Chi tiết tin tức

Sự giao thoa giữa Phật giáo và Chu Dịch trong triết học Trung Quốc

22:13:00 - 10/06/2024
(PGNĐ) -  Chu Dịch là một trong những kinh điển bản địa được dùng để giải thích giáo lý của đạo Phật và ngược lại, dùng triết học Phật giáo để giải thích Chu Dịch.

DẪN NHẬP
Vào thời kỳ Phật giáo mới du nhập vào Trung Quốc, các vị tu sĩ Phật giáo thường mượn các khái niệm từ kinh điển bản địa để giải thích kinh điển Phật giáo như, dùng “Vô-无” để giải thích “Không-空”, dùng “Trí tuệ-智慧” để giải thích “Bát nhã-般若”, dùng “Vô vi-无为” để giải thích “Niết bàn-涅槃”… Đây là hiện tượng “Phật giáo cách nghĩa”. Chu Dịch là một trong những kinh điển bản địa được dùng để giải thích giáo lý của đạo Phật và ngược lại, dùng triết học Phật giáo để giải thích Chu Dịch. Bài viết này chỉ đề cập đến những luận điểm sơ lược về sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa Phật giáo và Kinh Dịch.

Khi nhận thức về Phật giáo ngày càng sâu sắc, nhiều tông phái Phật giáo đã sử dụng Kinh Dịch như một tác phẩm triết học của Nho giáo để tiếp tục dung hòa triết học Phật giáo với Nho học.

SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA CHU DỊCH ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO
Chúng ta đều biết rằng trong các kinh điển cổ điển của Trung Quốc, Kinh Dịch rất được xem trọng, nó  được mệnh danh là “quần kinh chi thủ”. Người Trung Quốc bình thường – từ người bán hàng rong đến trí thức – đều có hiểu biết nhất định về nó, do đó lấy Kinh Dịch làm nền tảng có thể đạt được mục đích truyền bá Phật giáo ở mức độ tối đa.

Theo tài liệu lịch sử hiện có [1], Khương Tăng Hội thời Tam Quốc là người đầu tiên sử dụng Kinh Dịch để giải thích Phật giáo. Khương Tăng Hội truyền giáo ở nước Ngô, vua Ngô không tin Phật pháp, hỏi rằng: “Phật giáo nói về thiện ác báo ứng, điều đó có đúng không?”.

Chúng ta đều biết rằng trong các kinh điển cổ điển của Trung Quốc, Kinh Dịch rất được xem trọng, nó được mệnh danh là “quần kinh chi thủ”. Người Trung Quốc bình thường – từ người bán hàng rong đến trí thức – đều có hiểu biết nhất định về nó, do đó lấy Kinh Dịch làm nền tảng có thể đạt được mục đích truyền bá Phật giáo ở mức độ tối đa.

– Khương Tăng Hội trả lời: “Kinh Dịch nói rằng tích thiện ắt có phúc báo; Kinh Thi nói: ‘Cầu phúc không trở về’. Mặc dù đây là lời răn trong Nho giáo, nhưng cũng là lời dạy rõ ràng của Phật giáo”.
– Vua Ngô lại hỏi: “Nếu vậy, thì Chu Khổng [2] đã nói rõ ràng, cần gì đến Phật giáo?”.
– Khương Tăng Hội trả lời: “Chu Khổng chỉ nói sơ lược về những điều gần gũi; còn Phật giáo thì giải thích chi tiết những điều huyền bí. Do đó, làm điều ác sẽ có địa ngục chịu khổ lâu dài, tu thiện sẽ có cõi trời hưởng lạc vĩnh viễn. Nêu ra điều này để khuyên răn mọi người chẳng phải là điều nên làm sao?”.

Tại đây, Khương Tăng Hội đã liên kết quan điểm về nhân quả báo ứng của Phật giáo với tư tưởng tích thiện ắt có phúc báo, tích ác ắt có tai ương trong Kinh Dịch. Đây là một cách “quyền thuyết” mượn Kinh Dịch để giải thích Phật giáo.

Khi nhận thức về Phật giáo ngày càng sâu sắc, nhiều tông phái Phật giáo đã sử dụng Kinh Dịch như một tác phẩm triết học của Nho giáo để tiếp tục dung hòa triết học Phật giáo với Nho học. Ví dụ: Lý Thông Huyền [3] thuộc tông Hoa Nghiêm đã sử dụng Kinh Dịch để giải thích Kinh Hoa Nghiêm, đặc biệt là sử dụng ý nghĩa của quẻ Càn để giải thích, ảnh hưởng lớn đến các học giả thời Tống. Tông Mật, vị tổ thứ năm của Hoa Nghiêm và là đệ tử đời thứ tư của Thiền phái Hà Trạch, đã so sánh Càn với Đức Phật, Ngũ thường với Ngũ giới, cố gắng truyền bá Phật pháp bằng cách sử dụng Kinh Dịch.

Tuy nhiên, trong số những người có mối quan hệ mật thiết nhất với Kinh Dịch, có thể kể đến hai trường phái: Pháp Tạng thuộc tông Hoa Nghiêm chú trọng vào nghĩa lý và Thiền tông Tào Động chú trọng vào tượng số.
Pháp Tạng [4] thuộc tông Hoa Nghiêm chịu ảnh hưởng của Kinh Dịch: “Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái” để giải thích thuyết Duyên khởi pháp giới, hình thành nên thuyết A-lại-da thức khác với Phật giáo Ấn Độ, từ đó đối lập với quan điểm Chân như là vô vi pháp của Pháp tướng tông. Trong thuyết Duyên khởi pháp giới, Pháp Tạng đã xây dựng một cấu trúc tương tự như “một sinh hai, hai sinh bốn, bốn sinh tám” trong Kinh Dịch.

Một nhánh của Thiền tông “Ngũ diệp” [5] là Tào Động tông, từ Thạch Đầu Hi Diên đến Tào Sơn, họ đã tiếp cận Dịch học thời Hán từ tác phẩm “Tham Đồng Khế” của Viên Bá Dương, đưa mô hình tượng số của Dịch học vào Phật giáo, đồng thời mượn lý thuyết Âm Dương giao cảm của Dịch học để diễn đạt ra các loại Viên tướng và Quẻ đồ khác nhau nhằm giải thích mối quan hệ giữa lý và sự, thể và dụng. Hi Diên được gợi ý từ quẻ Ly và quẻ Khảm trong “Chu Dịch Tham Đồng Khế”, ông đã đưa hai quẻ này vào Thiền môn, sử dụng “Ly minh Khảm ám” để giải thích mối quan hệ giữa sáng và tối, giữa lý và sự.

Thiền sư Bản Tịch của Tào Sơn sử dụng biểu đồ hình tròn năm màu đen trắng để biểu thị “Ngũ vị quân thần”. Thiền sư Nguyên Hiền thuộc dòng Tào Động đã chú giải cho tác phẩm “Tham Đồng Khế” của Thạch Đầu Hi Diên. Ông chú trọng vào bốn quẻ Càn, Khôn, Tốn, Đoài xuất phát từ quẻ Ly, cùng với quẻ Ly tạo thành “Ngũ vị quân thần đồ” mới với các vị trí: chính trung phiến, phiến trung chính, kiêm trung chí, kiêm trung đáo, chính trung lai [6]. Ngũ vị tổng đồ dung hợp “A-lại-da thức viên tướng đồ” của Quế Phong Tông Mật và “Ngũ vị quân thần đồ” của Tào Động tông, thể hiện mối quan hệ vừa thống nhất vừa tương tác giữa thể và dụng, lý và sự.

Tông Mật sử dụng đạo sinh thành vũ trụ của Dịch lý “Thái Dịch → Thái Cực → Lưỡng Nghi” để so sánh với đạo duyên khởi sinh thành vạn pháp của Phật giáo “A-lại-da thức → Nghiệp tướng nhất niệm → Tâm cảnh tam phân”. Do bản thân tượng số của Chu Dịch đã rất huyền bí, nên tượng số Phật giáo được cải biến từ tượng số của Chu Dịch càng trở nên bí ẩn khó lường. Do đó, tư tưởng Thiền học của tông Tào Động cũng ngày càng trở nên khó hiểu và khó giải thích.

Một vị cao tăng khác là Trí Húc [7] đã chứng kiến sự suy tàn của các tông phái Phật giáo khác ngoài Tịnh Độ tông. Đặc biệt là Thiền tông, với truyền thống “truyền tâm ấn tâm, bất lập văn tự” đã bị biến tướng một cách tồi tệ. Các thiền sư không học kinh, không thiền định, chỉ dùng những lời quát mắng, gõ mõ để thị uy. Qua hàng trăm năm lưu truyền, những lời quát mắng này đã mất đi ý nghĩa ban đầu, trở thành trò lừa bịp của những kẻ vô học để che đậy sự thiếu hiểu biết của mình, khiến những người có tri thức vô cùng phẫn nộ. Về vấn đề này, Vân Thê Châu Hoằng [8] từng mỉa mai rằng: “Người xưa quát mắng, chỉ để khơi gợi tâm trí con người. Một lời quát mắng, khiến người ta bừng tỉnh. Không như người nay, lấy việc đánh đập người khác làm trò tiêu khiển.”

Trí Húc đại sư tự nhận mình là “bác sĩ cứu Thiền” và đưa ra “phương thuốc cứu Thiền” gồm hai phương diện. Về nội bộ Phật giáo: Dung hòa các tông phái, nhấn mạnh sự kết hợp giữa tính và tướng, Thiền và Giáo, Thiền và Tịnh. Về bên ngoài Phật giáo: Chủ trương Nho – Phật là một, Tam giáo đồng nguyên. Ông chủ trương lấy Phật giải Nho, dùng Phật giáo để giải thích Nho giáo. Trong tập sách “Linh Phong Tông Luận” của ông, có rất nhiều ví dụ về việc dùng Phật giáo để giải thích Kinh Dịch. Ông viết “Chu Dịch thiền giải”, dùng Phật giáo để giải thích Kinh Dịch, nhưng thực ra ông đang mượn “xác” của Kinh Dịch để trả lại “hồn” cho Thiền tông. Điển hình nhất là ông đã lồng khái niệm Tứ tất đàn [9] vào trong tác phẩm của mình, dùng hình ảnh Âm Dương của Phục Hy để giải thích “Thế giới tất đàn”, là phương pháp tùy thuận thế gian, tức là dùng những quan niệm và ngôn ngữ chung của thế gian để giải thích đạo lý duyên khởi. “Phục Hy chỉ vạch ra quẻ mà không có lời, lập ra hình ảnh Âm Dương, tùy theo người mà giải thích, đó là Thế giới tất đàn” [10]. Ông lại dùng ý nghĩa Thoán Từ của Văn Vương để giải thích “Vị nhân tất đàn”, là ứng với căn cơ riêng biệt của chúng sinh, nói về các pháp môn tu tập xuất thế, khiến chúng sinh phát khởi thiện căn. “Thoán Từ của Văn Vương, cát nhiều mà hung ít, nêu ra đại cương để sinh thiện, đó là Vị nhan tất đàn” [11]. Trí Húc đại sư dùng lời giải thích của Chu Công về hào từ để giải thích “Đối trị tất đàn”, là đối với lòng tham, sân, si của chúng sinh, ta nên đối trị chúng bằng cách sử dụng đúng “thuốc” cho đúng “bệnh”, giúp chúng sinh đoạn trừ mọi điều ác. “Hào từ của Chu Công, răn nhiều mà cát ít, biến đổi mọi trạng thái để khuyên răn trừng phạt, đó là Đối trị tất đàn” [12].

Ông dùng học thuyết Thập Dực của Khổng Tử để giải thích “Đệ nhất nghĩa tất đàn”, tức là phá trừ mọi ngôn ngữ, trực tiếp dùng nghĩa lý chân thực để giải thích bản chất của vạn pháp, khiến chúng sinh thực sự “khế nhập giáo pháp”. “Thập Dực của Khổng Tử, hội tụ học thuyết nội thánh ngoại vương, đó là Đệ nhất nghĩa tất đàn.” [13]

Ở một đoạn khác, Trí Húc đại sư đã khéo lồng ghép các khái niệm “Thường, lạc, ngã, tịnh” vào trong “Nhân, nghĩa, lễ, trí”: “Nếu đem so sánh với Phật pháp thì Nhân là đức Thường, vì thể không thiên lệch vậy; Lễ là đức Lạc, vì đầy đủ trang nghiêm vậy; Nghĩa là đức Ngã, vì được tự tại vậy; Trí là đức Tịnh, vì không bị hôn ám vậy. Nếu tương nhiếp tương hợp thì Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí là hằng tính cho nên Thường; Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí đem ra thụ dụng cho nên Lạc; Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí tự tại mãn túc cho nên Ngã; Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí không tạp loạn không ố bẩn cho nên Tịnh. Lại nữa, bốn đức này không ố bẩn cho nên gọi là Nhân; bốn đức này đều đầy đủ hoàn bị cho nên gọi là Lễ; bốn đức này thu nhiếp lẫn nhau cho nên gọi là Nghĩa; bốn đức này tạo nên tất cả các pháp bản cho nên gọi là Trí.” [14]

Khương Tăng Hội thời Tam Quốc là người đầu tiên sử dụng Kinh Dịch để giải thích Phật giáo. – (Ảnh: sưu tầm)

SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO VỚI CHU DỊCH
Do Phật giáo khi mới ra đời là sự phủ định niềm tin vào tà thuật, nên các nhà sư sau này đã phê phán việc bói toán và sử dụng triết học Phật giáo để giải thích Dịch học, khiến Dịch học phát triển theo hướng triết học hóa. Nổi tiếng nhất là Huệ Viễn trong “Thế thuyết tân ngữ – Văn học” đã bàn luận về Kinh Dịch với Ân Trọng Kham, người am hiểu sâu sắc về Kinh Dịch như sau. Ân Trọng Kham từng hỏi Huệ Viễn rằng “Dịch lấy gì làm thể” Huệ Viễn trả lời “Lấy cảm làm thể”. Ông hỏi Kinh Dịch lấy gì làm bản thể, tức là yếu tố cơ bản nhất tạo nên Kinh Dịch. Câu trả lời của Huệ Viễn thể hiện sự kết hợp giữa Phật giáo và Dịch học, cho rằng Kinh Dịch lấy cảm ứng làm bản thể. Cảm ứng là sự tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các vật, hiện tượng trong vũ trụ. Theo Phật giáo, vạn vật trong vũ trụ đều có mối liên hệ mật thiết với nhau. Dịch học cũng cho rằng vũ trụ là một chỉnh thể thống nhất, các vật, hiện tượng trong vũ trụ đều có mối liên hệ và tương tác lẫn nhau. Ở đây, việc bàn luận về Kinh Dịch không còn liên quan đến bói toán, mà có liên quan đến các phạm trù triết học thực sự [15].

Trước khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, Dịch học được xem là một triết lý hướng đến sự giác ngộ và chân lý. Tuy nhiên, sau khi Phật giáo du nhập, tư tưởng huyền bí trong Dịch học đã được sử dụng để thể hiện trí tuệ siêu phàm của Phật giáo. Ví dụ, phương pháp nhận thức “cảm” trong Dịch học đã vô tình thay thế cho phương pháp nhận thức lý tính của Phật giáo.

Dưới ảnh hưởng của Phật giáo, mọi người bắt đầu nhận ra rằng Chu Dịch chứa đựng những lý lẽ huyền vi, nhưng tượng quẻ không thể hiển thị rõ ràng những lý lẽ này, và tất cả ngôn ngữ trong Dịch cũng không thể biểu đạt đầy đủ ý nghĩa của tượng quẻ. Tượng quẻ là mô phỏng hình dạng của sự vật, mục đích của việc lập tượng là để thể hiện ý, và ngôn ngữ là để thông hiểu các ý nghĩa này. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt thì khó có thể để cho người học lĩnh hội được ý nghĩa sâu xa của Dịch. Như Nguyễn Duy Cần từng than: “[…] Nhưng đọc Dịch rất khó. Khó nhất là sự quan trọng của Dịch không phải ở “lời” mà ở “tượng” và “số”, không phải ở “tượng” và “số” mà ở “ý”, “ý tại ngôn ngoại” […] Kẻ học hiểu được ở lời thì chỉ hiểu được ở phần thiển cận, mà khi nào hiểu được phần tượng mới mong đạt đến phần tinh thâm diệu nghĩa của nó mà thôi. Thật vậy, có đọc “lời” mới đạt đến chỗ “không lời” của sách Dịch” [16]. Tư tưởng “ngôn bất tận ý” (lời nói không thể diễn tả hết ý nghĩa) đã ảnh hưởng đến cách nhìn nhận Dịch học. Mọi người nhận ra rằng quẻ tượng và hệ từ trong Dịch học không thể biểu đạt đầy đủ ý nghĩa, dẫn đến việc đề cao “đắc ý vong ngôn” (hiểu được ý nghĩa thì nên quên lời nói). Ngôn ngữ được xem như một công cụ để nhận thức Phật pháp, chứ không phải là bản thân Phật pháp.

Vào thời kỳ Phật giáo mới du nhập vào Trung Quốc, các vị tu sĩ Phật giáo thường mượn các khái niệm từ kinh điển bản địa để giải thích kinh điển Phật giáo như, dùng “Vô-无” để giải thích “Không-空”, dùng “Trí tuệ-智慧” để giải thích “Bát Nhã-般若”, dùng “Vô vi-无为” để giải thích “Niết Bàn-涅槃”… Đây là hiện tượng “Phật giáo cách nghĩa”.

Quan điểm “ngôn bất tận ý” cũng ảnh hưởng đến triết học Phật giáo. Ngôn ngữ được xem như một trò chơi chữ nghĩa, là thuyền để qua sông, là ngón tay chỉ mặt trăng, giúp chúng ta nhận thức được Phật pháp trong trò chơi ngôn ngữ. Nhiều công án trong lịch sử Thiền tông sử dụng đối thoại phi lý để giúp đối phương ngộ đạo, chính là lợi dụng tác dụng trò chơi của ngôn ngữ. Vương Bật có thể chịu ảnh hưởng sâu sắc từ “thuyết trò chơi ngôn ngữ” trong triết học Phật giáo, và đề xuất “đắc ý vong ngôn”, nghĩa là sau khi nhận thức được ý nghĩa của tượng quẻ thông qua ngôn ngữ, người học có thể từ bỏ mọi lời giải thích về quẻ, thậm chí cả tượng quẻ cũng nên được từ bỏ. Dưới ảnh hưởng của Phật giáo, các nhà Nho thời Hán cũng nghiên cứu Dịch học theo hướng trừu tượng hóa.

Trước thời Nhị Trình, Nho học thời Tống có thể chia thành hai phái: tượng số và nghĩa lý. Phái tượng số lấy Lưu Mục, Chu Đôn Di, Thiệu Ung làm đại diện, họ lấy thuyết vũ trụ sinh thành của Đạo giáo làm nền tảng lý luận, lấy tượng, số, đồ thư của Kinh Dịch làm hình thức để giải thích thế giới. Phái nghĩa lý bao gồm: Phạm Trọng Yêm, Hồ Ẩn, Âu Dương Tu, Lý Lượng, Vương An Thạch, Trương Tải, họ kế thừa phương pháp giải thích Kinh Dịch bằng nghĩa lý của Vương Bật, nhưng khác với Vương Bật là dùng Lão Trang để giải thích Kinh Dịch, phái nghĩa lý lại giải thích Dịch theo truyền thống Nho học. Tuy nhiên, dù là phái tượng số hay nghĩa lý, đều chưa giải quyết được vấn đề thống nhất thế giới quan và nhân sinh quan. Trong đó, phái tượng số như Chu, Thiệu thiên về vũ trụ quan, và sa vào thuật số; phái nghĩa lý chỉ xoay quanh việc thảo luận về “Thái cực là gì”, và dựa trên nhận thức của bản thân mà lần lượt đưa ra lý, khí, tâm để giải thích Thái cực, đồng thời từ bỏ việc sử dụng ngôn ngữ để diễn giải Kinh Dịch, trên thực tế là đơn giản hóa và hạ thấp Kinh Dịch.

Mãi đến thời Nhị Trình mới kết hợp Nho, Phật, Đạo để giải thích Kinh Dịch, lấy lý làm trung tâm liên kết vũ trụ và cuộc sống, thế giới quan và đạo đức, từ đó xây dựng nên bộ khung cơ bản của Lý học. Sau Nhị Trình, Chu Hi, Lục Cửu Uyên, Vương Dương Minh đều xuất phát từ Nhị Trình, hình thành nên hệ thống Lý học duy tâm khách quan và Tâm học duy tâm chủ quan hoàn chỉnh và trưởng thành, thay thế vị trí thống trị của Phật giáo trong ý thức hệ triết học. Nhìn chung, sự kết hợp giữa Phật giáo và Kinh Dịch thời Tống tập trung nhiều hơn vào tâm tính và nghĩa lý. Phật giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến Kinh Dịch nhất là Kinh Hoa Nghiêm, tiếp theo là tư tưởng Thiền tông.

TẠM KẾT
Hiện tượng dùng các khái niệm trong kinh sách bản địa để hiểu Phật được gọi là “Phật giáo cách nghĩa”  như đã đề cập ở đầu bài. “Cách nghĩa” là bước đầu tiên trong quá trình Hán hóa Phật giáo. Sau quá trình tông phái hóa vào thời kỳ Tuỳ – Đường, Phật giáo Trung Quốc dần trưởng thành, đa số mọi người cũng nắm được ý nghĩa chân chính của Phật pháp, do đó sẽ không còn sử dụng một cách vụng về các khái niệm và thuật ngữ trong tư tưởng bản địa Trung Quốc theo phương pháp “cách nghĩa” để hiểu – thực tế là hiểu sai hoặc bóp méo Phật pháp. Ngược lại, đến thời kỳ Tống – Minh, có trường hợp lại sử dụng các khái niệm và thuật ngữ trong Phật giáo để hiểu và giải thích các tư tưởng bản địa Trung Quốc, chẳng hạn như Kinh Dịch. Đây chính là hiện tượng “phản cách nghĩa” đối lập với “cách nghĩa”. Sự xuất hiện của hiện tượng “phản cách nghĩa” đánh dấu sự trưởng thành hoàn toàn của quá trình Hán hóa Phật giáo tại Trung Quốc.

 

Nguyễn Đình Triển/TCVHPG421

 

Chú thích:
[1] Tổng hợp từ “Xuất Tam tạng ký tập” và “Cao tăng truyện”.
[2] Chu Khổng ám chỉ Chu Công và Khổng Tử.
[3] Lý Thông Huyền (635-730) còn gọi là Tảo Bách đại sĩ là học giả nghiên cứu kinh Hoa Nghiêm thời Đường.
[4] Pháp Tạng (643-712) người kế thừa và phát triển tư tưởng “Pháp giới duyên khởi” của Trí Nhãn.
[5] Cũng gọi Nhất hoa khai ngũ diệp. Một hoa nở 5 cánh, chỉ cho 5 phái thiền: Tào Động, Lâm Tế, Vân Môn, Qui Ngưỡng và Pháp Nhãn.
[6] Tức là: 1. Quân vị (địa vị vua): Chỉ cho cõi hư không xưa nay vốn chẳng có 1 vật gì, là Chính vị, tức Chính trung lai trong Ngũ vị. 2. Thần vị (địa vị bầy tôi): Chỉ cho cõi sắc, muôn tượng có hình, là Thiên vị, tức là Thiên trung chí trong Ngũ vị. 3. Thần hướng quân (bầy tôi hướng lên vua): Bỏ sự về lí, tức là Thiên trung chính hướng lên, trở về trạng thái vắng lặng. 4. Quân thị thần (vua nhìn xuống bầy tôi): Bỏ lí theo sự, tức là Chính trung thiên hướng xuống, theo duyên sinh khởi muôn pháp. 5. Quân thần đạo hợp(đạo vua tôi hợp nhau): Ngầm ứng các duyên mà không rời vào hữu vi, tức là Kiêm trung đáo, chỉ cho địa vị đạo Đại giác cùng tột, chẳng phải Chính, chẳng phải Thiên, động tĩnh hợp nhất, sự lí không hai. [X. Chương Tào sơn bản tịch trong Cảnh đức truyền đăng lục Q.17; Tào sơn Nguyên chứng thiền sư ngữ lục]. (Dẫn theo từ điển Phật học online)
[7] Trí Húc (1599 – 1655), Trí Húc Đại Sư tự là Ngẫu Ích, được người đời tôn xưng là “Minh đại tứ đại cao tăng”, tác giả sách “Chu Dịch thiền giải”.
[8] Vân Thê Châu Hoằng (1535-1615) Ông được người đời tôn xưng là một trong tứ đại thánh tăng của Phật giáo Trung Quốc đời Minh mạt, ba người còn lại là Thiền sư Hám Sơn Đức Thanh, Tôn giả Tử Bách Chân Khả và Đại sư Ngẫu Ích Trí Húc. Ngoài ra, ông cũng được các tín đồ Tịnh độ tông kính ngưỡng và tôn làm Liên tông bát tổ (Tổ thứ 8 của Tịnh độ tông).
[9] Tứ tất đàn là tiếng Phạn, có nghĩa là giáo hóa, chỉ việc phổ biến giáo pháp để chúng sinh được cảm hóa và thành tựu.
[10] Chu Dịch Thiền giải – Ngẫu Ích đại sư. Huỳnh Ngọc Chiến dịch. Nxb. Hồng Đức năm 2019
[11] Chu Dịch Thiền giải – Ngẫu Ích đại sư. Huỳnh Ngọc Chiến dịch. Nxb. Hồng Đức năm 2019
[12] Chu Dịch Thiền giải – Ngẫu Ích đại sư. Huỳnh Ngọc Chiến dịch. Nxb. Hồng Đức năm 2019
[13] Chu Dịch Thiền giải – Ngẫu Ích đại sư. Huỳnh Ngọc Chiến dịch. Nxb. Hồng Đức năm 2019
[14] Chu Dịch Thiền giải – Ngẫu Ích đại sư. Huỳnh Ngọc Chiến dịch. Nxb. Hồng Đức năm 2019
[15] Tổng hợp từ “Giáo trình Dịch học cơ sở” Chu Bạch Côn chủ biên – Cửu Châu xuất bản xã năm 1999 (Bản PDF)
[16] Dịch học tinh hoa – Nguyễn Duy Cần. Nxb. TP HCM năm 1996.

Tài liệu tham khảo:
1. Lịch sử triết học Trung Quốc (tập 2) – Phùng Hữu Lan. Lê Anh Minh dịch. Nxb. Khoa học xã hội năm 2007.
2. Siêu hình học tiến trình và triết học Phật giáo Hoa Nghiêm Tông – Steve Odin. Thích Thiện Sáng dịch. Nxb. Tôn giáo năm 2010.
3. Chu Dịch thiền giải – Ngẫu Ích đại sư. Huỳnh Ngọc Chiến dịch. Nxb. Hồng Đức năm 2019.
4. Dịch học tinh hoa – Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Nxb. TP HCM năm 1996.
5. Các biểu tượng của nội giới hay cách đọc triết học về Kinh Dịch – Francois Jullien. NXB Đà Nẵng (Bản PDF).
6. Nhân quả đồng thời – Hồng Dương Nguyễn Văn Hai (Tài liệu PDF tại Thư viện Hoa Sen).
7. Tham Đồng Khế trực chỉ – Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ (Tài liệu PDF tại nhantu.net).
8. Lịch sử logic học thời Tiên Tần – Hồ Thích. Cao Tự Thanh dịch. Nxb. TP HCM (bản PDF).
9. Dịch học mạn bộ – Chu Bạch Côn. Nxb. Trầm Dương xuất bản xã năm 1997 (Bản PDF-Hán ngữ).
10. Giáo trình Dịch học cơ sở – Chu Bạch Côn chủ biên – Cửu Châu xuất bản xã năm 1999 (Bản PDF-Hán ngữ)
11. Chu Dịch thông tri – Vương Chấn Phúc. Nxb. Trung Hoa thư cục năm 2023 (bản Hán ngữ).

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin