Chi tiết tin tức Văn hóa tổ chức cộng đồng Phật giáo qua tổ chức Giáo hội – Tăng chúng – Chùa chiền thời nhà Lý-Trần 21:17:00 - 19/06/2022
(PGNĐ) - Nghiên cứu văn hóa tổ chức cộng đồng Phật giáo thời Lý – Trần là việc làm thiết yếu, phục dựng lại bức tranh văn hóa Phật giáo Việt Nam, hay còn gọi là nền tảng của lối sống Phật giáo bắt nguồn từ Tăng già thời Đức Phật, hoằng truyền và tiếp nối qua dòng thời gian luân chuyển sang vùng đất Việt, nổi bật nhất vẫn là thời kỳ văn hóa tổ chức cộng đồng Phật giáo Lý – Trần, thời đại vàng son của Phật giáo qua hệ thống tổ chức Giáo hội – Tăng chúng – chùa chiền.
Với đặc tính từ bi, dung hợp, Phật giáo đã từng bước hòa vào tâm thức con người, từng quốc gia một cách uyển chuyển, phù hợp với phong tục, tập quán từng vùng miền mà vẫn giữ cốt lõi tinh hoa Phật giáo. Phật giáo luôn lấy ngôi Tam bảo làm chính yếu, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con người đang còn hoang mang giữa những biến động của kiếp sống vô thường, luân hồi khổ đau vô tận. Theo giáo sư Told T. Lewis nhận định, văn hóa Phật giáo tồn tại chính nhờ nhiều hoạt động trong Phật giáo được thực hành thông qua sự tu tập và hành đạo của những vị tu sĩ từ bỏ gia đình. Chẳng hạn như tổ chức nghi lễ, bố thí, tu tập và chứng ngộ giải thoát đã xuất hiện từ rất lâu đời, mang tính tổ chức cộng đồng Phật giáo. Văn hóa Phật giáo ở mỗi vùng miền dễ dàng thích nghi với mọi điều kiện của từng nơi, nhưng không vượt ra khỏi những nền tảng của đời sống tăng đoàn thanh tịnh được định hình từ thời Phật còn tại thế. “Văn hóa là lối sống của một cộng đồng được biểu hiện qua việc tổ chức đời sống ấy” [1]. Vậy nên, nghiên cứu văn hóa tổ chức cộng đồng Phật giáo thời Lý – Trần là việc làm thiết yếu, phục dựng lại bức tranh văn hóa Phật giáo Việt Nam, hay còn gọi là nền tảng của lối sống Phật giáo bắt nguồn từ Tăng già thời Đức Phật, hoằng truyền và tiếp nối qua dòng thời gian luân chuyển sang vùng đất Việt, nổi bật nhất vẫn là thời kỳ văn hóa tổ chức cộng đồng Phật giáo Lý – Trần, thời đại vàng son của Phật giáo qua hệ thống tổ chức Giáo hội – Tăng chúng – chùa chiền. TỔ CHỨC GIÁO HỘI THỜI LÝ – TRẦN Vào thời nhà Đinh, vua Đinh Tiên Hoàng là người đầu tiên định giai bậc cho hàng Tăng lữ Phật giáo. Năm 971, Thiền sư Ngô Chân Lưu được phong làm chức Tăng thống, mở đầu cho chế độ Tăng thống của Phật giáo Việt Nam. Sang đến thời Lý, giai cấp Tăng sĩ và Đạo sĩ đôi khi lại thay đổi nhưng không đi ngoài quy chế từ nhà Đinh: “Những chức vụ Tăng thống, Tăng lục Tăng chính, đại hiền quan có giá trị về phương diện tổ chức Giáo hội liên hệ tới chính quyền và xã hội, không phải là những chức vụ liên hệ tới đời sống hành đạo trong nội bộ tu viện” [2]. Nhiều vị Tăng sĩ được các vua và triều đình tôn kính, xem là bậc thầy cố vấn tinh thần, chính trị của cả nước, như: Thiền sư Vạn Hạnh, Khô Đầu, Thông Biện, Viên Chiếu, Không Lộ… Vua Lý Thái Tổ khuyến khích người dân xuất gia tu đạo, lập giới đàn truyền giới, tuyển chọn Tăng sĩ và Đạo sĩ xuất sắc. Qua nhiều lần tổ chức độ Tăng, số lượng Tăng sĩ thời kỳ này lên đến con số rất lớn: “Năm 1016, hơn 1000 người ở kinh đô Thăng Long được tuyển chọn để xuất gia làm Tăng sĩ và Đạo sĩ. Năm 1019, lại một lần nữa độ dân làm Tăng sĩ. Đến năm 1134, vua Lý Thần Tông lại tổ chức độ Tăng một lần nữa” [3]. Đến cuối thời Lý, vua Lý Cao Tông đã ra lệnh cho thanh lọc hàng Tăng sĩ, khảo hạch Tăng quan. Việc thanh lọc này giúp Tăng đoàn gạt bỏ đi những người không chân thật tu tập, lợi dụng chiếc áo tu làm kế sinh nhai, làm mất đi vẻ đẹp, văn hóa vốn có của Phật giáo. Đến thời Trần, không thể không nhắc đến một bậc xuất sĩ đắc đạo là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, hay còn gọi là Trúc Lâm Đại sĩ. Người đã xây dựng nền giáo hội Trúc Lâm thống nhất, mang đậm tinh thần từ bi và tính nhập thế. Vốn là một vị vua anh minh có tài lãnh đạo sáng suốt, đến khi lãnh đạo Giáo hội, Ngài lại càng phát xuất phong thái của bậc Tăng thống tôn nghiêm và cao quý, lấy Thập thiện nghiệp làm nền tảng căn bản đạo đức cho toàn dân, đã tạo ra sức ảnh hưởng lớn trong công cuộc hoằng pháp và độ sinh, cảm hóa được dân chúng. Trong lúc hành đạo, Ngài không ngại tham vấn các bậc tuệ nhãn, luôn khiêm cung dù ngồi ở cương vị trên ghế chủ tọa ở các buổi đại tham, sẵn sàng dấn thân phụng sự đạo đời một cách tích cực, không nề hà hay chối từ những gì liên quan đến việc xây dựng và phát triển Phật giáo Trúc Lâm, hoằng pháp và độ sinh theo tinh thần từ bi và trí tuệ của Phật giáo. Năm 1299, Ngài cho in bộ sách Phật giáo Pháp sự đạo tràng công văn cách thức phát cho cả nước nhằm thống nhất các hình thức nghi lễ Phật giáo, thống nhất hệ tư tưởng trên toàn quốc gia. Trúc Lâm Đại sĩ tìm được người đệ tử xuất sắc tên là Pháp Loa, cũng là người được truyền y bát, truyền pháp ấn, kế vãng khai lai. Biết được pháp thân gần mãn, người lo sắp xếp mọi việc chu toàn, chính thức ủy thác đệ tử là Pháp Loa kế nhiệm trụ trì chùa Siêu Loại, trở thành tổ thứ hai của Phật giáo Trúc Lâm trước sự chứng kiến của vua Trần Anh Tông và triều đình: “Ngày mùng 1 tháng Giêng năm Mậu Thân (1308), Điều Ngự sai Pháp Loa nhận chức trụ trì nối dòng Pháp tại chùa Báo Ân, huyện Siêu Loại” [4]. Vua Anh Tông đóng vai trò là Phật tử thuần thành ngồi vào ghế Tam Tổ Thực Lục khách ở pháp đường, các quan đứng dưới sân. Trúc Lâm Đại sĩ đứng thuyết pháp rồi rời khỏi pháp tòa, dẫn đệ tử đến pháp tòa rồi tự mình chắp tay làm lễ thăm hỏi, Pháp Loa đáp bái lại. Sau đó, Điều Ngự trao pháp y cho Pháp Loa, bước xuống ghế Khúc Lục ở một bên tòa để lắng nghe Pháp Loa thuyết pháp. Cuối cùng, Trúc Lâm đem Sơn môn (Giáo hội) Yên Tử và chùa Siêu Loại ủy lại cho Pháp Loa tiếp nối trụ trì. Nối gót sư phụ, sư Pháp Loa đã điều hành Giáo hội xuất sắc, nâng lên tầm mới với nhiều hoạt động đào tạo Tăng tài, xây dựng chùa chiền, tổ chức đạo tràng tu học. Ông bước vào cửa đạo 26 năm nhưng đã có 23 năm phụng sự và lãnh đạo Giáo hội một cách xuất sắc không thua kém gì Trúc Lâm Đại sĩ. Số lượng chùa chiền không ngừng tăng lên, người xin xuất gia tu học và quy y ngày càng nhiều, các phong trào học Phật lan rộng khắp cả nước, trong đó có cả giới quý tộc. “Tháng 9 năm Quý Sửu (1313) Pháp Loa phụng chiếu đến cư trú tại chùa Vĩnh Nghiêm ở Lương Giang, đặt Văn phòng Trung ương của Giáo hội ở đó, quy định mọi chức vụ của Tăng sĩ trong Giáo hội, kiểm tra tự viện và làm sổ Tăng tịch” [5]. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, đây là lần đầu tiên làm sổ Tăng tịch. Do số lượng tu sĩ Phật giáo đông đảo nên Giáo hội quyết định ba năm mới mở một lần độ Tăng và Giới đàn, giúp cho Tăng đoàn thanh tịnh. Giáo hội Trúc Lâm trở thành Giáo hội Phật giáo hoàn bị trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thời Trung đại, cả về cách sắp xếp, tổ chức các hoạt động, quy củ thiền môn, đến quản lý Tăng chúng đều mang đậm sắc thái Việt Nam. Phật giáo đời Trần là một Phật giáo có sự thống nhất, hợp nhất rõ ràng của một tông phái, điểm quy tụ chính là núi Yên Tử, với cảnh sắc thiên nhiên tịch tĩnh, sự linh thiêng của gió núi mây ngàn nên rất phù hợp với đời sống Tăng lữ. Quốc sư Viên Chứng, Đại Đăng, Tông Cảnh, Bão Phác… đều thuộc sơn môn Yên Tử. Chùa Vân Yên (Thời Lê đổi là Hoa Yên) trên núi Yên Tử được xem là “Đại bản sơn”, là quê hương tinh thần của Phật giáo Trúc Lâm [6]. Tính đến năm 1329, Giáo hội Trúc Lâm do Pháp Loa tổ chức các Giới đàn đã có hơn 15.000 vị xuất gia, thọ giới. Số tự viện năm 1313 có trên 100 ngôi chùa thuộc Giáo hội Trúc Lâm (Sách Tam Tổ hành trạng của Ngô Thì Nhậm nói có hơn 800 ngôi chùa) [7]. Khác với triều Lý là chùa chỉ do triều đình hay Tăng sĩ xây dựng, thời Trần lại có rất nhiều chùa làng do nhân dân đóng góp xây dựng, ít nhất một làng có một ngôi chùa. Pháp Loa còn cho xây nhiều cơ sở, chẳng hạn chùa Báo Ân năm 1314, Tổ cho xây 33 cơ sở gồm Phật điện, tàng kinh và Tăng đường. Đúc 1.300 tượng Phật bằng đồng với kích thước tầm lớn và nhỏ. Những người quan quyền quý tộc giàu có đều phát tâm cúng ruộng đất vào Giáo hội rất nhiều. SINH HOẠT TỰ VIỆN VÀ ĐỜI SỐNG TĂNG GIÀ Trong Tam Tổ thực lục đã ghi lại việc sư Pháp Loa cho xây dựng hơn 200 Tăng đường cho Tăng Ni cả nước đến tu học. Tính từ năm hạn chế lại việc độ Tăng, từ năm 1313 đến 1329 có 15.000 người xuất gia học đạo, tựu trung thời đó ít nhất có khoảng 30.000 vị thuộc trong và ngoài Giáo hội Trúc Lâm. Sư Pháp Loa cho xây dựng 200 Tăng đường và sửa chữa thêm chùa chiền cho Tăng chúng có điều kiện tu học tốt. Dù bận nhiều công tác Phật sự, Pháp Loa vẫn dành nhiều thời gian cho việc giảng dạy kinh điển như các Kinh: Kim Cương, Lăng Nghiêm, Viên Giác, Niết bàn, Lăng già, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm. Đặc biệt là Kinh Hoa Nghiêm, sư Pháp Loa giảng nhiều lần tại các chùa: Siêu Loại, Quỳnh Lâm, Đường Phước, Xí Thạnh Quang, An Lạc Tàng Viện và Kiến Xương phủ. Các bộ lục như: Tuyết đậu ngữ lục, Tuệ trung thượng sĩ ngữ lục, Đại tuệ ngữ lục cũng được Pháp Loa giảng giải. Những buổi giảng pháp như vậy có rất nhiều người tham dự, lên đến trên 1.000 người thính pháp, ít nhất cũng là 600 người. Kinh sách được in ấn, phát hành rộng rãi nhờ các bản gỗ trữ tại chùa Báo Ân, nhờ đó đáp ứng nhu cầu tu học và nghiên cứu cho người học Phật khắp cả nước. Quốc sư Bảo Phác cũng thường đến tham học với Trúc Lâm Đại sĩ, cùng chung tay góp sức trong việc xây dựng giáo hội mới, năm 1322, Pháp Loa mời về dạy Tứ phần luật cho các chùa thuộc giáo hội Trúc Lâm. Thiền sư Bảo Sát được Pháp Loa ủy nhiệm Quản đốc việc tục san Đại tạng kinh (1311). Kể đến những vị đệ tử xuất sắc của Pháp Loa có Quế Đường, Cảnh Ngưng, Cảnh Huy và Tuệ Quán. Huyền Quang cũng đến cầu pháp với Pháp Loa, đảm nhận vai trò khảo duyệt và nhuận sắc các văn kiện quan trọng của Giáo hội, các bản văn cần được ấn hành sẽ được hiệu khảo trước khi khắc bản. Lúc Trúc Lâm Đại Sĩ còn lãnh đạo Giáo hội, Huyền Quang cũng được ông mến phục tài văn chương, sáng tác “Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn, hiệu khảo rồi thì không thể thêm hay bớt một chữ nào nữa” [8]. Trúc Lâm Đại sĩ nhờ ông soạn các sách thực dụng như Chư Phẩm kinh (Tuyển tập những phẩm kinh thiết yếu và thực dụng), Công văn tập (những bài văn sớ điệp trong nghi lễ Phật giáo), Thích khoa giáo (tập sách giáo khoa về Đạo Phật) cho lưu hành trong Giáo hội Trúc Lâm. Huyền Quang còn được Phật hoàng tin tưởng cho vân du khắp nơi giảng kinh, thuyết pháp, có lần còn được Trúc Lâm Đại sĩ cho ngồi tòa trầm hương của mình để giảng kinh, cho thấy sự tín nhiệm, quý trọng của Đại sĩ dành cho ông rất lớn. Sau, ông về trụ trì chùa Vân Yên trên núi Yên Tử, Tăng Ni nghe tiếng ông kéo về tu học lên đến 1.000 người. Sau khi sư Pháp Loa mất, sư Huyền Quang tiếp quản Giáo hội Trúc Lâm, lúc này ông cũng đã lớn tuổi (77 tuổi) nên đến khi ông mất, Quốc sư An Tâm tiếp nối lãnh đạo Giáo hội nhưng lúc này xã hội phân hóa và do nhiều lý do khác mà Giáo hội Trúc Lâm không còn hưng thịnh nữa. Đời sống Tăng sĩ được đầy đủ vì có lợi tức từ ruộng do triều đình ban cho, cộng thêm sự ủng hộ lớn từ quý tộc. Ngoài sự ủng hộ lớn từ triều đình, quý tộc, các chùa trong thời kỳ này còn được dân chúng cúng dường ruộng đất, cung cấp lương thực cho Tăng sĩ phần nào, giúp họ có thể an tâm tu học. Phong trào tự phát theo Phật trong quần chúng nhân dân đã tạo nên những ngôi chùa lớn nhỏ mọc khắp các làng xã do chính dân xây dựng, không được triều đình công nhận, cũng không thuộc Giáo hội Trúc Lâm nhưng cũng chính là những ngôi chùa tâm linh rất đỗi gần gũi, đem đến sự bình yên cho người dân. Theo Nguyễn Lang [9], ảnh hưởng từ Phật giáo thiền từ thế kỷ thứ ba “Bất tác bất thực” (không làm thì không ăn) của tổ Bách Trượng, các chùa đều chủ trương vừa tu học, nghiên tầm giáo điển vừa lao động chấp tác đều đặn như trồng trọt, làm ruộng vườn. Vừa lao động, vừa công phu tu tập là một truyền thống, thói quen phù hợp với đời sống người xuất gia, lại vừa tự túc về kinh tế. Triều đình ban cho ruộng còn có canh phu đến cày, hoa lợi từ ruộng được chi vào việc nuôi chúng Tăng, làm các Phật sự của chùa và Giáo hội. Các chùa lớn áp dụng “Tam bảo nô” thay cho chế độ canh – phu, họ được chùa cho một lô đất để cất nhà sinh sống, họ cày ruộng cho chùa để trả ơn. Với chế độ Tam bảo nô, người làm được hưởng nhiều quyền lợi hơn những người canh phu bình thường. Thậm chí, những người phạm pháp đang bị giam giữ, nhà chùa có thể bảo lãnh họ ra và giữ họ trong đội Tam bảo nô thì triều đình tin tưởng họ sẽ trở thành người lương thiện và không bao giờ phạm tội nữa. Thời kỳ này, các chùa xây theo kiến trúc chính là Phật đường, trong đó thờ Phật Thích Ca, Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền, có chùa thờ thêm tượng Phật A Di Đà, Quan Âm và Thế Chí. Tổ đường có tượng ngài Bồ Đề Đạt Ma, các linh vị Tổ sư bản phái. Nơi tập hợp chúng Tăng gọi là Tăng đường, còn trai đường dành cho việc thọ thực, các liêu phòng là chỗ cư trú của các vị Tăng. Đứng đầu tự viện có viện chủ (giám viện, trụ trì), vị giảng sư quan trọng nhất được gọi là giảng chủ, tri sự lo việc điều hành các việc tổ chức trong tự viện. Tri viên lại chuyên về mảng quản lý, phân công việc về ruộng vườn. Người có trách nhiệm về thư viện, kinh sách gọi là tri tạng, thủ khố trông coi kho chứa sản vật và tài vật cho việc duy trì đời sống Tăng chúng ổn định và nhịp nhàng. Tri liêu trông coi, điều hành phòng ở các liêu phòng, trên Phật điện do tri điện chịu trách nhiệm cùng với hương đăng. Tri chúng (thủ chúng) đóng vai trò quan trọng trong việc phân công điều hành nhiều việc liên quan đến Tăng chúng. Khi tụng kinh, vị duy na xướng lễ điều hành nghi thức, duyệt chúng cùng phụ với duy na. Chúng Tăng cùng nhau luân phiên làm các công tác trong tự viện được gọi là trị nhật, thị giả chính là các vị nhỏ mới vào tu phụ giúp các vị lớn dọn dẹp. Tu viện của Pháp Loa áp dụng nghi thức Lục thời sám hối khoa nghi của vua Trần Thái Tông, có lẽ các chùa khác cũng như vậy, có khi chỉ tụng hai thời công phu chính là buổi khuya và buổi tối. Bất cứ ai muốn tu đạo đều phải trải qua việc thọ giới pháp như: Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na, Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Sa di có 10 giới, Tỳ kheo 250 giới, Tỳ kheo ni 348 giới, nửa tháng cùng nhau tập hợp để thuyết giới, tuyên đọc và kiểm điểm lại sự hành trì giới như thế nào trong thời gian qua. Trong mỗi tu viện còn có vị Thượng tọa chuyên trách về việc hướng dẫn hành thiền, giải đáp thắc mắc, tham cứu cho các thiền sinh. Ngoài giờ làm công tác chùa, Tăng chúng tụng kinh, nghiên cứu kinh điển, tọa thiền, giảng kinh… có vị ở luôn suốt đời tại tu viện, có người đi du phương học đạo, hoằng pháp. Pháp Loa có rất nhiều đệ tử xuất gia và trở thành những bậc giảng sư thuyết pháp tài trí như: Tuệ Nhiên, Tuệ Chúc, Hải Ấn, Hoằng Tế, Huyền Giác. Trước sự phát tâm xuất gia tu học của hàng Tăng sĩ, Pháp Loa mong muốn ai cũng thông hiểu giáo lý, giới luật sau khi lãnh thọ giới pháp. Năm 1322, ông cho khắc bản Tứ phần luật để in và phổ biến đến giới Tăng sĩ, thỉnh sư huynh của mình là Tông Cảnh và Bảo Phác (cả hai đang là Quốc sư) về chùa Siêu Loại mở lớp dạy về giới luật cho Tăng chúng. Ngoài ra cho in 5.000 bản Tứ phần luật cho từng học Tăng có pháp bảo đáp ứng cho nhu cầu học tập và nghiên cứu được thấu đáo. Cho thấy, không phải thời nay mới có việc tặng kinh sách và Tứ phần luật cho giới tử mà đã có từ Giáo hội Trúc Lâm. Giáo hội Trúc Lâm thực hiện nhanh chóng (1259-1319) việc trùng san Đại tạng kinh, một công trình văn hóa hết sức ý nghĩa của thời đại nhà Trần để lại cho Phật giáo và lịch sử Việt Nam, tiếc rằng giờ đây đã không còn. Ấn Độ có một A Dục Vương thì thời nhà Trần có một Anh Tông muốn trở thành nhân Vương hộ Quốc, nhờ Pháp Loa viết cho cuốn sách “Hộ quốc nhân vương nghi quỹ” dạy về đời sống của một vị vua Bồ tát. Pháp Loa nhiều lần tổ chức in ấn kinh sách với số lượng lớn, đặc biệt là lần kêu gọi các Tăng sĩ, cư sĩ cùng hiến máu in 5.000 quyển đặt tại chùa Quỳnh Lâm. Trong Tam Tổ thực lục ghi lại vào năm 1329, ông cho in 5.000 quyển Đại tạng kinh. Trong đó bao gồm các tác phẩm kinh điển của Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ và Trần Nhân Tông. Khi quân Minh sang xâm chiếm, phá hủy và đốt phá chùa chiền nên hiện nay không còn thấy bản Đại tạng kinh quý giá được in dưới thời Trần nữa. Phật Hoàng Trần Nhân Tông sau khi xuất gia, Ngài càng tích cực hơn trong việc hoằng pháp, độ sanh. Trong ba tháng an cư kiết hạ, người thường ở tại các am Tử Tiêu, Ngọa Vân, Thạch Thất, Tri Kiến, có khi nhập hạ tại chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Siêu Loại. Hàng năm tại chùa Vân Yên vẫn luôn tổ chức an cư kiết hạ cho hàng Tăng sĩ nhằm thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới – Định – Tuệ theo đúng lời Phật dạy; chư Tăng từ khắp cả nước tụ hội về đông đảo xin được nhập hạ. Vì số lượng Tăng sĩ quá đông, Giáo hội cho cất thêm nhiều dãy nhà tạm thời cho đủ chỗ cư trú, chư Tăng trong thời này rất mong muốn được nhập hạ tại chùa Vân Yên “Dù ai quyết chí tu hành, có về Yên Tử mới đành lòng tu” [10]. Tuy nhiên, chùa Vân Yên không thể dung chứa đủ số lượng Tăng sĩ đăng ký nên Giáo hội Trúc Lâm vẫn cho tổ chức an cư các điểm khác như: Chùa Báo Ân, Sùng Nghiêm, Vĩnh Nghiêm, Quỳnh Lâm, Thanh Mai và Côn Sơn. Đặc biệt, chùa Vĩnh Nghiêm tại Lương Giang được đặt làm cứ điểm Văn phòng Trung ương của Giáo hội, nơi thu nhận và cất giữ hồ sơ của chư Tăng cả nước. Thiền sư Pháp Loa đã từng đến đây xem xét và kiểm tra các tự viện, quy định chặt chẽ các chức vụ của Tăng sĩ vào năm 1313. Các tu sĩ Phật giáo thời này đã có độ điệp, xem như là giấy thông hành, chứng từ chỉ dành riêng cho hàng Tăng sĩ, đi đâu chỉ cần trình độ điệp sẽ dễ dàng cho việc đi lại, ngoài ra còn nhận được sự tiếp đón tại các chùa muốn lưu trú tạm thời, được ngủ lại đêm, phù hợp cho việc du hành, tham bái và khảo cứu nhiều nơi. Pháp Loa là vị Tăng đầu tiên có độ điệp do vua Trần Anh Tông ban cho (năm 1308). Thời kỳ này, Tăng chúng đã có được những kinh sách thiết yếu cho việc tu tập, cho thấy được tổ chức Giáo hội này hết sức chặt chẽ, nghiêm túc và đầy đủ tiện nghi về việc học Pháp, nơi chốn tu tập, giới đàn mở nhiều, được nghe giảng giáo lý, kinh điển, giới luật cặn kẽ… Thiền phái Trúc Lâm đã xây dựng nên tổ chức Phật giáo thống nhất từ trước đến bấy giờ, đánh dấu mốc son trong trang sử vàng dân tộc và lịch sử Phật giáo Việt Nam, trở thành cốt lõi văn hóa Đại Việt và văn hóa Phật giáo Việt Nam. Từ đây, Giáo hội thống nhất hệ tư tưởng các tông phái trên tinh thần nhập thế, từ bi, vô ngã, thống nhất từ trung ương đến địa phương, thu hút hàng xuất gia và tại gia trở về chùa tu học, tiến nhanh đến lộ trình giải thoát. KẾT LUẬN Văn hóa là lối sống của cộng đồng Phật giáo được biểu hiện qua tổ chức đời sống ấy. Văn hóa tổ chức cộng đồng Phật giáo Việt Nam làm rõ chức năng của văn hóa Phật giáo thông qua việc tổ chức Giáo hội, Tăng chúng, chùa chiền… theo đúng quy củ, chặt chẽ và mang tính khoa học, tạo được uy tín và lòng kính tin từ mọi tầng lớp Nhân dân, chính đời sống thanh tịnh và hòa hợp làm khơi dậy bức tranh sinh hoạt Tăng già thời Đức Phật. Người tu sĩ ngoài việc tu tập còn giải quyết những vấn đề tâm linh, điểm tựa vững chắc cho người dân qua việc giải đáp những khúc mắc trong cuộc sống, xoa dịu và trấn an những nỗi khổ, niềm đau của con người.
SC. Thích Nữ Huệ Nhật/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 391
Chú thích và tài liệu tham khảo: * SC. Thích Nữ Huệ Nhật, Học viên Cao học khóa III, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. [1] Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích nữ Thanh Quế, Đại cương văn hóa Phật giáo, Lưu hành nội bộ, 2016, tr.86. [2] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, 2012, tr.158. [3] Nguyễn Lang, Sđd, 2012, tr.159. [4] Tam Tổ thực lục, Thích Phước Sơn dịch và chú giải, VNCPHVN, 1995, tr.15. [5] Nguyễn Lang, Sđd, 2012, tr.253. [6] Nguyễn Lang, Sđd, 2012, tr.306. [7] Nguyễn Lang, Sđd, 2012, tr.253. [8] Nguyễn Lang, Sđd, 2012, tr.266. [9] Nguyễn Lang, Sđd, 2012, tr.370. [10] Nguyễn Lang, Sđd, 2012, tr.306.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |