Chi tiết tin tức

Xuân hoan hỷ

21:17:00 - 03/02/2023
(PGNĐ) -  Năm mới Quý Mão đã đến. Bao nhiêu khó khăn vất vả trong năm cũ cũng theo thời gian và không gian cứ thế lặng lẽ đi qua để đón chào năm mới với niềm tin, hy vọng của mùa xuân Phật Di Lặc. Mùa xuân ngập tràn hoan hỷ của đất trời mang hương vị giải thoát mà Đức Phật từng chỉ dạy những người con Phật.

Thực tế sống trong thế giới hữu hạn này, người ta nói cuộc đời là bể khổ. Vì vậy, Đức Phật Thích Ca thị hiện ở đời để giáo hóa với mục đích “Ta ra đời vì hạnh phúc, vì sự an lạc cho chư thiên và loài người”. Đức Phật đã chuyển pháp luân, đem giáo pháp mà mình chứng đắc thuyết pháp độ sinh để con người nỗ lực chuyển hóa nột tâm, thành tựu tâm thanh tịnh hỷ lạc, có đủ niềm tin và nghị lực sống với đời, làm cho đời thêm sáng tươi. Trong cuộc sống đầy biến động ở thời đại 4.0, sự vận hành của con người đối với các mối quan hệ càng diễn ra nhanh chóng, vạn vật theo đó càng thay đổi chóng mặt. Cho nên, khi tiếp xúc với đời, tiếp cận và sống trong đạo, người ta mới cảm nhận được giá trị hạnh phúc do đạo Phật đem lại. Và như vậy, đạo Phật đã đem đến niềm vui nhất trần gian để con người có thể tận hưởng mà không cần bất cứ điều kiện gì. 

Chúng ta biết rằng, theo như trong kinh thì những người sống cùng thời với Đức Phật đã mô tả Ngài luôn luôn mỉm cười. Điều đó minh chứng cuộc đời Ngài luôn luôn hiện hữu sự hỷ lạc, không có bất kỳ sự lo âu nào làm tâm thức Ngài có thể dao động. Chính vì lẽ đó, hầu hết các tượng và tranh Phật đều khắc họa hình ảnh Ngài với gương mặt bình thản, tươi cười. Nụ cười của Ngài không rõ ràng như các tượng Phật Di Lặc, nhưng có độ sâu lắng, truyền trao nội lực cho người chiêm ngưỡng, lễ bái để có sức mạnh nội tại mà thực thi các hạnh nguyện tốt lành. 

Từ hiện thực cuộc sống đầy sống động và đa sắc diện, Ngài đã xác chứng niềm vui cùng sự hỷ lạc do công phu tự thân tu tập, tự thân hành trì, tự thân chứng ngộ, khác hẳn tất cả niềm vui thế gian có được. Ngài khẳng định, niềm vui của đạo Phật chân thực, trong sáng, lâu bền hơn tất cả với bất cứ ai hướng tâm học tập, tu tập giáo pháp mà Như Lai đã thực tu và thực chứng. Trong Kinh Tiểu Kinh Khổ Uẩn, khi các tu sĩ phái Ni Kiền Tử (Nigantha) hỏi Phật là niềm vui của Phật và niềm vui của Bimbisara, xứ Magatha, nếu so sánh bên nào hơn, Đức Phật nói: “Ta có thể không di động thân thể, không nói lên một lời, sống cảm giác thuần túy lạc thọ luôn trong hai ngày hai đêm, luôn trong ba ngày ba đêm, luôn trong bốn ngày bốn đêm, luôn trong năm ngày, năm đêm, luôn trong sáu ngày sáu đêm, luôn trong bảy ngày bảy đêm. Chư hiền Nigantha, nhà ngươi nghĩ thế nào, sự kiện là như vậy? Ai sống hạnh phúc hơn, vua Bimbisara Seniya hay Ta?”

Nếu Niết Bàn được đạo Phật xác nhận là niềm vui, niềm an lạc không gì hơn, thì ngay trong quá trình tu tập tiến tới cảnh giới Niết Bàn, Phật tử đã có thể hưởng được hương vị thật sự của niềm vui đó, khi lần lượt cởi bỏ ba độc tham sân si và các phiền não khác.

Cuối cùng, các tu sĩ phái Nigatha thừa nhận là Phật sống hạnh phúc hơn vua Bimbisara” [1].

Nhưng có thể nói, niềm vui của Đức Phật, về chất lượng khác hẳn với niềm vui tầm thường của vua chúa nói chung, của vua Bimbisara nói riêng. Đó là niềm vui xuất thế mà người thế tục không thể ý thức được. Đối với những người đệ tử của Ngài sống trong đạo, tu đạo và chứng đạo cũng thế, tự thân chính họ cũng là những người an trú trong Chánh pháp, hỷ lạc trong pháp. Ngay trong bài Thiền Tịch Phú, Thiền sư Chân Nguyên đã mở đầu bằng những câu rất vui và rất thật:

“Vui thay tu đạo Thích!

Vui thay tu đạo Thích!

Lọ phải thành đô, nào nề tuyền thạch,

Dù ngồi nơi cảnh trí trang nghiêm,

Hoặc ở chốn chùa chiền cô tịch,

Đâu cũng giòng phúc đức trang nghiêm…”.

Có thể nói, Tăng Ni, Phật tử, xuất gia cũng như tại gia, ở đâu cũng một niềm hoan hỷ, đúng như lời vua Pasenadi tán thán chư Tăng trước Đức Phật trong Kinh Pháp Trang Nghiêm: “Ở đây, bạch Thế Tôn, con thấy các Tỳ kheo hân hoan, phấn khởi, hỷ lạc, các căn thoải mái, không dao động, bình tĩnh…”. Và vua Pasenadi cho rằng: sở dĩ được như vầy là vì các vị Tỳ kheo đó “chắc chắn đã thể nghiệm được ý nghĩa cao cả và sâu sắc của giáo lý của Đức Thế Tôn”. Khi chúng ta học Phật và tu theo Phật không phải để chịu khổ mà để diệt khổ, hưởng lạc ngay trong hiện tại, không phải chờ đợi mai sau. Đó là sự an lạc của một nội tâm đã gột bỏ mọi tham ái, dục vọng, trở nên an tịnh và trầm lặng. Đó là niềm an lạc của giải thoát, tuy chưa phải Niết Bàn, nhưng đã hướng tới Niết Bàn.

 

Theo bản Kinh Nhất dạ Hiền giả [2], một bản kinh đi vào tâm khảm người Phật tử, niềm vui thật sự trong đời sống hiện hữu không hề xa lạ đến mức con người không thể nắm bắt được. Nội dung bài kinh đã thâu tóm toàn bộ giá trị con người hiểu đạo và hành đạo với thái độ sống lấy tuệ giác soi chiếu vào nội tâm, từ đó sống với thực tại “đang là”, chứ không phải vọng ngưỡng các tham dục khát ái, đam mê hào nhoáng lộng lẫy bên ngoài, hương vị ngọt ngào trần thế, đa sắc màu huyền ảo… Hãy chiêm nghiệm lời dạy của Đức Phật qua bài kinh nói trên:

Tương lai không ước vọng,

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Tuệ quán chính ở đây,…

Trú như vậy nhiệt tâm,

Đêm ngày không mệt mỏi,

Xứng đáng Nhất Dạ Hiền,

Bậc an tịnh trầm lặng…”.

Bài kệ tán thán người ngộ đạo không đeo đuổi quá khứ, không ước vọng tương lai, cũng không bị lôi cuốn trong hiện tại bởi tham ái và dục vọng, nhờ tuệ quán, tức nhờ quan sát bằng trí tuệ, thấy rõ mọi sự vật ở hiện tại đều chỉ là nhân duyên giả hợp mà thành, vô thường, không có thực thể, không xứng đáng để tham đắm. Nhờ đó, người ngộ đạo sống an tịnh, trầm lặng, vui niềm của giải thoát.

Cần nói thêm, Đức Phật không những chỉ đề cao niềm vui siêu thế và giải thoát, mà trong nhiều bài kinh, cũng có nói tới những niềm vui xuất thế và giải thoát chắc thật hơn nhiều, siêu việt hơn nhiều. Thậm chí, Đức Phật còn khích lệ những người học Phật đang sống trong cuộc sống vì sự sinh tồn, vì gia đình, cũng cần có những niềm vui như: niềm vui có của, niềm vui được giàu có, niềm vui không nợ nần… Đức Phật dạy: “Có bốn niềm vui mà người tại gia cảm thọ, đó là niềm vui có của, niềm vui giàu có, niềm vui không nợ và niềm vui không phạm lỗi lầm, không bị chê trách”.

Hãy bắt đầu về niềm vui có của, Đức Phật dạy: “Thế nào là niềm vui có của? Ở đây gia chủ có của cải nhờ phấn đấu tích cực, gom góp được bằng sức của bàn tay, bằng mồ hôi, đúng pháp, và tích lũy đúng pháp, và có suy nghĩ như sau: Của cải này là của tôi, có được nhờ phấn đấu tích cực, tích lũy đúng pháp, cho nên niềm vui và thỏa mãn đến ông ta. Đó là niềm vui có của cải”. Rõ ràng, niềm vui có của, tức tài sản vật chất giúp trang trải cuộc sống, giải quyết những lo toan hay vấn đề sinh tồn là trách nhiệm mà mỗi người sinh ra ở đời cần tự xử lý. Để có niềm vui thật sự về của cải tài sản mình có được mà không sợ mất mát thì phải nỗ lực làm đúng chánh pháp, tích lũy đúng chánh pháp từ đôi bàn tay chăm chỉ và khối óc đầy tư duy sáng tạo. Sự nhiệt tâm tinh cần lao động với thành quả có được do chính mình tạo ra là niềm hạnh phúc thật sự. 

Đối với niềm vui thứ hai là được giàu có. Đức Phật dạy: “Thế nào là niềm vui được giàu có? Ở đây vị gia chủ được giàu có nhờ phấn đấu tích cực, vui vẻ nhờ giàu có mà làm nhiều việc lành. Vì có suy nghĩ: “Nhờ giàu có mà có thể hưởng thụ sự giàu có và làm các việc thiện lành”, cho nên niềm vui và sự thỏa mãn đến với ông ta. Đó là niềm vui được giàu có”. Niềm vui thứ hai bắt nguồn từ niềm vui thứ nhất mà Phật tử tại gia có được. Đó là kết quả tích cực từ sự tích lũy của cải chân chánh do sức lao động và trí tuệ của mình làm ra. Nhờ vậy, trở nên giàu có mới hội đủ điều kiện làm việc thiện lành. Điều này có nghĩa là sự phát tâm chia sẻ và thực hành hạnh bố thí, cúng dường – một trong những hạnh tu Bố thí ba la mật trong lục độ, sẽ đem lại giá trị hạnh phúc tự thân và cộng đồng.

Niềm vui thứ ba là niềm vui không có nợ nần. Đức Phật dạy: “Thế nào là niềm vui không có nợ nần? Ở đây vị gia chủ không có nợ nần, nhiều hay ít đối với bất cứ một ai. Và có ý nghĩ “không có mắc nợ dù ít hay nhiều đối với bất cứ ai”, cho nên niềm vui và thỏa mãn đến với ông ta. Đó là niềm vui không có nợ nần”. Xem ra, niềm vui thứ ba là niềm vui của Phật tử tại gia không có nợ nần với bất cứ ai trong cuộc sống thường nhật, cơm gạo áo tiền hay buôn bán làm ăn. Có thể nói, đây là niềm vui cá nhân, thể hiện tính độc lập tự chủ sinh mạng của mình.

Niềm vui thứ tư là niềm vui không bị người khác chê trách. Đức Phật dạy: “Và thế nào là niềm vui không bị chê trách? Ở đây vị gia chủ Thánh đệ tử có niềm vui vì các hành động ở nơi thân, lời nói và ý nghĩ của mình đều không có gì đáng chê trách. Với ý nghĩ: “Tôi không có gì đáng chê trách ở nơi thân, miệng và ý”, niềm vui và thỏa mãn đến với ông ta” [3]. Đây chính là niềm vui của sự hoan hỷ, bởi tự thân không có sự chê trách về lời nói, việc làm và cả ý nghĩ trong suy tư. Tại đây tâm an nhiên không có sự lo âu, phiền não. Tiếp đó, Đức Phật nói trong bốn niềm vui trên của người tại gia, niềm vui không có gì đáng chê trách nơi hành động, lời nói và ý nghĩ là siêu việt hơn cả.

Dẫn chứng các đoạn kinh trên để khẳng định Đức Phật không phải nói đời là khổ, chỉ có khổ cho những người không biết tu tập tự thân. Được sinh ra ở cõi người là cõi thiện, cõi lành và được sanh làm người là điều hạnh phúc. Thế nhưng, Đức Phật là bậc trí tuệ lớn, Ngài không muốn con người an phận với đời sống, với những niềm vui tầm thường, nhỏ bé, giả tạo của thế tục. Ngài muốn con người sống nếp sống hướng thượng, rời bỏ niềm vui thế tục, vươn tới niềm vui chắc thật, vững bền của giác ngộ và giải thoát.

Nếu Niết Bàn được đạo Phật xác nhận là niềm vui, niềm an lạc không gì hơn, thì ngay trong quá trình tu tập tiến tới cảnh giới Niết Bàn, Phật tử đã có thể hưởng được hương vị thật sự của niềm vui đó, khi lần lượt cởi bỏ ba độc tham sân si và các phiền não khác. Chính Đức Phật nói tới niềm vui thật sự ở nhiều trường hợp trong khi học Phật, tu theo Phật, chứng ngộ đạo Phật. Ví dụ, Đức Phật nói tới niềm vui giải thoát của người sống đời phạm hạnh, cởi bỏ mọi dục vọng và pháp bất thiện, khi Ngài nói đến tâm trạng của người chứng sơ thiền. Sơ thiền là cấp thiền định thứ nhất, người tu thiền đạt được khi xóa bỏ hết năm triền cái (tức năm ràng buộc), cụ thể là xóa bỏ tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo cử và nghi. Cấp sơ thiền thường được kinh Phật mô tả bằng lời lẽ như một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Hỷ lạc là niềm vui trong tâm và thân.

Đến cấp thiền thứ hai, người tu hành cảm nhận một niềm vui sâu sắc hơn, cao cấp hơn mà kinh Phật mô tả bằng lời lẽ như: “Một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh, nhất tâm”. Như vậy ở cấp Sơ thiền, nguồn gốc của niềm vui (hỷ lạc) là do cởi bỏ được dục vọng và các pháp bất thiện. Cấp thiền thứ hai, nguồn gốc của niềm vui là do định tâm. Tâm của người tu thiền định tĩnh tập trung vào một điểm (nội tĩnh nhất tâm). 

Đến cấp thiền thứ ba, người tu thiền bỏ cả hỷ (nếu là niềm vui trong tâm), cảm nhận một niềm vui cao cấp hơn nữa, mà kinh sách thường mô tả bằng lời lẽ như: “ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú”. Như vây, niềm vui của cấp thiền thứ ba không còn do ly dục hay định tâm nữa, mà do xả. Xả là cởi bỏ. Cởi bỏ gì ở cấp thiền này? Xả ở đây chỉ một tâm trạng giải thoát, không còn gắn bó vào một cái gì nữa, kể cả hỷ. Bởi hỷ là tâm vui, mà tâm vui nghĩa là còn động. Khi tâm đã trú xả thì không còn động nữa.

Còn cảnh giới cấp thiền thứ tư thường được kinh Phật mô tả rằng: “Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ  trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh”. Đến cấp thiền thứ tư, người tu thiền không những bỏ hỷ mà bỏ các lạc nữa. Tâm thanh tịnh hoàn toàn, không phải là niềm vui của định tâm, mà là  niềm vui của xả, của giải thoát.

Tóm lại, cuộc sống vốn biến động, thay đổi không ngừng. Cũng từ trong sự biến động và thay đổi đó, con người phải đối diện biết bao khổ đau giữa hiện hữu và mất đi, giữa sự sống và cái chết, giữa chân thật và giả danh… Chính khổ đau đó mà đạo Phật đã đem đến cho con người hạnh phúc từ những niềm vui và sự an lạc khi học Phật, làm theo Phật và chứng đắc quả vị Phật. Rõ ràng, đạo Phật là đạo của niềm vui và sự an lạc dành cho tất cả mọi người hiện hữu trên thế gian này, không biệt màu da, sắc tộc, giai cấp hay thành phần nào trong xã hội. Đó là giá trị đạo Phật đem đến cho con người, cho cuộc sống như hương thơm quả ngọt trổ đầy vào mùa xuân tươi thắm. 

 

TT.TS Thích Phước Đạt/TCVHPG405

Chú thích:

* Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Phước Đạt – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

[1] Kinh Tiểu Kinh Khổ Uẩn, kinh 14, Trung Bộ Kinh, tập I, Trường Cao cấp Phật học, 1986, tr.210.

[2] Thích Minh Châu (1986), Kinh Trung Bộ, tập III, Trường Cao cấp Phật học, tr.336.

[3] Kinh Tăng Chi, tập III, tr.77-78.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin