Chi tiết tin tức

Tình thương của Ðức Phật

20:43:00 - 16/11/2021
(PGNĐ) -  Trong Kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy: “Vì lòng thương tưởng chúng sanh, vì lợi ích cho chư Thiên và loài người mà ta xuất hiện nơi đời”. Thật vậy, bốn mươi chín năm du hóa của Ngài đã chứng minh được điều đó.

Sau khi thành đạo bên cội Bồ-đề, Đức Phật phân vân giữa việc nên sống thanh tịnh ở chốn thanh vắng hay ra ngoài tuyên thuyết chánh pháp mà Ngài vừa chứng ngộ. Khi Ngài nghĩ đến một quốc độ đang thịnh hành bởi ngũ trược và sáu mươi hai tà kiến, con người đang bị chi phối bởi tham, sân, si và khi các ác trược đang ngự trị trên quốc độ này, Ngài chấp nhận lời thỉnh cầu của Phạm Thiên tuyên thuyết chánh pháp. Ngài lại nhận thấy sự hiểu biết của thính chúng không thể lãnh thọ được giáo lý thâm sâu, cao thượng mà Ngài vừa chứng ngộ, có thể thính chúng sẽ mắc vào lỗi hủy báng. Do đó, trước tiên, Ngài đi đến Ba-la-nại độ cho năm anh em ông Kiều Trần Như đang tu khổ hạnh về giáo lý tịnh lạc.

Pháp mà Đức Phật thuyết là phương tiện để đưa người nghe đến sự thanh tịnh và an lạc viên mãn trong đời sống tâm linh.

Đức Phật đã siêu xuất khỏi Tam giới, Ngài xuất hiện ở đời vì lòng thương tưởng chúng sanh như con đỏ. Ngài thấy chúng sanh bị luân hồi trong sanh tử không biết phương tiện để thoát ly nên dùng mọi phương tiện để tế độ. Với trí tuệ thâm sâu của mình, Ngài nhận thấy có chúng sanh nhẹ về lòng sân nhưng nặng về lòng tham, lại có chúng sanh nhẹ về lòng tham nhưng nặng về lòng sân, có chúng sanh sáng suốt, có chúng sanh si mê, thanh tịnh hay tà kiến. Cho nên, Ngài thuyết pháp bằng nhiều phương tiện khác nhau để thích ứng sự sai biệt của tâm tánh từng người. Như thế, sau khi tìm hiểu tâm tánh và khả năng của chúng sanh mà Ngài muốn độ, Ngài lựa chọn những phương tiện và lời dạy thích hợp với tâm tánh của họ, từ từ đưa họ vào chánh pháp.

Đối với người cư sĩ, trước hết Đức Phật giảng về bố thí, giới, sanh thiên, những nguy hiểm, tệ hại, nhiễm ô của dục vọng và lợi ích của giải thoát. Ngài sửa soạn cho tâm trí của các đệ tử thuộc đẳng cấp Bà-la-môn bằng những cuộc đàm thoại về các vấn đề tế tự, về giai cấp, rồi giới thiệu chánh pháp một cách thích hợp. Đối với nông phu, Ngài giảng dạy những vấn đề liên quan đến cày ruộng… Sau khi nhận thấy tâm trí của người nghe sẵn sàng, Ngài mới dạy những giáo lý cao hơn, về Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

Hoài bão của Đức Phật là “Khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến”, giúp cho chúng sanh tỏ ngộ trí tuệ và giải thoát khỏi chấp thủ. Tất cả các pháp mà Ngài nói ra đều vì lợi ích con người nói riêng và chúng sanh nói chung. Trong Saddharma Pundarīka Sūtra trích dẫn lời của Đức Phật: “Ta là vị Đại ẩn sĩ, là Cha của tất cả chúng sanh trong Tam giới đang bị dục vọng chi phối. Tam giới rất đáng sợ, đầy rẫy nhiều khổ đau. Chúng sanh bị đốt cháy trong Tam giới này bởi ngọn lửa sanh tử, già nua và bệnh tật. Ta đã thoát ly ra ngoài Tam giới, nhưng vì ngọn lửa ấy đốt cháy con cháu của Ta, vì vậy Ta cần phải dùng phương tiện chỉ cho chúng biết con đường giải thoát khỏi những sự đau khổ trong Tam giới”.

Đức Phật có thể thị hiện vào một trong sáu đường, đến với các hội chúng của Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, chư Thiên… trong hình ảnh, cung cách và ngôn ngữ giống họ. Ngài nói chuyện, khích lệ, khiến họ được lợi ích an lạc. Kinh nói: “Khi Ta ẩn mình, họ không biết Ta là ai, người hay phi nhân” (Trung A-hàm Kinh, bài Kinh Địa Động, phẩm Vị Tằng Hữu, số 36).

Sau khi bằng vô lượng phương tiện để khuyến phát, khát ngưỡng thành tựu cho người nghe hoan hỷ, tức là sau khi Ngài nói về thí, về giới, về pháp sanh Thiên, nói dục là tai hoạn, sanh tử là cấu uế, khen ngợi vô dục là vi diệu, là đạo phẩm thanh tịnh rồi, Ngài biết người nghe có tâm nhu nhuyến, tâm hoan hỷ, tâm chuyên nhất, tâm sáng suốt, biết có khả năng kham thọ được Chánh Pháp rồi, Ngài nói về pháp yếu chơn chánh, về khổ, tập, diệt, đạo để người nghe được pháp nhãn tịnh (Trung Bộ Kinh, số 38).

Đức Phật thường được mọi người gọi là Bậc đạo sư, là Đấng cha lành hay Vị lương y có thể chữa trị bệnh cho tất cả chúng sanh. Ngài có thể bằng mọi phương tiện đưa chúng sanh từ luân hồi đau khổ đến tịch tịnh an vui. Khi nhận thấy tâm trí của các đệ tử đã khai mở, tiến thêm một bước nữa, Ngài lại dùng phương tiện để đưa người trí đến giải thoát tối hậu giống như Ngài. Ngài dạy các vị Thanh văn: “Các vị là Phật sẽ thành” (Kinh Pháp Hoa).

Tình thương của Đức Phật là tình thương bằng trí tuệ, tình thương bằng tuệ giác. Vì thương tất cả chúng sanh trôi lăn biển khổ sanh tử, xoay vần qua lại không có ngày ra, nên Đức Phật mới xuất hiện ở đời, dùng phương tiện đưa chúng sanh vào trí Phật. Khi mới thành đạo, Đức Phật quán chúng sanh thấy căn cơ của họ còn thấp kém, nên Ngài mới từ từ dẫn chúng sanh vào Nhất thừa. Bởi vì chúng sanh trong sáu nẻo lên xuống không đồng, nhưng vào đường hiểm sanh tử thì lại đồng. Vì chúng sanh không ngộ được diệu tính mà mình sẵn có đầy đủ, lại vọng chấp ngã kiến, từ nơi khổ vào nơi khổ, từ nơi tối tăm vào nơi tối tăm, hoàn toàn không có ngày tỉnh ngộ. Do đó, Đức Phật khởi tâm đại từ bi dùng nhiều nhân duyên thí dụ để khai mở chánh nhãn cho đệ tử của Ngài.

Các hình ảnh sống động trong Kinh Pháp Hoa như: Ngôi nhà lửa Tam giới, cùng tử, dược thảo dụ,… tuy khác nhau nhưng tất cả đều là diệu lý, rất tâm lý, rất khoa học. Ở hội Pháp Hoa, khi năm nghìn người rời khỏi hội là những người đó bước vào hàng tăng thượng mạn, còn năm trăm người được thọ ký đều tôn kính dấu vết của mật hóa. Cho nên, Phật phóng quang hiện điềm lành, mở ra nguồn giáo để cho đệ tử phát nguồn thưa thỉnh, nhân đó Đức Phật xuất định, dương đức diễn rộng về Phật tuệ. Thí dụ vào nhà cũ mục là phép tắc chung để dẫn vào Đại thừa; dụ hóa thành thì ý dẫn duyên xưa không mất; dụ buộc châu nói về lý thường trụ; dụ đào giếng hiển bày nhiều cách khai ngộ. Ngôn từ nghĩa lý rõ ràng, thí dụ trình bày sâu xa, đó chẳng phải Đức Phật có lòng từ rộng lớn vớt những kẻ đắm chìm, tâm bi cùng tột cứu những kẻ mất tính hôn mê hay sao?

Suốt bốn mươi chín năm giáo hóa, ánh sáng giác ngộ của Ngài đã lan tỏa khắp mọi nơi. Ngài đã giáo hóa đủ mọi thành phần xã hội, từ giai cấp Bà-la-môn đến Sát-đế-lợi, Phệ-xá, Thủ-đà-la; từ vua quan đến thứ dân; từ nam đến nữ; từ già đến trẻ; và có cả tướng cướp sát nhân khét tiếng hay cả dâm nữ… Hàng vạn người dân trong mọi tầng lớp xã hội Ấn Độ được thừa hưởng kết quả giác ngộ của Ngài. Đến cuối đời, chánh pháp của Ngài đã có mặt rất nhiều nơi ở Ấn Độ và lan tỏa đến các quốc gia láng giềng. Sự ảnh hưởng giáo lý Phật-đà đã giúp người dân nhiều nơi sống trong hòa bình, hạnh phúc và an lạc. Đến thời đại của hoàng đế Asoka thuộc vương triều Maurya (thế kỷ III TCN), Phật giáo bắt đầu được truyền bá sang các vùng biên giới của tiểu lục địa Ấn Độ, phía Đông tới Miến Điện, phía Nam tới Tích Lan, phía Tây tới Syria và Phật giáo đã nhanh chóng trở thành một tôn giáo rộng khắp thế giới.

Với cương vị của một vị Đạo sư, một Đấng giác ngộ, Đức Phật đã trao truyền những kinh nghiệm sống, tu tập và sự thể nghiệm hương vị giải thoát cho hàng đệ tử tại gia và xuất gia của Ngài. Pháp mà Đức Phật thuyết là phương tiện để đưa người nghe đến sự thanh tịnh và an lạc viên mãn trong đời sống tâm linh. Đức Phật đã dạy cho chúng ta con đường chuyển hóa khổ đau. Tất cả chúng ta có thể bị chi phối bởi những cảm xúc tiêu cực cùng những tâm bất thiện quấy nhiễu. Nếu biết ứng dụng những lời Phật dạy vào đời sống hàng ngày, chúng ta sẽ được hạnh phúc, an lạc ngay trong hiện tại.

Hạnh phúc và an lạc sẽ mỉm cười với những ai biết lắng nghe, biết suy tư và tu tập theo lời Phật dạy. Dù cho cuộc đời có chịu sự chi phối của cơn lốc vô thường, mong rằng nội tâm chúng ta vẫn vững vàng để bước đi trên con đường giác ngộ giải thoát mà Như Lai đã dạy. Kính chúc mọi hành giả đạt được sự an lạc mà mình mong muốn!

 

Diệu Hương/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 378

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin