Chi tiết tin tức Phật giáo Việt Nam phát triển và hội nhập 19:39:00 - 02/09/2022
(PGNĐ) - Bài tham luận Phật giáo Việt Nam phát triển và hội nhập của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thuận và Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh. Bài viết trích từ Hội thảo Phát huy vai trò của Tăng, Ni GHPGVN trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ), tổ chức vào tháng 1/2022.
1. PHẬT GIÁO TRONG TÂM THỨC NGƯỜI VIỆT Trong tiến trình phát triển của lịch sử, Phật giáo từ Ấn Độ truyền đến Việt Nam qua nhiều con đường với tư tưởng mang đậm chất nhân văn, phù hợp với tâm tư tình cảm cũng như đời sống thường nhật của người Việt Nam, nên khi truyền bá vào Việt Nam Phật giáo đã sớm được chấp nhận và đã trở thành một phần của truyền thống văn hoá dân tộc Việt. Ngày nay, văn hóa Phật giáo đi sâu vào đời sống tâm linh của người dân Việt, sức ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo được thể hiện ở nhiều mặt của đời sống vật chất, tinh thần hàng ngày như trong các nghi lễ cúng tế ở gia đình và cộng đồng, ca dao, văn học dân gian, âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc… Trải qua tiến trình tiếp biến và sáng tạo, văn hóa Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng di sản văn hóa phong phú và độc đáo của dân tộc. Những quan niệm của Phật giáo về nhân sinh khổ, về vô thường, vô ngã, nhân quả, Niết bàn, Tây phương cực lạc đã là kim chỉ nam và là chỗ dựa tinh thần cho người dân: “Phật giáo ở nước ta có sức sống đó chính là vì nó đã bám rễ rất sâu trong đời sống tinh thần, trong sinh hoạt văn hoá, trong tâm lý phong tục tập quán và tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân” [1]; và: “Trên thế giới cũng như Việt Nam hiện nay, dù đã có thế giới quan khoa học dẫn đường chỉ lối, nhưng trong tâm thức của mỗi người, lý luận của Phật giáo vẫn giúp con người ta tìm ra được những điều có ích cho tư duy và hành động của mình” [2]. Dù trực tiếp hay gián tiếp, hầu hết người Việt đều chịu ảnh hưởng ít nhiều của tư tưởng Phật giáo [3]. Nhìn vào đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam trong những năm Đổi mới cho tới nay, chúng ta thấy có hiện tượng là khắp mọi nơi trong cả nước, từ thành thị đến nông thôn Phật giáo đang trên đà phát triển: “Từ những góc độ, cấp độ khác nhau có thể có nhiều cách đánh giá khác nhau, thậm chí ngược nhau, thì nhận định chung là hoạt động đạo của Phật giáo Việt Nam hiện nay đang diễn ra sôi động, nhộn nhịp” [4]. Điều đó có thể thấy qua nhiều biểu hiện: Ở nhiều vùng trên khắp đất nước ta số người theo Phật giáo ngày một đông [5], số gia đình Phật tử ngày càng nhiều, lễ hội Phật giáo và sinh hoạt Phật giáo ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần xã hội, số sư sãi được đào tạo ở các trường Phật học ngày một lớn, số kinh sách Phật giáo, ấn phẩm Phật giáo mỗi năm một tăng… Hiện nay, nhờ chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, các tín đồ Phật giáo ngày càng có điều kiện để tham gia và tổ chức sự kiện Phật giáo: “Họ chăm chú lên chùa trong các ngày sóc, vọng; họ trân trọng và thành kính việc thiền định, giữ giới, làm thiện. Mặt khác, nhà chùa luôn sẵn sàng thực hiện các yêu cầu của họ, như giải oan, cầu siêu, nhận gửi hậu cho những người thân khi mất đi. Tất cả những điều đó vừa củng cố niềm tin vào giáo lý, vừa quy định tư duy và hành động của họ” [6]. Những tư tưởng của Phật giáo không chỉ ảnh hưởng đến tầng lớp người lớn tuổi, mà thông qua họ nó có ảnh hưởng rất nhiều đến thế hệ trẻ. Hiện nay, đến các ngôi chùa vào các ngày rằm, mồng một chúng ta thấy có nhiều nam, nữ thanh niên, họ đến chùa để cầu phước, cầu may, cũng là dịp du ngoạn ngắm cảnh, làm từ thiện. Đến với chùa, họ gần nhau hơn, mong muốn làm nhiều việc tốt, việc thiện hơn. Đặc biệt đối với các gia đình có người là cư sĩ, Phật tử thì những tư tưởng của Phật giáo có ý nghĩa giáo dục rõ rệt. Hiện nay, cùng với các khóa tu mùa hè đang được phổ biến khá rộng rãi thì mô hình Gia đình Phật tử đang phục hồi trở lại với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú, thu hút được mọi tầng lớp người dân tham gia [7]. Phật giáo với các công trình văn hóa tâm linh đã đem lại nhiều giá trị về văn hóa vật thể và phi vật thể. Hệ thống chùa tháp, các tượng Phật, những tác phẩm nghệ thuật, kho tàng thơ văn, những cử chỉ từ bi bác ái, phong tục tập quán có ảnh hưởng của giáo lý Phật giáo… vừa là sản phẩm của tôn giáo, vừa là sản phẩm của hoạt động văn hoá. Hình tượng “Ông Bụt” trong tâm thức văn hoá tín ngưỡng của người dân Việt Nam luôn được thể hiện lên như một vị thần rất hiền từ, cứu khổ, cứu nạn cho người nghèo, người hiền, khuyên răn con người phải sống trong tình lương thiện, hướng con người tới “chân – thiện – mỹ” [8]. Những hình ảnh “đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt” rất thân quen, gần gũi với mỗi con người trong làng xã Việt Nam. Trong chùa, ngoài thờ Phật còn có các tín ngưỡng dân gian: có thờ tổ tiên của những người ký kỵ, ký hậu, thờ Sơn thần, Bà chúa Thượng Ngàn, Mẫu Liễu Hạnh, thờ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc… Chùa cùng với các di tích tôn giáo tín ngưỡng là nơi linh thiêng nên không ai được xâm phạm, ai cũng có mong muốn xây dựng và bảo vệ chùa của quê hương mình [9]. Tư tưởng Phật giáo đã góp phần tạo nên tính cách của con người Việt Nam. Là người Việt không thể quên ơn sinh thành của cha mẹ, việc báo ân cha mẹ đã ăn sâu vào tâm khảm của mỗi một người con, những tinh hoa này có ảnh hưởng của nền giáo dục Phật giáo [10]. Triết lý của đạo Phật về tính bình đẳng nơi chúng sinh, tư tưởng từ bi về cuộc sống nhân sinh mang một giá trị tư tưởng đạo đức nhân bản sâu sắc, có giá trị tích cực đối với cuộc sống quần chúng nhân dân lao động; đó là tư tưởng nhân đạo bao trùm, tinh thần bình đẳng, từ bi, tinh thần cứu khổ, cứu nạn, vị tha và bao dung, vì cuộc sống bình yên của con người. Lòng nhân ái, đức thương người là truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam, cùng với Phật giáo đã phổ biến rộng trong cộng đồng quốc gia, dân tộc. Văn hóa Phật giáo đã gắn liền cùng với dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Sự truyền bá rộng rãi tư tưởng Phật giáo đã góp phần xây dựng phẩm chất, nhân cách, tạo nên truyền thống nhân ái, vị tha và bao dung của con người Việt Nam. 2. PHẬT GIÁO TRONG LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG NGƯỜI VIỆT Lễ hội truyền thống đã xuất hiện từ rất sớm, có lẽ cùng với việc hình thành những cộng đồng dân tộc trên đất nước Việt Nam. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, lễ hội dân gian đã phát triển với nhiều loại hình rất đa dạng, phong phú [11]. Qua các thư tịch, chúng ta thấy được nội dung của lễ hội ở các thế kỷ đầu Công nguyên không chỉ có các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, tôn thờ các vị thần thiên nhiên, thờ cúng vật Tổ, tín ngưỡng phồn thực nông nghiệp…, mà bắt đầu có sự đan xen với các nghi lễ Phật giáo và việc tụng kinh niệm Phật, cỗ chay… Lễ hội dân gian cũng được tiến hành tại các ngôi chùa lớn, ví dụ: Lễ hội chùa Dâu, được cho là đã được thực hiện từ thế kỷ II [12]. Nhiều lễ hội chùa nổi tiếng ở Châu thổ Bắc Bộ được tổ chức từ rất sớm như: lễ hội chùa Dâu (Chùa Pháp Vân), lễ hội chùa Phật Tích (tên chữ: Vạn Phúc Tự); Lễ hội chùa Dạm (tên chữ: Thần Quang Tự); Lễ hội chùa Vinh Phúc (tên chữ: Linh Quang Tự)… ngay ở kinh hoàng Thăng Long, dưới thời Lý-Trần cũng có nhiều lễ hội chùa nổi tiếng như: lễ hội chùa Khai Quốc (nay là chùa Trấn Quốc); lễ hội chùa Cát Tường; lễ hội chùa Một Cột (tên chữ: Thiên Hựu Tự); lễ hội chùa Láng (tên chữ: Chiêu Thiền Tự),… Đến giai đoạn muộn hơn, khoảng thế kỷ XVI-XVII, văn hóa Phật giáo phát triển và duy trì ở khắp các làng xã vùng châu thổ Bắc Bộ. Xuất hiện các lễ hội như: lễ hội chùa Hà, chùa Hương Canh và chùa Cói (nay thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Phúc), chùa Trà Phương (Hải Phòng); chùa Giám (Hải Dương); chùa Thầy và chùa Hương (Hà Tây); chùa Kim Liên, chùa Láng, chùa Nành (Hà Nội); lễ hội chùa Trăm Gian, chùa Bút Tháp, chùa Dâu (Bắc Ninh); chùa Keo (Thái Bình),… Qua số liệu thống kê, hiện cả nước có tới hơn 500 lễ hội tôn giáo, đại đa số các lễ hội là lễ hội đền, đền, chùa… Các lễ hội tôn giáo truyền thống ở đình, đền cũng ít nhiều mang dấu ấn, gắn kết với các nghi lễ Phật giáo, được thể hiện trong các nghi lễ cả về phần nội dung và hình thức. Phần lớn các lễ hội này đều có quy mô lớn và thu hút được đông đảo nhân dân cả nước tham gia như: Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội Ngọc Hồi – Đống Đa, lễ hội Phủ Dầy… Các lễ hội gắn với nhà chùa đáp ứng nhu cầu tham gia các hoạt động tâm linh của người dân và góp phần làm phong phú cho truyền thống văn hóa dân tộc, phản ảnh sự dung hòa giữa Phật giáo và tín ngưỡng trong nhu cầu tâm linh của mỗi cá nhân và cộng đồng. Những ngày lễ hội Phật giáo, đông đảo các tầng lớp nhân dân, các giới trong xã hội đều quy tụ về, thể hiện tấm lòng thành kính đối với Đức Phật và các bậc thánh hiền, những hình ảnh đó đã góp phần tạo nên bản sắc và nét đẹp văn hoá của dân tộc. 3. ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG Trong đời sống thường ngày của con người, chúng ta thấy văn hoá Phật giáo có ảnh hưởng nhiều đến các tập quán, thói quen trong đời sống của người dân như: ăn chay, phóng sinh và bố thí. Ăn chay: Hiện nay, việc ăn chay của người dân Việt Nam được coi là thói quen, nếp sống, nhu cầu của một bộ phận người dân dù là tín đồ Phật giáo hay không. Ăn chay hay ăn nhạt là xuất phát từ quan niệm từ bi của Phật giáo, ý nghĩa của việc ăn chay là không sát sinh, hại vật, mà trái lại là phải biết thương yêu mọi loài, trong mọi hành động và ý nghĩa con người đều phải thể hiện lòng từ bi. Ăn chay hiện nay rất phù hợp với người Á Đông, chú trọng ăn ngũ cốc, các loại thực phẩm làm từ thực vật nhiều hơn thực phẩm động vật, vả lại ăn chay giúp cho cơ thể được nhẹ nhàng, trí óc được minh mẫn sáng suốt. Phóng sinh và bố thí: Cũng xuất phát từ tinh thần từ bi của đạo Phật, tục lệ bố thí, phóng sinh đã ăn sâu vào đời sống sinh hoạt của quần chúng. Đến ngày rằm và mùng một, người Việt thường hay mang chim, cá, ốc,… để đem phóng sinh. Đặc biệt, người Việt cũng thích làm phước bố thí và sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó, hoạn nạn, với tinh thần lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái tham gia vào những đợt cứu trợ phòng chống dịch bệnh, ủng hộ người nghèo, ủng hộ quỹ an sinh xã hội [13]. Tập tục cúng rằm, mùng một và đi lễ chùa: Tuân theo truyền thống, người ta tin rằng vào ngày rằm và mùng một (tức ngày sóc, vọng), nhật nguyên thông suốt với nhau, sự cầu nguyện có thể đạt đến tương cảm với cõi khác, vì thế mọi người hay nguyện cầu những điều tốt đẹp, bỏ ác, làm lành, sửa đổi thân tâm. Theo quan niệm ngày sóc vọng là những ngày Trưởng tịnh, Sám hối, ăn chay, quan niệm này xuất phát từ ảnh hưởng của Phật giáo Đại thừa. Ngoài ra, chúng ta còn thấy văn hoá Phật giáo ảnh hưởng tới các nghi thức khác như tang ma, cưới xin (hiện nay đang dần hình thành và phổ biến nghi lễ Hằng thuận trong nhà chùa, nhất là các chùa ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Văn hóa Phật giáo đã, đang góp phần trong việc định hình và duy trì tập tục cũng như văn hoá Việt Nam và cho tới nay vẫn không thể phủ nhận sự tồn tại và mở rộng ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo trong đời sống xã hội hiện đại. 4. VẤN ĐỀ NHẬP THẾ CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM HIỆN NAY Tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam trải suốt quá trình lịch sử vẫn liên tục được bồi đắp, phát triển xuyên suốt quá trình hoạt động của Phật giáo Việt Nam. Ngày nay, trước xu thế mới của lịch sử dân tộc, tinh thần nhập thế này lại được các Tăng Ni trong Giáo hội tăng cường và nhân rộng ra để tinh thần ấy có thể đến với từng người mến mộ đạo Phật, trở thành một phương tiện làm phát khởi trí huệ, mang lại an lạc cho mỗi người dân và xã hội. Có thể thấy điều này qua thành quả của hàng trăm phòng phát thuốc, khám chữa bệnh, các lớp học tình thương, trường nuôi dạy trẻ em mồ côi, trẻ khuyết tật, trung tâm tư vấn, giúp đỡ người bị HIV/AIDS, nhà ở cho người có công, Quỹ Khuyến học cho những trẻ em nghèo hiếu học, chăm lo cho người già neo đơn [14]… Đạo Phật đã góp phần cùng chính quyền mang lại niềm an lạc cho người dân, với phương châm vì đạo pháp và dân tộc [15]. Tuy nhiên, để có thể hội nhập với xã hội ngày nay, Phật giáo không thể chỉ quan tâm những việc cúng lễ hay công việc từ thiện, mà phải làm cho nhân dân thấy được những giá trị thiết thực của Phật giáo trong đời sống hàng ngày. Muốn vậy, cần phải đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực giáo dục, bởi giáo dục chính là con đường, là phương tiện để con người có thể tiếp cận với những giá trị tư tưởng của Phật giáo thông qua những lời dạy của Đức Phật và các vị Thiền sư về cách sống, cách ứng xử với đồng loại và với môi trường. Vì vậy, công tác đào tạo Tăng tài của Giáo hội những năm gần đây được chú ý về cả chiến lược và sách lược để đào tạo được những Tăng Ni có cả kiến thức và đạo hạnh, có khả năng phục vụ Giáo hội, phục vụ nhân dân trong công cuộc phát triển đất nước một cách bền vững và có tính nhân văn. Có thể nói, đây là công việc quan trọng và có ý nghĩa nhất, bởi để có thể định hướng đúng cho Phật tử, giúp họ hiểu đúng những giáo lý, tư tưởng của Phật giáo thì Tăng Ni là người trực tiếp thực hiện công việc này thông qua hoạt động hoằng pháp. Ngày nay, Phật giáo Việt Nam đã phát huy sức mạnh của tứ chúng trong hoạt động hoằng pháp, đặc biệt khuyến khích Phật tử trẻ, Phật tử vùng sâu vùng xa tham gia hoạt động hoằng pháp. Đẩy mạnh phong trào tu học Phật pháp qua các đợt thi giáo lý, thi thuyết trình Phật pháp, các buổi tọa đàm, hội thảo về Phật pháp, mở rộng và nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động của các đạo tràng tu học Phật pháp… Tất cả mọi đổi thay đó cũng vẫn là sự “tùy duyên” để Phật giáo hôm nay hoằng dương phổ độ chúng sinh nhiều hơn, cập nhật hơn với đời sống, vừa là một bộ phận thành tố văn hoá dân tộc và cũng chính là một giá trị văn hoá nhân loại, có khả năng tác động trở lại mọi mặt hoạt động đời sống kinh tế – văn hoá – xã hội. Trong lịch sử, tùy điều kiện, phương tiện truyền thông của từng giai đoạn mà con người hoằng pháp, phương tiện hoằng pháp cũng như nội dung giáo lý truyền đạt cũng mamg đậm dấu ấn đặc thù. Vận dụng tinh thần “khế lý, khế cơ” (tuỳ vào hoàn cảnh, thời gian thích hợp mà truyền đạo) trong giáo lý Phật giáo, việc truyền giáo trong thời mở cửa và hội nhập đã sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để truyền bá giáo lý sang nhiều vùng miền một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Ngoài phương thức hoằng pháp trên mạng Internet, trong quá trình đổi mới và hội nhập, việc chú trọng vào công việc hoằng pháp ở vùng sâu, vùng xa, trong các vùng dân tộc thiểu số ở các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ là một chuyển biến. Cũng có thể xem đây là một phương cách nhằm thu hút tín đồ đến với đạo Phật trước làn sóng truyền đạo mạnh mẽ của các tôn giáo mới đến các vùng dân tộc thiểu số ở các khu vực này. Công tác từ thiện của Phật giáo hiện nay đã và đang hướng tới cả 3 mục tiêu: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí. Vấn đề tài thí ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa rất quan trọng, đặc biệt cần quan tâm giúp đỡ đến những hộ nghèo, gia đình neo đơn. Trong xu hướng phát triển chung của đất nước, hội nhập với khu vực và thế giới, Ban Hoằng pháp Trung ương và các tỉnh miền núi cần thiết thực hiện việc hoằng pháp hiệu quả, nhằm góp phần cùng với chính quyền trong công cuộc đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân, thông qua tinh thần từ bi và trí tuệ của Phật giáo. 5. PHẬT GIÁO VIỆT NAM VỚI VẤN ĐỀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ Phật giáo Việt Nam hiện nay đang có nhiều điều kiện thuận lợi để khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội, có nhiều cơ hội để ngày càng phát triển không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài, tạo ảnh hưởng và uy tín đối với cộng đồng quốc tế. Đó là một thuận lợi rất lớn, một điều kiện cơ bản và vững chắc để xây dựng Phật giáo Việt Nam ngày càng một trang nghiêm và vững mạnh [16]. Trong thời kỳ Đổi mới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã và đang cố gắng mở rộng hoạt động giao lưu quốc tế trong tinh thần hòa bình, hữu nghị và đoàn kết với các tổ chức Phật giáo ở nhiều quốc gia và nhiều tôn giáo khác. Các hoạt động quốc tế giúp tăng cường trao đổi thông tin, góp phần hiểu biết lẫn nhau, mở rộng giao lưu, thể hiện tình đồng đạo của những người cùng chung đức tin và tinh thần yêu hoà bình, thiện chí hợp tác hữu nghị vì lợi ích của đất nước và Phật giáo. Nhờ có các quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tạo được uy tín nhất định với các quốc gia có chung đạo Phật, đào tạo được đội ngũ tăng tài có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và một số lượng khá lớn Tăng Ni đang theo học đại học Phật học ở nước ngoài [17]. Bối cảnh quốc tế vĩ mô với những xu hướng toàn cầu hóa thông qua các siêu lộ thông tin, đa cực hóa các vùng kinh tế, thương mại, hẳn sẽ là môi trường và tác lực gián tiếp đưa đến một chuyển mình bức thiết hướng đến hội nhập thế giới của Phật giáo Việt Nam nói chung và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng [18]. Các Đại hội Hội Liên Hữu Phật giáo Thế giới (WFB), Hội Liên Hữu Thanh niên Phật giáo Thế giới (WFBY) và Hội đồng Phật giáo Thế giới (WBU) tại các kỳ họp gần đây cho thấy có sự xích lại gần nhau của những người theo đạo vì một nền hòa bình và thịnh vượng cho mọi người dân trên hành tinh. Phật giáo ở các nước đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong hoạt động đối ngoại và quốc tế. Các giá trị từ bi và hoà hợp, hoà bình và hữu nghị của Phật giáo được Liên Hiệp Quốc tôn vinh và phát huy. Phật giáo ngày càng có vai trò góp phần trung hoà, hoá giải và đoàn kết giữa các lực lượng tôn giáo cũng như hệ tư tưởng khác biệt trên thế giới. Quá trình hiện đại hóa đất nước đã đang diễn ra trên mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống nhưng làm sao hiện đại hóa nhưng vẫn giữ được truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc là yêu cầu cấp thiết. Sự từ chối hội nhập và hiện đại hóa là không thể, nhưng hội nhập và hiện đại hóa mà mất đi nét riêng lại càng không thể chấp nhận. Hai quá trình này cần phải thấy có tính chất song hành, không loại trừ lẫn nhau. 6. MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ GIẢI PHÁP ĐỂ PHẬT GIÁO VIỆT NAM PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP Giáo hội cần tiếp tục tìm tòi, triển khai các hình thức hoằng pháp phong phú, vận dụng và phát huy giáo lý nhà Phật một cách có hiệu quả để tín đồ Phật tử cùng với chư Tăng Ni đưa những bài học giáo pháp vào cuộc sống, góp phần xây dựng một đời sống xã hội nhân ái, an lạc cho mọi người. Bên cạnh hình thức thuyết giảng truyền thống, cần đẩy mạnh hoạt động hoằng pháp trong các dịp lễ hội, tiếp tục tổ chức hoằng pháp ngay trong các hoạt động của thanh thiếu niên Phật tử (như trong các khóa tu mùa hè, Tết Trung thu, tư vấn mùa thi…) và trong các sự kiện văn hóa – tôn giáo ở địa phương. Việc đa dạng và hiện đại hóa các công cụ, phương tiện hoằng pháp, nhất là phương tiện truyền thông đa phương tiện cũng góp phần làm tăng hiệu quả cho hoạt động này. Phật giáo Việt Nam hiện nay đã và đang đi trên con đường hội nhập quốc tế với nhiều thành tựu. Tiến trình hội nhập của Phật giáo thể hiện rõ nhất là các sự thăm viếng và học tập qua lại với quốc tế ngày một tăng của tu sĩ Phật giáo Việt Nam. Điều đó thúc đẩy các tu sĩ Phật giáo cần thiết học và nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học. Đặc biệt, trong hoằng pháp, các tu sĩ Phật giáo giờ đây đã sử dụng công nghệ thông tin để hoằng pháp, hình thức tổ chức tập hợp cũng đã vượt ra khỏi tầm mức từng ngôi chùa riêng lẻ để mở những đạo tràng cách xa nơi trụ trì, thậm chí vượt qua đường biên giới. Đây là nét rất mới trong hoằng pháp. Một mặt khác, các cấp hành chính đạo của GHPGVN ngày một được kiện toàn, được chỉ đạo khá sát sao của Hội đồng Trị sự Trung ương khiến cho sự hòa hợp giữa Phật giáo cả nước đồng đều, không gián đoạn, sự di chuyển của các nhà sư nhìn chung đã không còn bị rào cản tâm lý vùng miền, sơn môn pháp phái chi phối. Việc làm cho hài hòa các mối quan hệ là điều cần được lưu tâm, giữa quan hệ của các tu sĩ theo thứ bậc trong tổ chức của GHPGVN và mối quan hệ theo sơn môn, tổ đình cũng như giữa các vùng miền. Công tác an sinh xã hội của Phật giáo đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên về phía GHPGVN cũng cần có những định hướng, chuẩn bị các dự án về từ thiện, an sinh xã hội, chủ động đề xuất các mô hình, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và y tế, nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần; hỗ trợ phát triển các cơ sở giáo dục mầm non,… Giáo hội cần đề ra chiến lược phát triển lực lượng làm công tác từ thiện xã hội bằng việc đào tạo những người mang hạnh nguyện Bồ tát này. GHPGVN rất cần có những vị Tăng Ni trẻ cũng như các thanh thiếu niên Phật tử làm công tác thiện nguyện được đào tạo có bài bản, có kiến thức, chứ không chỉ có tinh thần tự nguyện mà thiếu kỹ năng chuyên môn. Các lễ hội Phật giáo cũng còn một số tồn tại khiến cho lễ hội Phật giáo thiếu đi sự linh thiêng vốn có. Tình trạng xâm lấn di tích, xây dựng, sửa chữa sai quy hoạch ở đây đó vẫn còn tồn tại, tuy đã giảm hơn thời gian trước đây. Công tác trùng tu tôn tạo chùa, tự viện thiếu thẩm mỹ, thiếu tính khoa học sẽ làm hỏng cảnh quan, nhưng cũng cần tránh tình trạng vì khó khăn trong việc tiến hành các thủ tục, vì thiếu kinh phí mà để di tích xuống cấp nghiêm trọng không thể cứu vãn được. Trước sự phát triển và hội nhập mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực như hiện nay, Phật giáo Việt Nam thực sự cần thiết xác định những thuận lợi và thách thức của mình để có được những định hướng phù hợp nếu muốn bắt kịp trào lưu chung của quốc tế và có những đóng góp đối với xã hội, với sự phát triển bền vững của đất nước thì Phật giáo cần phải hội nhập xã hội với một cách tiếp cận mới, mà trong đó những tri thức mới, tri thức tiến bộ là điều không thể thiếu. Các biện pháp từ bên ngoài sẽ không đem lại một kết quả như ý, chủ yếu cần có sự quan tâm từ bản thân các cá nhân trong Giáo hội với một tinh thần đoàn kết, quan tâm đến sự phát triển chung của Giáo hội, vì một Giáo hội vững mạnh./.
TS. Nguyễn Ngọc Thuận, TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 396Chú thích và tài liệu tham khảo: [1] Nguyễn Đức Sự (1986), “Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam”, Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Viện Triết học, Hà Nội, tr.50. [2] Nguyễn Tài Thư (1996), “Phật giáo ở Việt Nam – những vấn đề đặt ra hiện nay”, Tôn giáo tín ngưỡng hiện nay – mấy vấn đề lý luận và thực tiễn cần thiết, Trung tâm Thông tin Tư liệu – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr.93-94. [3], [6] Nguyễn Hùng Hậu, “Ảnh hưởng của Phật giáo đối với hệ tư tưởng con người Việt Nam hiện nay”, Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tr.238. [4] Trần Mạnh Đức (1996), Góp phần tìm hiểu Phật giáo Việt Nam, in trong cuốn Về tôn giáo và tín ngưỡng Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.245. [5] Xem: Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên, 1996), Bảng điều tra nhu cầu tôn giáo so với các nhu cầu thiết thân khác, in trong cuốn Về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hiện nay, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.158-171. [7] Cương lĩnh của hội nghị gia đình Phật tử: “Vì lý tưởng cao cả của gia đình Phật tử, chúng ta sẽ không từ chối một gian lao khổ ải nào hết. Dưới tay chúng ta hiện nay đang có từng ngàn, rồi đây từng vạn con em mà phụ huynh giao phó cho chúng ta uốn nắm, che chở, vun xới, những phần tử ưu tú của mọi giới Phật tử và cửa xứ sở đang phó thác cuộc đời cho chúng ta dìu dắt, chúng ta phải làm thế nào cho xứng đáng với sứ mệnh ấy” Tài liệu Hội nghị huynh trưởng ngày 8/4/1994 của gia đình Phật tử Đà Nẵng, tr.8. Theo Nguyễn Hùng Hậu: “Mục đích tôn chỉ của gia đình Phật tử Việt Nam khẳng định đây là một tổ chức giáo dục, đào tạo thanh thiếu niên trở thành những người Phật tử chân chính để phụng sự đạo pháp, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo. Họ tuyên bố tổ chức của họ từ trước tới nay là một đoàn thể thiện ái và nhân bản, vượt trên mọi quan điểm dị biệt về chính trị, xã hội. Chí hướng của họ là góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, đào tạo và giáo dục thanh thiếu niên giữ được truyền thống đạo đức dân tộc khỏi bị ảnh hưởng bởi những luồng gió độc mang theo nếp sống truỵ lạc, đầy dục vọng và cạm bẫy làm băng hoại và tha hoá đạo đức các thế hệ thanh thiếu niên”, Sđd, tr.245. [8] Hình ảnh Ông Bụt trong truyện Tấm Cám – một truyện cổ dân gian Việt Nam mang màu sắc tín ngưỡng Phật giáo. Câu chuyện cổ dân gian chỉ ra rằng ở đâu có đau khổ và bất công, ở đấy có ánh sáng từ bi và trí tuệ của đạo Phật cứu giúp. Việc thờ Bà Tấm và huyền tích Bà Ỷ Lan ở suốt một dải các làng ở Gia Lâm – Hà Nội: Theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng thì “Chuyện sử Bà Ỷ Lan được dân gian ca tụng là Quan Âm Nữ được xem là chuyện dân gian cô Tấm miền kinh Bắc”. Trần Quốc Vượng: “Tản mạn quanh vấn đề: Phật giáo và văn hoá Việt Nam (dân gian)”, Phật giáo và Văn hoá dân tộc, Phân viện nghiên cứu Phật học, tháng 12/1989. Đỉnh cao của sự Việt Nam hoá tư tưởng của Phật giáo, có thể coi là việc người Việt đã chuyển đức Bồ Tát Quan Thế Âm thành Quan Âm Thị Kính và đã được chuyển thành kịch bản cho các vở chèo, cải lương mà nhân vật Thị Kính là hiện thân của Phật Quan Âm tống tử, cũng là điển hình cho đức tính cao thượng, nhân ái, vị tha của người phụ nữ Việt Nam. [9] “Bao giờ cạn nước Đồng Nai/ Nát chùa Thiên mụ mới sai lời nguyền”; “Tây Ninh có núi Bà Đen/ Có sông Vàm Cỏ, có tòa Cao Sơn”; “Đông Ba, Gia Hội hai cầu/ Có chùa Diệu Đế bốn lầu hai chuông”; “Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ/ Xem cầu Thê Húc, xem Chùa Ngọc Sơn”… [10] “Đêm đêm khấn nguyện Phật trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con”; “Tu đâu mà bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu…” [11] Trong nguồn thư tịch cổ của Trung Quốc ghi chép khá rõ ràng như cuốn “Tùy thư địa chí” đã viết về lễ tết và phong tục tập quán của người Việt cổ vào khoảng thế kỷ đầu, sau công nguyên như sau: “Năm nào đến ba ngày Nguyên đán, người ta cũng dọn cỗ bàn linh đình cúng tổ tiên, trai gái ăn chay, và dùng hương hoa niệm Phật, rồi rủ nhau chơi đu ném còn, hát múa, kéo co, bên nào được cuộc thì uống rượu, bên nào thua cuộc thì phải chịu uống nước lã”; Hoặc: “Tháng bảy làm hình mã đốt cúng vong hồn. Trong làng xóm có hội đua thuyền. Tháng tám nhà nông giết trâu bò, tế thần đất, nói kệ, bầy tượng, chơi trò leo cột, đập tay, hay làm lễ Phật cầu yên”. [12] Theo “Thiền uyển tập anh ngữ lục”, đến khoảng thế kỷ VI thì Luy Lâu (nay thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh), là trung tâm Phật giáo lớn nhất Việt Nam với “hơn 20 ngọn bảo tháp, độ được 15 bộ kinh”. [13] 13 Theo Báo cáo Tổng kết công tác Phật sự năm 2019 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngày 25/12/2019: Tổng số tiền từ thiện xã hội năm 2019 đạt được là 2.405.948.358.500đ. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh trên 500 tỷ đồng; Phân ban Ni giới Trung ương và các tỉnh trên 400 tỷ đồng. Theo Báo cáo Tình hình, kết quả các tôn giáo tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và một số kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngày 14/4/2020 của Ban Thường trực UBTWMTTQVN: Tính đến ngày 10/4/2020, tổng số tiền, hàng, thiết bị y tế do GHPGVN và BTS GHPGVN các tỉnh, thành phố ủng hộ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ước đạt hơn 40 tỷ đồng. Năm 2020, Giáo hội Phật giáo đã ủng hộ Quỹ an sinh xã hội của UBTW MTTQ VN 70 tỷ đồng và ủng hộ Quỹ Vì người nghèo gần 3 tỷ đồng. [14] Theo Báo cáo Tổng kết công tác Phật sự năm 2019 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngày 25/12/2019: Các lớp học tình thương (12 lớp, 5.678 học sinh); trường nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, phục hồi chức năng, nuôi trẻ em ảnh hưởng chất độc màu da cam (49 cơ sở, 1.429 em); Trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn (15 Trung tâm, 527 cụ già); Trường dạy nghề (02 Trường, đào tạo 390 học viên); Các Trung tâm tư vấn người nhiễm HIV/AIDS… trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều hoạt động ổn định, có kết quả. Hệ thống Tuệ Tĩnh đường, phòng khám Đông Tây y, phòng thuốc Nam trong toàn Giáo hội đều hoạt động có hiệu quả, đã khám bệnh và phát thuốc cho hàng chục ngàn bệnh nhân, tổng trị giá khám và chữa bệnh hàng tỷ đồng. [15] Xem: Trần Hồng Liên, Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, cơ hội và thách thức, Viện KHXH vùng Nam Bộ, TP HCM, 2007. [16] Xem thêm: Phật giáo với văn hóa xã hội Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008, tr.59. [17] Xem tham luận của TT. Thích Bảo Nghiêm Phó Chủ tịch – Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tại Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 tại Việt Nam. [18] Xem: Phật giáo Việt Nam Chuyển mình trong Thời đại mới, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, 2007.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |