Chi tiết tin tức

Nhận diện kiến trúc chùa Dạm xưa & phỏng dựng đài thờ trên trụ đá

20:41:00 - 04/10/2022
(PGNĐ) -  Cột trụ đá chạm rồng thời Lý ở chùa Dạm (Đại Lãm Sơn tự) thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh luôn nhận được sự quan tâm nghiên cứu đặc biệt của các nhà khảo cổ học, kiến trúc sư, lịch sử nghệ thuật, Hán Nôm, tôn giáo...

Chùa Dạm được xây dựng từ thời nhà Lý, xưa có các tên chữ Đại Lãm Thần Quang tự, Cảnh Long Đồng Khánh tự (tên do vua Lý Nhân Tông đặt), ngự ở phía Nam sườn núi Dạm (nay thuộc xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) từng là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Đại Việt xưa. 

Chùa đã bị phá hủy hoàn toàn trong kháng chiến chống Pháp, nên ngày nay chỉ còn lại những dấu tích: các lớp nền đá nguyên gốc, cột đá chạm hình rồng, gạch ngói, đất nung chạm rồng và một số hình tượng các con thú bằng đất nung… Di vật trứ danh nhất ở chùa Dạm còn lại là một cột đá cao 5m (không kể phần ngọn đã bị gãy nát) - được xem là công trình điêu khắc kỳ vĩ với nghệ thuật chạm khắc đôi rồng đuôi giao nhau, thân uốn lượn mềm mại quanh cột, đầu rồng nghểnh cao chầu vào viên ngọc đến mức độ tinh xảo.

Theo nhà nghiên cứu khảo cổ Đào Xuân Ngọc, từ năm 2009 đến cuối năm 2014, toàn bộ các dấu tích mặt bằng kiến trúc chùa Dạm trải dài trên bốn tầng nền đã được khai quật khảo cổ. “Kết quả đã thu được nhiều tư liệu khoa học mới, góp phần làm sáng rõ hơn về lịch sử chùa Dạm, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về quá trình xây dựng các hạng mục kiến trúc ở đây qua các giai đoạn”, ông Đào Xuân Ngọc nhấn mạnh.

Trả lời phỏng vấn báo Giác Ngộ, nhà nghiên cứu Đào Xuân Ngọc cho hay, dựa vào kết quả khai quật thăm dò năm 2009 và 2011, từ năm 2012 - 2014 toàn bộ các dấu tích nền móng kiến trúc trên bốn tầng nền đã được khai quật làm xuất lộ với tổng diện tích 7.356m2. Chùa Dạm được xây dựng trên sườn núi phía Nam của núi Đại Lãm, có hướng Nam lệch Đông 15 độ. Phối cảnh kiến trúc được thiết lập trên mặt bằng của bốn tầng nền tạo thành các tầng cấp lớn từ thấp đến cao trong bố cục hình chữ nhật (dài theo chiều Bắc – Nam là 100,76m, rộng theo chiều Đông – Tây là 73,0m).

* Từ kết quả khảo cổ nghiên cứu, có thể mường tượng các kiến trúc ở chùa Dạm xưa như thế nào, thưa ông?

- Quá trình đo vẽ lại toàn bộ mặt bằng kiến trúc chùa Dạm tại 4 cấp (tầng) nền, chúng tôi nhận thấy, mặt bằng tầng nền hai và tầng nền ba có cùng diện tích và triển khai các kiến trúc nối tiếp đồng dạng nhau. Trong khi, mặt bằng tầng nền một và tầng nền bốn có cùng diện tích và dạng thức kiến trúc hình chữ U đối xứng. 

Dựa trên các dấu tích bó nền, móng trụ, chân tảng, cối cửa, nền gạch… thời Lý còn nguyên vị trí ban đầu, chúng tôi đã kết nối các hạng mục kiến trúc với nhau và nhận diện quy mô kiến trúc như sau: tầng nền thứ nhất có một kiến trúc cổng ở trục tâm, nối dài hai dãy hành lang sang phía Đông và phía Tây, sau đó chạy vuông góc về hướng Bắc đến sát khu vực tường kè, hai bên có hai bậc cấp đi lên các tầng nền cao hơn. Nối tiếp với hai hành lang này là 4 kiến trúc có mặt bằng đồng dạng ở vị trí đối xứng phía Đông và phía Tây của tầng nền hai và tầng nền ba. Trên tầng nền bốn có hai dãy hành lang từ phía Đông và phía Tây được chạy vuông góc vào kiến trúc quy mô lớn ở trung tâm.

Từ việc xác định vị trí, quy mô, tính chất đồng dạng, tính chất riêng biệt của các cấu trúc mặt bằng đã xuất lộ, căn cứ vào sử liệu cho thấy, quá trình quy hoạch kiến trúc tổng thể thời Lý ở chùa Dạm (từ năm 1086 đến năm 1105) có 7 hạng mục chính. Trong đó gồm có 4 mặt bằng kiến trúc có kết cấu khung gỗ, mái lợp ngói và ba dấu tích thuộc kiến trúc tháp. 

Cụ thể bao gồm: Kiến trúc cổng (tầng nền một); Hệ thống hành lang (kết nối các kiến trúc giữa các tầng nền); 4 kiến trúc đồng dạng (nằm đối xứng phía Đông, phía Tây của tầng nền hai và tầng nền ba); Kiến trúc quy mô lớn (tầng nền bốn); Dấu tích chân tháp (trung tâm tầng nền ba); Bệ móng hình vuông (phía Tây tầng nền hai); Bệ móng hình tròn đặt cột trụ đá chạm rồng (phía Đông tầng nền hai).

Nhận diện kiến trúc chùa Dạm xưa & phỏng dựng đài thờ trên trụ đá  ảnh 1

Di tích cột đá chạm rồng thời Lý tại chùa Dạm (huyện Quế Võ, Bắc Ninh)

* Tháp là công trình quan trọng nhất ở thời nhà Lý, kết quả khảo cổ cho nhận diện tháp đó ra sao?

- Kết quả khai quật nền chùa Dạm đã xác định được hai dấu tích bệ móng tháp thời Lý. Trong đó, một dấu tích bệ móng tháp đặt đối xứng với cột trụ đá chạm rồng ở tầng nền hai và một dấu tích chân móng cùng các mảnh vỡ của một tòa tháp chất liệu đất nung ở tầng nền ba. Về tổng thể, đây là tháp đất nung có bố cục hình vuông (cạnh chân 790 x 790cm), lòng rỗng, cửa cuốn vòm mở bốn hướng, tường vát cạnh hình thang, được xây dựng bằng kỹ thuật ghép khối, ước lượng có 13 tầng và cao khoảng 8,7m. Trong đó, cạnh tầng khám cao 2,70m, cạnh tầng trên cùng cao 0,42m. Đáng lưu ý là chóp tháp được làm bằng đá sa thạch tạo hình hoa sen, đúng như chính sử ghi chép “ngọn tháp chỏm đá” (tháp đất nung, trên đỉnh tháp có chỏm làm bằng đá).

Nếu dựa vào hệ thống di vật đã khai quật thì rất khó đoán định về hình dạng kiến trúc tháp nhiều tầng của thời Lý dựng đặt lên trên bệ móng hình vuông ở tầng nền hai. Bệ móng tháp chùa Dạm không thấy có dấu tích gạch xây móng tháp kiên cố như chùa Phật Tích hay tháp Tường Long mà đây là một khối đế móng hình vuông vững chắc được gia cố đầm chặt bằng ngói vụn, đất đồi và sỏi. Nhiều khả năng kiến trúc tháp (1088 - 1094) được xây dựng ở vị trí trung tâm tầng nền hai. Trong khoảng thời gian từ năm 1094 đến trước năm 1105, công trình này đã bị đổ sụp, do không thể dựng lại được một kiến trúc hoàn chỉnh như ban đầu, trong năm 1105, triều đình đã cho xây mới một kiến trúc tháp đất nung (chóp đá) ở trung tâm tầng nền ba. 

* Kết quả khai quật nghiên cứu, đã cho thấy những gì về phế tích cột đá vẫn đang còn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, thưa ông?

- Năm 2013, toàn bộ mặt bằng tầng nền hai được khai quật với tổng diện tích 1.734m2(chiều Đông – Tây là 73,0m, chiều Bắc - Nam là 23,75m). Mặt bằng tầng nền hai khá bằng phẳng, hai di tích móng bệ hình vuông phía Tây và móng tròn của cột trụ đá chạm rồng bên phía Đông được dựng đặt lệch về phía Nam và có khoảng cách không đều nhau từ trục tâm. Kết quả khai quật cho thấy, xung quanh hai di tích này là những khoảng sân được lát gạch. Dưới lớp đào 30cm đã tìm thấy mặt nền đá gốc bề mặt được xử lý đục thô nhằm tạo bằng phẳng với lớp đất xung quanh, đặc biệt là đã tìm thấy hàng gạch chữ nhật thời Lý xếp bó vỉa nền sân chạy theo hướng Đông -Tây. 

Trong năm 2011, 2013, chúng tôi đã tiến hành mở các hố cắt kiểm tra để tìm hiểu kết cấu phần móng và phần nền. Tại vị trí bệ móng hình tròn đặt trụ đá chúng tôi đã tiến hành đào cắt một hố nhỏ ở mặt cạnh phía Bắc để kiểm tra kết cấu chân móng. Ở độ sâu 150cm so với mặt nền, vách phía Nam đã xuất hiện nhiều lớp sỏi nhỏ được đầm chặt với đất đồi. Kỹ thuật dùng sỏi và đất đồi gia cố đầm chặt là kỹ thuật đặc trưng của thời Lý, nó giống như kỹ thuật gia cố móng trụ của các công trình kiến trúc thời Lý đã tìm thấy tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. 

Phát hiện này cho thấy, cột trụ đá chùa Dạm được xây dựng rất kiên cố, phần chân trụ được chôn rất sâu xuống lòng đất, xung quanh được đầm chặt bởi sỏi và đất đồi. Qua dấu vết kỹ thuật có thể khẳng định, cột trụ đá này nằm ở vị trí nguyên gốc (insitu) phía Đông tầng nền hai kể từ khi nhà Lý khởi dựng cho đến nay. 

Dưới chân cột trụ đá hiện còn bệ đá xếp hình tròn, có đường kính 470cm, được xếp chồng từng lớp đá tảng hình chữ nhật có mặt ngoài lượn cong, cạnh bên vát hình thang, tạo thành các bậc cấp giật. Các đá tảng được xếp nghiêng hướng tâm, đặt so le và khít mạch, trong đó, lớp đá bó cạnh chân liên kết bằng mộng chì hình thang và các đá tảng chạm hình sóng nước khớp nối bằng các gờ lõm tạo điểm Ơ ở mặt trên và mặt dưới. Phần móng tròn dưới chân cột trụ đá hiện còn 3 tầng đá và thân cột trụ đá gần như để lộ thiên với những hình khối khác nhau. 

Cột trụ đá chạm rồng dựng chính giữa móng tròn, theo phương thẳng đứng, cao 525cm, có kết cấu liền khối, phần lộ thiên nhận thấy rõ là nó được phân thành ba đoạn. Phần dưới là khối trụ hình chữ nhật, cao 300cm, có cạnh hình chữ nhật, rộng 144 - 140cm, dài 158 - 162cm, vát hình thang, phần chân trụ nằm khuất sâu trong lòng bệ. Mặt cạnh Bắc có hai đường vạch ngang, mỗi đường cách nhau 27cm, nửa thân trên được đục lõm ở các cạnh góc tạo nên hai gờ cấp, có kích thước 30cm và 72cm. Sát với đoạn trụ tròn 10cm được mài nhẵn. Với việc các mặt cạnh để lại dấu vết đục thô nhám, có thể xác định khối trụ này có nhiều khả năng được che kín bởi các lớp đá tảng chạm hình sóng nước, hình núi của bệ hình tròn.

Phần giữa là khối trụ hình tròn chạm khắc hình rồng, cao 107cm, có đường kính 137cm, đây là nơi chạm nổi phù điêu hai hình rồng đối xứng, thân uốn nhịp uyển chuyển trên nền các cụm mây và điểm nhấn các viên ngọc có dải lụa. Với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo, toàn bộ khối trụ này sẽ được để lộ nguyên vẹn. 

Phần trên cùng là khối trụ hình lục giác, cao 118cm, có 6 cạnh đều nhau, mỗi cạnh khoảng 81cm. Trên thân và đỉnh trụ hiện xác định được 21 dấu lỗ mộng, cấu trúc thành 4 lớp với cao độ bằng nhau và kích thước khác nhau. Với bề mặt các cạnh được đục thô thì khối trụ này sẽ bị che khuất không toàn phần bởi các cấu kiện khớp nối với từng lớp mộng.

Dựa trên những khảo cứu về dấu vết kỹ thuật đục nhám trên thân cột, mặt hiện trạng cùng công tác chỉnh lý một số đá tảng nằm xung quanh trên bề mặt có thể khẳng định, phần phía dưới khối trụ hình chữ nhật là nơi được xếp chồng lên cao các lớp đá tảng chạm hình sóng nước trong bố cục hình tròn, tạo thành các giật cấp che kín thân trụ hình chữ nhật cao 290cm, để lộ 10cm đoạn được mài nhẵn, nơi tiếp giáp phần chạm khối nổi hình rồng. 

Ở phần dưới trụ đá, phát hiện có hai đường vạch lõm ngang thân, mỗi đường cách nhau 27cm. Khi kết nối các đường vạch này với điểm gờ cấp 72cm thì khoảng trống sẽ cho ra thông số 87cm tương ứng với 3 lớp đá đặt chồng lên nhau. Như vậy, dấu vết hai đường lõm này là điểm vạch định vị lớp đá thuộc hàng thứ 6 trong tổng thể khối núi, theo thứ tự cao độ từ mặt trụ tròn xuống. 

Với cấu trúc mỗi giật cấp được xếp khít hai lớp đá để tạo nên một tầng núi thì 6 hàng đá chạm văn sóng nước sẽ tương ứng với ba tầng núi. Với việc tầng núi thứ ba có điểm trùng khớp với tầng núi thấp nhất phía dưới thì nhiều khả năng kết cấu hoàn chỉnh của bệ tròn đặt trụ đá sẽ có bốn tầng núi, tương ứng với bốn giật cấp, trong đó hai tầng núi phía trên có tỷ lệ cạnh thu lớn và ôm sát vào thân trụ. 

Với đặc điểm nêu trên cho thấy, cột trụ đá chạm rồng này không thể là một dạng thức linga mà nó là một cột trụ để đỡ một công trình kiến trúc ở bên trên; khoảng giữa chạm rồng là phần trang trí, còn phần dưới có cấu trúc khá đặc biệt, không thể là dạng thức yoni.

Nhận diện kiến trúc chùa Dạm xưa & phỏng dựng đài thờ trên trụ đá  ảnh 2

Mặt nền tại khu vực cột đá chùa Dạm được khai quật

* Với phần trên đỉnh cột đá đã mất, với kết quả nghiên cứu suy đoán, thì kết cấu và hình thái phần trên đỉnh được hình dung như thế nào?

- Với dấu vết kỹ thuật và bằng chứng khảo cổ học nêu trên cho thấy, đây là cột trụ để nâng đỡ một công trình kiến trúc lục giác hoặc tứ giác ở bên trên, giống như mô thức xây dựng chùa Một Cột hiện nay. Kết cấu chịu lực chính được quy tụ về một trụ đá liền khối được đặt ở trục tâm sau đó lan tỏa các cấu kiện ở trên thân và đỉnh trụ lục giác - đây là sự tối giản hóa về mặt kết cấu để tạo nên một hình thái kiến trúc độc đáo. 

Phần trên cùng là khối trụ hình lục giác, trên thân và đỉnh trụ đục lõm các lỗ mộng cấu trúc thành 4 lớp mộng có chức năng đặt khớp nối các cấu kiện liên kết thành hệ thống giá đỡ cho một mặt sàn và bộ khung kiến trúc ở bên trên. Khai quật cũng phát hiện ra mảnh vỡ của tảng đá hình đĩa, khiến chúng tôi cho rằng, có tảng đá hình đĩa đặt trên trụ đá, cùng với các xà đâm ra từ các lỗ mộng chịu lực để đỡ đĩa đá này. Trên đĩa đá sẽ là kiến trúc gỗ 4 mặt hoặc 6 mặt, với chức năng một điện thờ Quan Âm hoặc đây là một lầu gỗ nhỏ làm đài đèn. Trên lầu có các mái và đỉnh lầu có một đỉnh nhọn làm bằng đá. 

* Xin cảm ơn ông.

Chu Minh Khôi

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin