Chi tiết tin tức Phái đoàn đại diện GHPGVN tham dự hội thảo và triển lãm về Phật giáo Gandhara tại Pakistan 21:26:00 - 30/05/2024
(PGNĐ) - Từ ngày 28 đến 30-5-2024, nhận lời mời của Bộ Ngoại giao chính phủ Pakistan, phái đoàn đại diện GHPGVN do Hòa thượng Thích Đức Tuấn, Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế T.Ư làm trưởng đoàn đã đến tham dự hội thảo chuyên đề và triển lãm về Phật giáo Gandhara tại thủ đô Islamabad.
Đi cùng đoàn có GS.Lê Mạnh Thát, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP. HCM, và Đại đức Thích Ngộ Dũng, Chánh Văn phòng Ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN TP.HCM. Hội thảo và triển lãm với chủ đề “Từ Gandhara đến thế giới” là một hội thảo thường niên của chính phủ Pakistan, do bộ Ngoại giao chính phủ Pakistan tổ chức, nhằm kết nối và giới thiệu đến lãnh đạo Phật giáo khắp nơi trên thế giới về các thánh tích Phật giáo Gandhara.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Quốc vụ khanh Muhammad Syrus Sajjad Qazi đã nêu bật: “Cốt lõi của di sản văn hóa Pakistan là truyền thống khoan dung và tôn trọng, ăn sâu vào đời sống xã hội, những truyền thống này tiếp tục định hình bản sắc và giá trị của quốc gia. Đó là di sản được gìn giữ bởi các triết gia và các vị thánh, những người ủng hộ sự chung sống hòa bình và tôn trọng. Bằng cách công nhận và nuôi dưỡng nguồn gốc văn hóa xuyên khu vực, Pakistan tìm cách thúc đẩy sự tiếp xúc, tương tác và hợp tác giữa con người với con người gần gũi hơn, từ đó thúc đẩy sự hòa hợp, an ninh và phát triển kinh tế xã hội xuyên biên giới. Nhân dịp ngày lễ trọng đại Vesak, hội nghị chuyên đề này sẽ khám phá các khía cạnh khác nhau của di sản Gandharan của Pakistan. Triển lãm nghệ thuật Gandhara là sự tôn vinh di sản văn hóa và triết học phong phú của quốc gia, làm nổi bật bản chất đa văn hóa của nó”.
Phát biểu trong phiên khai mạc, Hòa thượng Thích Đức Tuấn đã hoan nghênh những nỗ lực của chính phủ Pakistan trong việc giới thiệu Phật giáo Gandhara đến với thế giới, qua đó cũng góp phần phục hưng lại Phật giáo tại đất nước này. Tham dự hội thảo, GS.Lê Mạnh Thát đã nói lên sự tương đồng giữa đặc trưng của nghệ thuật Phật giáo Gandhara và tượng A Di Đà, hoa văn đá bệ tượng chùa Phật Tích, di tích bàn chân Phật tại núi Quỳnh Viên và chùa Chân Tiên (Hà Tĩnh). Với những phát hiện này, Giáo sư cho rằng Phật giáo Việt Nam đã có những tiếp nhận, kết nối với Phật giáo Gandhara từ rất sớm so với những phát hiện trước đây về sự truyền thừa Phật giáo vào Việt Nam.
Trong khuôn khổ của hội thảo, đại diện phái đoàn Phật giáo Việt Nam đã có các cuộc gặp gỡ với Thủ tướng và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pakistan để đưa ra những ý kiến đóng góp cho sự phát triển sự kết nối giữa Phật giáo các nước đến Pakistan. Đại diện phái đoàn cũng đã có lời mời tham dự đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 đến lãnh đạo bộ Ngoại giao Pakistan. Phái đoàn cũng đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan.
Trong chương trình triển lãm, Phật giáo Việt Nam cũng có góc triển lãm tranh các tượng Phật đặc trưng của Phật giáo Việt Nam như tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích, tượng Quán Thế Âm ngàn tay ngàn mắt chùa Bút Tháp, tượng Quán Thế Âm chùa Mía, tượng La-hán chùa Tây Phương. Triển lãm đã giới thiệu đến bạn bè quốc tế nét đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc tượng của Phật giáo Việt Nam. Với bề dày lịch sử của Phật giáo tại đây, chính phủ Pakistan với mong muốn giới thiệu sự đồ sộ và đa dạng của các di sản Phật giáo Gandhara đến với cộng đồng Phật giáo thế giới. Hội thảo và triển lãm lần này như một sợi dây kết nối để cộng đồng Phật giáo các nước biết nhiều hơn về sự kỳ vĩ của Phật giáo Gandhara trong dòng chảy của lịch sử Phật giáo. Tin, ảnh: Thích Ngộ Dũng
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |