Chi tiết tin tức

Ví không có buổi đông tàn

20:33:00 - 25/12/2013
(PGNĐ) -  Tạp Chí Văn Hóa Phật giáo số 119 | HUỲNH KIM BỬU Mùa đông thường đến với vùng đất này khi những cơn mưa đầu mùa ào ào đổ xuống vào buổi chiều một ngày nào đó trong khoảng đầu tháng Mười âm lịch, nên tục ngữ vùng này có câu “Tháng mười ngó ra- Tháng Ba ngó vào”; ngó ở đây có nghĩa là trông chừng, xem trong khoảng tháng Mười, khi nào đám mây đen nổi lên ở hướng Bắc, thường xuất hiện vào lúc xế chiều, thì đó là dấu hiệu trời sắp mưa, mà thường là mưa bão; còn trong khoảng tháng Ba thì người ta ngó về phương Nam trông cho có mây để đón những cơn mưa lành. Đến khoảng giữa tháng Mười trở đi thì không còn mưa rào nữa mà đã có những cơn mưa rả rích nối tiếp nhau, đó là mưa dầm; ...

vi-khong-co-buoi-dong-tan

Mùa đông thường đến với vùng đất này khi những cơn mưa đầu mùa ào ào đổ xuống vào buổi chiều một ngày nào đó trong khoảng đầu tháng Mười âm lịch, nên tục ngữ vùng này có câu “Tháng mười ngó ra- Tháng Ba ngó vào”; ngó ở đây có nghĩa là trông chừng, xem trong khoảng tháng Mười, khi nào đám mây đen nổi lên ở hướng Bắc, thường xuất hiện vào lúc xế chiều, thì đó là dấu hiệu trời sắp mưa, mà thường là mưa bão; còn trong khoảng tháng Ba thì người ta ngó về phương Nam trông cho có mây để đón những cơn mưa lành.

Đến khoảng giữa tháng Mười trở đi thì không còn mưa rào nữa mà đã có những cơn mưa rả rích nối tiếp nhau, đó là mưa dầm; mưa lớn tầm tã nhưng kéo dài lien tục ngày này qua ngày khác; nhìn ra dãy núi Bà thấy mây phủ, nhìn lên núi Mò O , thấy tuôn những dòng suối trắng xóa. Mưa dầm vài ba hôm, nước con sông Côn dâng cao. Cái làng quê An Định của tôi đứng co ro trong gió mưa. Đây là lúc  các chợ quê bắt đầu bày bán những chiếc áo tơi lá, áo tơi chiếu bên cạnh những gian hàng bán đó, giẹp, nơm, lờ…dùng đánh bắt cá đồng; cùng lúc, nơi những gian hàng thực phẩm cũng bày la liệt những mẹt, những chậu…trên đó nhảy đành đạch những con cá đồng tươi roi rói vừa mới đơm bắt được trong cơn lũ đầu mùa, trong nước lụt ói.

Những ngày này, người ta thường ở trong nhà, ít đi đâu ra ngoài vì ngại cảnh đội mưa, lội bùn. Trời mưa làm cho những người có tâm hồn nghệ sĩ hay bang khuâng nghĩ ngợi, buồn vô cớ, chẳng hạn như nhà thơ Huy Cận kể lể,” Tai nương nước giọt mái nhà- Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn”, hoặc bỗng cảm thấy nhớ nhung điều gì đó, có khi không rõ nguồn cơn, kiểu như Lưu Trọng Lư có lần tự hỏi,” Mưa chi mưa mãi- lòng nhớ nhung hoài- nào biết nhớ nhung ai!”. Cũng giống như mọi nơi có con người trên cuộc đời này, làng An Định cũng có kẻ giàu người nghèo. Mỗi năm có một mùa đông đến khiến mỗi năm một lần kẻ giàu được hưởng cái thú áo dạ len, mền đơn mền kép. Ai tốt bụng thì chạnh thương người chịu cảnh “ cơ hàn”. Nhưng dầu sao chăng nữa, những gia đình nghèo cũng cố tìm cho mình có cái” thú” đông về. Họ nằm ngủ ổ rơm mà so sánh với người có chăn êm nệm ấm; họ hào hứng thưởng thức những món ăn quê mùa dân dã bỗng dưng rộ lên có mặt một cách phong phú lúc chớm đông, để nghĩ rằng về một mặt nào đó, mùa đông cũng đã đối đãi công bằng với mọi người.

Má tôi mất đã mấy mươi cái giỗ, nhưng anh em chúng tôi vẫn thường nhắc nhau về những kỷ niệm mùa đông với má. Nhớ lúc cả nhà quanh bếp lửa hồng ngồi sưởi ấm và nghe má kể chuyện” đời xưa”, nhớ những đêm mấy má con cuộn tròn trong ổ rơm, nhớ dáng má nằm lắng nghe tiếng sấm cửa ồ ồ từ Giã vọng lên mà lo chuyện lành dữ của thời tiết…Cũng xin phép được giải thích thêm một chút, rằng “Giã” là tên gọi các cửa biển, mà cũng là để chỉ cho đất Quy Nhơn theo cách gọi của dân gian thời ấy.

Rồi có một ngày thời tiết bỗng chuyển biến với mức độ khủng khiếp tăng dần lên: Suốt nhiều hôm liền, bầu trời nặng như chì; và chẳng bao lâu sau, cơn bão từ biển Đông đổ bộ.

Tất cả những vùng có cư dân sống dọc hai bờ con sông Côn đều bị ảnh hưởng bởi bão lũ, đâu đâu  cũng xơ xác, tiêu điều. Cũng như ở các làng khác, những chiếc sõng trong làng An Định vốn được úp lâu ngày trên rường nhà hoặc nơi hiên nhà nay  được” hạ thủy”. Sõng chở người chạy lũ, chở người đi vớt củi trôi, đi đuổi vịt đàn đi lạc…Và kể cả những chiếc sõng được dùng tạm làm đò dọc đò ngang chạy tới chạy lui giữa màn nước bạc mênh mang dưới màu trời đùng đục. Tôi đã từng chứng kiến những túp nhà tranh bị gió cuốn, những ngôi nhà cũ nát trôi tuột giữa dòng sông, những tình cảnh đáng thương và cả những tấm lòng vàng dành cho nhau để làm dịu nỗi đau của nhau trong ngà bão lũ tàn phá.

Chỉ có lũ trẻ nhỏ dại khờ chúng tôi là “ vô tư” trong những ngày bão lũ. Chúng tôi kéo nhau đi dẫm nước, chống sõng, chống bè, lấy bậc thềm nhà mình làm” bến thuyền”, lấy vườn chuối nhà mình làm “ xưởng đóng thuyền bè”…Tôi có kỷ niệm” ngày xưa”; với thằng Nhịn, thằng Nghèo, con Nhín…trong những buổi lén má, lén anh Hai” tổ chức”hạ trộm cây chuối tơ trong vườn nhà ông Phó Thì để đóng bè chuối; với anh Cu Tí, người” khéo” bày tôi đi giở giẹp trộm, trút cá trộm của ông Mười Thắng để bị ông tóm cổ và nhận nước một trận thiếu điều chết ngạt…Đó, đều là những kỷ niệm đáng xấu hổ.

Ông trời in hình bão lâu cũng hết gió, mưa lâu cũng cạn nước, có ráng lắm thì cũng “ ông tha mà bà chẳng tha, làm nên cái lụt hăm ba tháng Mười”. Sau trận lụt thì người ta chỉ còn có non nửa mùa đông, một cảnh đông tàn với những ngày mưa phùn gió bấc. Những ngày này, nhà nông quê tôi tở mở ra đồng” chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”. Nông vụ tấn thời, họ vừa lo cho vụ đông xuân sắp tới vừa kháo nhau: “Năm tới, nhờ mưa thuận gió hòa, đồng ruộng thế nào cũng tốt, nhà nhà sẽ được cái cảnh no đủ”. Người ta vừa làm vụ đông xuân vừa tổ chức đám cưới,” đẩy mạnh” mùa cưới, bởi lẽ ca dao đã nhắc nhở rằng, “Gái sao gái chẳng biết lo- Đại tuyết, Đông chí nằm co một mình”. Suốt cả tháng, nhiều nhà trong làng An Định cất rạp, chăng đèn,kết hoa…, nhà làm lễ đón dâu mới, nơi đưa con gái về nhà chồng. Đám cưới rước qua bến đò Bầu Sáo, rước đi trên đường đê có hoa gạo nở đỏ rực, rồi rước vào tới làng cho trẻ già trai gái tò mò kéo nhau ra xem và trầm trồ cô dâu chú rể xứng đôi vừa lứa.

Vừa mới rảnh việc đồng áng, ba tôi liền cuốc mảnh sân rêu nhà mình để trồng rau cải…Hằng ngày, từ sáng sớm, với ấm chè nóng đặt dưới hiên nhà, kèn thuốc lá trên môi, ba tôi bón tưới, chăm chút từng rò rau cải, nâng đỡ từng cây hành ngò….Trải qua mấy tiết Đông chí, Tiểu hàn, sân rau cải của ba tôi lên màu xanh mượt. Cũng vậy, sân rau cải của các nhà khác trong làng đều nhờ công chăm bón mà tươi tốt trông thấy trong cái se lạnh của buổi cuối đông.

Và cũng trong cái se lạnh cuối đông ấy, chợ làng họp đông người. Người làng An Định sắm mâm cỗ ăn Tết Đông chí để tiễn đưa mùa đông. Một hôm, khách đến thăm ba tôi là ông tú An Định; ông vốn tên Lễ, nhưng nhờ đã đỗ tú tài khoa Hương thí cuối cùng nên người ta lấy tên gọi thay tên tộc của ông để tỏ sự kính trọng. Đứng hồi lâu nhìn ngắm những chậu mai, chậu cúc, chậu vạn thọ….trên thềm nhà nở hoa sớm và những giàn đậu Ngự, đậu Hòa lan rung rinh hoa trái đầu mùa, ông cao hứng ngâm:” Ví không có buổi đông tàn- Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân” rồi theo chân ba tôi vào nhà uống trà.

Tạp Chí Văn Hóa Phật giáo số 119 | HUỲNH KIM BỬU

 

vanhoaphatgiaoblog.com

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin