều thiêng liêng trong cái nghĩa trang buồn im vắng, chỉ nhìn thấy tên người và khói hương tan loãng giữa hư vô; giọt nước mắt tôi rơi tự bao giờ, cay xè đôi sống mũi ăn năn, trong tôi sự trừng phạt vỡ bờ.

Tôi lại muốn qua sông, ghé thăm em để nói, em hạnh phúc vô cùng, còn đủ cả mẹ cha, “cái điều thiêng liêng ấy”!

Đúng như vậy! Cha mẹ là Phật, là đấng thiêng liêng cao quý nhất, như là ngọc bảo trân châu. Khi đối mặt với “Phật sống” hàng ngày con chưa thấy “cái điều thiêng liêng ấy”, đến khi cha mẹ mất mới nhận ra thì muộn màng rồi! Con khóc bao nhiêu đêm, con sám hối bao nhiêu thời kinh cho hết tội bất hiếu với song thân. Đã bao năm rồi con vẫn còn trăn trở.

Những dòng chữ này như một lời nhắn nhủ cháu con, nguyện noi gương hiếu hạnh của Đức Mục Kiền Liên để xứng đáng là người con hiếu thảo đáng yêu của Phật đang tại thế trong ngôi nhà mình.

Lê Đàn

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin