Chi tiết tin tức

Triết lý nhân sinh Phật giáo trong truyện ngắn của Nhụy Nguyên (ÐÐ. Thích Quảng Thông)

21:23:00 - 30/07/2021
(PGNĐ) -  Với tác giả thì theo Phật, theo Tịnh độ là Tự tánh, niệm Phật với anh như thể làm một phương tiện vi diệu để trở về với bản thể mà thôi. Đó chẳng phải là tự nhiên, tự duyên đến với Phật hay sao. Cũng có lẽ vì thế mà đến nay, mỗi tác phẩm của tác giả đều mang hơi hướng và ngày càng thấm nhuần tư tưởng Phật học, điều này đã tạo nên một Nhụy Nguyên rất riêng, một nét thiền riêng của Nhụy Nguyên.
Tác giả: Nhụy Nguyên là một cây viết trẻ trong làng văn học Việt Nam thế kỉ XXI, những tác phẩm của anh mang đậm chất Phật giáo. Những tư tưởng triết lý về Phật giáo như Tứ diệu đế, khổ, luân hồi, nhân quả nghiệp báo, sám hối, Thiền và Tịnh… được tác giả khéo léo đưa vào tác phẩm của mình. Bài viết này bước đầu mở ra những nghiên cứu, đánh giá đầu tiên về tư tưởng, triết lý Phật giáo trong truyện ngắn của Nhụy Nguyên.

TÁC GIẢ NHỤY NGUYÊN VÀ CƠ DUYÊN ĐẾN VỚI PHẬT GIÁO

Nhụy Nguyên (5/4/1980) tên thật là Trần Nguyên Sỹ, sinh ra và lớn lên ở xã Thụ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà), tốt nghiệp ngành Sử của trường Đại học Khoa học Huế.

Đầu năm 2007 anh được nhận vào Tạp chí Sông Hương và làm việc cho đến nay. Trước đó 1 năm anh đã in tập thơ Lập thiền. Năm 2011, Nhụy Nguyên cho ra mắt tập thơ Khi người ta cúi mặt và nhận được những đánh giá cao từ phía chuyên môn. Từ 2008 cho đến nay, anh đã có duyên với Phật học, cũng từ đó những trước tác của nhà văn ngày càng đậm chất thiền vị.

Khi được hỏi: Cơ duyên nào đưa anh đến với Phật giáo, nhà văn Nhụy Nguyên trả lời rằng: “Nó là một căn duyên tự nhiên… Chẳng hạn như năm 2006, vào một buổi tự nhiên thấy không muốn ăn mặn; có người mua buổi sáng về vẫn để đó, rồi chiều có người gọi đi nhậu, cũng lưỡng lự về đồ mồi…”. Tác giả đến với Phật giáo một cách tự nhiên, bình thường như hơi thở hàng ngày. Chẳng thể nói Đạo Phật ép buộc anh cái gì, mà những tư tưởng thâm thúy trong Đạo Phật dần ảnh hưởng, dần đi vào máu anh, cùng hòa với dòng suy nghĩ của anh để sáng tạo ra con chữ.

Những tác phẩm của Nhụy Nguyên cho thấy những triết lý nhân sinh của Phật giáo như: vô minh, nhân quả nghiệp báo, luân hồi và sám hối, hướng thiện… dưới ngòi bút của tác giả thật uyển chuyển và ý nghĩa.

Với tác giả thì theo Phật, theo Tịnh độ là Tự tánh, niệm Phật với anh như thể làm một phương tiện vi diệu để trở về với bản thể mà thôi. Đó chẳng phải là tự nhiên, tự duyên đến với Phật hay sao. Cũng có lẽ vì thế mà đến nay, mỗi tác phẩm của tác giả đều mang hơi hướng và ngày càng thấm nhuần tư tưởng Phật học, điều này đã tạo nên một Nhụy Nguyên rất riêng, một nét thiền riêng của Nhụy Nguyên.

TRIẾT LÝ NHÂN SINH PHẬT GIÁO TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NHỤY NGUYÊN

Triết lý nhân sinh Phật giáo

Triết lý nhân sinh là một quan niệm có tính triết học, triết mỹ trong tư tưởng Phật giáo, theo quan niệm của phương Đông triết lý nhân sinh là bản tính tự nhiên của con người. Ở phương Tây thì cho rằng con người được cấu tạo nên từ vật chất. Đối với Phật giáo, triết lý nhân sinh được thể hiện trong giáo lý “Thập nhị nhân duyên”. Theo Phật giáo, nguồn gốc của con người và vũ trụ không do một lực lượng siêu nhiên nào sáng tạo ra, cũng không do một đấng sáng thế nào tạo dựng. Tất cả đều do nhân duyên mà kết thành và cho rằng thế giới là vô cùng, vô tận. Ngoài thế giới chúng ta đang ở thì còn vô số các thế giới khác đang tồn tại. Điều này đã được Đức Phật nói rất rõ trong kinh Hoa Nghiêm.

Theo M.Gorki: “văn học là nhân học” có nghĩa là thông qua các tác phẩm văn học phản ánh toàn diện đời sống tinh thần, vật chất và các quy luật vận động của xã hội con người. Con người vừa là chủ thể, vừa là đối tượng chủ yếu của văn học. Không thể lý giải một hệ thống thơ văn mà bỏ qua con người được thể hiện trong đó. Hai chữ “nhân học” có một hàm nghĩa hết sức phong phú, có thể hiểu văn học đã phản ánh, đề cao tình yêu thương con người trong mỗi tác phẩm văn chương. . “Tất cả những gì liên quan tới con người, thuộc về con người đều nằm trong phạm vi biểu hiện của văn học. Từ các mặt xã hội đến các thuộc tính tự nhiên, từ hữu thức đến vô thức, từ dã man đến văn minh, từ tội ác đến đạo đức, từ quá khứ đến tương lai, từ thất vọng đến hy vọng, hễ thuộc về con người thì văn học biểu hiện” [5; tr.55]. Quan niệm nghệ thuật về con người là cách hiểu, cách cảm nhận về con người thể hiện trong cách tái hiện, miêu tả con người của nhà văn.

Trong truyện ngắn của Nhuỵ Nguyên, thế giới nhân vật có diện mạo đa dạng và phức hợp trong mối quan hệ nhiều chiều có sự đan cài giữa mê và ngộ, thanh cao và thấp kém, bi quan và lạc quan… Con người trong truyện ngắn cũng được khai thác ở nhiều bình diện khác nhau: ý thức và vô thức; tình cảm và vật chất; đời sống tư tưởng và đời sống tự nhiên; những khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường. Tuy vậy, một điều dễ nhận thấy là nhà văn coi thế giới tâm linh, đời sống tâm hồn con người, “con người bên trong con người” mới là đối tượng quan trọng nhất để chiếm lĩnh, khám phá, thể hiện. Từ đó, dưới cái nhìn của cảm quan Phật giáo, thông qua tập truyện ngắn, nhà văn đã rất thành công trong việc khái quát ba kiểu con người cơ bản.

Con người vô minh

Vô minh là nguồn gốc của mọi khổ đau, vô minh là chấp ngã, chấp là có ta, chấp vào cái thân xác này là của ta nên tìm mọi cách để bảo vệ những thứ không phải của mình nhằm thỏa mãn tham ái và dục vọng của bản thân. Vì muốn thỏa mãn bản ngã nên con người thường tham cầu, khi chưa có thì lại muốn có, khi đã có rồi lại muốn có nhiều hơn. Con người vì không hiểu rõ chân lý của hạnh phúc? Đôi khi trên con đường tìm kiếm hạnh phúc, họ lại sa đọa vào những điều bất thiện, khổ đau. Hồ Anh Thái – nhà văn nổi tiếng trong giới văn học Phật giáo, thấu hiểu nhiều giáo lý nhà Phật, đặc biệt trong tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi, ông so sánh trạng thái u mê, vô minh với màn sương mù dày đặc: “Chính lúc ấy một cảm giác vô minh. Cái tăm tối mù lòa ngu dốt. Cả thế giới cùng lúc chìm trong vô minh. Rõ ràng ta không mê muội, ta không ngủ mơ. Rõ ràng ta đang tỉnh táo. Nhưng cái tỉnh táo trong chốn mù lòa dốt nát cũng vô tác dụng. Tỉnh như thế cũng không thấy được đường ra” [6]. Triết lý vô minh được Hồ Anh Thái thể hiện rất tuyệt vời “Tỉnh như thế cũng không thấy được đường ra”, một sự cảnh tỉnh con người về tác hại của vô minh, khi mà xã hội ngày càng văn minh, hiện đại.

Trong truyện ngắn Nhụy Nguyên cũng thế, những con người vô minh được biểu hiện rất đậm nét. Bằng sự quan sát tinh tường của nhà văn nên việc miêu tả con người vô minh rất tinh tế. Đến với truyện ngắn Phật ở ngoài khơi xa, có lẽ đây là truyện mà Nhụy Nguyên tâm đắc nhất, vì ở đấy hiện hữu nhiều giá trị tư tưởng, triết lý. Nó là sự biểu hiện của tư tưởng Tứ đế, giải thoát,… những tư tưởng ấy được thể hiện thông qua con người. Cũng vậy, con người trong Phật ở ngoài khơi xa là sự đối lập về tư tưởng. Nếu như Chân luôn hướng đến con đường giải thoát, chặt đứt vô minh thì bạn của anh lại là người luôn hướng đến con đường hưởng thụ dục lạc, chính vì vô minh che lấp nên sự dục vọng và tham ái trong con người của anh ta không thể nào dập tắt được.

Tác giả đến với Phật giáo một cách tự nhiên, bình thường như hơi thở hàng ngày. Chẳng thể nói Đạo Phật ép buộc anh cái gì, mà những tư tưởng thâm thúy trong Đạo Phật dần ảnh hưởng, dần đi vào máu anh, cùng hòa với dòng suy nghĩ của anh để sáng tạo ra con chữ.

Đạo Phật hướng con người tới lối sống thoát tục, từ bỏ những dục vọng tầm thường, sống với từ bi hỷ xả, hướng đến giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Trong truyện ngắn của Nhụy Nguyên, nhiều nhân vật thấu hiểu triết lý từ bi của Đức Phật, sùng bái Đạo Phật nhưng ngọn lửa dục vọng vẫn rừng rực cháy trong họ. Những toan tính, tham vọng cá nhân đã khiến họ lún sâu vào tội ác. Họ tập sống tốt có khi là để che giấu những tội lỗi mà họ đã gây ra. Dục vọng trong con người bạn của Chân đã lấn át quá sâu, anh ta cặp bồ rồi còn quan hệ bất chính với Phương (vợ của Chân). Với con người như thế khi được gặp Chân “một con người thoát tục hướng đến sự thánh thiện cầu giải thoát” thế mà anh ta hoàn toàn không nhận ra được giá trị gì, ngược lại còn bị vô minh che lấp để lén lút quan hệ bất chính với vợ của Chân. Chân nhận ra được giá trị của con đường giải thoát, anh đã từ bỏ gia đình đi tu. Còn người bạn thì cứ chìm đắm trong cảnh giới vô minh, tham đắm trong dục lạc. Truyện như là một kết cấu đảo, rất đậm nét “Duyên” của nhà Phật. Cuối câu chuyện, lại chính là con trai người bạn cũ của Chân gặp Chân đang tu ở một ngôi chùa ngoài đảo. Rồi Chân chợt nhận ra, cậu ta là con người bạn cũ của mình, bao nhiêu hình ảnh của người vợ và người bạn năm xưa lại khơi dậy trong lòng của anh. Tác giả đã sử dụng tiếng mõ như để làm trầm đục lại sự dậy sóng của vô minh. Qua đấy, chúng ta thấy nhân vật Chân tuy đã ở chốn tu hành, nhưng những nỗi đau trong lòng anh vẫn còn chìm trong đáy lòng. Đợi đến lúc nó lại khởi lên “Sư lặng lẽ tới ngồi trước bàn Phật, tay cầm dùi mõ… cốc… cốc… cốc… cốc… tiếng mõ trầm đục… biển mê dậy sóng” [1; tr.39]. Cuối cùng, tác giả nói câu: “biển mê dậy sóng”. Liệu sư Chân đã quên đi tất cả những nỗi đau đó, hay đơn thuần chỉ là nhớ đến trong một lúc, rồi chợt thoáng mất đi. Tất cả đều ở khoảng trống vô vọng của tác giả, để hiểu rằng Một chút giận, hai chút hờn, lận đận cả đời ri cũng khổ con người Chân đôi khi không giận, không hờn mà đơn thuần là anh đã giác ngộ và đang tìm con đường giải thoát. Trong truyện ngắn Phật ở ngoài khơi xa, Nhụy Nguyên lại phản ánh nỗi ưu tư của những con người mộ đạo nhưng còn vướng nặng nghiệp trần, đặt ra một câu hỏi rất suy tưởng rằng: Nếu bỏ lại tất cả yêu thương tục trần để truy nguyên sự thanh tịnh, đốn ngộ của bản tâm… thì phía sau có gì đổ vỡ.?; trong lúc triết lý tột cùng của nhà Phật vẫn sẽ đưa đến sự giải thoát ở bất cứ hoàn cảnh nào khi một hành giả nhẫn nại hành trì đúng tinh thần kinh điển.

Vô minh như là một ánh sáng bị che lấp đi. Con người cũng thế, nếu không thoát ra được vô minh thì mãi mãi chỉ nằm trong bóng tối. Những dụng ý tình tiết này, chúng tôi nhận ra được những tâm tư của chính tác giả. Cho nên, ở Nhụy Nguyên có một chất liệu mà ai đi qua văn chương của anh thì khó mà quên được.

Con người với triết lý Nhân quả – Nghiệp báo

Văn học là hình thái phản ánh xã hội, chính vì thế văn học đã giúp cho độc giả thấy rõ bản chất của thế giới thực tại. Con người và mọi yếu tố xung quanh con người đều nằm trong quỹ đạo của quy luật nhân quả nghiệp báo. Bên cạnh đó là sự chi phối bởi nhân duyên và thuyết luân hồi. Theo Phật giáo, chết không phải là hết, cũng không chủ trương sự siêu nhiên hay thần quyền nào, Phật giáo luôn chú trọng vào chính bản thân của mình. Sự tái sinh về cõi thiện lành hay xấu thì đều do sự tích lũy nghiệp thiện hay nghiệp ác của chính mình. Chính xuất phát từ những học thuyết luân hồi của Phật giáo, cho nên Đức Phật nói đến nhân quả nghiệp báo rất rõ ràng.

Trong tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái, Đức Phật nói rằng: “khi một người làm điều xấu thì trong tương lai người đó phải chịu đau khổ. Còn một khi hành động với tình yêu thương thực sự, người đó sẽ nhận được niềm vui và hạnh phúc” [6]. Qua tác phẩm tiêu biểu trên của văn học đậm chất yếu tố Phật giáo, chúng ta nhận thấy triết lý nhân quả nghiệp báo biểu hiện qua hình ảnh nhân vật đại diện cho chân lý như Đức Phật. Đến với truyện ngắn của Nhụy Nguyên, triết lý ấy luôn được đề cập đến. Nhưng tiêu biểu hơn hết vẫn là truyện Vung tay chạm đến vô cùng, triết lý nhân quả nghiệp báo đã được nhà văn khai triển rất tinh tế và đặc sắc. Dưới ngòi bút tài hoa của tác giả các nhân vật ở đây được thể hiện những vai trò của mình một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất. Truyện tự nhiên theo tiến trình [nguyên] nhân – [kết] quả. Nhân vật Nõ đào được đầu tượng Hộ pháp bằng vàng, nhưng lại đem bán một phần nhỏ xíu trên chóp đỉnh của bức tượng trong khi cả hai vợ chồng Nỏ đang cầu con ở chùa, “tình cờ” anh bị tai nạn ở đầu. Sự việc tai nạn ấy chính là quả báo đối với Nõ, Nõ phải chịu đựng những tổn thương ở đầu trong một thời gian dài. Khi Nõ gặp nạn như thế Nường vô tình tìm thấy đầu tượng Hộ pháp trong tình trạng biến dạng, Nường liền lập tức đem đến chùa xin sám hối với Sư trụ trì. Người vợ hàng ngày tu tập bòn phước cầu nguyện cho chồng mình để được bình an. Một thời gian sau, Nõ cũng dần bình phục lại. Những mạch truyện diễn tiến như câu chuyện chân thật và xúc cảm được kể ở đâu đó quanh ta. Nó như một bức tranh thu nhỏ để miêu tả tính triết lý của cuộc sống trong xã hội hiện thực ngày nay. Vậy khổ đau hay hạnh phúc là do con người tạo ra, chứ không một ai khác mang đến. Con người còn được xem như là sản phẩm của chính mình tạo ra. Với quan niệm trên, Phật giáo khẳng định rằng chúng ta hiện tại là kết quả của nhân đã tạo trong quá khứ và chúng ta đang tạo nhân hiện tại là đang tạo ra chính mình trong tương lai. Khi hiểu được vấn đề như thế, con người sẽ biết cách phải làm như thế nào để có một kết quả tốt đẹp hơn. Nếu không hiểu được vấn đề đó, con người sẽ hao tổn công sức tiền tài để đấu tranh với những thứ hão huyền không phải của bản thân mình.

Với tác giả thì theo Phật, theo Tịnh độ là Tự tánh, niệm Phật với anh như thể làm một phương tiện vi diệu để trở về với bản thể mà thôi. Đó chẳng phải là tự nhiên, tự duyên đến với Phật hay sao.

Truyện ngắn Nhụy Nguyên mang một đặc trưng nghệ thuật có tính truyền thống cổ điển nhất, đó là những tư tưởng căn bản về triết lý nhân sinh trong cuộc sống có mối tương quan với vũ trụ. Nhiều truyện mang đậm màu sắc Phật giáo dưới dạng công án thiền, là sự cắt nghĩa, diễn giải chân tướng về vũ trụ nhân sinh dưới hệ thống hình tượng khác nhau. Truyện Phật ở ngoài khơi xa kêu gọi một tỉnh thức, thoát khỏi sự ràng buộc của dục vọng, tham ái: “phải biết làm bạn với chính mình. Một mình làm bạn với chính mình mà không có điều kiện gì cả có nghĩa bạn thực sự hài lòng với chính mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào” [1; tr.27]. Thức tỉnh thì con người nhận ra giá trị cốt lõi bên trong của chính mình, giúp cho họ nhận ra được điều mình cần làm tốt hơn và hướng đến sự thánh thiện hơn. Từ đấy, cũng phấn đấu làm thiện và giúp đời nhiều hơn. Sống có ích với một kiếp của chính mình và một xã hội bình an.

Triết lý nhân quả nghiệp báo của Phật giáo là một nền tảng có giá trị bậc cao trong xã hội ngày nay. Nếu như không đề cập đến tính tôn giáo, thì nhân quả nghiệp báo đã bước ra khỏi sự rào cản của tôn giáo, trở thành một giá trị đích thực trong cuộc sống, trong tâm thức của con người. Như vậy có thể thấy, trong truyện ngắn của Nhụy Nguyên, thuyết nhân quả của Phật giáo thể hiện ở việc đề cao trách nhiệm của con người đối với cuộc sống của mình ở đời này và cả đời sau. Do đó cũng kêu gọi con người phải có ý thức trách nhiệm đầy đủ về mọi hành vi, lời nói và ý nghĩ của mình hàng ngày, hàng giờ, thậm chí trong từng giây phút của cuộc sống. Vì vậy, thuyết nhân quả nghiệp báo động viên mọi người luôn nỗ lực để sống thiện và đạo đức hơn.

Con người Sám hối – Hướng thiện

Theo triết lý Phật giáo, cái thế gian điên đảo này đắm chìm và đau khổ bởi hai chữ Ái và Dục. Hầu hết con người, khi vừa sinh ra, dường như đã mang sẵn lòng tham dục rất đỗi vô minh. Ban đầu có lẽ chỉ là một phần của bản năng tồn tại. Nhưng càng về sau, lòng tham dục đó lại được con người dùng để khuếch trương cái bản ngã của mình, thông qua bao nhiêu phù phiếm của trần gian: tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, thức ăn, ngủ nghỉ, quyền lực và kiến thức. Mỗi một con người đều chìm đắm trong ham muốn của mình, để thỏa mãn với dục vọng cá nhân của mỗi người.

Toàn bộ hệ thống kinh điển của Phật giáo, Đức Phật thuyết giảng không ngoài bốn yếu tố: “Chỉ rõ cái khổ – Nguyên nhân cái khổ – Phương pháp diệt khổ – Con đường giải thoát khổ”, mà chính cái nguyên nhân của khổ được Đức Phật chỉ rõ đó là “dục vọng” lòng ham muốn của con người. Con người vì tạo ra nhiều tội lỗi, nhưng lại không biết mình đang tạo tội, đến lúc lãnh phải hậu quả thì mới ăn năn sám hối. Chính từ sự hối cải ấy của con người nên triết lý Sám hối như là sự cứu rỗi cho những lỗi lầm của con người tạo ra. Sau khi sám hối, họ thường hướng đến sự thánh thiện để tái tạo một con người mới, con người tốt đẹp và tươi sáng hơn. Con người sám hối – hướng thiện là một loại hình nhân vật được đan xen trong những câu chuyện nhân quả, những tình tiết ấy được nhà văn miêu tả một cách rất tinh tế và xuất sắc.

Tập truyện ngắn gồm 14 câu chuyện, với dung lượng khá khiêm tốn, nhưng thực sự là một thử thách đối với bạn đọc. Trôi trên dòng thời gian trắng xóa như một công án thiền, cần đọc thông qua tâm nhãn, hơn là sự thụ cảm thông thường bằng lí trí và xúc cảm. Truyện ngắn Phật ở ngoài khơi xa hội đủ nhiều triết lý Phật giáo, nó là câu chuyện mà Nhụy Nguyên tâm đắc nhất, có lẽ một phần cũng vì nó dung chứa khá nhiều triết lý sống trong đó. Chắc chắn sự sám hối cũng không thể thiếu trong truyện, khi mà người bạn của Chân sực nhớ về những việc làm không có nhân tâm của anh đối với Chân, tác giả như muốn gợi lên cho nhân vật một tâm thế tủi nhục, một sự trách cứ về chính bản thân của người gây ra tội lỗi trong sự sám hối đầy nghẹn lòng: “Lại nhớ đến một người bạn, người mà tôi và Phương tá hỏa kiếm tìm trong tủi nhục, trong sự kêu gào của lương tâm và trong niềm sám hối vô biên trước mười phương chư thánh” [1; tr.24]. Mạch truyện được đảo ngược theo thời gian phi tuyến tính, làm cho người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Để rồi khi nhận ra những ẩn ý sâu sắc trong truyện của anh. Không chỉ dừng lại ở đó, Nhụy Nguyên còn sử dụng triết lý sám hối cho tên truyện như là truyện Apsara và dòng kinh sám hối truyện nói về những văn hóa Chăm, đưa bạn đọc quay về với đất nước Chămpa, khi cô công chúa người Việt như là nguyên nhân của cuộc chiến giữa hai nước. Nhụy Nguyên đã khéo léo khai quật cả một không gian sử thi huyền thoại, đầy rẫy những biểu tượng văn hóa Chăm trong quá khứ: “Người ta khoác lên thân nàng tấm lụa trắng muốt. Bây giờ chỉ còn ba hầu chữ. Nàng theo đến tòa tháp lớn hình linga. Đỉnh hổng nhìn lên thấy khoảng trời tròn điểm vài ngôi sao mọc vội. Phía trong độc nhất bệ thờ sát tường. Trên bệ là linga-kosa bằng vàng ròng, chóe lên. Một cái đầu thần Sila lồi ra ở đoạn trên của linga…” [1; tr.199]. Câu chuyện giúp cho người đọc hiểu thêm về văn hóa Chăm và ở đấy sử dụng rất nhiều ngôn từ trong kinh sám hối. Sám hối được đặt chính cho tên truyện, chúng tôi khảo sát một khía cạnh ở đây và khẳng định Nhụy Nguyên rất am hiểu về kinh điển và giáo lý nhà Phật, nên trong truyện ngắn của anh luôn hiện hữu những triết lý nhân sinh trong cuộc sống của Phật giáo. Lại đến với truyện Vung tay chạm đến vô cùng, Nhụy Nguyên cũng đem triết lý sám hối hướng thiện vào truyện. Nường sau khi biết chồng mình bị tai nạn do đem đầu tượng Hộ Pháp đi bán lấy tiền, từ sự giác ngộ của Nường nên cô ta đến chùa sám hối với sư trụ trì. Từ đấy Nường lễ Phật thường xuyên để sám hối những lỗi lầm của chồng mình gây nên. Lòng hướng thiện của cô bắt đầu từ đấy. Những chi tiết nhỏ này trong truyện giúp người đọc hiểu ra được những giá trị triết lý nhân sinh trong đời sống và giá trị triết mỹ trong văn học Việt Nam.

Như đã nói, truyện ngắn của Nhụy Nguyên như một công án thiền, muốn truyền tải những giá trị tinh hoa văn hóa của con người đến cho bạn đọc. Những câu chuyện trong tập truyện ngắn giúp người đọc dần nhận ra văn hóa cũng như đạo đức nhân văn của con người. Khi biết nhận lỗi sám hối trước những sai trái của chính mình, hướng đến sự thánh thiện tốt đẹp để chuộc đi những tội lỗi đã gây ra. Nhân vật trong truyện ngắn như là những nốt nhạc để hoàn thiện một bản nhạc tuyệt phẩm đến cho thính giả thưởng thức. Họ sống không nuối tiếc về cuộc đời của mình, sống để tô điểm những điều tốt đẹp nhất cho cuộc đời. Họ làm nổi bật những giá trị triết lý, dám đối diện với những điều họ làm ra và ăn năn sám hối những điều đấy để hướng thiện và bình an hơn.

Tóm lại, con người sám hối hướng thiện trong truyện ngắn của Nhụy Nguyên là sự thể hiện triết lý Sám hối của Phật giáo thông qua cách miêu tả của Nhụy Nguyên, với kiến thức am hiểu Phật giáo và bằng ngòi bút tài hoa của anh, những nhân vật bắt đầu và kết thúc là hai điểm khác biệt hoàn toàn, bắt đầu từ con người hung bạo, tàn ác; và kết thúc bằng con người lương thiện, nhẫn nhục chịu đựng tất cả mọi việc, đó là con người mới, con người cải tà quy chánh đại diện cho triết lý sám hối hướng thiện.

Qua tìm hiểu các tác phẩm của Nhụy Nguyên, chúng ta thấy triết lý Phật giáo trong các tác phẩm truyện ngắn rất nhiều, những tư tưởng triết lý ấy được xuất phát từ chính tư tưởng của nhà văn. Những tác phẩm của Nhụy Nguyên cho thấy những triết lý nhân sinh của Phật giáo như: vô minh, nhân quả nghiệp báo, luân hồi và sám hối, hướng thiện… dưới ngòi bút của tác giả thật uyển chuyển và ý nghĩa. Truyện ngắn của Nhụy Nguyên được đánh giá ở vị trí rất cao trong mảng văn học Phật giáo là bởi những kiến thức uyên thâm về Phật học và thể hiện dưới ngòi bút sắc bén của chính tác giả. Đôi lúc chúng tôi cảm nhận được Nhuỵ Nguyên như là một bản thể đại diện cho văn học mang đậm tư tưởng, triết lý Phật giáo. Bởi lẽ, ở anh không chỉ dùng ngôn từ để phác hoạ qua những yếu tố Phật giáo, mà còn chuyển tải nhiều triết lý, tư tưởng, giáo lý kinh điển, phương pháp tu tập chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc vào trong tác phẩm của anh, chính điều này đã tạo nên sự thành công của tác giả và khẳng định tư tưởng Phật học thấm nhuần trong truyện ngắn của Nhụy Nguyên.

 

* ĐĐ. Thích Quảng Thông: Học viên Cao học ngành Văn học Việt Nam tại trường ĐHKHXH&NV-ĐHQGHN, Thành viên Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế, Chùa Long Hưng – Hà Nội.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Nhụy Nguyên (2018), Trôi trên dòng thời gian trắng xóa, Nxb Hồng Đức, Hà Nội

[2] Nhụy Nguyên (2018), Vũ điệu ý niệm trong cơn đau bản thể, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

[3] Nhụy Nguyên (2018), Mộng thoát luân hồi, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

[4] Nhụy Nguyên (2018), Vũ điệu ý niệm trong cơn đau bản thể, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

[5] Trần Đình Sử (2003), Giáo trình Dẫn luận thi pháp học, Nxb Đại học Huế.

[6] Hồ Anh Thái (2007), Đức Phật, nàng Savitri và tôi, NXB Thanh niên, Hà Nội

[7] Yến Thanh (2019), “Nhụy Nguyên – Trôi giữa hai chiều kích của thời gian”, Tạp chí Sông Hương, số 367.

Nguồn: Tapchivanhoaphatgiao.com

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin