Chi tiết tin tức Bô Đề đạo tràng - Nơi đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo 15:32:00 - 24/06/2017
(PGNĐ) - Bồ đề Đạo tràng được xem là khu Thánh địa thiêng liêng bậc nhất trong các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ. Nơi đây, luôn được sự quan tâm với lòng kính trọng đặc biệt của Phật tử và các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới.
Tháp Đại Giác ngộ
Bồ Đề Đạo Tràng nằm ở phía Nam thành Gaya, nước Ma Kiệt Đà (Magadha) thời Ấn Độ cổ đại, nay là vùng ngoại ô Bodhgaya, cách thành phố Gaya khoảng 7 km về phía Nam thuộc bang Bihar - Cộng hòa Ấn Độ. Hiện nay, khu Bồ Đề Đạo Tràng có diện tích khoảng 3 hecta đất, bao gồm nhiều thánh tích quan trọng như tháp Đại Giác, cội Bồ Đề, Bảo Toà Kim Cang, bảy nơi đức Phật ngự sau khi thành đạo, quần thể tháp cổ..... Và dường như Bồ Đề Đạo Tràng khu là thánh tích còn nguyên vẹn nhất so với tất cả những thánh tích khác liên quan đến Phật giáo trên đất nước Ấn Độ. Giá trị nhất trong khu thánh địa này chính là ngôi Đại Tháp và cội cây Bồ Đề thiêng, nơi đức Phật thành đạo vẫn còn tồn tại mãi theo dòng chảy thời gian. Cho dù cuộc đời có đổi thay bao lần, sự biến thiên thăng trầm trong vũ trụ, thì những gì liên quan đến cuộc đời đức Phật vẫn còn tồn tại, để được biết đến như một báu vật trong tiến trình phát triển văn minh và văn hoá nhân loại. Vì lẽ đó, vào ngày 27/6/2003, UNESCO, một tổ chức văn hoá, xã hội, giáo dục của liên hiệp quốc chính thức công nhận Bồ Đề Đạo Tràng trong danh sách di tích văn hoá thế giới.
Bên trong tháp Đại Giác ngộ
Bồ-đề Đạo Tràng ở Ấn Độ được biết là nơi thiêng liêng nhất của giới Phật giáo. Từ một ngôi làng nhỏ Uruvela (Uruvella), nơi này trở thành một địa danh nổi tiếng cho sự thanh bình, trở về nội tâm và thức tỉnh. Thái tử Sĩ-đạt-ta, Sa-môn Cù-đàm đã đạt được giác ngộ tại đây cách nay 25 thế kỷ. Đại tháp Bồ-đề (the Maha Bodhi Temple) là nơi gắn liền với những dữ kiện giác ngộ của Đức Phật. Nói một cách cụ thể có ba vật liên kết chặc chẻ với sự chứng ngộ của Ngài là ngôi đại tháp (Maha Bodhi), cây bồ-đề thiêng liêng (Bodhi tree) và tòa Kim cang (Vajrasana).
Tăng Ni Phật tử Việt Nam bên tháp Đại Giác ngộ
Lịch sử ghi lại rằng, khi Thái tử Tất-đạt-đa (Siddhatta) từ bỏ tất cả những dục lạc thế gian, rời bỏ hoàng cung đi tìm chân lý, Ngài đã có định hướng rõ ràng. Sau khi rời khỏi kinh thành Kapilavastu (Ca-tỳ-la-vệ), Thái tử trở thành người hành khất và Ngài đã đi bộ suốt đoạn đường 643km (400 dặm) đến Rajagaha (Vương-xá), nơi mà sau đó nổi tiếng là quê hương của những nhà triết học và những nhà tư tưởng lớn. Tại đó, Ngài đã lưu trú khá lâu trong tu viện của đạo sư Alara Kalama. Không thỏa mãn với giáo lý ở đây, Ngài đã tìm đến đạo sư Uddaka Ramamputta (Uất-đầu-lam-phất) và thực hành thiền định. Ngài cũng đã chứng đạt thiền định như hai vị thầy, nhưng Ngài nhận ra rằng đây không phải là chân lý tối thượng. Để tìm cầu chân lý giải thoát, Bồ-tát đã đi đến cánh rừng Uruvela, cách đó khoảng 64 km, cùng với năm vị đạo sĩ mà Ngài đã từng gặp tại Ragajaha, bắt đầu thực hành phương pháp khổ hạnh. Bồ-tát đã thực hành những phương pháp hành xác khắc nghiệt nhất trong sáu năm ròng, nhưng vẫn không đạt được những gì mà Ngài mong đợi. Nhận thấy sự vô ích của lối tu hành xác, Bồ-tát đã từ bỏ con đường tu hành khổ hạnh và nhận bát sữa dâng cúng của nàng Sujata (Tu-xà-đề), con gái của vị trưởng làng bên cạnh, Senani. Việc làm này của Thái tử Siddharta đã khiến cho năm người bạn đồng tu hành khổ hạnh đã từ bỏ Ngài. Rồi từ đó, Bồ-tát đã một mình một bóng đi tìm chân lý.
Hàng ngày vẫn có rất đông chư Tăng Ni và Phật tử ngồi thiền, tụng kinh tại tháp Đại Giác ngộ
Hồi phục lại sức khỏe sau khi dùng bát sữa, Bồ-tát nhận ra các phương pháp thực hành trước đây đều là sai lệch. Xác định được mục đích, Ngài đi đến một cội Bồ-đề, phía tây sông Neranjara, Ngài ngồi kiết già dưới cội cây này và phát nguyện không đứng dậy nếu không chứng đắc được chân lý tối thượng. Ngài tọa thiền như vậy ròng suốt 49 ngày đêm. Vào đêm trước khi Ngài chứng đắc Phật quả, Ma vương đã dùng những kỷ nữ xinh đẹp ca múa quyến rũ bằng nhiều cách để cản trở sự nỗ lực của Ngài. Nhưng mọi sự cản trở của Ma vương đều thất bại. Cuối cùng chúng biến mất trong sự bực tức. Sự kiện giác ngộ này được tôn giả Mã-Minh viết như sau: "Suốt đêm ấy, vào canh thứ nhất Bồ-tát chứng được Túc Mạng Minh, vào canh thứ hai Ngài chứng được Thiên Nhãn Minh và vào canh cuối Ngài thấu hiểu được chân lý duyên sinh. Khi mặt trời mọc, Ngài đạt được toàn giác." Chính vì thế, Bồ Đề Đạo Tràng đã trở thành cái nôi của lịch sử văn hóa Phật giáo và các đệ tử Phật đều ao ước được ít nhất một lần đến chiêm bái nơi này.
Cội Bồ đề, nơi đức Phật tọa thiền thành đạo
Tại Thánh tích này, tòa cỏ Đức Phật ngồi thiền, cây Bồ-đề đều được chăm sóc kỹ lưỡng. Những bia tháp và những cột đá lớn nhỏ chung quanh Bồ Đề Đạo Tràng, do các du Tăng Ấn Độ, Trung Quốc và các nước khác tự đắp để cúng dường khi đến chiêm bái Thánh địa này, cùng với tài liệu ghi chép của ngài Tam Tạng Huyền Trang…, đã cho chúng ta hình dung ra được quang cảnh sầm uất rực rỡ của địa danh này trong quá khứ hơn 2500 năm trước. Cây Bồ-đề bây giờ là cây cháu cây chắt nhiều đời của cây Bồ-đề gốc, cành lá vẫn xum xuê, thân cây to lớn rắn chắc. Ngài Alexander Cunningham và một số nhà bác học khác là những người đầu tiên khai quật những bia ký và trụ đá tại Bồ Đề Đạo Tràng. Đại tháp Bồ Đề (tháp Đại Giác) đã được trùng tu nhiều lần với kinh phí rất to lớn. Ngôi đại tháp Bồ Đề chúng ta thấy hiện nay là ngôi tháp mới được xây lại sau này. Theo sự miêu tả của ngài Tam Tạng Huyền Trang thì đại tháp Bồ Đề đã được xây dựng từ thế kỷ thứ VII sau Công Nguyên theo mô hình của một đại bảo tháp tại Miến Điện.
Hương, hoa và các phẩm vật cúng dàng
Đại tháp đã được sửa chữa nhiều lần và gần đây nhất vào thập niên cuối của thế kỷ XIX, do phái đoàn người Miến Điện của vua Kyanzitha phái sang. Theo sự mô tả của Ngài Huyền Trang thì cấu trúc, vóc dáng của tháp ngày nay đã có mặt vào thế kỷ VII. Chiều cao của tháp hiện nay khoảng 51 mét (170 feet), gồm chín tầng xây theo hình chóp đứng. Cấu trúc chính được nổi bật nhờ vào vòm tháp và trên nền tháp chính có tháp nhỏ ở bốn góc, một bức họa hình tháp chính thu nhỏ. Các hốc tường tháp đều được chạm khắc hình Phật và các hình tượng Bồ-tát, thần linh theo truyền thống Đại thừa. Trong nhiều thế kỷ sau, Đại tháp Bồ Đề được xem như mẫu lý tưởng về kiến trúc chùa tháp Phật giáo cho các nước ngoài Ấn Độ. Trong tháp, người ta khắc chạm hình tượng Đức Phật thành đạo, Ngài ngồi trong thế Xuất Địa ấn. Phía bắc của ngôi tháp là một con đường hẹp cách mặt đất khoảng 4 bộ. Truyền thuyết cho rằng: Sau khi thành đạo, Đức Phật đã đi thiền hành qua lại trên con đường này. Ngoài ra, còn có nhiều hình hoa sen được chạm trổ trên con đường đó vì người ta tin rằng mỗi bước chân Đức Phật đi đến đâu đều có một hoa sen nở ra đến đó. Người ta còn thấy một mảng đá cát đỏ cạnh cây Bồ Đề, tượng trưng cho đệm cỏ mà hơn 2540 năm trước Đức Phật đã ngồi thiền và chứng đạo. Còn rất nhiều những kiến trúc chạm trổ khác ghi lại hình ảnh của Đức Phật và các Thánh Tăng đại đệ tử, các Phạm Thiên.
Rất đông Phật tử các nước về thăm viếng tháp Đại Giác ngộ
Đây là một trong 4 thánh tích của Phật giáo. Ba Thánh tích còn lại là vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) - nơi Đức Phật đản sinh, vườn Lộc Uyển (Sarnath) - nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên và Câu Thi Na (Kusinara) - nơi Đức Phật nhập Niết Bàn. Ở ngoại thành Bodh Gaya, ngày nay có nhiều chùa được thiết lập của các cộng đồng Phật giáo Thái Lan, Việt Nam, Tích Lan, Miến Điện, Tây Tạng, Bhutan, Nhật Bản...
Ngày nay, Bồ Đề Đạo Tràng tồn tại rực rỡ và trang nghiêm giữa sự thăng trầm của dòng sử Phật giáo Ấn Độ. Thánh tích này ngày càng trở thành nơi hành hương tâm linh phồn thịnh nhất, có sức thu hút mãnh liệt không những đối với tín đồ Phật giáo mà ngay cả những người ngoài Phật giáo và còn là đề tài nghiên cứu bất tận cho các nhà khảo cứu trên toàn thế giới.
Giác Vũ tổng hợp
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |