Chi tiết tin tức Tìm xuân qua những vần thơ 18:11:00 - 02/02/2025
(PGNĐ) - Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, tràn đầy vẻ đẹp, chất thơ, lý tưởng và hy vọng. Con người luôn yêu mến mùa xuân, ca ngợi mùa xuân và luôn mong muốn tìm thấy nó sớm hơn. Nhưng mùa xuân ở đâu? Từ xưa đến nay, các thi nhân đã có những cách cảm nhận và lý giải khác nhau về nơi ẩn mình của mùa xuân.
Tìm xuân qua vẻ đẹp tự nhiên Chu Hy (朱熹), nhà Lý học nổi tiếng thời Nam Tống, dù cả ngày vùi mình trong sách vở nhưng cũng không thể cưỡng lại sự cám dỗ của mùa xuân. Ông từng thốt lên: Thư sách mai đầu hà nhật liễu Bất như phao khước khứ tầm xuân. 書冊埋頭何日了,不如拋卻去尋春 Tạm dịch: Sách vở vùi đầu mãi chửa xong, Chi bằng gác lại đi tìm xuân! Sau khi thực sự bước ra ngoài và cảm nhận mùa xuân, ông đã sáng tác bài thơ nổi tiếng: Thắng nhật tầm phương Tứ thủy tân, Vô biên quang ảnh nhất thời tân. Đẳng nhàn thức đắc đông phong diện, Vạn tử thiên hồng tổng thị xuân. 勝日尋芳泗水濱, 無邊光景一時新。 等閒識得東風面, 萬紫千紅總是春 Tạm dịch: Bến Tứ đẹp trời thả bước chân, Bốn bề quang cảnh nét thanh tân. Gió xuân bất giác hôn lên mặt, Muôn tía ngàn hồng tỏ sắc xuân. Trong bài thơ này, Chu Hy mô tả cảnh sắc mới mẻ của mùa xuân. Vào một ngày đẹp trời, ông thong thả dạo chơi bên bờ sông Tứ và bất ngờ nhận ra sự đổi thay của khung cảnh. Mọi thứ trở nên rực rỡ và đầy sức sống. Đặc biệt, ông phát hiện rằng chính gió đông - làn gió mang theo hơi ấm - là tín hiệu của mùa xuân. Khi gió đông thổi qua, vạn vật đều bừng tỉnh và muôn hoa khoe sắc thắm. Tìm xuân trong tuyết trắng Mao Bàng (毛滂), một nhà thơ thời Bắc Tống, lại có tâm trạng bồn chồn hơn. Ông không chờ đến khi xuân đến mà đã bắt đầu tìm kiếm xuân ngay khi tuyết trắng còn phủ kín mặt đất. Trong bài từ Đạp sa hành (踏莎行), ông viết: “Phạt tuyết tầm xuân, thiêu đăng tục trú, ám xuân viện lạc mai khai hậu” (撥雪尋春,燒燈續晝, 暗香院落梅開後). Tạm dịch: Vạch tuyết tìm xuân, đốt đèn kéo dài ban ngày, Trong sân vườn thoang thoảng hương mai nở muộn. Mao Bàng dùng hình ảnh rất cụ thể và sinh động. Khi xuân chưa đến, ông đã cố gắng “vạch tuyết” để tìm xuân. Dù không tìm thấy xuân vào ban ngày, ông vẫn kiên nhẫn đốt đèn và tìm xuân trong bóng tối. Trong sân vườn thoang thoảng mùi hương của hoa mai vừa chớm nở, báo hiệu sự xuất hiện của mùa xuân. Chính hình ảnh “đốt đèn tìm xuân” cho thấy khát khao và nỗi niềm mong mỏi xuân của con người. Tìm xuân trong cuộc sống đời thường Diệp Tiệp (葉燮), nhà thơ thời Thanh, lại có một cái nhìn khác. Ông không tìm xuân trong hoa cỏ, mây núi, mà tìm xuân trong đời sống xã hội, trong cảnh nhộn nhịp của con người. Trong bài thơ Nghinh xuân (迎春), ông viết: Bất tu nghinh hướng đông giao khứ, Xuân tại thiên môn vạn hộ trung. 不須迎向東郊去, 春在千門萬戶中 Tạm dịch: Đâu cần tất bật đón xuân xa Xuân ở ngay trong vạn cửa nhà. Nếu như các thi nhân khác tìm xuân trên cành mai, dưới lớp tuyết, hay giữa núi rừng, thì Diệp Tiệp lại tìm thấy xuân trong lòng người. Ông không tìm kiếm ở ngoại ô hay cảnh vật thiên nhiên, mà nhận ra rằng xuân hiện diện ngay trong ngôi nhà của mọi người. Hình ảnh “ngàn cửa vạn nhà” gợi lên không khí nhộn nhịp của ngày xuân, nơi những người thân trong gia đình quây quần, cười nói vui vẻ. Hình ảnh xuân của Diệp Tiệp không chỉ là sắc hoa mà còn là tình người, là nhịp sống hân hoan. Đây cũng là thông điệp thời đại: Mùa xuân không chỉ nằm trong thiên nhiên mà còn hiện diện trong mỗi gia đình, mỗi ngôi nhà đầy ắp tiếng cười. Xuân trong cửa thiền Còn Tỳ-kheo-ni Vô Danh thì tìm xuân thậm chí còn quyết liệt hơn cả Mao Bàng, và vượt lên trên cả Diệp Tiệp. Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân, Mang hài đạp phá lĩnh đầu vân. Quy lai tiếu niêm mai hoa khứu, Xuân tại chi đầu dĩ thập phân. 盡日尋春不見春, 芒鞋踏破嶺頭雲。 歸來笑拈梅花嗅, 春在枝頭已十分 Tạm dịch: Suốt buổi tìm xuân chẳng thấy đâu, Dép gai giẫm nát lũng mây đầu. Trở về cười nhón cành mai ngửi, Xuân đã đầy cành đây chứ đâu. Hành trình tìm xuân của vị Ni sư này thật gian nan. Bà đi hết núi này sang núi nọ, giẫm nát cả đôi dép cỏ, nhưng vẫn không tìm thấy xuân. Thế nhưng, khi trở về và ngẫu nhiên ngửi thấy hương thơm của một cành mai, bà nhận ra rằng xuân đã nở rộ trên cành từ bao giờ. Theo các tài liệu được tìm thấy, bài thơ này được cho là sáng tác của Ni sư Vô Tận (無盡尼) vào cuối thời Đường. Sau một hành trình dài tìm cầu đạo lý khắp nơi, cuối cùng bà đã giác ngộ. Hành trình này cũng giống như việc tìm kiếm mùa xuân. Từ sáng sớm đến tối mịt, ta mải mê đi tìm bóng dáng của xuân, nhưng chẳng thấy đâu. Mặc cho chân đã giẫm nát mây mù trên các đỉnh núi, ta vẫn không thể nắm bắt được mùa xuân. Trong sự chán nản, vị Ni sư trở về nhà. Khi bước vào sân, bà chợt thấy cành mai nở sớm, hương thơm ngát tỏa ra khắp nơi. Đúng lúc đó, bà mới nhận ra rằng, hóa ra mùa xuân đã ở ngay đây, trên nhành mai mảnh khảnh, từ lúc nào không hay. Bài thơ ẩn chứa bài học sâu sắc về hành trình tìm cầu chân lý và sự giác ngộ. Nhiều người trong chúng ta luôn tìm kiếm chân lý, ý nghĩa cuộc sống và trí tuệ từ thế giới bên ngoài. Nhưng cũng giống như mùa xuân, chân lý thực ra đã hiện hữu trong ta. Chúng ta mải miết hướng ngoại mà không nhận ra chân lý luôn hiện diện trong chính nội tâm của mình. Hành trình tìm đạo cũng giống như cuộc đời. Chúng ta tìm kiếm hạnh phúc, bình an từ bên ngoài, mà không nhận ra rằng những thứ đó đã tồn tại ngay trong tâm mình. Phật pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “phản quan tự kỷ” (quay nhìn lại chính mình) để khám phá trí tuệ và kho báu nội tâm. Cổ đức từng dạy rằng: “Phật tại Linh Sơn mạc viễn cầu/ Linh Sơn tựu tại nhữ tâm đầu” (佛在靈山莫遠求/ 靈山就在汝心頭). Nghĩa rằng: Phật ở Linh Sơn, chớ tìm xa/ Linh Sơn ở tại chính tâm ta. Đừng tìm Phật, tìm đạo ở những ngọn núi xa xôi, mà hãy quay về chính nội tâm mình, bởi Linh Sơn (nơi Phật trú ngụ) thực ra chính là bản tâm của chúng ta. Nếu ngộ ra đạo lý này, thì mỗi khoảnh khắc trong đời sống thường nhật - dù là ăn cơm, ngủ nghỉ hay đi bộ - đều có thể là lúc ta sống trọn vẹn với đạo. Như lời thiền sư dạy, đạo có mặt ở khắp mọi nơi, chứ không chỉ tồn tại trong những nghi lễ trang trọng hay những nơi chốn linh thiêng. Như Chu Hy đã nói, khi “nhận ra gương mặt của gió đông, thì muôn hoa đua nở, đâu đâu cũng là xuân”. Một khi ta hiểu được rằng “gió đông” chính là nguồn gốc của sự sống, thì mọi sắc màu, mọi âm thanh trong cuộc sống này đều là biểu hiện của chân lý. Hoa đỏ, hoa vàng, sắc màu rực rỡ khắp nơi chính là hình ảnh của mùa xuân - của đạo lý đã được khai ngộ. Cư sĩ Tô Đông Pha cũng mang tinh thần tương tự: “Khê thanh tận thị quảng trường thiệt/ Sơn sắc vô phi tịnh pháp thân” (溪聲盡是廣長舌,山色無非淨法身). Mọi âm thanh của thiên nhiên - tiếng suối chảy, tiếng chim hót, tiếng lá xào xạc - đều là tiếng pháp của chư Phật. Mọi cảnh sắc trên thế gian - từ núi non, cây cỏ, bầu trời - đều là hiện thân của pháp thân thanh tịnh. Nhiều người trong chúng ta giống như vị Ni sư trong bài thơ. Ta lao vào hành trình tìm kiếm hạnh phúc, bình an và chân lý. Ta đi khắp nơi, vượt qua muôn trùng núi non, biển cả, đôi khi còn đánh đổi sức khỏe và tuổi trẻ, chỉ để tìm kiếm một thứ xa vời. Nhưng nếu biết quay về, ta sẽ nhận ra rằng, hạnh phúc thực ra không phải ở đâu xa. Nó đã có mặt trong chính tâm hồn ta, trong những điều bình dị nhất của cuộc sống. Nếu ta không chịu nhận ra điều này thì chẳng khác nào “Một bình một bát già nua, ngàn sông ngàn núi đi qua đoạn trường” mà chẳng đạt được điều gì. Chân lý không ở đâu xa. Đạo hiện diện trong mỗi giây phút đời sống, hiện diện trong tiếng chim hót, trong sắc hoa mai, trong tiếng bước chân, và ngay cả trong những việc bình dị nhất như ăn cơm, uống nước, đi lại. Nếu có thể cảm nhận được điều này thì “mùa xuân” đã ở ngay trước mắt, chứ không còn xa xôi nữa. Vẻ đẹp và sự an lạc của cuộc đời luôn hiện hữu, chỉ cần ta dừng lại, quay về, và nhận ra chúng. Bài thơ “Ngộ đạo” của Ni sư Vô Tận ẩn chứa triết lý sâu sắc về hành trình tìm cầu chân lý. Con người thường nhìn ra bên ngoài, mong cầu thế giới bên ngoài sẽ mang lại bình an và hạnh phúc. Nhưng bài thơ nhắc nhở rằng, nếu biết quay về nội tâm, ta sẽ tìm thấy mùa xuân ngay trong chính mình. Bài học này nhấn mạnh rằng, mỗi người đều sở hữu một nguồn tài nguyên vô tận - đó là trí tuệ và nội lực tâm hồn. Hãy quay về khám phá kho báu của chính mình, thay vì chạy đuổi theo những ảo ảnh xa vời. Đạo không nằm ngoài, mà luôn hiện diện ở trong ta. Hành trình ngộ đạo không phải là “đi” mà chính là “về”. Một khi ngộ ra được chân lý, thì từ tiếng suối, sắc núi, cành mai nở, hay thậm chí một bước chân trên con đường nhỏ - tất cả đều là biểu hiện của đạo lý. Hãy thưởng thức hương mai. Hãy cảm nhận mùa xuân. Bởi vì mùa xuân đã luôn ở đó - trong chính ta: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một cành mai” (Mãn Giác thiền sư). Thích Nguyên Hùng
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |