Chi tiết tin tức

Tri ân và báo ân anh linh, anh hùng liệt sỹ

20:26:00 - 04/08/2022
(PGNĐ) -  Sự tôn vinh và kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi người dân Việt Nam. Suy cho cùng chính “máu và hoa” của các anh hùng liệt sĩ, thương – bệnh binh, đồng bào, chiến sĩ trong các cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình của dân tộc đã góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là những “công dân kiểu mẫu”, là tấm gương cho cộng đồng và xã hội noi theo qua các thời đại lịch sử.

NGUỒN GỐC NGÀY LỄ THƯƠNG BINH – LIỆT SỸ

Trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền  ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính là khát vọng, lý tưởng và mục đích tối hậu của toàn thể dân tộc Việt Nam trong tiến trình tiếp nối lịch sử dựng nước, giữ nước, mở nước và hội nhập toàn cầu thời đại ngày nay. Trong mấy nghìn năm lịch sử, từ vua Hùng dựng nước đến gần 1.000 năm đô hộ của phong kiến phương Bắc, 100 năm chống Pháp – Nhật và hơn 30 năm chống đế quốc Mỹ, biết bao anh linh và anh hùng liệt sĩ đã đổ máu để đất nước Việt Nam được xanh tươi, trù phú, tràn đầy sức sống mãnh liệt trong niềm hạnh phúc vô biên của một quốc gia độc lập, tự do, bình đẳng, đáng sống thực sự. 

Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) được thành lập, Đảng, Chính phủ và nhân dân ta chủ trương dành tất cả tình thương yêu và tôn vinh tri ân, báo ân cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc thần thánh. Đây chính là đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, qua đó thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh đối với đất nước. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã nhất trí chọn ngày 27/7 là ngày “Thương binh toàn quốc”. 

Từ đó, cứ đến ngày 27/7 hằng năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Đến tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh – Liệt sĩ” để ghi nhận sự hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang toàn dân tộc. Sau ngày đất nước thống nhất, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 27/7 chính thức trở thành “Ngày Thương binh – Liệt sĩ” cả nước. 

Sự tôn vinh và kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi người dân Việt Nam. Suy cho cùng chính “máu và hoa” của các anh hùng liệt sĩ, thương – bệnh binh, đồng bào, chiến sĩ trong các cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình của dân tộc đã góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là những “công dân kiểu mẫu”, là tấm gương cho cộng đồng và xã hội noi theo qua các thời đại lịch sử. Nói cách khác, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn khắc cốt ghi tâm công ơn đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. 

Đảng, Nhà nước còn thể hiện tinh thần tri ân bằng việc ban hành và thực hiện các chủ trương, chính sách về chăm sóc thương – bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đồng thời, xem đây là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị – xã hội và toàn thể người dân đối với sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh. Để từ đó, dòng máu yêu nước luôn luôn tuôn chảy trong mỗi trái tim người dân Việt đối với đất nước, quê hương xứ sở. 

PHẬT GIÁO VIỆT NAM ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC

Cốt tủy của Phật giáo Việt Nam được xây dựng dựa trên nền tảng giáo lý Phật Đà và triết lý sống đạo đức của dân tộc. Mục đích tối hậu của Phật giáo Việt Nam là thiết lập một đời sống hạnh phúc, an lạc ngay giữa cõi đời này và đời sau. Như vậy, hạnh phúc đồng nghĩa với giải thoát khổ đau mà con người thường xuyên đối diện. Phật tử Việt Nam, ngay từ buổi đầu Phật giáo mới du nhập vào nước ta, đã thực thi hạnh nguyện lý tưởng Bồ tát cần được hành động vào đời sống thực tiễn mà Lục độ tập kinh ghi: “Bồ tát cứu độ chúng sanh, giải thoát khổ đau cho nhân dân” để chống lại sự đồng hóa của phong kiến phương Bắc. Vì vậy, chẳng ngạc nhiên khi các Tổ sư, Thiền sư, Tăng Ni, Phật tử sẵn sàng dấn thân tham gia chính sự, góp công vào sự nghiệp giải phóng dân tộc từ xưa đến nay. Các bậc tiền bối bao giờ cũng nghĩ tự thân đã đóng góp gì cho đất nước, cho đạo pháp mà chưa bao giờ mong muốn được báo đáp như thế nào, dù có phải hy sinh cả thân mạng. 

Chính những ngôi chùa là nơi tiếp nối dòng máu yêu nước, không phải ngẫu nhiên âm vang: 

“Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của Tổ tông”

Ngân nga mãi trong tâm thức mỗi người dân Việt. Có thể nói, trong tiến trình dựng nước và giữ nước, Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc, tự thân Phật giáo đặt sự tồn vong và phát triển của dân tộc trong sự tồn vong và phát triển của chính mình. 

Sự tôn vinh và kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi người dân Việt Nam. Suy cho cùng chính “máu và hoa” của các anh hùng liệt sĩ, thương – bệnh binh, đồng bào, chiến sĩ trong các cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình của dân tộc đã góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là những “công dân kiểu mẫu”, là tấm gương cho cộng đồng và xã hội noi theo qua các thời đại lịch sử. (Ảnh: chinhphu.vn)

Dẫu hung mạnh như quân Mông – Nguyên từng bình định khắp Á – Âu, nhưng khi xâm lược nước ta thì cả ba lần đều thảm bại. Câu trả lời đã quá rõ, các Thiền sư, Tăng Ni, Phật tử dưới thời Trần đã cùng cả dân tộc kề vai sát cánh đứng lên bảo vệ chủ quyền đất nước cũng là duy trì mạng mạch đạo Thiền. Một đế chế Mông Cổ có mạnh đến đâu nhưng đối diện tinh thần yêu nước nồng nàn, một lòng sắc son yêu đạo của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đã thệ nguyện: “Sinh như trước sam, Tử như thoát khố” (Sống như mặc vào, Chết như trút bỏ) [1] thì vẫn phải thất bại trước ngọn cờ chính nghĩa, trước tinh thần bất khuất, xả thân cho đất nước và đạo pháp trường tồn. 

Tiếp nối truyền thống hào hùng, bất khuất và khẳng định yêu nước, trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc thần thánh chống Pháp và Mỹ, cùng với dân tộc, mọi người con Phật sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc, các Thiền sư, Tăng Ni dấn thân vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, “cởi cà sa khoác chiến bào” để thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Trong chiến thắng lịch sử của cả dân tộc, biết bao anh linh, anh hùng liệt sĩ, đồng bào, Tăng Ni, Phật tử đã ngã xuống cho dãi đất hình chữ S được xanh tươi, tràn trề sức sống hội nhập và phát triển trong thời đại hôm nay. Đó thật sự là niềm hạnh phúc của dân tộc, là lý tưởng, là ý niệm giải thoát khổ đau mà mỗi Phật tử Việt Nam, dù xuất gia hay tại gia hằng tâm niệm.

Vì vậy, kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ cũng là ngày mọi người dân Việt Nam tôn vinh giá trị độc lập, tự do, bình đẳng về quyền được sống và quyền được hạnh phúc. Đó cũng là ngày tri ân và báo ân các anh hùng liệt sĩ đã xả thân cho độc lập dân tộc, cho đất nước hùng cường, nhân dân hạnh phúc. Đây chính là giá trị tối thượng mà mọi người con Phật hướng tới. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, trong tất cả mọi giá trị có mặt ở đời, thì giá trị giải thoát khổ đau là tối thượng nhất, mọi giá trị khác nếu có mặt đều xoay xung quanh trục giá trị này. Thế nên, Phật giáo hướng con người thực thi đời sống tự thân hoàn thiện chính mình và nỗ lực đóng góp xã hội. Vào ngày lễ này, tự thân mỗi người, dù xuất gia hay tại gia đều hướng tâm nguyện cầu, thực thi hạnh nguyện giải thoát mà con người luôn mong chờ đạt được. Từ điểm nhìn này, thông điệp tri ân và báo ân có ý nghĩa cao quý mà ngày nay mọi người thường tâm niệm đến.

Thế nên, trong các chùa trên khắp đất nước Việt ta không chùa nào không thờ tự anh linh anh hùng liệt sĩ trong không gian tâm linh thanh tịnh, hương khói quanh năm như sự ý thức nhắc nhở rằng chính họ là những người thắp lửa tiếp nối cho những người đang sống; qua đó, tô đắp cho Tổ quốc vinh quang, đất nước phồn vinh và đạo pháp trường tồn. 

Điểm đáng nói, không phải ngẫu nhiên ngày lễ “Thương binh liệt sĩ” lại trùng hợp mùa Vu Lan báo hiếu hằng năm. Trong khoảng thời gian này, nhân dân ta, người theo đạo Phật hay không theo đạo Phật, đều có tục lệ lên chùa, sắm sửa chút lễ vật, dâng tấm lòng thành của mình cầu mong cho những anh linh, chơn linh đã sống và cống hiến cho quê hương xứ sở sớm sinh lạc quốc; người còn sống cởi trói phiền não, thân tâm an lạc, vạn sự an lành. Đó chính là sự biểu trưng sự kết nối yêu thương giữa quá khứ – hiện tại – tương lai của mọi người dân Việt, nó phải được xuất phát từ cái tình người, từ tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Đức Phật từng dạy: “Vô thỉ luân hồi, tất cả chúng sinh từng là cha, là mẹ, là anh, là chị, là em trong vòng sống tương tục, mãi hoài”. Đạo lý của dân tộc Việt Nam là “Thương người như thể thương thân”. Chính vì thương người như thương bản thân mà sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc vinh quang, để nhân dân được an lạc.

Chính những ngôi chùa là nơi tiếp nối dòng máu yêu nước, không phải ngẫu nhiên âm vang: “Mái chùa che chở hồn dân tộc/Nếp sống muôn đời của Tổ tông” ngân nga mãi trong tâm thức mỗi người dân Việt. (Ảnh: sưu tầm)

Đây là thái độ sống biết rõ cội rễ của con người trong ý nghĩa tồn tại và phát triển. Tất cả đều phải xuất phát tâm hiếu, mang thực tính yêu thương, đầy bao dung, tha thứ, vô ngã, vị tha trong dòng sống tương tục này. Thế nên, ta mới biết tự mình thương thân mình như thế nào thì mới biết thương thân người khác như thế ấy. Tại đây, mọi giá trị yêu thương “thật” của con người mới được hiển lộ qua thái độ, quan điểm sống của mọi cá nhân hiện hữu, trong cuộc sống vốn luôn biến động không ngừng. 

Đó cũng là câu trả lời vì sao cứ đến Ngày Thương binh – Liệt sĩ không chỉ Đảng và Nhà nước, nhân dân mà cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử khắp mọi miền đều chung lòng hướng nguyện trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm và cầu siêu cho anh linh anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang và trong các chùa, để một lần nữa tạc dạ tri ân. Và quan trọng hơn là giáo dục truyền thống yêu nước, nối tiếp sự hào hùng của cha ông đã hy sinh cho Tổ quốc. Sự sẻ chia ngọt bùi cho những gia đình thương binh liệt sĩ bằng những chính sách và hành động cụ thể, thiết thực để thể hiện tấm lòng tri ân, báo ân của người dân Việt chưa bao giờ ngừng nghỉ mà trào dâng mãi mãi. 

“Nhờ phép Phật sinh Tịnh Độ Phóng hào quang cứu khổ độ u Rắp hòa tứ hải quần chu Não phiền trút sạch, oán thù rửa không” (Nguyễn Du – Văn tế thập loại cô hồn)

THAY LỜI KẾT

Với tất cả niềm tin, niềm kính trọng, niềm tự hào về các anh hùng liệt sĩ, Ngày Thương binh – Liệt sĩ đã thật sự đi vào tâm thức đời sống văn hóa tín ngưỡng tâm linh con người dân nước Việt. Nó không chỉ kết nối gia đình bà con huyết thống ở một đời trong một gia đình, một họ tộc mà còn thắt chặt với nhau bằng cái tình đồng bào, tình nhân loại thông qua mọi thời gian và mọi không gian. Trong ý nghĩa, mỗi nén hương lòng là một lời khấn nguyện hòa bình và hạnh phúc:

“Nhờ phép Phật sinh Tịnh Độ

Phóng hào quang cứu khổ độ u

Rắp hòa tứ hải quần chu

Não phiền trút sạch, oán thù rửa không”.

(Nguyễn Du – Văn tế thập loại cô hồn)

 

TT.TS. Thích Phước Đạt/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 394

Chú thích và tài liệu tham khảo:

* Thượng tọa Tiến sĩ Thích Phước Đạt – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

[1] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý – Trần (tập II), Nxb. Khoa học Xã hội.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin