Chi tiết tin tức Tinh thần từ bi và thuyết nhân quả trong ca dao – tục ngữ Việt Nam 21:05:00 - 27/07/2022
(PGNĐ) - Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Phật giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp đáng kể đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của dân tộc ta trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Phật giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp đáng kể đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của dân tộc ta trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Có thể nói, tính Từ bi và thuyết Nhân quả của Phật giáo là những nhân tố quan trọng góp phần định hình nên các quan niệm, chuẩn mực, định hướng lối sống và tính cách con người. Đặc biệt hơn khi những giáo lý ấy lại được “Việt hóa” bằng những câu ca dao, tục ngữ. 1. ĐỊNH HƯỚNG LỐI SỐNG NHÂN ĐẠO VÀ TẤM LÒNG KHOAN DUNG VỊ THA Khi tiếp thu giáo lý Phật giáo để xây dựng triết lý nhân sinh, nhân dân ta đã Việt hóa nhiều để phù hợp với tâm thức người Việt. Nên khi đọc kho tàng văn học dân gian Việt Nam, ta không thấy hình ảnh sự trừng phạt của thuyết Nhân quả mà thay vào đó là bài học về Từ bi, cách làm người tốt, về “gieo nhân nào gặt quả ấy”, “thiện giả thiện báo”. Từ đó, hình thành nên lối sống yêu thương, đùm bọc đồng loại, trở thành giá trị nhân văn truyền thống của dân tộc ta. Nói về lòng khoan dung, vị tha, tục ngữ Việt Nam cũng có nhiều câu như: “Thương nhau chín bỏ làm mười”; “Yêu con cậu mới đậu con mình”; “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”; “Thương người như thể thương thân”; “Đất có chỗ bồi chỗ lở, ngựa có con dở con hay…” Ca dao thì có những câu như: “Giáo lương thì cũng một làng Đồng cùng chung gánh, đôi đàng cùng đi”. “Mỗi người mỗi đạo thì tùy, Miễn sao có ngãi có nghì với nhau”. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương Người trong một nước phải thương nhau cùng”. “Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Phật giáo đã thực sự đi vào đời sống đạo đức của người Việt thông qua chức năng giáo dục, hướng con người tới các giá trị Từ bi tốt đẹp. Người Việt tìm đến Đạo Phật không chỉ vì nhu cầu tâm linh mà còn vì những nội dung đạo đức ẩn chứa trong giáo lý. Tinh thần Từ bi không chỉ giúp con người sống an yên, vị tha hơn, mà còn đi sâu vào văn hóa dân tộc thông qua những câu ca dao – tục ngữ, những câu truyện cổ tích, nhằm nhắc nhở những thế hệ sau nên tránh gieo nhân xấu mà cần gây tạo những nhân tốt. Đồng thời, định hướng cho mỗi người sống phải biết hướng thiện, đúng với chuẩn mực đạo đức xã hội. Chính vì xuất phát từ tinh thần đó, nên con người Việt Nam có một tấm lòng khoan dung, độ lượng, nhân ái, hướng tới đích chân – thiện – mỹ. Giáo lý Phật giáo có tác dụng điều chỉnh hành vi đạo đức cho con người, nâng đỡ, khơi dậy tính thương yêu, đức vị tha, làm điều thiện, tránh điều ác… Không một nền đạo đức nào gần gũi với con người hơn là sự hiểu biết về Từ bi và Nhân quả. Con người tự phán xét nội tâm của mình, tránh xa những ý nghĩ ích kỷ thấp hèn để trải tình thương đến muôn loài. Họ sẽ tìm thấy hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc sống ngay cõi trần gian bụi bặm này khi họ biết dâng trọn cuộc đời mình để thương yêu và phụng sự, làm những việc thiện, những điều có ích cho xã hội. 2. TÍNH NHÂN VĂN HƯỚNG THIỆN Tinh thần hướng thiện là một trong những truyền thống đạo đức quý báu của dân tộc Việt Nam, được hun đúc và củng cố nhờ sự gắn bó và đi sâu vào đời sống nhân dân của Phật giáo. Tinh thần Từ bi và thuyết Nhân quả của Phật giáo xây dựng cho dân tộc Việt Nam một truyền thống rất đẹp đó là tính chan hòa yêu thương, mở rộng cõi lòng. Đó chính là truyền thống tương thân tương ái, thể hiện rõ nhất qua những việc làm nhân nghĩa, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn, với những câu tục ngữ như: “Nhường cơm xẻ áo”, “Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”,… Ca dao cũng có những câu như: “Nam mô Đức Phật Quán Âm Ra tay cứu độ trầm luân mọi loài”. “Ai ơi hãy ở cho lành Kiếp này chẳng được, để dành kiếp sau”. “Tu cho trọn kiếp bụi hồng Kẻo già lại tiếc rằng lòng Từ bi”. Những câu ca dao, tục ngữ đã phần nào phản ánh được phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam. Như lời của cố Hòa thượng Thích Đức Nhuận từng nói: “Hãy tỏ ra mình có đức hạnh, can đảm và hết lòng. Cố gắng thương yêu mọi loài. Con người chỉ xứng với danh nghĩa của nó chừng nào làm chủ được ý nghĩ, lời nói và hành động của mình về cả nội giới và ngoại giới. Chinh phục được ngoại giới là một công trình to lớn, nhưng điều đáng ca ngợi hơn hơn hết vẫn là sự điều ngự được chính mình”. Do đó, về phương diện luân lý, Phật giáo đặt trọng tâm vào sự thiện ác, vào tội phúc báo ứng phân minh và luật Nhân quả, vì biết rằng: Làm lành được sung sướng. Làm ác chịu khổ sở. Nhân nào quả nấy. Hành động của chúng ta hiện nay ra sao thì kết quả trong ngày mai cũng lại y như thế. Một hành động tốt hoặc xấu của cá nhân sẽ có ảnh hưởng đến toàn thể không ít… Người có đạo đức luân lý là một con người hoàn toàn sung sướng nhất trên đời, khác nào như bông hoa nở đẹp, làm thơm cho cuộc đời trần thế. 3. GIÁO DỤC ĐẠO HIẾU TRONG GIA ĐÌNH VIỆT Lòng biết ơn cha mẹ, niềm tri ân và báo ơn đã trở thành bản tính tự nhiên, ăn sâu vào tâm khảm của người dân Việt. Tinh hoa và tinh thần cao đẹp này không phải tự nhiên mà có mà chính nhờ vào sự ảnh hưởng của cả một nền giáo dục tương xứng với tư tưởng và phong tục của dân tộc ta. Trong tất cả những ảnh hưởng, lớn nhất và sâu rộng nhất vẫn là sự ảnh hưởng của Đạo Phật. Lời dạy của nhà Phật về việc nhớ ơn và báo ơn cha mẹ đã in đậm trong lòng của người Việt Nam và thể hiện sinh động qua ca dao dân gian: “Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra Một lòng thờ mẹ kính cha Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con”. Hay: “Công cha nghĩa mẹ cao vời Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta Nên người con phải xót xa, Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao Đội ơn chín chữ cù lao, Sanh thành kể mấy non cao cho vừa” [2, tr.494]. Lòng hiếu hạnh của người con được đặt lên hàng đầu vì công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ tựa như trời biển. Do đó: “Vô chùa thấy Phật muốn tu Về nhà thấy mẹ công phu chưa đền” [2, tr.327] Đức Phật dạy mọi việc đều xuất phát từ luật Nhân quả ba đời. Chúng ta đã có cả ngàn lời ca ngợi tình mẫu tử, tình phụ tử, có cả một tháng Vu Lan để bày tỏ lòng biết ơn, cảm thấy vui khi trên ngực còn cài bông hoa hồng tươi thắm để cho: “Đêm đêm thắp ngọn đèn trời, Cầu cho cha mẹ sống đời với con” [2, tr.201]. Hay: “Tu đâu cho bằng tu nhà Thờ cha kính mẹ mới là chân tu” [2, tr.288]. Hoặc như: “Đêm Rằm tháng Bảy Vu Lan Phận con báo hiếu muôn vàn ghi ân” [2, tr.478]. Nếu không thương cha mẹ mình thì thử hỏi còn có thể thương ai hơn được. Con trẻ phải biết thương cha mẹ, người gần gũi nhất, rồi mới đến thầy cô, bè bạn…, ngôi nhà và quê hương mà con người ta sinh ra và lớn lên, sau cùng mới là lòng yêu nước. Đạo lý này là chân lý vĩnh hằng, là mục tiêu và nội dung của mọi nền giáo dục. Phong hóa xã hội sẽ suy đồi, đạo đức sẽ xuống cấp, lý tưởng rệu rã là những hệ quả tất yếu nếu chúng ta không vun đắp nền tảng gia đình và đạo đức cá nhân bắt đầu từ chữ “hiếu”. HT. Thích Minh Châu đã nói: “Trong các mùa Vu Lan, chúng ta hãy thành tâm hướng thiện đến công ơn của cha mẹ và thực hiện ngay những gì chúng ta có thể làm được, để cha mẹ được hưởng an lạc. Đi xa hơn nữa, hạnh phúc tốt đẹp nhất dành cho cha mẹ như lời Phật dạy là hướng dẫn cha mẹ vào con dường hành thiện, bỏ ác làm lành, xây dựng lòng tin, theo chánh pháp và đạt đến giải thoát sinh tử khổ đau” [4, tr.66]. Ca dao cũng có câu: “Những người đức hạnh hiền hòa, Đi đâu cũng được người ta tôn sùng. Những người hiếu đễ trung trinh, Vẻ vang Tiên tổ thơm danh họ hàng. Những người truyền đạo khai nhân, Nghìn thu để tiếng muôn phần thơm lây” [1, tr.595]. Một triết lý nhân sinh thật hay và tế nhị, định hướng xây dựng con người lấy gia đình làm điểm xuất phát và biết hiếu đễ. Càng đi sâu vào tìm hiểu kho tàng ca dao dân gian, ta càng bắt gặp và khám phá thêm bao điều mới lạ. Với những câu nói tuy bình dị, đời thường nhưng nội dung bên trong lại chứa đựng những triết lý, những bài học giáo dục làm người thật sâu sắc dưới ảnh hưởng của giáo lý nhà Phật. Điều đó cho thấy, Đạo Phật đã thật sự ăn sâu và thấm nhuần vào tận gốc rễ đời sống sinh hoạt của xã hội thông qua những câu ca dao tục ngữ dân gian Việt Nam. 4. GIÁO DỤC TỪ BI, NHÂN QUẢ VỚI CÁC MỐI QUAN HỆ TRONG XÃ HỘI Thuyết Nhân quả của Phật giáo đã chỉ ra, con người tự chịu trách nhiệm về hạnh phúc hay khổ đau bằng hành vi của chính mình chứ không phải do may rủi, định mệnh hay Thần linh trừng phạt. Giá trị của thuyết Nhân quả này chính là việc khẳng định con người làm chủ được cuộc sống của mình, đặt con người vào đúng vị trí, vai trò của nó trong xã hội. Trên cơ sở đó, đạo đức Phật giáo giúp con người phát huy hết những đặc tính ưu việt, giảm thiểu những nhân tố đưa tới sự bất lợi cho bản thân, gia đình và xã hội. Điều này cũng có nghĩa, đối tượng của giáo dục Phật giáo là con người trong các hoàn cảnh sống của chính mình. Vượt qua ngoài sự phân biệt chủng tộc, ranh giới địa lý hay văn hóa, giáo dục Phật giáo lấy con người trong các mối quan hệ xã hội làm đối tượng cũng như mục đích. Vì thế, giáo dục Phật giáo nhấn mạnh đến giá trị làm chủ bản thân của con người. Nỗ lực để hoàn thiện, tự mình đứng lên, không cầu cạnh hay chịu bất cứ một áp lực nào khi bản thân đang là chủ nhân thật sự của chính mình. Bởi vì, một khi đánh mất giá trị của bản thân, con người dễ dàng bị cám dỗ trước những cạm bẫy của đạo đức suy thoái. Khi đặt con người ở vị trí trung tâm của học thuyết, Phật giáo cũng đồng thời khẳng định những giá trị mang tính nhân văn chứa đựng trong thuyết Nhân quả của Phật giáo. Ca dao có những câu như: “Thiên cao đã có Thánh tri Người nhân nghĩa chẳng hàn vi bao giờ” “Lênh đênh qua cửa Thần phù Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm” “Người trồng cây hạnh người chơi Ta trồng cây đức để đời về sau”. “Nước trong quá thì không có cá Người xét nét quá thì không có bạn bè”. Bởi vậy, khi đã hiểu rõ được yếu tính Từ bi và thuyết Nhân quả thì giữa con người với nhau trong xã hội sẽ có cách cư xử đúng mực, chất phát, nhân từ trong các mối quan hệ. Khi họ hiểu rằng, ngay trong chính bản thân của mỗi người đều có những điểm chung như luôn mong muốn, ước ao về cuộc sống tốt đẹp, một cuộc sống không còn chiến tranh hay tranh giành hơn thua… mà chỉ có những con người yêu thương, quý trọng nhau như yêu thương chính bản thân mình. Lúc đó, họ sẽ biết quý trọng những gì mình có và phải sống như thế nào là tốt nhất. Bởi vì sự đời cho chúng ta thấy rõ một điều rằng, Nhân quả của con người không chỉ xảy đến với riêng người đó mà còn là sự liên quan, ảnh hưởng và chi phối nhiều vấn đề của những người khác. Điều đó quy định cho mỗi người khi làm gì, nói gì cần có suy nghĩ cho sự an nguy, vinh nhục của người thân, bạn bè,… Đó có thể là những kết quả tốt đẹp do chính mình làm nên nhưng cũng có thể là những hậu quả khó lường mà có liên can đến họ. TẠM KẾT Có thể nói, những giáo lý nhà Phật như tính Từ bi, thuyết Nhân quả đã đi sâu vào đời sống nhân dân ta từ bao đời nay, được thể hiện qua những câu ca dao – tục ngữ, tuy lời lẽ mộc mạc nhưng lại chứa đựng cả bầu trời chân lý. Nhờ đó, những tư tưởng Phật giáo đã được người dân chọn lọc và tiếp nhận, phù hợp với đời sống nhân dân; giúp định hướng nhân cách và gầy dựng một quan niệm sống thiện lương cho bao thế hệ người Việt. Đồng thời, những câu ca dao – tục ngữ thể hiện tính Từ bi, Nhân quả còn góp phần tăng giá trị tư tưởng cũng như bồi đắp cho nền văn hóa Việt Nam, tiếp tục giáo dục và truyền đến những thế hệ mai sau.
Tài liệu tham khảo: [1] Trần Thị An, Nguyễn Thị Huế, Tuyển tập văn học dân gian Viêt Nam, tập IV, quyển 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2001. [2] Lê Như Thích Trung Hậu, Ca dao tục ngữ Phật giáo Việt Nam, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 2002. [3] Thích Chân Quang, Luận về Nhân quả, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2000. [4] Thích Thiện Siêu, Thích Minh Châu, Chữ Hiếu trong Đạo Phật, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1997. [5] Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2008. [6] Thích Chân Quang, Nhân quả công bằng, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2013. [7] Đặng Thị Lan, Đạo đức Phật giáo với đạo đức con người Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2006.
Dương Thụy
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |