Chi tiết tin tức

Phật thạch bàn - loại hình di sản độc đáo của Việt Nam

15:27:00 - 18/11/2024
(PGNĐ) -  Sự cố cháy chùa Phổ Quang (chùa Xuân Lũng, ở xã Xuân Lũng, H.Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) vào ngày 23-10-2024 đã để lại nhiều đau xót tiếc nuối cho những người yêu quý di sản Phật giáo, di sản văn hóa dân tộc.

Vụ hỏa hoạn chùa Phổ Quang đã thiêu rụi chính điện, cùng với 27 pho tượng Phật cổ. Riêng bảo vật quốc gia là bệ đá hoa sen (Phật thạch bàn, thạch bàn) trong ngôi già-lam hơn 800 năm tuổi vẫn còn, nhưng ảnh hưởng sức nóng của lửa đã bị vỡ một số cánh hoa. 

Nhân dịp này, người viết giới thiệu thêm về các bệ thờ bằng đá hình hộp chữ nhật vào thời Trần - loại hình di sản độc đáo của Phật giáo và dân tộc.

Phật thạch bàn trong di sản văn hóa Phật giáo

Trong di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, bệ đá tòa sen, hay còn gọi là Phật thạch bàn, mang giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng, với hơn hai mươi chiếc còn được lưu giữ trong những ngôi chùa thuộc vùng tả ngạn sông Đáy. 

Theo nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu Hà Văn Tấn, Trần Lâm Biền, Chu Quang Trứ đăng trên tạp chí Khảo cổ học và tạp chí Nghiên cứu lịch sử; cũng như hồ sơ di tích của nhiều ngôi chùa có bệ đá tòa sen: đặc trưng chung của các bệ đá đều có hình hộp chữ nhật, được tạc từ phiến đá nguyên khối, mặt bệ chạm khắc tòa sen, niên đại từ cuối thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI. Tất cả các bệ đá đều kết cấu thành ba phần chính: mặt bệ, thân bệ, đế bệ. Mặt bệ là tòa sen với hai lớp cánh ngửa, một lớp cánh úp tạo thành một tòa sen khổng lồ đã mãn khai, lớp cánh ngoài rủ xuống, trong khi lớp cánh trong vẫn vây lấy đài hương. 

Một số nhà khoa học cho rằng đây là bệ ngồi của tượng Tam thế (vì hiện tại trên một số bệ đá thấy vẫn còn bày ba pho Tam thế), nên đặt tên là “Bệ đá Tam thế”. Nhưng theo một số nhà nghiên cứu khác, thì cách gọi này không chuẩn xác, vì đây vốn là nhang án chứ không phải bệ tượng. Trên bệ đá chùa Bối Khê có khắc tên di vật “thạch bàn”, còn chùa Chân Nguyên ghi chữ: “dữ vi Phật khứ”.

Bệ đá hoa sen (Phật thạch đá) chùa Phổ Quang, bảo vật quốc gia - Ảnh: BTLS
Bệ đá hoa sen (Phật thạch đá) chùa Phổ Quang, bảo vật quốc gia - Ảnh: BTLS

Bệ đá tòa sen thường tọa lạc trong những ngôi chùa làng, mà hầu như không thấy xuất hiện trong những ngôi quốc tự hay những ngôi chùa do triều đình phong kiến xây dựng. Trên những bệ đá có ghi khắc văn tự, chữ viết thường nguệch ngoạc, nét không đều, không chuẩn tắc, khác hẳn văn tự trên bi ký. Cho thấy bệ đá hoàn toàn là sản phẩm của các thợ khắc đá nơi làng quê, nên mang tính chất nghệ thuật dân gian. 

Nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ nhận định: “Khoảng cuối thời Trần có một hiệp thợ chạm khắc đá ở tả ngạn sông Đáy thuộc tỉnh Hà Đông cũ đã làm cho vùng quê mình những chiếc bệ đá hoa sen hình hộp có ghi niên đại hẳn hoi, để ở các chùa làng…”. Có thể trong chùa làng thời ấy thường chưa có tượng Phật, chỉ thờ tranh Phật hoặc chữ Phật, nên bệ đá thường được đặt sát phía tường trong của thượng điện. Những nhang án đá có niên đại muộn thường được đẩy về phía trước, càng khẳng định chức năng bàn thờ của bệ đá.

Trong số hơn hai mươi bệ đá hiện còn, chỉ tám chiếc có khắc năm chế tác, và bảy chiếc có niên đại vào thời Trần. Bệ đá cổ nhất thuộc về chùa Hương Trai (Hoài Đức, Hà Nội) làm tháng giêng năm 1370, tiếp theo lần lượt là các bệ: bệ chùa Giao Thông (Ứng Hòa, Hà Nội) làm cuối năm 1370; bệ chùa Cát Quế (Hoài Đức, Hà Nội) năm 1374; bệ chùa Thắng Phúc (Thanh Oai, Hà Nội) năm 1375; bệ chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội) năm 1382; bệ chùa Đại Bi Thôn Trung (Ứng Hòa, Hà Nội) năm 1382; bệ chùa Phổ Quang (Lâm Thao, Phú Thọ) năm 1386; và bệ chùa Nhạn Tháp (Văn Giang, Hưng Yên) năm 1578.

Bệ đá hoa sen chùa Thầy có tòa sen lớn nhất Việt Nam, được chế tác trong khoảng thời gian từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI - Ảnh: CMK
Bệ đá hoa sen chùa Thầy có tòa sen lớn nhất Việt Nam, được chế tác trong khoảng thời gian từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI - Ảnh: CMK

Bệ thời Trần có chiều cao thường tương đương với chiều rộng của mặt bệ, số đo dao động từ 110cm đến 136cm. Số đo của chiều dài bệ thường gấp 2-3 lần chiều rộng. Hầu hết các bệ đá đều có hình khối hộp chữ nhật. Duy nhất bệ đá chùa Thầy kết cấu thành hai tầng bệ đá với hai khối hộp chữ nhật, khối trên tương tự những bệ đá của các ngôi chùa khác, tầng dưới là một khối hộp lớn rộng 275cm, dài 391cm, cao 44cm, hình thức cũng theo “motif” chân quỳ dạ cá. Nhờ kết cấu hai tầng bệ, mà bệ đá chùa Thầy trở thành bệ đá tòa sen lớn nhất Việt Nam.

Những bệ đá không khắc ghi năm chế tác đều có niên đại muộn hơn, được làm trong thời gian từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI, đồng thời cũng đa dạng về tạo hình hơn so với những bệ có khắc niên đại. Tập hợp bệ này phân bố trên địa bàn rộng hơn, phía Tây Bắc có mặt ở Yên Bái, phía Đông Nam vào tới tận huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, những xu hướng khác nhau về tạo hình thể hiện rõ nét, có bệ biến tấu thành hình chữ nhật dài bẹt (chùa Diên Phúc, chùa Hồng An), có bệ lại hình lập phương (chùa Hoa Long, chùa Thầy).

Những bệ đá hình hộp tiêu biểu

Trong số khoảng hơn 20 Phật thạch bàn thời Trần hiện còn lại, người viết xin giới thiệu một số tòa sen hình hộp tiêu biểu, độc đáo.

Bệ đá cổ nhất có khắc niên đại cụ thể hiện được bảo tồn tại chùa Hương Trai, tọa lạc tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Chùa Hương Trai đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1964, là một công trình thuộc loại quý hiếm, đặc trưng về mặt kiến trúc và hệ thống tượng khí giá trị. Trong chùa Hương Trai, số lượng tượng thờ khá phong phú, đầy đủ đa phần mang phong cách thời nhà Nguyễn.

Bệ đá chùa Hương Trai (Hoài Đức, Hà Nội) làm tháng Giêng năm 1370, được xem là cổ nhất hiện nay - Ảnh: CMK
Bệ đá chùa Hương Trai (Hoài Đức, Hà Nội) làm tháng Giêng năm 1370, được xem là cổ nhất hiện nay - Ảnh: CMK

Trong đó, giá trị nhất là bộ tượng Tam thế, ngực đeo anh lạc và các tòa sen có tạo cánh no tròn, phần nào lại gần gũi phong cách thời Mạc. Trong các di vật tại chùa, đáng chú ý là bệ sen khối hộp mang phong cách thời Trần, bệ có kích thước cao 1,60m, mặt rộng 1,32m và dài 3,66m, bên trên là nơi đặt bệ Tam thế Phật. Bệ trang trí các cánh sen no tròn, các cánh sen cuộn với đầu mặt nhẵn ở giữa, phần thân có chim thần Garuda ở góc, phần giữa thân bệ chạm bốn ổ rồng uốn lượn. Bệ đá có nhiều hoa văn đặc thù của thời Trần. Trên bệ đá có ghi việc cúng ruộng và tiền cho nhà chùa niên hiệu Đại Trị thứ 32 (1360) và tạo dựng bệ đá vào năm 1370. 

Bệ đá hình hộp ở chùa Xuân Lũng

Chùa Xuân Lũng (Phổ Quang tự), tọa lạc trên một quả gò thuộc xóm Chùa, thuộc xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Chùa Xuân Lũng được xây dựng vào khoảng đầu thời Trần, trải qua nhiều lần tu sửa, lần tu sửa lớn nhất vào năm 1626 và lần gần đây nhất vào tháng 4 năm 2021. Ngôi chùa có niên đại trên 800 năm và còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị.

Di sản kiến trúc đáng chú ý nhất của chùa Phổ Quang là bệ đá hoa sen ghép từ 71 phiến đá xanh trạm trổ kỳ công, đặt ở giữa chùa, cấp trên đỡ ba tòa Tam thế. Đây là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm phong cách thời Trần. Bệ đá hoa sen cấu tạo hình chữ nhật, kích thước cao 1,05m, rộng 1,25m, dài 3,30m. Trong đó, cánh sen được cách điệu là đề tài chủ yếu, chiếm vị trí chủ đạo trong nghệ thuật điêu khắc bệ đá. Cùng với hình ảnh bông sen, cuộc sống trần thế cũng được miêu tả sinh động qua các họa tiết dân gian như: Cá lượn, sư tử vờn, hươu cặp cành hoa hải đường nở xòe… Bốn góc bệ, tầng ba, tầng bốn có bốn linh điểu nhân vững chãi, dưới ngực có bốn lá đề cách điệu, trán khắc chữ “vương”, cổ chân và thân đều thắt hoa…

Vụ hỏa hoạn chùa Phổ Quang hôm 23-10-2024 đã thiêu rụi chính điện, cùng với 27 pho tượng Phật cổ. Riêng bảo vật quốc gia là bệ đá hoa sen vẫn còn, nhưng ảnh hưởng sức nóng của lửa đã bị vỡ một số cánh hoa
Vụ hỏa hoạn chùa Phổ Quang hôm 23-10-2024 đã thiêu rụi chính điện, cùng với 27 pho tượng Phật cổ. Riêng bảo vật quốc gia là bệ đá hoa sen vẫn còn, nhưng ảnh hưởng sức nóng của lửa đã bị vỡ một số cánh hoa

Đây là một cổ vật không chỉ có giá trị nghệ thuật điêu khắc đá mà trên đó còn khắc ghi các dòng chữ Hán ghi niên đại có thể được coi là bức thông điệp của ông cha để lại cho thế hệ hôm nay những thông tin về một giai đoạn lịch sử cách đây trên 600 năm, giúp chúng ta khẳng định một cách chính xác về niên đại và những người góp phần công đức tạo nên tác phẩm nghệ thuật có giá trị bậc nhất của tỉnh Phú Thọ. Tầng 3 của bệ đá hoa sen ghi: “Xương Phù thập niên, Đinh Mão tuế, nhị nguyệt, thập nhị nhật, điền chủ tiểu học chi hầu Nguyễn Chiêu tự viết Ngộ Không cư sĩ, tịnh thê Nguyễn Thị Sửu tự viết Công Tín tu tạo khánh tịnh thạch tòa vi Tam bảo”. (Ngày 12 tháng 2 năm Đinh Mão niên hiệu Xương Phù thứ 10 (1388) điền chủ Học Chi hầu Nguyễn Chiêu và vợ là Nguyễn Thị Sửu cung tiến khánh đá tòa Tam bảo). Ô số 4 mặt trước bệ đá ghi: “Sử đài điền ngự thư hà chính thư Nguyễn Nạp tự viết Đạo Cư sĩ cộng tạo ban thạch hoàng tòa cư Tam bảo”. (Sử đài điền ngự thư hà chính thư tên là Nguyễn Nạp tự là Đạo Cư sĩ cùng cung tiến tòa đá Tam bảo vào chùa).

Bệ đá hoa sen chùa Xuân Lũng là tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật đặc sắc, hiếm hoi còn lại của thời Trần. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thực tiễn đặc biệt này, tại Quyết định số 2198/QĐ-TTg ban hành ngày 25-12-2021 của Chính phủ, bàn thờ Phật bằng đá tại chùa Xuân Lũng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia. 

Chu Minh Khôi

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin