Chi tiết tin tức Tản mạn “Về thu xếp lại” của Đỗ Hồng Ngọc 20:47:00 - 24/08/2019
(PGNĐ) - Là bác sĩ đồng thời lại thấm kinh Phật, Đỗ Hồng Ngọc hiểu lý vô thường, vô ngã của thân tâm, vạn pháp.
Từ”cát bụi tuyệt vời” đến”cát bụi mệt nhoài” Đỗ Hồng Ngọc mở đầu quyển sách mới nhất gồm 10 chương của mình bằng chương “Cát bụi tuyệt vời…”. Anh viết: “Cái hình ảnh lấy cát bụi vo thành một cục rồi thổi vào đó một hơi dài để vươn vai lớn dậy làm người thì thật là thú vị”. Nhưng: “Có điều để cái cái bụi tuyệt vời này trở thành ‘cát bụi mệt nhoài’ là lỗi tại ta”. Tại sao vậy? Chúng ta đều biết rằng cơ thể của mình khi sinh ra đã được lập trình sẵn đến giờ G thì nó sẽ ra đi, thậm chí sớm hơn nếu gặp tai nạn. Sinh thành hoại diệt là quy luật ai cũng biết. Từ xa xưa trong tiếng La-tinh khi nói về con người, người ta dùng từ Homo, bắt nguồn từ Humus, nghĩa là cát bụi, và cũng từ căn ngữ ấy mà con người phải hiểu phải sống khiêm cung, nhún nhường, kính trọng những gì làm nên sự sống (Homo - Humus - Humble - Humility…). Nhưng sao “cát bụi mệt nhoài”? Vì ta thôi! Ta không biết tận hưởng cuộc sống này, ta loay hoay trong những ước mơ, tham vọng, mưu đồ toan tính và biến cuộc sống này trở thành nơi đấu tranh hay tệ hơn nơi giành giật niềm vui, thành đạt có khi từ tay người khác. Tác giả nhìn vòng đời của con người trôi qua một cách lặng lẽ với sự hiểu biết những nguyên lý vận hành của nó vì bản thân anh là bác sĩ: “Nhiều khi, sáng dậy, nhìn vào gương soi tôi lại thấy tức cười. Tôi đó sao? Nhăn dần từng nét ngộ nghĩnh trên mặt trên da... Mấy tế bào của cơ mặt hình như sinh tật làm biếng, xệ xuống cho khỏe”. Anh cũng chợt nhận ra: “Lâu nay tôi hoang phí năng lượng vào những chuyện không đâu cho nên cơ thể căng cứng, rã rời. Lúc nào phổi cũng phải bơm hơi cho kịp, tế bào cũng hì hục sản xuất năng lượng”. (Tôi chợt nhìn ra tôi). Thu xếp lòng mình Từ Gió heo may đã về, Đỗ Hồng Ngọc đã nhìn thấy tuổi già lặng lẽ bước đến ở tuổi 55, đến 60 anh lại Già ơi..., chào bạn! Đến 75 anh còn thủ thỉ Già sao cho sướng? Nay thì đã 80 rồi, anh thấy cần phải Về thu xếp lại. Anh thu xếp cái gì? Cho ai? Trước hết, ấy là giờ giấc cho chính mình. Thu mà không thu. Mặc kệ nó. Muốn ăn thì ăn; muốn ngủ thì ngủ, không đặt ra chương trình “hành động” cho mỗi ngày. Nhưng cũng phải có chút kỷ luật, ngăn nắp: ăn vừa đủ, ngủ vừa đủ, làm việc lai rai cho đỡ mụ mị đầu óc, và đặc biệt rèn luyện thân tâm qua việc ngồi thiền, nhưng ngồi cũng vừa đủ, tránh... tẩu hỏa nhập ma. Kể cả thở, “Bây giờ tôi chủ trương thở vừa đủ xài. Xài ít thì thở ít”. Nhân nói chuyện thu xếp, tình cờ hôm nọ vào nhà sách Phương Nam, tôi mua được quyển The Life- Changing Magic of Tidying của Marie Kondo, đọc để thay đổi thói quen hành vi của chính mình vì tôi vốn dĩ luộm thuộm, lôi thôi bị rầy hoài mà vẫn quen tật lộn xộn. Trong sách, ngay phần mở đầu tác giả đã viết: “Khi bạn hoàn tất việc sắp xếp lại căn nhà của mình, bạn sẽ thấy cuộc đời mình thay đổi một cách diệu kỳ.” Một đoạn khác, tác giả viết: “Nó cũng hệt như thực hành ‘phong thủy’, khi bạn thu xếp căn nhà của mình trong một trật tự hoàn hảo thì bàn ghế và các vật trang trí sẽ mang lại sức sống cho ngôi nhà đó”, và cho rằng khi bạn thu xếp đồ đạc quanh mình gọn gàng, bạn đã lập trình lại tâm mình. Nguyên tắc căn bản đầu tiên là: Phải biết vứt đi! Nghĩa là bỏ đi hết những thứ không cần, không dùng, kể cả sách vở không đọc, hay dự tính sẽ đọc... Làm những gì cần phải làm. Nói như Đỗ Hồng Ngọc là “rửa tay gác kiếm”. Đó là việc bên ngoài. Còn bên trong thì sao? Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ việc sắp xếp cái “phong thủy” bên trong vốn lộn xộn, “tâm viên ý mã” như khi anh viết chương Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi, nói chuyện cảm xúc tuổi già, dễ mau nước mắt. Là bác sĩ đồng thời lại thấm kinh Phật, Đỗ Hồng Ngọc hiểu lý vô thường, vô ngã của thân tâm, vạn pháp. Anh tìm đến cội nguồn của phiền muộn, của vô minh khi viết: “Kiến tánh là giác ngộ. Dễ không? Còn lâu. Nói chung thì vì cái tâm mình nó lờ mờ, nó tù mù, nó u tối nên sinh ra tham lam. Gì cũng muốn, bao nhiêu cũng không đủ... Rồi cũng vì cái tâm lờ mờ... nên sanh ra giận (sân). No mất ngon giận mất khôn”. Cuối cùng anh trở về với tự thân mình: “Nghiệp từ thân khẩu ý mà nên. Cho nên chỉ có ta mới cứu được ta. Cho nên phải quay lại với mình, phải nương tựa chính mình, còn tìm kiếm đâu xa” (Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt). Nếu Bát Chánh đạo là con đường đưa đến giải thoát thì bát tà đạo là con đường đưa đến khổ đau, ví dụ như tà niệm lúc nào cũng muốn làm sao có nhiều quyền hành danh vọng và sắc dục, hay tà tinh tấn là mải mê làm việc quên cả việc chăm lo bản thân và gia đình... Ta phải về nương “hải đảo tự thân”, vì khổ đau có mặt cùng lúc với hạnh phúc. Chỉ vì ta không biết. Thế nên nhà Phật dạy Diệt đế là sự vắng mặt của khổ đau như là bóng tối và ánh sáng. Trong ta vừa có bùn lại vừa có sen, có cả rác và hoa.
Bác sĩ họ Đỗ bàn sâu về ngồi thiền. Trong vài chương sau cùng, anh viết về Tứ niệm xứ, về phương pháp thiền quán theo kinh An ban thủ ý. Anh nói về hơi thở và cách thở theo kinh nghiệm của tự thân: “Cứ ngồi yên đó, lắng nghe hơi thở của mình. Thở vào... thở ra. Một hơi thở là một cuộc sống”. Không có hơi thở nào của hôm qua. Không có hơi thở nào của ngày mai. Hơi thở chỉ có hôm nay. Ở đây và bây giờ. Cho nên biết thở là biết sống ở đây và bây giờ. Người nào luôn nhớ cái chết thì sống hạnh phúc”(Đôi khi trên lá khô một dòng suối). Đó cũng chính là hiện pháp lạc trú hay sức mạnh của hiện tại. Là một bác sĩ, anh chia sẻ rằng nhờ học Phật khiến thân tâm trở về hợp nhất nên anh “Ăn được, ngủ được, tức ăn ngon, ngủ yên, làm việc nghiên cứu, giảng dạy viết lách ít mệt mỏi, suy nghĩ tập trung tốt... Sau đó biết thưởng thức cuộc sống, bớt sợ hãi, bớt lo toan tính toán... Không phải là lý thuyết suông mà là sự thể nghiệm làm ngay trên bản thân mình.”(Để lại trong cõi thiên thu hình dáng nụ cười). Về thu xếp lại, với lối viết nhẹ nhàng sâu lắng gồm 10 chương, bắt đầu bằng những ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn, như một cẩm nang thực hành chứ không thuần lý thuyết, trong đó chứa đựng cả một nền tảng Phật pháp ứng dụng thực tế và những nguyên lý thiền quán giúp người đọc “thu xếp” lòng mình. Có người bạn tâm sự với tôi, rằng đọc xong Về thu xếp lại, thấy cuộc sống này đáng yêu đáng quý biết chừng nào, chẳng so đo suy tính thiệt hơn với đời nhiều quá... Nguyên Cẩn
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |